Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Đô thị TP.HCM tụt hậu xa so với khu vực
Thành phố sẽ tập trung thực hiện chiến lược “2 cánh” trong quá trình xây dựng đô thị thông minh: Quy hoạch thông minh thành phố phát triển bền vững; Quản lý ngành thông minh – Công dân thông minh – Doanh nghiệp thông minh.
Sáng 25.10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị Quốc tế về thành phố thông minh 2017 diễn ra tại TP.HCM.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồ Văn
Trong bài phát biểu, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thể hiện sự mến khách khi mở lời: “Các bạn nước ngoài dự hội nghị, nếu có thời gian hãy đi thăm TP.HCM, nói chuyện với người dân thành phố, ăn món ăn của thành phố… để khi về nước các bạn nhớ và quay lại với chúng tôi”.
Theo ông Nhân, Nghị quyết số 16 ngày 10.8.2012 của Bộ Chính trị đã định hướng “Xây dựng TP.HCM, văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á”. Tuy nhiên, đến nay tốc độ phát triển đô thị của TP.HCM vẫn còn chậm và khoảng cách “hiện đại hóa đô thị” so với các thành phố trong khu vực vẫn còn rất lớn.
Ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ Trí Nam (áo đỏ) đang giới thiệu các phần mềm ứng dụng thông minh với Bí Thư Thành ủy. Ảnh: Hồ Văn
Với khát vọng của một thành phố năng động, TP.HCM luôn kỳ vọng sẽ đạt được những bước phát triển đột phá để vươn lên sánh ngang tầm với các thành phố lớn của các quốc gia trong khu vực.
Để thực hiện mục tiêu đó, thành phố đã và đang tổ chức xây dựng Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh và xác định đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đề án này sẽ hướng đến bốn mục tiêu: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế và hướng đến kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc, quản trị đô thị hiệu quả, tăng cường sự tham gia quản lý của người dân – phát huy trí tuệ nhân dân. Đồng thời được xây dựng trên 4 nguyên tắc đó là: Tầm nhìn chính xác, xuyên suốt và được sự đồng thuận cao; luôn thấu hiểu người dân; công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển; và huy động mọi nguồn lực tham gia.
Video đang HOT
Bí thư Nhân trao đổi với các chuyên gia nước ngoài tại Hội nghị. Ảnh: Hồ Văn
“Muốn thực hiện được đô thị thông minh phải ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển đô thị một cách hiệu quả hơn, như dân số đô thị tăng, hạ tầng lạc hậu, quá tải, đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng… Đặc biệt, việc quản lý thành phố lớn không thể bằng kinh nghiệm thông thường mà phải là quản lý có dự báo, phải thấy trước vấn đề khó khăn của thành phố và ngăn chặn không để xảy ra ách tắc, đảm bảo phát triển bền vững”, Bí thư Nhân nói.
Ông Nhân cũng gửi gắm mong muốn các đại biểu, chuyên gia ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm giúp TP.HCM xây dựng thành phố thông minh như mục tiêu đề ra.
Theo chương trình, Hội nghị diễn ra trong ngày với hơn 450 đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương, TP.HCM, các tỉnh, thành tại Việt Nam, các vị khách quốc tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia…, đại diện các doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực điện, nước, giao thông, môi trường, tài chính, y tế…, đại diện các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam và thế giới.
Trong những năm gần đây, cộng hưởng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, số lượng các thành phố triển khai xây dựng đô thị thông minh ngày càng tăng. Các quốc gia/thành phố đang triển khai xây dựng đô thị thông minh tiêu biểu hiện nay có thể kể đến gồm Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu… Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, sự phát triển của TP.HCM không thể nằm ngoài xu hướng tiếp cận này.
Theo Danviet
Nhất thể hóa chức danh lãnh đạo: Ai sẽ là người 2 trong 1?
"Trước đây huyện ủy, ủy ban và HĐND dùng xe riêng, nhưng nay tất cả đều dùng chung hết. Rồi cả điện, nước,và nhiều khoản chi phí khác nay cũng tiết kiệm đi rất nhiều!", ông Trương Công Ngàn, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên khẳng định khi nói về chủ trương nhất thể hóa chức danh cấp huyện ở Quảng Ninh.
