Bí thư TP.HCM: ‘Phải ứng xử như trong chiến tranh dù không có tiếng súng’
Bí thư TP.HCM cho rằng, cả nước đang bước vào cuộc chiến tranh virus dù không có tiếng súng, vì vậy, mọi người phải ứng xử như trong chiến tranh.
Tối 24/3, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết, chúng ta đang sống ở thời điểm mà tốc độ lây lan dịch Covid-19 rất khủng khiếp. Ông Nhân cho rằng, trong khoảng 10 ngày đến 2 tuần tới, chúng ta phải cố giữ đừng vượt 1.000 ca nhiễm trên toàn quốc.
“ Nếu để đến giai đoạn mỗi ngày tăng thêm 2.000 ca nhiễm trở lên thì chúng ta có xây dựng bệnh viện ngàn giường cũng không có tác dụng gì cả“, ông Nhân cho biết.
Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận định, cả nước đang bước vào một cuộc chiến tranh là chiến tranh virus. Do vậy, mọi người dân phải ứng xử như trong chiến tranh, dù không có tiếng súng. Trong khi dịch bệnh đang xảy ra mà đòi tự do, vui sướng trước thì về sau sẽ rất khổ.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân.
Đặc biệt, ông Nguyễn Thiện Nhân lấy bài học về công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao của Hàn Quốc và Nhật Bản và đề nghị TP.HCM cần duy trì các biện pháp đã làm và học các mô hình hay.
Theo đó, ông Nhân cho biết, chặn dứt khoát người từ vùng dịch về cắt nguy cơ lây từ bên ngoài; làm tốt công tác xét nghiệm, cách ly giám sát ngay các ca bệnh, việc đeo khẩu trang cũng được chấp hành tốt; đóng cửa trường học, đình chỉ các hoạt động đông người, người dân tiếp xúc virus phải tự giác cách ly 14 ngày; nâng cấp hệ thống y tế, nguyên tắc là đã nhiễm thì phải vào bệnh viện chữa; phạt nặng những cá nhân vi phạm lệnh cách ly, bán khẩu trang cũ…
Video đang HOT
Nói về vụ việc người dân tụ tập tiếp tế đồ ăn tại khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM (quận Thủ Đức), ông Nhân cho biết từ 8h00 ngày 24/3, thành phố sẽ cấm việc tiếp tế (trừ thuốc men…) để tránh nguy cơ lây nhiễm. Đại học Quốc gia TP.HCM là nơi cung ứng đến 80% trong tổng số 21.5000 giường cách ly nên thành phố cần phải có ứng xử hợp lý, đảm bảo an ninh trật tự, bố trí lực lượng trực gác xung quanh, đảm bảo người lạ không vào được bởi lực lượng của Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ không đủ.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM cho rằng, chính quyền cần hỗ trợ người lao động phải ở nhà trông con vì đó là hành động có trách nhiệm với xã hội.
“ Phải làm sao khi người lao động không thể đi làm cũng phải có đủ tiền mua thức ăn cho bản thân và con cái họ. Chúng ta cần tính toán huy động các nguồn lực ngân sách để hỗ trợ người dân”, ông Nhân nhấn mạnh.
MINH TUẤN
Cáo phó nạn nhân Covid-19 phủ kín báo Italy
Tại Bergamo, lò hỏa táng hoạt động 24 giờ một ngày nhưng các quan tài vẫn xếp hàng dài chờ đợi. Mục cáo phó hàng ngày trên tờ báo địa phương tăng từ 2-3 trang lên 10 trang như "bản tin chiến tranh".
Chỉ xét riêng con số tử vong, Covid-19 đã gây ra một thảm họa cho tỉnh Bergamo giàu có miền bắc Italy. Khắp Bergamo là cảnh tang tóc. Nhiều người được đưa lên những chiếc xe cứu thương, chở đến bệnh viện và qua đời mà không gặp bất cứ người thân nào. Nhiều đám tang đã diễn ra với chỉ một linh mục và một nhân viên nhà tang lễ. Các thành viên của gia đình không thể có mặt vì đang trong thời hạn cách ly hoặc chính bản thân họ cũng nhiễm bệnh.
Danh sách người tử vong và chờ hỏa táng cứ nối dài. "Tình hình còn tồi tệ hơn cả chiến tranh. Cha tôi đang chờ được chôn cất. Còn chúng tôi ở đây, đợi nói với ông lời vĩnh biệt", bà Marta Testa, 43 tuổi nói. Cha của Testa qua đời hôm 11/3 ở tuổi 85 vì Covid-19, còn bà đang phải tự cách ly theo dõi.
Cáo phó nạn nhân Covid-19 trên tờ báo địa phương L'Eco di Bergamo hôm 13/3. Ảnh: L'Eco di Bergamo.
Trong lúc các quốc gia châu Âu khác mới chỉ bắt đầu vật lộn với những hệ lụy của đại dịch thì Italy đã hứng chịu mất mát nặng nề với ngày càng nhiều người ra đi trong cô độc. Gần 3.000 người ở Italy đã chết với một nửa số ca tử vong chỉ trong vòng 5 ngày gần đây. Hầu hết đều giống như cha của bà Testa. Họ được đưa đến bệnh viện và không còn cơ hội gặp lại hay nói lời trăng trối với gia đình.
"Khoảnh khắc đưa tiễn người hấp hối là ở bên cạnh họ, vậy mà chúng tôi lại phải làm việc ấy qua điện thoại", bà Testa buồn bã nói. Cha mẹ bà kết hôn đã 50 năm, mẹ của bà cũng nhiễm virus nhưng đang trong quá trình hồi phục.
