Bí thư Quận 1: Xem xét trách nhiệm ông Đoàn Ngọc Hải trong một số công trình sai phạm
Trách nhiệm là của người đứng đầu về lĩnh vực được phân công. Tại mỗi quận, chính quyền có rất nhiều lĩnh vực quản lý khác nhau và đó là lĩnh vực anh Hải được phân công, Bí thư Quận 1 Trần Kim Yến nói về trách nhiệm và đơn từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải.
“Công việc khi chưa nhận, chưa làm, sao biết là không hợp với anh Hải”
Chiều 7.6, bên hành lang Quốc hội các đại biểu đã trao đổi với báo chí xung quanh việc ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1 viết đơn từ chức Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn.
Đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), Bí thư Quận ủy Quận 1 thông tin, “khi anh Hải làm đơn xin từ chức lần thứ nhất (từ chức Phó Chủ tịch UBND quận 1- PV) thì Thành ủy đã đề nghị quận 1 phải làm rõ những vấn đề anh Hải nêu trong đơn, nhưng khi làm việc, rà soát thì thấy vấn đề không có những ý như anh Hải đề cập.
Bí thư Quận ủy Quận 1 Trần Thị Kim Yến
Tới khi Thành ủy quyết định cho anh Hải nghỉ như nguyện vọng thì anh Hải lại có đơn rút đơn xin nghỉ. Đây là lá đơn thứ hai. Còn tính tới lần từ chức thứ 2 này, anh Hải đã có tất cả 3 lá đơn. Đơn thứ 2 là để rút cái đơn thứ nhất.
Trong lá đơn thứ hai, anh Hải nói thấy bản thân còn sức khỏe, còn tuổi để cống hiến và chấp nhận làm bất cứ việc gì khó khăn vất vả nhất. Anh Hải cũng cam kết sẽ nhận bất cứ nhiệm vụ nào được giao. Căn cứ nguyện vọng của anh Hải, Thành ủy chấp nhận đơn xin rút đơn từ chức này.
Trong quá trình làm việc sau đó, anh Hải vẫn thực hiện nhiệm vụ của mình; nhưng anh Hải cũng đã cam kết sẵn sàng đi bất cứ đâu, nhận bất cứ nhiệm vụ gì. Vậy mà tới khi Thành ủy thông qua chủ trương điều động đi làm nhiệm vụ tại Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn, anh Hải lại nói là nhiệm vụ đó không hợp”.
Bình luận về lý do từ chức được nêu trong lá đơn từ chức lần thứ 2 mà ông Đoàn Ngọc Hải đề cập đến có thể là do “đụng chạm lợi ích” trong cuộc chiến giành lại vỉa hè của ông nên mới được phân công nhiệm vụ mới không phù hợp, bà Yến cho biết “Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã nói rất rõ. Trong một doanh nghiệp về xây dựng, không phải vị trí nào cũng có nghĩa là chỉ có việc xây dựng mà còn cần nhiều yếu tố về quản trị, về tổ chức, nhân sự… Đâu phải cứ làm trong doanh nghiệp xây dựng là chỉ cầm bay đi xây”.
“Công việc khi chưa nhận, chưa làm, sao biết là không hợp với anh Hải? Như vậy, thực ra có thể thấy giữa lời nói và hành vi, việc làm của anh ấy, giữa lý thuyết và thực tiễn không khớp với nhau. Anh Hải đáng ra phải tôn trọng tổ chức, phải đi làm thì mới biết việc phân công cho anh ấy là gì, có hợp hay không”, bà Kim Yến nhận định.
Video đang HOT
Đang rà soát, xem xét trách nhiệm của ông Đoàn Ngọc Hải
Bí thư Quận 1 cũng thông tin thêm về việc giai đoạn ông Đoàn Ngọc Hải làm Phó Chủ tịch UBND quận 1, có một số vấn đề liên quan đến việc cán bộ ký sai, quyết toán một số công trình thực hiện không đúng quy định về độ cao, mật độ xây dựng trong đô thị. Theo bà Kim Yến, “trách nhiệm là của người đứng đầu về lĩnh vực được phân công. Tại mỗi quận, chính quyền có rất nhiều lĩnh vực quản lý khác nhau và đó là lĩnh vực anh Hải được phân công.
Ở đây, anh Hải được phân công phụ trách việc quản lý đô thị và xây dựng, trong đó quản lý đô thị là đảm bảo trật tự và mỹ quan đô thị. Mảng xây dựng cũng thuộc lĩnh vực anh Hải được phân công.
Trong quá trình quản lý hoạt động xây dựng đó, có hoạt động thanh tra. Khi kiểm tra, thanh tra đã có kết luận về những sai phạm mà hiện tại các cơ quan chức năng đang tiến hành các bước xử lý, xem xét từ trách nhiệm của cán bộ trực tiếp tới người đứng đầu lĩnh vực quản lý nhà nước”.
Bí thư Quận 1 cũng cho biết “hiện các cơ quan đang xử lý đó, xem xét trách nhiệm các bộ phận trực tiếp tham mưu ở từng cấp. Còn phần của anh Hải thì chưa kết luận vì anh Hải là cán bộ thuộc quyền quản lý của Thành ủy, cần chờ rà soát, xem xét”.
Nên luật hóa hành vi từ chức?
