Bí thư TP.HCM: Khả năng chịu đựng của Việt Nam ở ngưỡng ‘an toàn rất cao’
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết Việt Nam đã chủ động chuẩn bị cho việc cách ly và điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 nên không lâm vào tình cảnh thiếu giường bệnh như một số quốc gia khác.
TP.HCM đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19 Ảnh: Sỹ Đông
Phát biểu tại buổi họp giao ban trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định Việt Nam đang ở ngưỡng “an toàn rất cao”.
Hiện số ca nhiễm dịch bệnh Covid-19 bình quân trên 1 triệu dân của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Cụ thể, Việt Nam chỉ có 2,4 người nhiễm trong khi các nước khác cao hơn rất nhiều như: Nhật Bản (25 ca), Brazil (54 ca), Singapore (205 ca), Mỹ (hơn 700 ca), Pháp (900 ca), Đức (1.000 ca) và Tây Ban Nha (2.400 ca). Bên cạnh đó, Việt Nam chỉ có 25/63 tỉnh, thành phố có ca nhiễm Covid-19 trong khi các nước như Hàn Quốc, Đức, Pháp có 100% số tỉnh hoặc số bang có ca nhiễm.
“Khả năng chịu đựng của hệ thống y tế của VN là 251/3.500 giường sẵn sàng điều trị (tương đương số giường dưới 5%) nên nếu tiếp tục thực hiện công tác phòng dịch như thời gian qua thì sẽ duy trì được kết quả này”, ông Nhân nhận định.
TP.HCM đang triển khai kiểm dịch y tế đối với người từ các địa phương khác vào thành phố thông qua 62 chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 Ảnh: Sỹ Đông
62 chốt kiểm soát ở TP.HCM ngăn chặn Covid-19 như thế nào?
Riêng TP.HCM còn trống 8.400/12.600 chỗ cách ly (tương đương 66%) nên Bí thư Thành ủy TP cho rằng kế hoạch triển khai thêm 12.000 chỗ cách ly của đợt 2 tạm thời chưa cần thiết. Bên cạnh đó, năng lực điều trị của TP.HCM đạt 2.300 giường bệnh, trong đó 1.000 giường sẵn sàng tiếp nhận người bệnh trong khi chỉ điều trị cho 31 bệnh nhân.
Không giống như nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Mỹ đang thiếu giường bệnh, số giường bệnh ở Việt Nam có đến hơn 95% chưa cần dùng đến. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết có được kết quả này là do Việt Nam đã chủ động chuẩn bị từ trước.
Sỹ Đông
Thêm máy thở mới yên tâm!
Máy thở là thiết bị y tế cần thiết khi phòng chống các dịch bệnh đường hô hấp, do ở giai đoạn bệnh nặng thì bệnh nhân cần được hỗ trợ thở.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân trong phòng cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: D.PHAN
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, trong 46 bệnh nhân điều trị thời gian qua đã có 3 người phải thở máy, 7 người có nguy cơ tiến triển nặng và một số trong nhóm 7 người có nguy cơ đã phải thở oxy.
Cả nước có 4.000 máy thở
Theo ông Nguyễn Trường Sơn - thứ trưởng Bộ Y tế, thống kê cho thấy đến nay các bệnh viện và dự trữ quốc gia đã có gần 4.000 máy thở. Bộ Y tế đã có dự trù mua sắm thêm máy thở từ nguồn kinh phí hỗ trợ của cộng đồng và các doanh nghiệp.
Ngoài ra, từ nguồn tiền hỗ trợ của cộng đồng, bộ sẽ cân đối để mua thêm máy lọc máu, hệ thống ECMO (tim phổi ngoài cơ thể)...
Theo các nghiên cứu trong mùa dịch này ở Trung Quốc, thông thường khoảng 19% trong số bệnh nhân COVID-19 là bệnh nặng và rất nặng, trong đó 14% là bệnh nặng, 5% rất nặng. Số người bệnh rất nặng đều phải sử dụng máy thở.
Thời gian qua, tại Ý và nhiều quốc gia có tỉ lệ tử vong cao đều do thiếu thiết bị hỗ trợ thở bởi số lượng bệnh nhân gia tăng nhanh, người dùng máy thở tăng đột biến so với thông thường. Việc dự trữ thiết bị y tế để phục vụ các tình huống gia tăng bệnh nhân, giảm thiểu nguy cơ tử vong là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Thành Dũng - giám đốc Khu cách ly tập trung của TP.HCM tại huyện Củ Chi - cũng cho biết hiện khu cách ly có 6 máy thở và nhiều máy monitor... sẵn sàng điều trị bệnh nhân COVID-19 chuyển biến nặng.
