Bí thư Thành ủy chỉ đạo xử lý nghiêm vụ lấn chiếm đất cây xanh chung cư Thăng Long Garden
Tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 9/7/2015, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã lắng nghe ý kiến phản ánh của đại diện cư dân chung cư Thăng Long Garden và trực tiếp chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND quận Hai Bà Trưng sớm xử lý nghiêm công trình kiên cố xây trên đất cây xanh.
Bức xúc trước việc chủ đầu tư Thăng Long Garden ( 250 Minh Khai) không thực hiện kết luận của các cơ quan chức năng yêu cầu tháo dỡ công trình xây trên đất quy hoạch làm vườn hoa,cây xanh, ngày 9/7/2015, ông Đỗ Quang Bình thay mặt cho các hộ dân sinh sống tại dự án đã có thư chất vấn gửi đến đồng chí Phạm Quang Nghị – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu chỉ đạo tại buổi tiếp xúc cử tri.
Tại buổi tiếp xúc, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã lắng nghe ý kiến phản ánh của cử tri về việc Công ty CP may Thăng Long – chủ đầu tư chung cư Thăng Long Garden xây dựng sai quy hoạch, xây dựng 4 công trình kiên cố trên diện tích đất được duyệt quy hoạch làm vườn hoa, cây xanh. Những vi phạm của chủ đầu tư xảy ra từ năm 2014, nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm khiến dư luận bức xúc.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND quận Hai Bà Trưng xử lý nghiêm vi phạm tại dự án Thăng Long Garden.
Ghi nhận ý kiến phản ánh của cử tri, đồng chí Phạm Quang Nghị khẳng định quan điểm của Thành ủy là không dung túng, bao che cho vi phạm nhất là khi TP. Hà Nội đang nỗ lực thực hiện năm văn minh đô thị. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trực tiếp chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND quận Hai Bà Trưng áp dụng các biện pháp cứng rắn, xử lý nghiêm công trình vi phạm xây dựng trên đất vườn hoa, cây xanh. Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: “Ngay sau buổi họp này, phường và quận cần mời chủ đầu tư đến truyền đạt tinh thần chỉ đạo, yêu cầu chủ đầu tư tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. Nếu chủ đầu tư không tự tháo dỡ thì xử lý theo đúng quy trình, Công ty sẽ phải chịu toàn bộ phần kinh phí phá dỡ…”.
Về việc xử lý công trình vi phạm tại dự án chung cư Thăng Long Garden, sau khi Thanh tra Sở Xây dựng “khoanh vùng” vi phạm và Sở Xây dựng Hà Nội có Văn bản đề nghị UBND quận Hai Bà Trưng chỉ đạo UBND phường Minh Khai phối hợp với Đội Thanh tra Xây dựng, các lực lượng liên quan ban hành các quyết định xử lý vi phạm theo thẩm quyền và tổ chức xử lý dứt điểm các công trình xây dựng không đúng quy hoạch tổng mặt bằng, xây dựng không có giấy phép. Ngày 26/6/2015, UBND quận Hai Bà Trưng ban hành Thông báo số 46, truyền đạt ý kiến của ông Lâm Anh Tuấn – Phó chủ tịch quận Hai Bà Trưng yêu cầu Đội Thanh tra xây dựng tham mưu cho Chủ tịch UBND phường Minh Khai lập đầy đủ hồ sơ vi phạm và ban hành Quyết định cưỡng chế, xong trước ngày 3/7/2015. Tuy nhiên, cho đến nay ( ngày 10/7/2015), UBND phường Minh Khai chưa thực hiện việc lập hồ sơ vi phạm và ban hành Quyết định cưỡng chế.
Video đang HOT
Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ hàng loạt vi phạm của chủ đầu tư chung cư Thăng Long Garden.
Theo bản vẽ quy hoạch tỷ lệ 1/500 được Sở Quy hoạch Kiến trúc phê duyệt kèm văn bản số 1123/QHKT-P2 ngày 10/6/2008. Từ mốc số 9 đến mốc 24 được bố trí là đất cây xanh, sân chơi trẻ em, bãi đỗ xe. Cụ thể, diện tích cây xanh, vườn hoa dự án Thăng Long Garden chiếm 2.705m2, tương đương 20,5% diện tích dự án; Diện tích đất giao thông, đỗ xe là 5.835 m2, tương đương 44,2% diện tích dự án; Hạng mục đường giao thông dẫn vào khu nhà A2, A3, chạy cạnh sườn đông nhà A1 rộng 9m, vỉa hè mỗi bên thiết kế rộng 2m.
