Bí thư Tỉnh ủy có phải đối tượng được bảo vệ đặc biệt?
Sau vụ Bí thư tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường bị nghi phạm Đỗ Cường Minh bắn chết tại phòng làm việc, dư luận đặt câu hỏi: Đối với Bí thư Tỉnh ủy – người đứng đầu một địa phương – công tác bảo vệ được thực hiện như thế nào?
Theo Luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), Pháp lệnh Cảnh vệ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2005 có nêu: Cảnh vệ là công tác bảo vệ đặc biệt do Nhà nước tổ chức thực hiện để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đối tượng cảnh vệ.
Về đối tượng được cảnh vệ hay còn gọi là bảo vệ đặc biệt gồm: Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành T.Ư Đảng; Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Uỷ ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Nơi xảy ra vụ án mạng ở Yên Bái được phong tỏa để phục vụ điều tra.
Đối với Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng sẽ được bảo vệ tiếp cận thường xuyên, vũ trang tuần tra, canh gác thường xuyên nơi ở và nơi làm việc và các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật.
Video đang HOT
Đối với khu vực làm việc của Trung ương Đảng; khu vực làm việc của Chủ tịch nước; khu vực làm việc của Quốc hội; khu vực làm việc của Chính phủ cũng như nơi của Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng sẽ được vũ trang tuần tra, canh gác thường xuyên, kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật, phương tiện ra, vào và các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật.
Theo Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an, chiểu theo quy định của Pháp lệnh Cảnh vệ thì Bí thư Tỉnh ủy không phải là đối tượng được bảo vệ đặc biệt.
Trước câu hỏi: Tại trụ sở Tỉnh ủy và UBND các tỉnh đều có lực lượng công an canh gác, việc này thực hiện theo quy định nào, Thiếu tướng Quân giải thích: Ở tỉnh, các trụ sở như Tỉnh ủy, UBND là mục tiêu được cảnh sát bảo vệ chứ không phải là cảnh vệ.
“Bí thư Tỉnh ủy được bảo vệ theo kiểu có cảnh sát gác ở cổng trụ sở làm việc để bảo vệ chung của cả trụ sở, chứ không được bảo vệ theo kiểu cảnh vệ, nghĩa là luôn có người đi kèm để đảm bảo an toàn. Khi vị Bí thư thấy có nguy cơ gì, nếu yêu cầu sẽ được tăng cường lực lượng bảo vệ” – tướng Quân cho biết.
Tại buổi họp báo chiều 18.8 công bố thông tin vụ án mạng, bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đến trụ sở Tỉnh ủy Yên Bái thông qua Văn phòng để gặp Bí thư Tỉnh ủy. Sau đó đối tượng nổ nhiều phát súng để bắn Bí thư Tỉnh ủy trong phòng làm việc.
Đỗ Cường Minh tiếp tục sang phòng của Chủ tịch HĐND, kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Ngô Ngọc Tuấn để bắn ông này, sau đó đối tượng tự sát bằng súng. Theo thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, tiếng sung K59 tiêng nô không lơn, lại trong phòng kín nên không nhiều người nghe thấy. Quá trình di chuyển giữa hai phòng, cán bộ nhân viên Tỉnh ủy Yên Bái còn nhìn thấy Minh và chào hỏi bình thường.
Theo Danviet
GĐ Công an Yên Bái nói gì về việc khởi tố vụ bắn chết lãnh đạo tỉnh
Sáng nay (19.8), PV Dân Việt đã liên lạc với Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu - Giám đốc (GĐ) Công an tỉnh Yên Bái - để hỏi về việc vì sao lại khởi tố vụ án Đỗ Cường Minh bắn chết Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái và Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái, trong khi tại cuộc họp báo chiều 18.8 ông Chiêu đã thông tin là không khởi tố vụ án này.
Tại cuộc họp báo chiều 18.8, thông tin về vụ nghi can Đỗ Cường Minh (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái) bắn chết Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường và ông Ngô Ngọc Tuấn (Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy), Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu cho biết, do nghi can đã chết nên không khởi tố vụ án. Tuy nhiên, đến đêm 18.8, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Yên Bái đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có mặt tại Yên Bái để thăm các nạn nhân tại bệnh viện. (Ảnh: TTXVN)
Sáng 19.8, PV Dân Việt đã liên lạc với Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu để hỏi về việc này.
Tướng Chiêu lý giải: Thẩm quyền chỉ đạo công tác điều tra vụ án là của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT (ở tỉnh Phó giám đốc Công an tỉnh là Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh - PV). "Lúc họp báo, tôi có trả lời báo chí là không khởi tố vụ án vì nghi can trong vụ án đã chết là do thời gian gấp gáp, chưa kịp triển khai các công việc" - tướng Chiêu nói.
Giám đốc Công an Yên Bái, Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu. Ảnh: Zing
Phóng viên liên lạc hỏi Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) về việc có phải Bộ Công an có chỉ đạo gì nên Công an tỉnh Yên Bái mới khởi tố vụ án? Tướng Tiến cho biết, mặc dù nghi can trong vụ án đã chết, nhưng để làm rõ nguyên nhân và kết luận về vụ bắn chết Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái một cách thận trọng cần phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra.
"Khởi tố vụ án hình sự là để áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự khi điều tra làm rõ vụ việc, còn nếu như không khởi tố vụ án thì không điều tra được. Ví dụ làm rõ nguyên nhân từ đâu dẫn đến vụ bắn chết người này, rồi súng đạn thế nào..." - tướng Tiến giải thích.
Theo luật sư Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, mặc dù nghi can đã chết nhưng việc khởi tố vụ án hình sự để điều tra là hết sức cần thiết. Những vấn đề trong vụ án cần được làm rõ, ví dụ điều tra xem trong vụ án này nghi can có đồng phạm không; nghi can lên kế hoạch để thực hiện hành vi phạm tội có ai biết mà không tố giác; nghi can có hiềm khích hay thù hằn gì với hai nạn nhân; trước khi gây án nghi can có liên lạc với ai...
Trước đó - sáng 18.8, Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đến trụ sở Tỉnh ủy Yên Bái và dùng súng K59 (súng cấp cho kiểm lâm) bắn Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường trong phòng làm việc. Sau đó, Minh đến phòng làm việc của ông Ngô Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND tỉnh, kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy nổ súng tiếp vào ông này, gây án xong Minh dùng súng tự sát. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, ông Cường và ông Tuấn bị tử vong do vết thương quá nặng, Minh cũng tử vong sau đó.
Theo NTD
Nghi can bắn chết Bí thư Yên Bái: Từ công nhân thành "sếp" kiểm lâm Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Kiểm lâm Yên Bái, được xác định là nghi phạm dùng súng K59 bắt chết ông Phạm Duy Cường (Bi thư Tinh uy Yên Bai) va ông Ngô Ngoc Tuân (Chu tich HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tinh ủy), sau đó tự sát sáng 18.8. Dù cả nạn nhân và nghi phạm đã chết, cơ quan...