Cũng liên quan đến câu chuyện “sáng nhận quyết định, chiều nộp đơn từ chức” của ông Đoàn Ngọc Hải. đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, đây là việc của TP HCM.
Dù cho biết “không nắm cụ thể’ nhưng theo đại biểu Tô Văn Tám, quy trình điều động luôn có sự cân nhắc rồi làm công tác gặp gỡ đương sự để đương sự trình bày nguyện vọng.
ĐB Tô Văn Tám
“Về nguyên tắc đã là cán bộ cấp dưới thì phải chấp hành mệnh lệnh cấp trên. Mình được bày tỏ nguyện vọng nhưng chấp nhận nguyện vọng hay không phải là cấp cơ quan có thẩm quyền.
Cách làm như thế nào trong câu chuyện của ông Đoàn Ngọc Hải là của nội bộ TP HCM. Mình phải dựa vào chuyên môn đào tạo, sở trường sở đoản, năng lực ở lĩnh vực mới. Ở lĩnh vực mới họ có được điều động nghiệp vụ chuyên môn hay không, năng lực của họ có đảm đương được nhiệm vụ đó hay không”, đại biểu Tô Văn Tám bày tỏ.
Nhân tình huống của ông Đoàn Ngọc Hải, đại biểu Tô Văn Tám cho biết thêm, Trung ương chuẩn bị chuẩn bị đại hội các cấp, chuẩn bị nhân sự cho khóa tới. “Đây là bài học cho các địa phương”.
Trả lời câu hỏi có nên luật hóa hành vi từ chức hay không, đại biểu Tám cho rằng nếu luật hóa được trong công tác bổ nhiệm, từ chức thì “quá tốt”. “Nếu không luật hóa được thì ta dùng các quy chế, quy trình theo hướng đổi mới để theo đó mà làm”, đại biểu Tô Văn Tám bày tỏ.
Theo N. Huyền (Infonet)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói gì về việc ông Đoàn Ngọc Hải từ chức?
Chiều ngày 5/6, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vinh Tân trao đổi với báo chí xung quanh việc ông Đoàn Ngọc Hải xin từ chức.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Lê Hiếu.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, việc phân công cán bộ là do tổ chức. Còn cán bộ cảm thấy khả năng, trình độ của mình như thế nào, có phù hợp công việc mới hay không thì có quyền báo với tổ chức, còn quyền quyết định là do tổ chức.
Ngay sau nhận quyết định bổ nhiệm công việc khác thì ông Đoàn Ngọc Hải xin từ chức. Mới đây cũng có trường hợp Phó giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang từ chối quyết định phân công về làm việc ở Hội Chữ thập đỏ, Bộ trưởng có nhìn nhận gì?
- Điều này là do cấp quản lý cán bộ quyết định, còn nguyện vọng của các cán bộ này sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét. Khả năng anh Đoàn Ngọc Hải thấy chưa hợp chuyên môn với công việc mới, chưa làm công việc này ngày nào nên có thể không hoàn thành nhiệm vụ, để tổ chức chọn người khác có thể hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.
Nếu thấy khả năng mình không hoàn thành thì họ từ chối. Còn đề bạt, phân công là quyền của tổ chức, họ sẽ đánh giá xem xét.
Ông Đoàn Ngọc Hải (bên trái) sáng nhậm chức, chiều xin từ chức ngay khiến dư luận xôn xao (ảnh IT).
Có ý kiến cho rằng, trong công tác cán bộ có trường hợp sắp xếp để lấp chỗ trống, chẳng hạn như cán bộ đã bị kết luận vi phạm nên phân công công việc mới là ngồi chờ bước xử lý tiếp theo, thưa Bộ trưởng?
- Không! Trường hợp có sai phạm lại khác. Việc phân công cán bộ là quyền của các cơ quan quản lý cán bộ, phân công sao cho phù hợp.
Cán bộ có nguyện vọng xin chuyển vị trí khác hoặc không làm vị trí đó. Nhưng quyền quyết định là cơ quan quản lý cán bộ, cơ quan này sẽ căn cứ vào yêu cầu, năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ và yêu cầu thực tế của công việc.
Tôi nghĩ trước tiên là cán bộ phải chấp hành quyết định của tổ chức còn vấn đề khiếu nại, hay tâm tư, nguyện vọng như thế nào thì tổ chức sẽ xem xét. Quan trọng là cán bộ, đảng viên phải chấp hành quyết định của tổ chức.
Vậy trường hợp xin từ chức khi vừa được phân công công việc mới cũng như vụ Phó giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang từ chối nhận quyết định phân công liệu có bị xử lý thưa Bộ trưởng?
- Không chấp hành quyết định của tổ chức thì nhất định phải xem xét xử lý, vì quy định của Đảng, Nhà nước đã có. Đương nhiên cơ quan sử dụng cán bộ phải xét đến nguyện vọng của cán bộ. Còn cán bộ là phải chấp hành việc Đảng, Nhà nước phân công.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Ông Đoàn Ngọc Hải : 'Tôi còn luyến tiếc một điều' Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Sài Gòn TNHH Một thành viên đã nộp đơn xin từ chức vào hôm qua 4.6. PV Thanh Niên đã phỏng vấn ông Hải xung quanh đơn xin từ chức này. Ông Đoàn Ngọc Hải tại buổi nhận quyết định điều động làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty...