Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước: ‘Tôi xin nhận lỗi’
“Tôi đã thiếu kiểm tra giám sát, phát hiện kịp thời các biểu hiện sai phạm trong thực thi nhiệm vụ. Tôi xin nhận lỗi và rút kinh nghiệm”, ông Nguyễn Tấn Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước nói về những sai phạm của tỉnh này.
Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) đề nghị cảnh cáo về mặt Đảng và đề nghị cơ quan chức năng cảnh cáo về mặt chính quyền, cho thôi chức với ông Trương Tấn Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Tấn Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, đã có cuộc trao đổi với báo chí về các vấn đề liên quan sự việc này.
- Xin ông cho biết kết luận sai phạm cụ thể liên quan đến trách nhiệm của chủ tịch tỉnh và các cá nhân trong Ban Cán sự đảng UBND tỉnh?
Ông Nguyễn Tấn Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước. Ảnh: PL TP HCM.
- Tôi khẳng định là hiện nay chưa khởi tố vụ án nào liên quan đến các sai phạm của chủ tịch tỉnh. Vụ việc vẫn đang do cơ quan điều tra làm rõ. Báo chí đăng tin tôi trả lời đã khởi tố các vụ án để làm rõ trách nhiệm của chủ tịch tỉnh làm dư luận hiểu nhầm. Tôi không phát ngôn thiếu căn cứ như vậy. Chiều 23/11, họp Ban Thường vụ tôi phải đính chính việc này. Chủ tịch tỉnh có khuyết điểm là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, khi có vụ việc theo quy chế phải xin ý kiến Thường trực và Thường vụ Tỉnh ủy nhưng anh ấy đã thiếu sót. Anh ấy đã xin thôi chức vì sức khỏe kém (bị viêm gan).
- Ông Thiệu đã chủ động xin thôi chức vì lý do sức khỏe hay nhận thấy có sai phạm?
- Anh ấy đã nhận khuyết điểm, nộp đơn xin thôi chức trước khi Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét đề nghị kỷ luật cảnh cáo về mặt đảng và chính quyền.
Cụ thể, cái sai của anh ấy là đã giao Trạm thu phí số 2 cho nhà đầu tư (thực hiện dự án BOT đoạn Đồng Xoài – Cây Chanh) trước khi Chính phủ đồng ý. Việc này gây dư luận không tốt, vì Chính phủ đồng ý giao cho UBND tỉnh quản lý nhưng phải giao cho đơn vị nhà nước thu phí để kiểm soát việc thu phí chứ không thể giao cho một đơn vị tư nhân, việc này sẽ dẫn đến việc quản lý lỏng lẻo tiền phí thu được và công an đang làm rõ việc thất thoát. Ngoài ra, việc thiếu kiểm tra đôn đốc đơn vị thi công quốc lộ 14 dẫn đến tiến độ chậm, gây bức xúc dư luận…
- Ông nghĩ sao trước ý kiến cho rằng có biểu hiện thiếu đoàn kết nội bộ trong lãnh đạo nên dẫn đến nhiều sai phạm mà UBKTTW đã kết luận?
- Tôi khẳng định là Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn đoàn kết, làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, việc gì cũng đưa ra bàn bạc với các thành viên. Tuy nhiên, với Ban Cán sự đảng UBND tỉnh thì đôi lúc có anh bằng mặt nhưng không bằng lòng, dẫn đến có sai sót và sai phạm chủ yếu là trong việc giao đất rừng. Cụ thể là nhiều quyết định chưa đúng chủ trương, quy chế vì không thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy. Việc này sau đó Tỉnh ủy cũng đã đề nghị UBND tỉnh khẩn trương thu hồi đất và cơ quan điều tra đang xem xét các vi phạm. Phải chờ kết luận của cơ quan điều tra thì mới có thể nói là sai phạm, thất thu ngân sách cụ thể ra sao.
Video đang HOT
- Về những dấu hiệu liên quan đến sai phạm trong đấu giá 323 ha cao su, bán hơn 6.200 m2, áp giá cây rừng hiện nay gây thất thoát ngân sách, hiện đã có kết luận thế nào?
- Việc này phải có thời gian và cơ quan điều tra đang khẩn trương làm rõ, không để kéo dài. Bên công an đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy để đề nghị cơ quan chức năng của trung ương giám định thiệt hại trong các vụ việc cho khách quan. Hiện cơ quan điều tra chờ ý kiến của trung ương nên chưa có kết luận cụ thể về thiệt hại như thế nào. Về các dấu hiệu sai phạm mà báo chí đã phản ánh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã có ý kiến là phải làm rõ, chặt chẽ đúng theo quy định pháp luật để làm căn cứ xử lý.
Hàng nghìn ha rừng bị triệt hạ do lãnh đạo tỉnh buông lỏng quản lý, giao dự án thiếu thẩm định. Ảnh: PL TP HCM.
- Sau kết luận UBKTTW, các cán bộ có liên quan đến kết luận đã nhận thấy sai phạm, khuyết điểm cụ thể như thế nào?