Tuy nhiên, chủ đầu tư lại cho xây dựng một tòa nhà có diện tích trên 200m2, cao 3 tầng. Khi khách hàng gửi đơn khiếu nại, Công ty CP may Thăng Long mới giải thích đó là khu nhà điều hành của Ban Quản lý dự án. Mặt bằng quy hoạch tổng thể tỷ lệ 1/500 được duyệt kèm theo văn bản số 1123/QHKT-P2 ngày 10/6/2008, thể hiện từ mốc 63 đến mốc 72 được bố trí là bể ngầm, thảm cỏ, vườn hoa, cây xanh. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, phía chủ đầu tư xây dựng thành khu nhà 2 tầng không có trong quy hoạch, trên nóc thiết kế sân tennis.
Theo GPXD số 33/GPXD ngày 18/3/2011, do Sở Xây dựng cấp, dự án Thăng Long Garden có tổng 316 căn hộ. Tuy nhiên, đến năm 2012, Công ty CP may Thăng Long lại tiến hành điều chỉnh cơ cấu, diện tích căn hộ chung cư tòa nhà A2 – A3 lên thành 436 căn hộ, thông qua việc chia tách các căn hộ diện tích trên 140m2 thành 2 căn hộ nhỏ. Sau khi phát hiện sự việc trên, đại diện lâm thời cư dân chung cư Thăng Long Garden đã nhiều lần có đơn gửi chủ đầu tư và các cơ quan chức năng, nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Những vi phạm tại dự án Thăng Long Garden chỉ dần “lộ diện” khi đại diện cư dân làm đơn kêu cứu gửi Bộ Xây dựng và các cơ quan chức năng. Ngày 14/5/2015, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng ký Công văn số 194/TTr-KNTC, gửi UBND TP. Hà Nội đề nghị Thành phố chỉ đạo xử lý dứt điểm những vi phạm TTXD xảy ra tại chung cư Thăng Long Garden gây bức xúc dư luận suốt thời gian dài. Công văn của Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ 2 công trình nhà kiên cố xây dựng không có giấy phép, vi phạm quy hoạch tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt.
Sau khi Thanh tra Bộ Xây dựng, ngày 25/5/2015, Văn phòng UBND TP. Hà Nội ban hành Công văn số 3289/VP – XDGT, gửi Sở Xây dựng Hà Nội, truyền đạt ý kiến của Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu kiểm tra, xử lý công trình xây dựng không phép, không đúng tổng quy hoạch mặt bằng được cơ quan chức năng phê duyệt ở chung cư Thăng Long Garden gây bức xúc dư luận.
Thực hiện kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng và chỉ đạo của TP. Hà Nội, ngày 9/6/2015, Thanh tra Sở Xây dựng đã tiến hành kiểm tra hiện trạng, tốc độ xử lý các công trình vi phạm tồn tại ở dự án chung cư 250 Minh Khai. Qua kiểm tra, Thanh tra xác định: Công trình nhà điều hành dự án cao 3 tầng ( khu vực mốc 11- 18), có tổng diện tích xây dựng 554,13m2 , tổng chiều cao công trình 10,3m xây trên đất cây xanh; công trình được sử dụng làm phòng tập thể hình và sân tennis cao 1 tầng ( khu vực mốc 63 – 72), có tổng diện tích xây dựng 587,4m2được xây dựng trên đất thảm cỏ và trạm cấp ga. Bên cạnh đó, đoàn thanh tra còn chỉ ra các hạng mục vi phạm tại khu nhà ăn, trạm điện, khu vệ sinh, công trình Trung tâm thương mại văn phòng cao tầng ( đang thi công) gây ảnh hưởng công trình liền kề.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.
Thành Vinh
(Email: bandoc@dantri.com.vn)
Theo Dantri
Biển của Đà Nẵng trước hết người dân Đà Nẵng phải được thụ hưởng
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng khẳng định, biển của Đà Nẵng trước hết người dân Đà Nẵng phải được thụ hưởng
Tiếp tục Kỳ họp thứ 14, HĐND TP Đà Nẵng, sáng nay (9/7) phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều vấn đề cử tri bức xúc như: Xử lý các dự án "bịt" đường ra biển chậm triển khai, giải quyết dứt điểm xử lý điểm nóng ô nhiễm môi trường kéo dài, tình trạng khai thác bừa bãi đất đồi, quản lý nhà chung cư... tiếp tục làm nóng nghị trường.
