Bí thư Thăng: Không để băng nhóm tội phạm hoạt động trong chợ Bình Điền
Báo cáo với đoàn lãnh đạo thành phố khảo sát chợ Bình Điền, Ban quản lý chợ khẳng định hiện chợ không còn giang hồ ẩn náu như trước đây. Bí thư Thăng chỉ đạo: “Phải đảm bảo an ninh trật tự, đừng để những điều phức tạp xảy ra, không để băng nhóm tội phạm hoạt động ở đây”.
Đêm 23/1, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã đi thị sát chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Bình Điền (quận 8) trong đợt cao điểm phục vụ Tết. Sau khi thị sát quanh chợ và nói chuyện cùng các tiểu thương, Bí thư Đinh La Thăng đã làm việc với đơn vị quản lý chợ về hoạt động cũng như định hướng phát triển của chợ Bình Điền.
Bí thư Thăng thị sát các quầy tại chợ Bình Điền
Bà Trần Thúy Liên – Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền – cho biết, tổng sản lượng hàng hóa nhập chợ trong những ngày cận Tết tăng cao song chợ vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự. Bà khẳng định hiện nay chợ không còn giang hồ ẩn náu như trước đây.
Bí thư Thăng cho biết, đây là lần đầu tiên ông đến một ngôi chợ to như thế. Ông nhận định, kết quả hoạt động của chợ Bình Điền đã khẳng định chủ trương di dời các chợ sỉ ra ngoại thành là đúng đắn. Việc này góp phần bình ổn giá, đặc biệt là giúp giảm ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông trong nội đô.
Bí thư Thăng hỏi han công việc buôn bán của tiểu thương tại chợ
Video đang HOT
Ông Đinh La Thăng đề nghị đơn vị quản lý chợ Bình Điền phải rà soát lại quy hoạch tổng thể và chi tiết sau 10 năm phát triển để điều chỉnh cho phù hợp với quy mô phát triển của thành phố. Đồng thời, yêu cầu UBND TP phải giải quyết kiến nghị của người dân trong việc di dời, chấm dứt hoạt động các chợ sỉ còn lại ra khỏi nội thành để đảm bảo công bằng.
“Bản thân thành phố kiến tạo thì phải giải quyết các vấn đề còn vướng mắc. Để các chợ sỉ hoạt động trong nội thành là không công bằng. Không thể để người chấp hành nghiêm túc thì chịu thiệt thòi, người không chịu di dời thì lại hưởng lợi”, ông Thăng nói và đề nghị chợ đầu mối Bình Điền phải làm tốt vấn đề an toàn thực phẩm, cần có tiêu chuẩn thậm chí là công cụ kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Nói đến chợ là có nhiều vấn đề phát sinh. Phải đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, đừng để điều phức tạp xảy ra, không để băng nhóm tội phạm hoạt động ở đây. Bình Điền là chợ truyền thống nhưng phải sạch sẽ và văn minh. Phải biến chợ đầu mối Bình Điền thành nơi du lịch “, Bí thư Thăng nói.
Để làm tốt vấn đề này, ông Thăng đề nghị Sở GTVT TP phải tính toán tăng cường vận tải đường thủy và kết hợp du lịch vì hàng ngày có hơn 3.000 xe ô tô vào chợ thì dễ gây ùn tắc giao thông.
Ban quản lý chợ báo cáo Bí thư Thăng và khẳng định hiện chợ không còn giang hồ ẩn náu như trước đây.
Bí thư Thăng cũng lưu ý phải kiểm soát giá cả tại chợ đầu mối để đảm bảo kiểm soát giá bán lẻ. Đặc biệt, ông đề nghị chợ phải tăng cường tự động hóa, cần tính đến chuyện sử dụng robot tự động để quản lý ra vào kho hàng.
Đáp lại Bí thư Thăng, bà Lê Minh Trang – Tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Sài Gòn TNHH MTV (quản lý chợ Bình Điền) cho biết, đơn vị sẽ đặt vấn đề đầu tư trang thiết bị công nghệ để kiểm soát hàng hóa đầu vào lên hàng đầu, thúc đẩy hợp tác để xử lý tốt hơn các vấn đề vệ sinh môi trường. Trên cơ sở đó, xây dựng chợ Bình Điền trở thành điểm đến du lịch.
Quốc Anh
Theo Dantri
Bộ trưởng Công an: Hàng nghìn băng nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, trong năm 2016, lực lượng công an đã tập trung tấn công các tổ chức tội phạm núp bóng doanh nghiệp. Có hơn 1.000 băng nhóm đã được "bóc gỡ" cho thấy hiện tượng thông qua hình thức lập doanh nghiệp để tập hợp tổ chức, hoạt động xã hội đen...
Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói về xu hướng diễn biến của tội phạm trọng năm 2016.
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ với các địa phương sáng nay, 29/12, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, trong năm, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, giải pháp đảm bảo môi trường cho doanh nghiệp (DN) phát triển, chủ động phát hiện sơ hở yếu kém của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các ngân hàng thương mại để thúc đẩy tái cơ cấu lại hệ thống DNNN, các ngân hàng, chống gian lận thương mại... góp phần làm lành mạnh hoá thị trường, chống thất thu thuế, đảm bảo thu ngân sách nhà nước.
Hoạt động của ngành công an góp phần tạo môi trường thuận lợi hơn cho DN phát triển.
Một điểm nổi bật trong hoạt động của lực lượng công an năm nay là tập trung chỉ đạo đảm bảo an ninh kinh tế, đảm bảo an toàn các công trình trọng điểm quốc gia, chống các hoạt động thông qua kinh tế làm chuyển biến chính trị...
"Chúng tôi đã đề xuất và được Bộ Chính trị thông qua Chỉ thị về an ninh kinh tế, chống các hoạt động chuyển hướng trong kinh tế. Đây là việc làm rất quan trọng mà từ đầu năm tới, lần đầu tiên chúng ta sẽ triển khai thực hiện chỉ thị này" - Thượng tướng Tô Lâm phát biểu.
Theo hướng diễn biến này, theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong năm, lực lượng công an đã thực hiện nghiêm chỉ đạo về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tấn công các tổ chức tội phạm núp bóng doanh nghiệp. Có hơn 1.000 băng nhóm tội phạm đã được "bóc gỡ", trong đó có nhiều nhóm núp bóng để hoạt động, ảnh hưởng đến môi trường lành mạnh của các hệ thống doanh nghiệp.
Bộ trưởng Công an nêu rõ, các băng nhóm tội phạm thông qua hình thức lập DN để tập hợp các tổ chức hoạt động kiểu xã hội đen, gây ảnh hưởng, tác động đến hoạt động làm dự án, đấu thầu...
Các lĩnh vực hoạt động là "mảnh đất" núp bóng của tội phạm là san lấp mặt bằng, giải phóng mặt bằng, thu hồi nợ, khai thác khoáng sản, kinh doanh vận tải....
Theo thống kê, cả năm, lực lượng Công an đã xử lý 18.000 vụ án kinh tế, nhiều hơn 900 vụ so với năm ngoái, phát hiện hàng trăm DN lợi dụng chính sách hoàn thuế VAT, gian lận thuế xuất nhập khẩu. Lực lượng cũng điều tra xử lý 339.000 vụ buôn lậu... góp phần làm giảm tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, giúp bình ổn thị trường trong nước...
Ngoài ra, Bộ trưởng Công an cũng nêu nhiều con số về xử lý vi phạm pháp luật về môi trường, giải quyết các vụ khiếu kiện, đình công lãn công, tăng cường việc phòng cháy chữa cháy, cứu nạn ở các khu kinh tế, khu công nghiệp...
Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị Chính phủ lưu ý hơn vấn đề quản lý xã hội, di dân, di cư vì nếu không, đây sẽ là một nguy cơ gây bất ổn tình hình.
"Di dân, di cư giờ đã là một vấn đề quốc tế, Việt Nam phải đề phòng làn sóng di cư từ bất ổn của các nước xung quanh. Trong phạm vi quốc gia, các vấn đề di dân di cư cũng phải được đánh giá kỹ. Riêng Tây Nguyên của chúng ta, trước đây, dân số chỉ 1,1 triệu người, giờ đã tăng lên hơn 5 triệu người, người nơi khác đến đã nhiều hơn dân bản địa, nhiều địa bàn xã, huyện dân cư nhập cư "áp đảo" dân cư tại chỗ, tạo xung đột xã hội, gây mất ổn định" - Bộ trưởng Công an phân tích, cần chính thức thừa nhận sự di dân để đảm bảo điều kiện sống của người lưu trú ở khu vực.
Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị tăng cường bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đời sống dân sinh, nhất là ở những khu công nghiệp, các thành phố lớn với tinh thần "phát triển phải đi liền với ổn định".
P.Thảo
Theo Dantri
Làm trong sạch xã hội theo cách Duterte và những hệ lụy Ngay khi lên nắm quyền vào cuối tháng 6 vừa qua, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lập tức tuyên chiến với vấn nạn ma túy. Chỉ gần 2 tháng sau đó đã có hơn 1.900 người bị giết - trong đó 756 người do cảnh sát giết và 1.160 người do một bộ phận khác, gọi là "lực lượng tự vệ", mặc...