Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: ‘Xây nhà hát không đụng chạm đến tiền đền bù cho dân Thủ Thiêm’
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết xây nhà hát và chuyện đền bù là hai chuyện hoàn toàn khác nhau, việc xây nhà hát không đụng chạm đến tiền đền bù cho người dân Thủ Thiêm.
Chiều 15/10, tại bế mạc Hội nghị lần thứ 18 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã thông tin về chủ trương xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm.
Theo Bí thư Nhân, chủ trương thành phố xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, có ý kiến cho rằng tiền đền cho người dân Thủ Thiêm còn chưa có mà đi làm nhà hát 1.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, người đứng đầu Thành uỷ TP.HCM khẳng định chuyện đền bù và xây nhà hát là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Việc đền bù cho người dân Thủ Thiêm, thành phố đang làm theo quy trình. Sau khi có kết luận thanh tra, Thường vụ Thành ủy đã họp nhiều lần chỉ đạo và UBND thành phố đang xây dựng 11 giải pháp và đã gặp gỡ lấy ý kiến người dân.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân thông tin về chủ trương xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm.
“Tiền đền bù cho người dân thì sử dụng tiền của ngân sách, không liên quan đến tiền xây nhà hát. Không vì nhà hát mà thiếu tiền đền bù cho người dân. Tiền xây nhà hát thành phố là tiền bán đất ở quận 1 từ mấy năm trước giữ lại”, Bí thư Nhân nói.
Giải thích về việc nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ phục vụ ai, người đứng đầu Thành uỷ TP.HCM thông tin, 100 năm trước khi Pháp xây nhà hát thành phố ước chừng dân thành phố chỉ khoảng 100.000 người nhưng đến bây giờ nhà hát vẫn dùng được cho thấy họ có tầm nhìn.
“Dân số thành phố bây giờ khoảng 10 triệu người, trong đó 5 triệu lao động với 30% trình độ đại học, cao đẳng; cao gấp 3 lần bình quân cả nước. Ngoài ra còn có 100.000 người nước ngoài đang sinh sống ở thành phố.
Video đang HOT
Việc có nhà hát bên cạnh thỏa mãn trực tiếp người đang có nhu cầu, còn phục vụ giao lưu, rất nhiều đoàn nghệ sỹ nước ngoài tới biểu diễn nhưng không có chỗ. Ngoài giao hưởng, ba lê, Opera, thì các hoạt động văn nghệ của xã hội, thậm chí hát cải lương vẫn tổ chức được ở nhà hát giao hưởng”, Bí thư Nhân khẳng định.
Theo Bí thư Nhân, Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM thành lập năm 1993, tới nay đã 25 năm với 200 nghệ sĩ nhưng hiện vẫn đang đi “ở đợ”. Một năm thành phố cấp 900 triệu đồng từ tiền ngân sách để thuê các địa điểm.
Người đứng đầu Thành ủy khẳng định dự án xây dựng nhà hát 1.500 tỷ đồng ở Khu đô thị Thủ Thiêm có trong quy hoạch 7 công trình trọng điểm, đã được Thủ tướng đồng ý và đáng ra nhà hát phải được xây dựng xong năm 2015.
Toàn cảnh hội nghị.
Thông tin về việc chọn Thủ Thiêm để xây dựng nhà hát giao hưởng, Bí thư Nhân cho biết ban đầu tính xây dựng ở công viên 23/9, nhưng do 3 mặt tiền đều là đường giao thông, tiếp cận khó và còn là công viên của nhân dân nên thành phố quyết định đưa về Thủ Thiêm.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm, trong nhiệm kỳ 2016 – 2020, tiền xây dựng trường học, bệnh viện hơn 34.000 tỷ, so với tiền xây nhà hát chỉ 1.500 tỷ, chiếm rất nhỏ.
“Nhà hát mà chúng ta chờ đợi suốt 25 năm nay, nếu so với tiền xây dựng trường học, bệnh viện của 3 nhiệm kỳ gần đây là hơn 57.000 tỷ đồng. So với tiền xây nhà hát gấp 38 lần” – Bí thư Nhân so sánh.
Bí thư Nhân nói số tiền 1.500 tỷ xây nhà hát là không nhỏ, nhưng thành phố có kế hoạch từ lâu và không phải thành phố không quan tâm tới việc xây dựng trường học, bệnh viện.
