Bí thư Thăng tuyên chiến, tội phạm cướp giật khó lường
Trên địa bàn TP.HCM tình hình phạm pháp hình sự giảm, tuy nhiên 3 tháng đầu năm tội phạm trộm, cướp giật lại tăng 15%-20%.
Đó là con số được Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an TP.HCM nêu rõ tại Hội nghị sơ kết về thực hiện kế hoạch phối hợp, tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo ANTT sau tết, chuyển hóa tình hình khu vực vùng giáp ranh ba tỉnh TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương, ngày 25/3 tại Bình Dương do Tổng cục Cảnh sát – Bộ công an chủ trì.
Thiếu tướng Minh cũng cho biết thêm một trong những điều Công an TP.HCM tự hào là việc theo dõi và triệt phá thành công các băng nhóm có sử dụng vũ khí “ nóng”. Nhiều băng nhóm bị bắt ngay trước khi gây án.
Thiếu tướng Phan Anh Minh cho hay hiện người dân báo tin liên quan đến tội phạm rất nhiều. Đó là tín hiệu tốt nhưng cũng không thiếu những kiểu báo tin, trình báo “sang chảnh” chọc tức cơ quan công an.
Tổ công tác tuần tra, đảm bảo ANTT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh
Cụ thể, có không ít trường hợp ca sĩ đưa thông tin mình bị trộm cắp lên mạng, gây sự chú ý cho cộng đồng. Thế nhưng, khi công an cần tiếp xúc lấy lời khai thì nạn nhân lại bảo bận, không làm việc với công an.
“Mặc dầu vậy những người trình báo theo kiểu sang chảnh này liên tục đăng những bình luận trên mạng mang tính “chọc tức” cơ quan công an. Có những trường hợp trình báo với Bí thư thành ủy chứ không trình báo với công an, Thiếu tường Phan Anh Minh than phiền.
Bên cạnh đó, Thiếu tướng Phan Anh Minh khẳng định một trong những điều Công an TPHCM tự hào là việc công an theo dõi và triệt phá thành công các băng nhóm sử dụng có sử dụng vũ khí “nóng”. Nhiều băng nhóm bị bắt ngay trước khi gây án.
Một vụ cướp giật xảy ra tại quận 4 được camera gi lại. Ảnh: cắt từ Youtube
Cũng tại hội nghị này, Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục cảnh sát Bộ Công an đã yêu cầu Công an TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương thực hiện nhiều giải pháp để trấn áp tội phạm, giữ yên bình cho người dân.
Video đang HOT
Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát, hiện công an lên danh sách hàng trăm băng, nhóm tội phạm với hơn 1.600 đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội tại các tỉnh phía Nam.
Trong đó, các địa phương TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương là những tỉnh có số lượng băng, nhóm tội phạm nhiều nhất.
Trước đó, làm việc với Ban Giám đốc Công an TP HCM về tình hình an ninh trật tự, ngày 17/2, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã yêu cầu ngành công an thành phố phải tập trung tấn công, trấn áp tội phạm, không để tội phạm gia tăng.
“Cuộc sống người dân đầy đủ, no ấm nhưng lúc nào cũng thấp thỏm về trộm cắp, cướp giật thì không thể là thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình được”, ông Thăng nói và gợi ý công an thành phố tái lập lực lượng “Săn Bắt Cướp” hiệu quả như trước đây để có thêm một lực lượng phản ứng nhanh, bảo vệ an ninh cho người dân, du khách.
“Trong vòng 3 tháng tới, công an thành phố phải nỗ lực hơn nữa để tình hình tội phạm được kéo giảm một cách rõ rệt”, ông Thăng nhấn mạnh và yêu cầu xử lý nghiêm những ai không hoàn thành nhiệm vụ, làm cho chính quyền mất uy tín với dân.
Sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng về việc yêu cầu ngành công an thành phố phải tập trung tấn công, trấn áp tội phạm, không để tội phạm gia tăng, Công an TP. HCM đã ra quân, đồng loạt tấn công tội phạm trên đường phố và các địa bàn trọng điểm.