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề nghị các cá nhân có liên quan phải nghiêm khắc nhận rõ khuyết điểm và tiếp tục khắc phục sai phạm. Các thành viên Ban Cán sự đảng UBND tỉnh cũng đã nghiêm khắc nhận khuyết điểm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng vừa tiếp đoàn lãnh đạo UBKTTW về làm việc đôn đốc việc thực hiện kết luận của UBKTTW.
Các cá nhân liên quan đã nghiêm khắc nhận khuyết điểm, sai sót của mình rồi. Tuy nhiên, xử lý sai phạm cụ thể sao phải chờ kết luận từ phía cơ quan điều tra. Việc xử lý phải theo quy định. Hiện một phó chủ tịch đã nhận khuyết điểm trong tham mưu, để chủ tịch ký những quyết định chưa đúng quy trình, quy chế.
- Ông có thể cho biết cụ thể vị phó chủ tịch này?
- Việc này cơ quan chức năng vẫn đang xem xét các dấu hiệu sai phạm của những cá nhân liên quan. Quan điểm của tôi và Ban Thường vụ Tỉnh ủy là ai sai đến đâu sẽ xử lý đến đó. Việc xử lý phải thận trọng và đúng người, đúng sai phạm. Hiện cơ quan điều tra vẫn khẩn trương thu thập và làm rõ nên muốn xử lý cán bộ phải chờ kết luận của công an.
- Thưa ông, trước việc chủ tịch tỉnh bị UBKTTW kỷ luật cảnh cáo và đề nghị thôi chức, đồng thời tập thể Ban Cán sự đảng UBND tỉnh cũng bị khiển trách vì nhiều sai phạm, với vai trò là người đứng đầu Đảng bộ, ông nhận trách nhiệm như thế nào?
- Tôi rất buồn và đau lòng. Với trách nhiệm lãnh đạo Đảng bộ, tôi nhận khuyết điểm và trách nhiệm trước Đảng và nhân dân. Bản thân tôi đã thiếu kiểm tra giám sát, phát hiện kịp thời (dù anh em không báo cáo) các biểu hiện sai phạm trong thực thi nhiệm vụ mà nhân dân giao phó cho cán bộ. Tôi xin nhận lỗi và rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo.
Ngày 12-19/11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI đã họp kỳ thứ 16 tại Hà Nội và xem xét, thống nhất kết luận, giải quyết nội dung: Xem xét các báo cáo và thảo luận kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên sau đây:
Đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh và ông Trương Tấn Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước: Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Phước trong lãnh đạo thiếu kiểm tra, giám sát để một số thành viên Ban cán sự là Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm trái các quy định của pháp luật trong việc giao đất đối với một số các dự án, thay đổi chủ đầu tư, phương thức đầu tư, cùng một số sai phạm khác gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thu nhiều tỷ đồng của ngân sách, gây dư luận bất bình trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Ông Trương Tấn Thiệu, với cương vị Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự, Chủ tịch UBND tỉnh trong quá trình lãnh đạo, quản lý, điều hành đã nhiều lần vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quy chế Ban của cán sự đảng và Quy định của UBND tỉnh thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong quá trình lãnh đạo, quản lý ký một số quyết định có nội dung trái quy định của pháp luật, trong đó có một số vụ việc làm thất thu ngân sách, gây hậu quả nghiêm trọng, phải chuyển cho cơ quan pháp luật xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình kiểm điểm, ông Trương Tấn Thiệu đã tự nhận thấy những khuyết điểm, sai phạm của mình. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã biểu quyết đề nghị thi hành kỷ luật đối với tập thể Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Phước bằng hình thức khiển trách quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trương Tấn Thiệu, đồng thời đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thi hành kỷ luật cảnh cáo về chính quyền và cho thôi chức Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước.
Theo VNE
Thủ tướng Chính phủ kết luận về liên doanh, liên kết đào tạo tại ĐHQGHN
Ngày 20/11, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 382/TB-VPCP truyền đạt lại ý kiến kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp xử lý sau thanh tra công tác quản lý Nhà nước trong việc liên doanh, liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH của ĐHQGHN giai đoạn 2006-2010.
Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, ngày 25/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để xử lý sau thanh tra công tác quản lý nhà nước trong việc liên doanh, liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH của ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) giai đoạn từ 2006-2010. Tham dự cuộc họp có Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ĐHQGHN, Văn Phòng Chính phủ.
Sau khi nghe lãnh đạo Thanh tra Chính phủ báo cáo kết luận thanh tra số 1376/KL-TCCP ngày 8/6/2012, ý kiến của các Bộ, ngành dự họp, phát biểu của các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến kết luận. Cụ thể, trong những năm qua, việc thực hiện các chương trình liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH trong nước và nước ngoài đã huy động được nguồn lực của các trường để đào tạo nhân lực cho đất nước, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, góp phần thực hiện xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, qua thanh tra 18 trường ĐH thuộc Bộ GD-ĐT cho thấy, trong giai đoạn vừa qua, hệ thống các quy định của nhà nước về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo chưa đầy đủ và còn nhiều bất cập; công tác quản lý liên kết liên kết đào tạo trong nước và nước ngoài còn nhiều tồn tại, khuyết điểm.