Dịch bệnh đã lan ra khắp thế giới nhưng Italy đang là nơi có số lượng ca lây nhiễm và tử vong nhanh nhất với kỷ lục 475 người chết một ngày, vượt qua Vũ Hán, nơi khởi nguồn của Covid-19. Và Bergamo, thành phố giàu có phía đông Milan với dân số 1,1 triệu người, đang trở thành điểm nóng nhất. Các bệnh viện ở đây đang quá tải và nhà chức trách huy động cả quân đội đến để hỗ trợ. Bergamo như một "thành phố ma", nơi mà chỉ nghe thấy tiếng xe cứu thương và xe tang chạy trên đường phố.
"Như thể một quả bom hóa học vừa phát nổ", Daniela Taiocchi, 49 tuổi, người phụ trách mục cáo phó của tờ báo địa phương L'Eco di Bergamo nói.
Bergamo cũng được xem như một lời cảnh báo về khả năng bùng phát dịch nếu như các biện pháp hạn chế không được triển khai nhanh chóng. Italy xử lý ổ dịch đầu tiên ở tỉnh Lodi bằng việc phong tỏa 10 thành phố trong hơn ba tuần. Song chính phủ nước này đã chờ quá lâu để áp dụng các biện pháp tương tự ở những địa phương khác nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Hiện số ca nhiễm ở Bergamo đã cao gấp ba lần so với Lodi.
"Các nhà xác và cơ sở y tế đang vỡ trận", Claudia Scotti, chủ một nhà tang lễ cho biết. "Chúng tôi hoàn toàn không được chuẩn bị cho một tình huống khẩn cấp như thế này".
Thông báo tin buồn tràn ngập trên tờ L'Eco di Bergamo. Họ là các cựu chính trị gia, kỹ sư điện, các nhân viên trực tổng đài, các linh mục, hầu hết đều ở độ tuổi 70 hoặc 80. Những bản cáo phó ngắn ngủi không đề cập đến lý do qua đời nhưng biên tập viên của tờ báo ước tính 90% là do corona. Thay vào đó trên cáo phó là thông tin thể hiện rõ nhất mức độ thảm khốc của dịch bệnh. Hầu hết đều cùng nội dung là "thi thể được chuyển trực tiếp đến lò hỏa táng", đám tang diễn ra "hoàn toàn riêng tư", hay lễ tang sẽ được tổ chức vào "một thời gian chưa xác định".
Các nhân viên nhà tang lễ di chuyển một cỗ quan tài tại nghĩa trang Bergamo. Ảnh: Reuters.
Trên khắp Italy, việc tổ chức lễ tang bên trong nhà thờ tạm thời bị cấm như một phần của lệnh cấm tụ tập đông người của chính phủ. Ở Bergamo, một số người không nằm trong diện bị cách ly được phép đến dự những lễ an táng nhỏ tại nghĩa trang nhưng số lượng không quá 10 người. Ngoài ra còn lại tất cả các nghĩa trang trong thành phố đều đóng vì lo ngại người dân có thể sử dụng các phương tiện công cộng đến viếng mộ người quá cố và không may bị nhiễm virus.
Văn phòng thị trưởng Bergamo khuyến cáo nên tổ chức hỏa táng cho những người chết vì Covid-19. Từ hôm 11/3, nhà hỏa táng địa phương bắt đầu hoạt động suốt ngày đêm. "Nơi này không lúc nào đóng cửa nhưng vẫn không thể xử lý được hết", Francesco Alleva, người phát ngôn của thị trưởng cho biết.
Tổng biên tập của tờ L'Eco di Bergamo, ông Alberto Ceresoli, nói rằng Italy đang trải qua một "thảm kịch tập thể", virus đang "tàn phá" nơi ông sống. Đã có lúc, Ceresoli cân nhắc liệu có nên chuyển mục cáo phó ra đằng sau tờ báo để tránh gây xúc động quá mức cho độc giả. Nhưng rồi ông quyết định giữ nguyên vì mọi người cần được biết về những gì đang xảy ra, và để cho tên của những người đã mất xuất hiện ở ngay trang chính.
Tin buồn về ông Renzo Testa xuất hiện trên số báo ra ngày 13/3 cùng một tấm ảnh chân dung, bên cạnh là dòng trích dẫn lời Giáo hoàng Francis. Phía dưới ảnh ghi thông tin cơ bản về gia đình và những cống hiến của ông cho xã hội.
"Cha tôi không mắc bệnh lý nền nào. Chúng tôi luôn nghĩ ông rất khỏe mạnh và sẽ vượt qua được, nhưng hy vọng đó đã vụt tắt", bà Testa nói.
Bệnh viện gọi cho Testa vào nửa đêm 11/3 để thông báo cha bà đã không qua khỏi. Quan tài của ông được đưa tới một nhà thờ, chờ đến lượt chôn cất. Nếu quá trình diễn ra sớm, ông sẽ được chôn cất mà không có mặt vợ con ở đó. Bà Testa cho biết gia đình bà vẫn có kế hoạch tổ chức một buổi lễ tưởng nhớ ông.
"Vào một thời điểm thuận lợi hơn", bà nói.
Sơn Nam (Theo WP)
Theo ngoisao.net
Bệnh nhân 61 đã đi đâu trong 11 ngày trước khi phát bệnh? Bệnh nhân COVID-19 thứ 61 đã về nước 11 ngày và sống trong cộng đồng trước khi có kết quả dương tính. Cho đến 23g15 ngày 16-3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh Ninh Thuận vẫn đang họp sau khi một người dân Văn Lâm, xã Phước Nam trở về từ Malaysia ngày 4-3 và ngày 16-3 được xác định...