Đi tiên phong trong việc nhất thể hóa một số chức danh cấp ủy và chính quyền, Quảng Ninh đã thực hiện "khắc nhập" hàng loạt các chức danh như: Bí thư kiêm chủ tịch HĐND, hoặc UBND cấp huyện; Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND hoặc UBND cấp xã; Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra kiêm Chánh thanh tra; Trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ; Trưởng ban dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ ...
Tuy nhiên, cũng có một số người đặt câu hỏi, vai trò của Đảng liệu có bị mờ nhạt đi trong vai trò chỉ đạo bộ máy quản lý ở Quảng Ninh, khi nơi đây đang thực hiện những bước đi mang tính đột phá trong cải cách bộ máy hành chính?
Động chạm quyền lợi nhiều người
Sau khi được Trung ương cho phép, Quảng Ninh đã tiến hành nhất thể hóa chức danh ở một số địa phương. Đầu tiên là cấp phường xã, tiếp đó là cấp huyện. Đồng thời Quảng Ninh đã rà soát, tiến hành hợp nhất một số cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn chính quyền cùng cấp, có nhiệm vụ tương đồng. Công việc này được tiến hành theo hướng, sử dụng cơ quan chuyên trách, tham mưu, giúp việc chung trụ sở, chung công việc, nhưng vẫn sử dụng 2 con dấu để đáp ứng yêu cầu công việc.
Ông Vũ Tiến Thu (áo xanh) - Trưởng Ban Dân vận kiêm Chủ tịch MTTQ huyện Tiên Yên - đi thực tế tại xã Đồng Rui để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. (Ảnh: Nguyễn Quý)
Là lãnh đạo 1 trong 2 địa phương đầu tiên thực hiện nhất thể hóa chức danh cấp huyện ở Quảng Ninh, ông Trương Công Ngàn, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên chia sẻ với Dân Việt: "Khó khăn đương nhiên là có! Đó là việc thực hiện nhất thể hóa chức danh xuyên xuốt bộ máy cũng gặp những áp lực, trở ngại vì động chạm đến quyền lợi trực tiếp của nhiều người, việc chuyển đổi nhận thức của cán bộ chưa thể nhanh chóng, đòi hỏi phải làm công tác tư tưởng dần dần".
Tuy nhiên, ông Ngàn cũng khẳng định bản thân ông thấy có rất nhiều hiệu quả từ việc nhất thể hóa. "Tuy khối lượng công việc nặng nề hơn, nhưng triển khai rất nhanh. Ngay khi rời cuộc họp, không cần phải trình cấp ủy thông qua như trước kia nữa", ông nói.
Một việc khác mà ông Ngàn cho rằng rất hiệu quả như Tiên Yên vừa thực hiện, đó là kỷ luật Đảng viên. Nếu như trước đây, cơ quan thanh tra sau khi phát hiện dấu hiệu vi phạm của 1 người là Đảng viên thì phải chuyển hồ sơ sang Ủy ban kiểm tra, chờ kết luận thanh tra lần nữa. Nhưng nay, việc tiến hành thanh tra có cả cơ quan thanh tra và ủy ban kiểm tra, nên chỉ cần ra kết luận 1 lần.
Ông Ngàn còn dẫn chứng hiệu quả tiết kiệm khi thực hiện nhất thể hóa: "Trước đây huyện ủy, ủy ban và HĐND dùng xe riêng, nhưng nay tất cả đều dùng chung hết. Rồi cả điện, nước,và nhiều khoản chi phí khác nay cũng tiết kiệm đi rất nhiều!".
Cùng chung quan điểm, bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh nhận định: Nhất thể hóa bộ máy là công việc phức tạp, nhưng Quảng Ninh quyết tâm làm được bởi sự đồng lòng của các cấp ủy và nhân dân ủng hộ. Tỉnh đã tiến hành rà soát lại bộ máy tổ chức và biên chế của từng cơ quan để sắp xếp lại, đào tạo và phân công nhiệm vụ phù hợp, đúng với cơ cấu ngạch bậc, vị trí việc làm hiện nay.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đánh giá: Quan trọng hơn cả là việc xây dựng và ban hành quy chế vận hành, quy trình xử lý công việc để gắn kết các nhóm nhiệm vụ của các cơ quan có chức năng tương đồng.