Việc thực hiện liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH trong nước còn vi phạm về cấp phép, hợp đồng đào tạo, tuyển sinh, việc quản lý tổ chức đánh giá kết quả học tập, đào tạo thạc sỹ ngoài trụ sở không đúng quy định. Việc thực hiện liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH với nước ngoài có vi phạm về tuyển sinh, quá trình đào tạo, đánh giá chất lượng và cấp bằng; các chương trình liên kết đào tạo quốc tế của một số trường cấp phép không dựa trên năng lực của các đơn vị đào tạo, chủ yếu dựa vào nhu cầu của các đơn vị đào tạo, đã tạo điều kiện cho một số đơn vị mở rộng quy mô đào tạo vượt quá năng lực, chương trình nội dung đề án không đầy đủ theo quy định.
Công tác quản lý tài chính trong hoạt động liên kết đào tạo có vi phạm quy định về thu và quản lý sử dụng học phí; việc trích lập các quỹ. Tại thời điểm thanh tra, Bộ GD-ĐT chưa có quy định về mức học phí trong liên kết đào tạo quốc tế, dẫn đến các trường tự thỏa thuận mức thu với đối tác, một số chương trình liên kết có mức thu cao, nhưng chưa tương xứng với chất lượng đào tạo.
Đối với ĐHQGHN, qua thanh tra đã có một số sai phạm chủ yếu sau: Về việc liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH trong nước, ĐHQGHN cho phép học viên cao học (học viên chương trình định hướng thực hành) chỉ làm tiểu luận là chưa phù hợp với quy định của Luật Giáo dục năm 2005 và quy định của Bộ GD-ĐT; Việc giám đốc ĐHQGHN ban hành quyết định cho phép Trung tâm công nghệ Đào tạo và hệ thống việc làm (ETC) được tổ chức phối hợp đào tạo trình độ ĐH, sau ĐH và việc bổ nhiệm Giám đốc, Phó giám đốc ETC là chưa phù hợp quy định. Việc sử dụng kinh phí, quản lý tài chính và việc chuyển tiền của ETC cho ĐH Griggs (Hoa Kỳ) qua tài khoản ở Singapore cần được tiếp tục làm rõ.
Nếu vụ lợi, tham nhũng phải xử lý nghiêm
Để chấn chỉnh các khuyết điểm, sai phạm sau thanh tra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ GD-ĐT căn cứ quy định hiện hành quyết định biện pháp xử lý phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho các học viên đối với số văn bằng cử nhân, thạc sỹ do đối tác nước ngoài liên kết đào tạo với ETC đã cấp cho học viên và số bằng thạc sỹ của ĐH Kinh tế (ĐHQGHN) cấp chưa phù hợp quy định.
Bộ GD-ĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước tiếp tục kiểm tra tất cả các chương trình liên kết đào tạo quốc tế khác có dấu hiệu vi phạm theo đúng quy định.
Bộ Tài chính kiểm tra việc sử dụng kinh phí liên quan đến số tiền 21 tỷ 373 triệu đồng để có biện pháp xử lý theo đúng quy định. Đồng thời, kiểm tra kết luận liên quan đến việc trích 0,15% kinh phí nêu trong thư điện tử; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2012.
Giao Cơ quan Thanh tra giám sát (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) kiểm tra làm rõ chuyển tiền của ETC cho ĐH Griggs (Hoa Kỳ) qua tài khoản ở Singapore; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2012.
Việc sử dụng kinh phí nêu trên và việc chuyển tiền của ETC cho ĐH Griggs nếu có vụ lợi, tham nhũng phải xử lý nghiêm theo pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban Dân tộc rút kinh nghiệm việc ban hành thông báo và việc cử học viên đi học chưa đảm bảo chặt chẽ theo thỏa thuận hợp tác của Ủy ban Dân tộc với nhà tài trợ Dự án Ailen.
Bộ GD-ĐT theo dõi, chỉ đạo Giám đốc ĐHQGHN kiểm điểm, xử lý các thiếu sót, khuyết điểm của tập thể, cá nhân có liên quan; nghiêm túc nhận rõ khuyết điểm trong việc liên doanh, liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH; có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm, khuyết điểm, tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý đào tạo ĐH và sau ĐH, đảm bảo yêu cầu chất lượng đào tạo, góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước.
Theo Dantri
Ủy ban Kiểm tra T.Ư công bố kết luận về một số sai phạm Từ ngày 12 đến 19.11.2012, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa XI đã họp kỳ thứ 16. Các đồng chí Ngô Văn Dụ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Mai Thế Dương - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Cơ quan Ủy ban Kiểm tra T.Ư...