Bên cạnh đó, khu cách ly còn có một phòng áp lực âm đảm bảo thực hiện phẫu thuật, thủ thuật đối với bệnh nhân COVID-19 khi cần can thiệp phẫu thuật, thủ thuật. Theo chủ trương của Sở Y tế TP, những bệnh nhân COVID-19 nặng sẽ chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp tục điều trị.
Tăng thêm giường bệnh trị COVID-19
BSCKII Nguyễn Thanh Phong - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho hay bệnh viện đã lên các phương án sẵn sàng tiếp nhận và điều trị những ca COVID-19 nặng.
Mới đây, bệnh viện đã lên kế hoạch trưng dụng khoa hồi sức người lớn và trẻ em thành khoa hồi sức cấp cứu điều trị COVID-19 với công suất 30 giường bệnh khi số lượng bệnh nhân COVID-19 tăng.
Còn theo kế hoạch của Sở Y tế TP Cần Thơ, đáp ứng theo từng cấp độ dịch bệnh COVID-19 sẽ có các kế hoạch ứng phó trong cách ly, điều trị bệnh nhân phù hợp. Hiện tại tập trung đầu mối khám, điều trị bệnh nhân dương tính với COVID-19 tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ.
Nơi này hiện đang tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 số 145, cũng là bệnh nhân dương tính đầu tiên ghi nhận tại khu cách ly của Cần Thơ.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hồng - giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ - cho biết hiện tại bệnh viện có khu cách ly 20 giường bệnh, trong đó dự trù có 5 giường bệnh nhân thở máy.
Khu vực cách ly có đủ các trang thiết bị, nhân lực và thuốc men, dụng cụ bảo hộ chuyên dùng: máy X-quang di động, điện tim, siêu âm và 7 máy thở, được bố trí riêng khu dương tính và nghi ngờ...
Cũng theo bác sĩ Hồng, với tình huống hiện nay, số lượng dưới 10 bệnh nhân, lực lượng cán bộ y tế chia làm 2 ca trực (mỗi ca 7 người) gồm đầy đủ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, lái xe.
Mỗi ca trực sẽ làm liên tục 14 ngày, ăn nghỉ tại chỗ, sau đó ra trực cách ly thêm 14 ngày tại bệnh viện và được về nhà. Bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly dự trù thêm 27 giường, nâng tổng số lên 47 giường điều trị (7 giường có bệnh nhân thở máy).
Riêng với tình huống nếu có 50-100 bệnh nhân, bác sĩ Hồng cho rằng khi đó sẽ phải xin chủ trương chuyển Bệnh viện Lao và bệnh phổi trở thành bệnh viện chuyên dụng điều trị bệnh nhân COVID-19.
"Nhân lực hiện tại của bệnh viện có thể đáp ứng đủ để điều trị cho bệnh nhân trong tình huống trên. Hiện đã có 4 êkip trực đăng ký tình nguyện tham gia điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Đối với trang thiết bị bảo hộ, khẩu trang chuyên dụng cho nhân viên y tế có thể đủ dùng trong một tháng, bệnh viện đã có kế hoạch mua thêm 3.000 bộ đồ bảo hộ và khẩu trang...", bác sĩ Mạnh Hồng chia sẻ thêm.
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã gửi văn bản khẩn đến các cơ sở y tế trên địa bàn đề nghị thực hiện nghiêm các biện pháp giảm tiếp xúc gần giữa nhân viên y tế và người bệnh bằng cách:
- Tăng cường hiệu quả điều trị để rút ngắn thời gian điều trị nội trú cho người bệnh;
- Giữ khoảng cách giữa các giường bệnh bảo đảm cách nhau bằng hoặc hơn 2m;
- Hạn chế tổ chức hội nghị, hội thảo tập trung;
- Tăng cường làm việc trực tuyến;
- Tăng cường đặt lịch hẹn khám qua mạng để giảm tối đa số lượng người bệnh tới khám, chờ khám cùng một thời điểm...
L.ANH - X.MAI - T.LŨY
TP.HCM muốn sử dụng 2.000 giường của quân đội cách ly dịch Covid-19 Do các khu cách ly tập trung của TP.HCM dần quá tải, lãnh đạo thành phố đã đề nghị được sử dụng 2.000 giường của đơn vị quân đội đóng trên địa bàn. Nhằm giảm tải cho các khu cách ly tập trung, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm vừa đề nghị Bộ Quốc phòng được sử dụng 3 địa điểm...