"Chính nhờ làm tốt công tác này mà Quảng Ninh dễ dàng hơn trong quá trình thực hiện mục tiêu "một chức năng, một nhiệm vụ, trên một địa bàn, chỉ có một đơn vị thực hiện", để tập trung hơn, có tính chuyên sâu hơn, tăng tính hiệu quả, sáng tạo và sự tự chủ cho các cơ quan, cũng như mỗi cán bộ", bà Hoàng nói.
Khó khăn tìm người 2 trong 1!
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Thị Hoàng báo cáo với Hội đồng Lý luận T.Ư về phương thức lãnh đạo, nhất thể hóa các chức danh... mà Quảng Ninh đang thực hiện. (Ảnh: P.V)
Một câu hỏi đặt ra với người đứng đầu ở Quảng Ninh là tiêu chí nào để chọn ra người đủ khả năng nắm giữ vai trò 2 trong 1? Bởi khi hợp nhất, việc trao quá nhiều trọng trách cho 1 người sẽ đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực. Hay sức nặng khiến công việc không trôi chảy, không dám làm, lại phải xin ý kiến tập thể, hay có tình trạng sợ nên núp bóng tập thể. Việc này dễ dẫn đến sai lầm, dễ mất cán bộ, gây tác hại cho xã hội.
Về vấn đề này, Phó Bí thư Thành ủy TP.Cẩm Phả Đỗ Thị Bính chia sẻ: Khó khăn nhất trong quá trình "nhất thể hóa" là công tác cán bộ. Phải tìm được người có năng lực và phẩm chất chính trị. Bởi không phải ai cũng làm việc kiêm nhiệm được. Đã có trường hợp Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường, nhưng sau một thời gian công tác, lãnh đạo thành phố Cẩm Phả buộc phải dừng, điều chỉnh không để trường hợp đó kiêm nhiệm nữa do không đáp ứng được yêu cầu công tác.
Ông Nguyễn Văn Đạt, nguyên Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng: Người giữ vai trò vừa là bí thư, vừa là chủ tịch HĐND/UBND đòi hỏi vừa có năng lực, vừa có đạo đức thì mới vận hành bộ máy thông suốt, hiệu quả.
"Đây là 1 chủ trương rất đúng đắn, bởi từ xưa đến nay, bộ máy Đảng và chính quyền vận hành quá cồng kềnh, chồng chéo. Điều này đã được chỉ ra từ lâu nhưng chưa thực hiện được. Cá nhân tôi cho rằng, chủ trương nhất thể hóa chức danh không hề làm giảm vai trò của Đảng, mà ngược lại, Đảng sẽ hóa thân vào Nhà nước, chứ không chỉ đứng bên ngoài chỉ đạo. Việc nhất thể hóa chức danh phải thực hiện thống nhất từ trên xuống, từ T.Ư tới địa phương, chứ không nên để tỉnh đơn độc" - ông Đạt nói.
Mặc dù đến nay chưa có đánh giá tổng kết chính thức, nhưng việc nhất thể hóa các chức danh đã thực sự mang lại cho Quảng Ninh những hiệu quả bước đầu trên tất cả các lĩnh vực xây dựng đảng, kinh tế- văn hóa, xã hội, nội bộ địa phương đoàn kết thống nhất.
Đến thời điểm này, Quảng Ninh đã thực hiện kiêm nhiệm, nhất thể hoá các chức danh người đứng đầu cấp uỷ và chính quyền ở tất cả các địa phương trên địa bàn. Trong đó, thực hiện cơ chế bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện tại 2 địa phương Cô Tô, Tiên Yên; bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND tại 7/14 địa phương cấp huyện; bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở 75/186 xã; Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố ở 1.508/1.565 thôn, khu; Trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch uỷ ban MTTQ ở 10 địa phương; chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra kiêm chánh thanh tra ở 9/14 địa phương; Trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ ở 10/14 địa phương; trưởng (phó) ban tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị ở 13/14 địa phương...
Theo Danviet
Bí thư Nhân: Xử lý tham nhũng vì sự tồn vong của Đảng "Dù rất đau xót, nhưng vi phạm Điều lệ Đảng thì phải xử lý vì sự tồn vong của Đảng, xử lý để làm gương cho những ai nhúng chàm thì soi gương, rửa tay cho sạch sẽ, không được tái phạm nữa", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã bày tỏ như vậy tại buổi tiếp xúc cử tri huyện...