Bí thư Thành ủy Đà Nẵng: Tháo gỡ vướng mắc, tạo niềm tin cho nhà đầu tư
Để sớm phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu HĐND TP.Đà Nẵng cần tập trung đề xuất và quyết định các giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý đất đai.
Khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực
Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, HĐND TP.Đà Nẵng khóa 10, nhiệm kỳ 2021 – 2026 vào sáng nay 15.12, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã gợi mở và nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm phục hồi kinh tế trong trạng thái thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị HĐND TP.Đà Nẵng cần trao đổi, thảo luận kỹ, rút ra các bài học kinh nghiệm thực tiễn, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả kế hoạch phục hồi và tăng trưởng kinh tế – xã hội năm 2022 với chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ diễn biến phức tạp và bùng phát trở lại.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng gợi mở một số vấn đề trọng tâm nhằm phục hồi kinh tế trong năm 2022. Ảnh S.X
Theo ông Quảng, HĐND TP.Đà Nẵng cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, ban hành các cơ chế, chính sách, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển, khắc phục các hạn chế; đồng thời quyết liệt triển khai giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đây là giải pháp quan trọng để sớm phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.
“Đặc biệt, HĐND TP.Đà Nẵng cần tập trung đề xuất và quyết định các giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý đất đai của các dự án tồn đọng, kéo dài, giúp khơi thông nguồn lực, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách. Và quan trọng hơn chính là khắc phục tình trạng gây lãng phí nguồn lực cho nhà nước, xã hội và doanh nghiệp, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư chân chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần tạo những động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố”, ông Quảng nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị HĐND thành phố tập trung nghiên cứu, thảo luận và đưa ra những giải pháp tiếp tục hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị, trong đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường… HĐND TP.Đà Nẵng cùng với UBND TP, các cấp, các ngành tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ, tích cực phối hợp với các cơ quan T.Ư, đề xuất ban hành các cơ chế chính sách đặc thù; giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư…
Video đang HOT
Kỳ họp thứ 4 HĐND TP.Đà Nẵng sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng để đưa TP.Đà Nẵng phục hồi kinh tế trong trạng thái thích ứng với đại dịch Covid-19 . Ảnh S.X
Cũng theo ông Nguyễn Văn Quảng, HĐND TP.Đà Nẵng cần tăng cường giám sát việc thực hiện các chủ trương để đẩy mạnh việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội; tập trung nghiên cứu, lựa chọn những công trình, dự án thật sự cần thiết, cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải để đảm bảo nguồn lực khi triển khai thực hiện trong điều kiện ngân sách còn khó khăn nhằm đóng góp tích cực vào tăng trưởng thành phố.
Đề xuất cơ chế tự chủ trong chính sách tiền lương
Trong phần phát biểu khai mạc, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, nhận định TP.Đà Nẵng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn khi đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội, đời sống, việc làm, học tập của người dân.
Covid-19 cũng tác động tiêu cực đến kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021, nguồn lực phục vụ cho phát triển bị giảm sút mạnh. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề tồn tại của TP đến nay dù có nhiều nỗ lực nhưng chưa được khắc phục triệt để do vượt thẩm quyền TP, điển hình là những vướng mắc trong triển khai các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.
Khu đô thị quốc tế Đa Phước là một trong những dự án đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện bản án của tòa án . Ảnh HOÀNG SƠN
Cơ cấu kinh tế TP bộc lộ điểm chưa hợp lý qua đại dịch, quy mô doanh nghiệp nhỏ, dễ bị tổn thương; chất lượng của công tác đầu tư công, vấn đề khó khăn trong giải phóng mặt bằng; một số điểm nóng môi trường, trật tự đô thị chưa được xử lý dứt điểm cũng là những điểm nghẽn cho sự phát triển.
Do đó, ông Triết đề nghị các đại biểu thảo luận, cùng nhau tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong điều hành, trong quá trình triển khai nhiệm vụ của các cấp, các ngành để đáp ứng tốt nhất sự mong đợi của cử tri, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Tại thông báo xây dựng chính quyền, ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.Đà Nẵng, cũng kiến nghị HĐND TP.Đà Nẵng cần bàn bạc và có quyết sách cụ thể và quyết liệt trong vấn đề thực hiện đầu tư công. Trong đó, cần chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp rà soát chặt chẽ các dự án, công trình đầu tư công trọng điểm, có thứ tự ưu tiên thực hiện, tránh đầu tư dàn trải, không cần thiết, chống lãng phí và phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025.
Cử tri TP.Đà Nẵng kiến nghị T.Ư cho phép thành phố được tự chủ trong chính sách tiền lương cho cán bộ . Ảnh HOÀNG SƠN
Đáng chú ý, ông Ngô Xuân Thắng đề nghị lãnh đạo TP.Đà Nẵng tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư cho phép TP.Đà Nẵng thực hiện cơ chế tự chủ trong việc thực hiện chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, mặt trận, đoàn thể chính trị – xã hội ở địa phương, nhất là việc nâng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách phường, xã. Cùng với đó, kiến nghị có cơ chế tạo điều kiện cho cán bộ cấp xã, phường (cán bộ văn phòng cấp ủy, Chủ tịch Mặt trận, các đoàn thể chính trị) được liên thông lên công chức cấp quận.
Chuyển đổi số trên địa bàn TP Đà Nẵng: Hướng đến xây dựng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống
Thời gian qua, TP Đà Nẵng đã tích cực triển khai phát triển khoa học và công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong đời sống, xã hội và đạt được một số kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) kết nối đồng bộ với các mạng lưới ĐTTM trong nước và khu vực ASEAN vào năm 2030, Đà Nẵng cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai đồng bộ các giải pháp.
Những tiền đề khả quan
Đến các khu dân cư trên địa bàn quận Hải Châu (Đà Nẵng), chúng tôi khá ấn tượng với mô hình "Khu dân cư điện tử". Thay vì thực hiện thủ tục hành chính tại UBND phường hoặc quận, công dân có thể thực hiện nhanh gọn các thủ tục này ngay tại khu dân cư. Để thực hiện thủ tục hành chính, người dân đăng ký tài khoản công dân điện tử bằng email theo địa chỉ www.egov.danang.gov.vn hoặc bằng tài khoản SMS và liên hệ Tổng đài dịch vụ công thành phố theo số điện thoại 0236 1022 khi cần hướng dẫn thêm. Khi đăng ký thành công tài khoản công dân điện tử, người dân sẽ có quyền truy cập vào Hệ thống chính quyền điện tử thành phố tại địa chỉ www.egov.danang.gov.vn để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến (nộp hồ sơ qua mạng điện tử). Mô hình có đặc trưng tổ chức giống như một bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại quận, phường. Điểm khác biệt là việc tổ chức này ngay tại khu dân cư, tạo thuận lợi cho người dân tương tác dễ dàng, không còn cảnh chờ đợi, xếp hàng đông người tại khu vực một cửa.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, thời gian qua, thành phố đã có nhiều chủ trương, định hướng triển khai chính quyền điện tử, phát triển CNTT tạo nền tảng và động lực cho phát triển ngành công nghiệp CNTT-truyền thông (ICT), chuyển dịch theo hướng chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Các cấp, ngành đã tích cực triển khai thực hiện và đạt một số kết quả bước đầu trong chuyển đổi số. Cơ sở hạ tầng viễn thông, CNTT được đầu tư khá đồng bộ; hình thành các cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành, phục vụ triển khai các ứng dụng CNTT và dịch vụ chính quyền điện tử. Dịch vụ công trực tuyến có hơn 97% thủ tục trực tuyến (trong đó 66% ở mức 4); triển khai thí điểm một số dịch vụ ĐTTM; bước đầu hình thành kho dữ liệu số; đưa vào sử dụng Cổng dữ liệu (mở) để công khai thông tin, dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp...
TP Đà Nẵng ứng dụng hiệu quả Tổng đài 1022 trong tiếp nhận, giải quyết thông tin của người dân, doanh nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng cho biết: "Triển khai chuyển đổi số trên địa bàn thành phố có nhiều thuận lợi rất cơ bản. Đà Nẵng đã hình thành nền công nghiệp ICT: 4 khu CNTT tập trung và khu công nghệ cao; có hơn 2 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 người dân. Cộng đồng doanh nghiệp địa phương đã làm chủ công nghệ và triển khai thành công nhiều sản phẩm thương hiệu Đà Nẵng (Make in Da Nang) và từng bước nhân rộng trong cả nước; ngành công nghiệp ICT đóng góp 7,5% GRDP. Ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp và xã hội ở mức khá cao, góp phần rút ngắn khoảng cách số trong cộng đồng. Đà Nẵng được đánh giá, xếp hạng nhất khối tỉnh, thành phố 12 năm liên tiếp (từ năm 2009 đến nay) về chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT...".
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, để hướng đến xây dựng TP Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống như Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP Đà Nẵng đề ra, ngày 17-6-2021, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về chuyển đổi số trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, thành phố triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số để điều chỉnh thể chế, cấu trúc lại quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp để hình thành công dân số, xã hội số. Phấn đấu đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng ĐTTM kết nối đồng bộ với các mạng lưới ĐTTM trong nước và khu vực ASEAN.
TP Đà Nẵng xác định thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo phương châm: "Nhận thức" là quyết định, "người dân, doanh nghiệp" là trung tâm", "thể chế và công nghệ số" là động lực, "nền tảng số" là đột phá, "an toàn, an ninh thông tin" là then chốt, "chính quyền" là tiên phong, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số. Theo đó, TP Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2025: Mỗi hộ gia đình đều có địa chỉ số, tiếp cận được dịch vụ internet băng rộng; 100% người dân trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh; 90% người dân, doanh nghiệp được trang bị kỹ năng số và các quy tắc ứng xử trên môi trường số; 100% cơ sở y tế sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử trong khám, chữa bệnh; 100% cơ sở giáo dục dạy và học trực tuyến cho ít nhất 20% nội dung chương trình; ít nhất một trường triển khai mô hình đại học số...
Để thực hiện các mục tiêu trên, TP Đà Nẵng cần tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế, bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chuyển đổi số; có cơ chế khuyến khích người dân tham gia sử dụng sản phẩm, góp ý, hiến kế, phản biện về chuyển đổi số; hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức tham mưu và vận hành hệ thống về chuyển đổi số; xây dựng các chương trình đào tạo kỹ năng số cho người dân theo hình thức trực tuyến; xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử trên môi trường số cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng chú trọng triển khai các giải pháp phát triển nguồn nhân lực CNTT, công nghệ số. Hằng năm, thành phố triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp; tổ chức đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số cho cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, thành phố triển khai áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học-công nghệ-kỹ thuật-toán học và nghệ thuật, kinh doanh, doanh nghiệp (giáo dục STEM/STEAM) theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; bổ sung nội dung giới thiệu, đào tạo kỹ năng số phù hợp trong các cấp học phổ thông; thực hiện đào tạo, tập huấn hướng nghiệp để học sinh có các kỹ năng sẵn sàng cho môi trường số...
Đà Nẵng: Chuẩn bị chống dịch COVID-19 trong trạng thái 'bình thường mới' Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố,các cơ quan chức năng trên địa bàn cần chuẩn bị kỹ các văn bản hướng dẫn nhằm thông tin sớm cho người dân và các cơ sở kinh doanh để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định...