Biển "cấm vào" ở một resort ven biển tại Đà Nẵng
Trả lời chất vấn ý kiến của các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng về việc xử lý các dự án đầu tư ven biển chậm triển khai, ông Trần Văn Sơn- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện thành phố có 52 dự án ven biển, tổng diện tích 1640 hécta, với tổng vốn đầu tư 58.000 tỷ đồng. Qua rà roát, có đến 32 dự án chậm và chưa triển khai. Đến nay, UBND TP Đà Nẵng đã ra quyết định thu hồi 3 dự án, Sở TN-MT thành phố đã hoàn thành thủ tục thu hồi 2 dự án cho đấu giá để mời nhà đầu tư mới. Những dự án còn lại, thành phố yêu cầu nhà đầu tư ký cam kết đảm bảo đúng tiến độ, sau thời gian cam kết, nếu các nhà đầu tư không triển khai thì thành phố sẽ thu hồi.
Dân Đà Nẵng phải đập tường rào một dự án ven biển găm đất, không triển khai để đi tắm biển
Trả lời câu hỏi của đại biểu về tình trạng khu du lịch, nghỉ dưỡng ven biển cấm người dân tự do qua lại khu vực bãi tắm, kể cả ngư dân địa phương, trong khi một số bãi tắm công cộng trên địa bàn thành phố đã quá tải, người dân không có chỗ tắm biển, nghỉ mát tự do... ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT TP Đà Nẵng, cho rằng: "Đất phía trước bãi tắm, chỉ có một vài khách sạn cho thuê trước đây thôi. Sau này, hầu như không cho thuê, nhưng có thể các khách sạn lợi dụng bãi tắm chung, còn người dân có quyền đi tắm chứ không ai cấm chuyện đó. Nếu người dân bị cấm cũng đề nghị phản ánh về UB thành phố để có hướng xử lý".
Chưa thỏa mãn với cách trả lời của Giám đốc KH-ĐT TP phố Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho rằng, hầu hết dự án ven biển thành phố giao cả mặt đất và mặt nước cho các nhà đầu tư quản lý khai thác, dẫn đến "cát cứ" bãi biển, cấm người dân và du khách qua lại, không cho dân tắm biển... khiến người dân rất bức xúc: "Dân người ta đi tắm, đi dạo qua đó cũng bị cấm, bảo vệ ra ngăn lại, thậm chí đuổi đi. Tôi đề nghị lãnh đạo thành phố giao cho anh sử dụng nhưng không được quản lý. Quản lý là của người dân, dân phải được quyền qua lại, đi tắm biển, sao cấm người ta được. Biển của dân chứ đâu phải biển của doanh nghiệp".
Một dự án ở bán đảo Sơn Trà- TP Đà Nẵng đang bỏ hoang
Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng khẳng định, biển của Đà Nẵng trước hết người dân Đà Nẵng phải được thụ hưởng. Đồng thời, yêu cầu Sở KH-ĐT tiếp tục rà soát lại các dự án ven biển; trước mắt nhanh chóng làm thủ tục thu hồi các dự án chậm triển khai, tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư khác, tham mưu kịp thời cho lãnh đạo thành phố có hướng xử lý.
"Một số dự án để quá lâu, tiếp tục rà soát lại, rà soát lại đất ven biển mà hiện nay các doanh nghiệp đang quản lý. Chỗ nào bất hợp lý, không phù hợp thì trình UBND thành phố có hướng xử lý trên tinh thần biển Đà Nẵng thì người dân Đà Nẵng phải được thụ hưởng, không thể giao cho anh quản lý rồi thì anh chỉ phục vụ cho du khách của khách sạn của anh mà thôi còn dân thì không được"./.
Đình Thiệu
Theo_VOV
Đà Nẵng xử lý nghiêm khách sạn "chặt chém" du khách Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Trần Thọ yêu cầu các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các chủ nhà hàng, khách sạn cố tình "chặt chém" du khách. Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 14 HĐND TP Đà Nẵng (khóa VIII) sáng 9/8, Giám đốc Sở VH-TT-DL Ngô Quang Vinh liên...