Bí thư Nhân cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy, thường trực HĐND, thường trực UBND nên có ký kết phối hợp về chương trình truyền thông trước và sau các kỳ họp của HĐND để chủ động thông tin cho dư luận hiểu.
QUANG ANH
Theo VTC
Xây dựng Nhà hát Thủ Thiêm 1.500 tỷ đồng: Hình như các vị không thấu nỗi đau, nỗi khổ của dân
Việc xây nhà hát 1.500 tỷ đồng là ý tưởng tốt nhưng qua việc các đại biểu bỏ phiếu cho dự án nhà hát mới này mới thấy rằng, hình như các vị không thấu nỗi đau, nỗi khổ của dân.
Dư luận lại được một phen "dậy sóng" khi Hội đồng Nhân dân TP.HCM biểu quyết thông qua việc xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng.
TP.HCM muốn xây nhà hát 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm. Ảnh phối cảnh quảng trường trung tâm và công viên bờ sông.
Ý kiến thuận chiều là cần phải xây Nhà hát xứng với sự phát triển của thành phố và phục vụ cho các nhu cầu văn hóa giải trí khác, nhưng là ở đẳng cấp "hàn lâm". Theo như lý giải thì nhà hát này không dành cho các loại ca nhạc biểu diễn kiểu "thị trường"... Ý tưởng này rất tốt và một nơi như TP.HCM thực sự cần một nhà hát hiện đại.
Ý tưởng thì tốt, nhưng lật ngược lại vấn đề thì cần biết "phân vân": Việc xây nhà hát 1.500 tỷ đồng lúc này đã thực sự cần thiết hay chưa?
Có thể trả lời ngay: Chưa cần thiết!
Bởi lẽ TP.HCM đang rất cần tiền để giải quyết những việc cấp bách như: Thiếu bệnh viện, thiếu trường học, chống ngập...
Giá mà khi biểu quyết thông qua dự án xây nhà hát, các đại biểu đặt một câu hỏi rằng: Cần phải xây thêm bao nhiêu bệnh viện để đảm bảo cho người dân khi ốm không phải nằm 2-3 người/ giường bệnh; không phải nằm vạ vật ở hành lang, thậm chí phải chui cả vào gầm giường?
Cần phải đầu tư thêm bao nhiêu tiền để chống ngập một cách cơ bản cho thành phố, để người dân không phải chịu cảnh mỗi năm vài chục lần bì bõm lội nước mỗi khi triều cường hay mưa lớn...?
Qua việc các đại biểu bỏ phiếu cho dự án nhà hát mới này mới thấy rằng, hình như các vị không thấu nỗi đau, nỗi khổ của dân! Các vị không hiểu được đạo lý của người làm quan là phải "lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ".
Lúc này, TP.HCM chỉ cần nâng cấp Nhà hát Thành phố, cải tạo lại một vài nhà hát là có thể thừa sức cho các dàn nhạc danh tiếng biểu diễn.
Vả lại, cũng phải thừa nhận một điều rằng, thẩm mỹ âm nhạc của người dân Việt Nam hiện còn thấp, đặc biệt là thế hệ trẻ! Một dàn nhạc giao hưởng danh tiếng đến mấy, mà biểu diễn kể cả ở TP.HCM hay Hà Nội thì cũng chỉ được đến tối thứ 3 là hết, bởi không có người nghe.
Cho nên xây một nhà hát thật lớn, thật hoành tráng, thật hiện đại chỉ để biểu diễn dòng nhạc thị trường thì... phí tiền!
Rất mong các vị lãnh đạo TP.HCM nên lắng nghe ý kiến của người dân và hãy đặt mình vào vị trí của người dân.
NGUYỄN NHƯ PHONG
Theo VTC
Giám đốc Nhà hát hơn 1.500 tỷ đồng: 'Nhà hát là bước đi tầm xa, nhìn về tương lai' Do còn quá nhiều khó khăn trong hoạt động nghệ thuật, giám đốc Trần Vương cho rằng việc xây dựng Nhà hát hơn 1.500 tỷ đồng là bước đi tầm xa, nhìn về tương lai lâu dài. Trước ý kiến trái chiều về việc TP.HCM xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch 1.500 tỷ đồng ở Khu đô thị mới...