Thế nhưng, cuối cùng lượng tội phạm trên địa bàn thành phố lại tăng lên mạnh mẽ đặc biệt là trộm, cướp tài sản.
Theo Báo Đất Việt
Trộm cướp lộng hành ở TP.HCM, vì sao không áp dụng mô hình 141 của Công an Hà Nội?
Sau khoảng 5 năm hoạt động, mô hình tổ công tác 141 đã cho thấy hiệu quả rõ rệt và dần trở thành "Thương hiệu sức mạnh của Công an Thủ đô".
Trong khi đó, nạn trộm cắp, cướp giật ngày càng trở nên nhức nhối ở TP.HCM. Nhiều người đặt vấn đề, vì sao Công an TP.HCM không áp dụng mô hình "141" của CATP Hà Nội?
Những giải pháp chưa đem lại hiệu quả
Vào giữa tháng 2-2016, làm việc với Đảng ủy Công an TP.HCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã chỉ đạo, phải nỗ lực để kéo giảm tội phạm rõ rệt trng vòng 3 tháng. Theo đó, hôm 5-3, Công an TP.HCM đã tổ chức ra quân trấn áp tội phạm. Trong một thời gian ngắn, lực lượng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ.
Thế nhưng, vụ việc nữ du khách người Ai Cập giật ba-lô gây bức xúc trong dư luận hôm 11-3 và nhiều vụ cướp trắng trợn khác vẫn diễn ra công khai.
Gần đây nhất là vụ nữ ca sỹ Tố Ny bị cướp giật kéo lê trên đường phố TP.HCM, khiến nhiều người hoang mang, lo ngại. Bởi nó cho thấy nạn trộm cướp vẫn lộng hành ở TP.HCM, đe dọa tính mạng và sinh hoạt của người dân, gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng.
Trộm ra vào nhà như trốn không người. Camera không có tác dụng. Thậm chí trộm còn xách dao đi lại ngang nhiên giữa các tầng để lục tìm tài sản, dưới ống kính camera. Ảnh: PLO
Kẻ cướp có thể ra tay ngay trước cửa nhà của nạn nhân như vụ việc xảy ra trước cửa hàng điện thoại ở cư xá Vĩnh Hội đường Nguyễn Hữu Hào, quận 4, TP.HCM. Nạn nhân là vợ chồng anh Khanh và chị Đào. Hôm đó, vợ chồng anh Khanh vừa về đến cửa hàng của mình, trong lúc đang chờ mở cửa chuẩn bị vào nhà, chị Đào bị một kẻ lạ mặt bất ngờ giật giỏ xách từ phía sau rồi tháo chạy. Chị Đào ngã ngửa giữa đường không kịp kháng cự trong khi anh Khanh đuổi theo tên cướp nhưng không làm gì được.
Trương Yến Quân, chỉ mới 16 tuổi nhưng đã cùng bạn trai gây ra khoảng 10 vụ cướp giật túi xách, điện thoại của người đi đường ở TPHCM. Ảnh: PLO
Kế sách của người dân
Gần đây, một số báo đã kêu gọi bạn đọc hiến kế giải quyết nạn cướp giật, trộm cắp ở TP.HCM, và nhanh chóng nhận được hàng trăm lượt đóng góp ý kiến.
Nhiều giải pháp đã được nêu ra như siết chặt quản lý lưu trú, nghiên cứu thành lập những nhóm "hiệp sĩ" đường phố, lập quỹ khen thưởng người dân chống tội phạm, nghiên cứu tái lập đội cảnh sát hình sự săn bắt cướp, gắn camera theo dõi an ninh, thiết lập đường dây nóng trực tiếp và thông suốt 24/24 giờ để nhận tin báo tố giác tội phạm,...
Trên thực tế, một số giải pháp này vốn đã và đang được Công an TP.HCM triển khai.
Cũng có nhiều ý kiến tính đến các giải pháp về lâu dài như: Giải quyết vấn đề thất nghiệp, các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, mại dâm,... Đồng thời giáo dục ý thức tự bảo vệ bản thân và bảo vệ cộng đồng cho mỗi người dân.
Sao không áp dụng mô hình 141?
