Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Cơ chế đặc thù cho TPHCM không gây bất lợi cho các tỉnh khác
“Cơ chế đặc thù của TPHCM không ảnh hưởng xấu đến các tỉnh. Không làm ảnh hưởng đến kế hoạch cân đối ngân sách trung hạn của cả nước. Nếu xấu thì Quốc hội không thông qua. Thành phố cam kết phát triển nhanh, hiệu quả, vì cả nước. Không gây bất lợi cho các địa phương” – Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định trước đông đảo cử tri quận 7 vào chiều 28/11.
Dân số TPHCM 15 triệu, đó là thảm hoạ!
Tại buổi tiếp xúc với đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, cử tri Lê Thị Liên Minh, một cựu giáo chức của địa phương bày tỏ niềm vui mừng trước việc Quốc hội có Nghị quyết giao TPHCM cơ chế đặc thù.
“Nghị quyết này rất quan trọng. Đây là điều nhân dân thành phố quan tâm, tâm đắc. Tuy chưa hiểu cơ chế đặc thù là thế nào nhưng hiểu TPHCM sẽ là đầu tàu của toàn quốc về mọi mặt”, cử tri Minh hồ hởi nói.
Cựu giáo chức này cho rằng, muốn làm cơ chế đặc thù thành công thì phải có sự quyết tâm rất lớn của chính quyền và toàn thể nhân dân bởi đây là vinh dự nhưng cũng là trọng trách.
Cử tri Lê Thị Liên Minh, phường Tân Quy nêu vấn đề về cơ chế đặc thù cho TPHCM.
Tuy nhiên, bà Lê Thị Liên Minh bày tỏ sự băn khoăn rằng: Các tỉnh lân cận, các tỉnh trong cả nước sẽ suy nghĩ như thế nào khi TPHCM có nhiều ưu đãi.
Cử tri này hỏi thẳng: “Người dân các tỉnh sẽ đổ xô vào thành phố của chúng ta. Nguy cơ dân số tăng là rất lớn. Nếu để dân số TPHCM tăng lên 15 triệu, đó là thảm hoạ”, bà Minh nói.
Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tiếp xúc với cử tri quận 7 chiều 28/11.
Nữ cử tri này cho rằng, không riêng TPHCM, các đại biểu Quốc hội trong toàn quốc phải “vắt óc” tìm những giải pháp để giữ chân nhân dân tỉnh mình. Các địa phương phải đồng hành cùng TPHCM trong việc thực hiện cơ chế đặc thù bằng những giải pháp riêng, chí ít là tạo điều kiện cho người dân địa phương ở lại.
Trái cây, rau, hoa quả sẽ vượt gạo, dầu hoả…
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã dành khá nhiều thời gian để trả lời các câu hỏi của cử tri cũng như cung cấp nhiều thông tin, giải pháp để phát triển TPHCM phù hợp với tình hình mới.
Video đang HOT
Mở đầu bài phát biểu, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Cơ chế đặc thù của TPHCM không ảnh hưởng xấu đến các tỉnh. Nếu xấu thì Quốc hội không thông qua”.
Ông Nhân cho biết, TPHCM đóng 27-28% ngân sách cả nước. Năng suất lao động cao, bằng 2,7 năng suất lao động cả nước. Do đó, dù hưởng cơ chế đặc thù, chắc chắn TPHCM không làm ảnh hưởng đến kế hoạch cân đối ngân sách trung hạn của cả nước. TPHCM cam kết phát triển nhanh, hiệu quả, vì cả nước, không gây bất lợi cho địa phương.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trả lời về cơ chế đặc thù của TPHCM.
“Nếu không gây bất lợi cho các địa phương, vậy TPHCM có bất lợi không?”, ông Nhân tự đặt ngược vấn đề.
Để trả lời câu hỏi do chính mình đưa ra, người đứng đầu Đảng bộ TPHCM cho biết, sau năm 1975, dân số của “Hòn ngọc Viễn Đông” là 3,7 triệu người. Hiện nay, dân số TPHCM đạt 9-10 triệu người. Theo tính toán, trong 40 năm qua, cứ 7-8 năm thêm 1 triệu người dân.
Mặc dù tốc độ dân số tăng… chóng mặt nhưng TPHCM không hạn chế nhập cư bởi Hiến pháp cho quyền tự do đi lại của người dân.
Nhìn ra thế giới, ông Nhân cho biết, thế kỷ trước, đa số dân số là nông thôn nhưng từ năm 2000 thì hơn 1/2 dân số toàn cầu là thành thị. Xu hướng nông thôn giảm đi, thành thị tăng lên. Do đó, việc dân số TPHCM cao hơn vẫn là chuyện tự nhiên.
Để lao động không vào TPHCM, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phải có những giải pháp để người dân có việc làm, nâng cao thu nhập tại chỗ.
Hàng trăm cử tri tham dự và lắng nghe các phát biểu của Bí thư TPHCM về các vấn đề thắc mắc.
Theo đó, TPHCM sẽ là trung tâm sản xuất cây giống, trung tâm giống các con hải sản, vật nuôi chất lượng để cung cấp cho chăn nuôi, trồng trọt của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên.