Mô hình tổ công tác liên ngành 141 được coi như là "cú đấm thép" của CATP Hà Nội, nhiều đại biểu quốc hội cũng từng cho rằng, mô hình này cần được nhân rộng ra các tỉnh thành trong cả nước. Thực tế, TP.HCM cũng đã học tập, triển khai mô hình này vào tháng 12-2012. Nhưng tổ công tác liên ngành 141 ở đây chỉ được thành lập và hoạt động vào một số đợt cao điểm chứ không được duy trì thường xuyên, liên tục.
Thay vào đó, Công an TP.HCM kiên trì với mô hình Đội hình sự đặc nhiệm, thuộc phòng cảnh sát hình sự (thành lập năm 2008) - được coi là "hình ảnh dựng lại" của lực lượng SBC (săn bắt cướp) huyền thoại một thời.
Nhận xét về Đội hình sự đặc nhiệm này trên báo Tuổi trẻ online, bạn đọc Nam Sơn đánh giá "Tôi thấy các lực lượng SBC ở TP.HCM cũng khá hay, góp phần vào công cuộc truy quét tội phạm. Nhưng mô hình này chưa đủ mạnh, vì nó chỉ diệt được bề nổi của tảng bang tội phạm thôi. Phải triệt tận gốc, như liên ngành 141 ở Hà Nội chẳng hạn. Họ tiến hành tuần tra, bắt giữ ngay các đối tượng mang theo hung khí, hoặc các phương tiện gây án trên đường...".
Cũng trên báo Tuổi trẻ online, bạn đọc Lê Tiến Thành cho rằng: "Lập đội 141 giống như ở Hà Nội đó là một giải pháp hay".
"Theo tôi, lãnh đạo TP.HCM nên xem xét thành lập liên ngành 141 như Hà Nội đã làm, mô hình này rất có hiệu quả", bạn đọc Thu Hương cùng chung quan điểm, phản hồi trên báo Pháp luật online.
Liên ngành 141 truy quét nhiều tội phạm trên địa bàn Thủ đô.
Thực tế tại Hà Nội cho thấy, liên ngành 141 không chỉ là lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông mà còn là lực lượng ban đầu ngăn chặn, xử lý vụ việc, đối tượng có dấu hiệu phạm tội.
Từ khi thành lập đến nay, lực lượng đã bắt giữ hàng chục nghìn vụ tội phạm về hình sự, ma túy và tội phạm về kinh tế, thu giữ hàng vạn dao kiếm, vũ khí quân dụng, chất nổ, xe tang vật, ma túy... và hàng chục kg thuốc nổ, hàng trăm điện thoại di động, rượu ngoại..., hàng ngàn hộp mỹ phẩm, đĩa phim lậu hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài kiểm tra, ngăn chặn, xử lý... lực lượng 141 CATP Hà Nội còn phát hiện, thu hồi nhiều tài sản, phương tiện là tang vật của các vụ án trao trả cho người bị hại gồm cả trăm xe mô tô, ô tô, điện thoại di động, máy ảnh, đồng hồ đắt tiền và gần chục kg vàng, cùng với nhiều triệu đồng tiền mặt,... Sự hiệu quả của mô hình 141 góp phần rất lớn vào việc giữ gìn sự yên bình của Thủ đô.
Trước tình hình tội phạm đường phố hoành hành trắng trợn với những vụ việc nghiêm trọng như hiện nay, phải chăng TP.HCM cũng nên áp dụng mô hình kiểu như "141" của CATP Hà Nội, để tạo "quả đấm thép" bảo vệ cuộc sống thanh bình cho người dân ở thành phố mang tên Bác?
Theo An ninh Thủ đô
TP.HCM: Du khách liên tục bị cướp, cần bao nhiêu lời xin lỗi? Mấy ngày nay, dư luận xôn xao vụ một nữ du khách người Nga bị cướp giật được công an phường đứng ra xin lỗi. Nhưng, một lời xin lỗi thì chưa đủ. Lại khóc, lại bàng hoàng giữa lòng Sài Gòn Cướp giật ở Sài Gòn như là thói quen của những kẻ thích "chôm chỉa" đồ của người khác. Những tên...