“Sắp tới, TPHCM sẽ là trung tâm sản xuất hệ thống chuồng trại, là trung tâm khoa học công nghệ, hỗ trợ giống cây, giống con, hỗ trợ sản xuất cho các địa phương. Đồng thời, TPHCM sẽ đóng vai trò là trung tâm thương mại, tiêu thụ sản phẩm các vùng xung quanh. Nếu làm tốt thì vai trò các địa phương xung quanh tăng lên, sẽ giảm áp lực cho thành phố”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nêu giải pháp.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, lâu nay, ta cứ nghĩ xuất khẩu gạo, dầu lửa là nguồn thu lớn. Nhưng, đó là nguồn thu đáng tự hào của 10-20 năm trước. Nay xuất khẩu trái cây, rau và hoa sẽ vượt xa xuất khẩu gạo, dầu thô.
Xuất khẩu gạo 10 năm nay đang có xu hướng giảm hoặc đi ngang. Xuất khẩu dầu thô, cà phê cũng vậy. Xuất khẩu thuỷ sản lên dần dần, nay 7 tỷ và dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt trên dưới 11 tỷ.
Tuy nhiên, niềm hy vọng lớn không phải ở xuất khẩu gạo, dầu thô, hải sản mà theo ông Nguyễn Thiện Nhân chính là trái cây, hoa quả, rau.
Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, năm 2025, xuất khẩu trái cây sẽ vượt gạo, cà phê.
Bài: Công Quang
Ảnh và Video: Nguyễn Quang
Theo Dantri
Chỉ ưu tiên đường bộ, đường sắt gần 1 thế kỷ vẫn... nguyên xi
Nhà nước tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống giao thông. Tuy nhiên, mới chỉ có hạ tầng giao thông đường bộ được phát triển rộng khắp. Còn lại, hệ thống đường sắt từ thời Pháp đến nay vẫn... nguyên xi, triệt tiêu những tính năng vượt trội.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM vào chiều 28/11, cử tri Dương Minh Châu (ngụ quận 7) cho biết, ông cảm thấy có sự "phân biệt đối xử" giữa giao thông đường bộ và đường sắt.
Theo ông Châu, thời gian qua, nhà nước tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống đường giao thông cả nước. Nhờ thế, mạng lưới giao thông được xây dựng hàng ngày, hàng giờ, thay da đổi thịt. Tuy nhiên, việc đầu tư giao thông đang trong tình trạng... "nhất bên trọng, nhất bên khinh".
Nếu như đường bộ được xem trọng thì bên cạnh đó, hệ thống đường sắt quốc gia chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Từ thời Pháp thuộc đến nay, gần 1 thế kỷ nhưng hệ thống đường sắt Bắc - Nam không thay đổi; toa xe, nhà ga, không có chút gì gọi là đổi mới.
Cử tri Dương Minh Châu nêu quan điểm về đầu tư đường bộ, đường sắt.
Mới đây, nhà nước đầu tư xây 2 hầm qua đèo Hải Vân và đèo Cả để đường sắt qua là thay đổi đáng chú ý nhất.
Từ những lập luận trên, ông Châu đặt câu hỏi: Có phải đường sắt không có những ưu điểm vượt trội đối với đường bộ nên bị xem thường?
Ông Châu khẳng định: "Tôi nói đường sắt có nhiều cái lợi mà đường bộ nằm mơ cũng không có. Lợi nhất là an toàn gần như tuyệt đối. Giảm áp lực đường bộ, giảm tai nạn giao thông, giảm hao mòn của đường bộ, giảm ảnh hưởng môi trường sống của chúng ta...".
Cử tri này cũng cho biết, đường sắt có khả năng vận tải một khối lượng lớn, tiết kiệm nhiên liệu từ 50-70% so với cùng khối lượng vận tải đường bộ. Đất nước ta có chiều dài trên 2.000 km nên vận chuyển đường sắt có lợi nhưng thực tế không được phát triển.
"Quốc hội cần quan tâm đến đường sắt. Hãy nâng cấp đường sắt thành đường cấp 1. Tạo cơ chế đặc thù để huy động vốn nâng cấp đường sắt", ông Châu đề nghị.
Trả lời thắc mắc của cử tri, ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM cho biết, việc phát triển giao thông đường sắt, cách đây vài năm Quốc hội có đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, sau khi xem xét tất cả các điều kiện thì thấy chưa phải thời điểm chín muồi nên chưa thông qua đề án.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phát triển giao thông đường sắt... cực kỳ khó khăn.
Ông Nhân cũng cho biết, đường sắt ở Việt Nam là "độc nhất vô nhị" với thế giới khi chỉ có 1m chiều ngang. Trong khi đó, ở các nước, đường sắt có chiều ngang từ 2-6m. Đơn cử, ở Nhật Bản tốc độ đường sắt cao, chỉ chở hàng, không chở người.
Nhìn lại thực tế ở Việt Nam, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phát triển giao thông đường sắt... cực kỳ khó khăn.
Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tiếp xúc cử tri quận 7.
Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi các cử tri sau buổi họp.
"Nếu phát triển giao thông đường sắt thì phải có 2 tuyến song song chở hàng và chở người. Rồi lại phải mở rộng phạm vi chiều ngang dọc toàn tuyến. Không phải chúng ta không muốn làm mà điều kiện nó không cho phép. Trong ngân sách có hạn, cái nào khả thi thì làm trước", ông Nhân nói.
Bài: Công Quang
Ảnh: Nguyễn Quang
Theo Dantri
Bí thư Nhân: Đặt hàng chuyên gia nghiên cứu mở rộng sân bay TSN Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, thành phố đã đặt hàng chuyên gia nghiên cứu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó có sử dụng cả phần diện tích sân golf. Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sáng 25.6, trả lời câu hỏi của cử tri Phạm Kháng,...