Bí thư Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị nói về quản lý đất tại Phú Quốc
Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ, nghe tin các tỉnh bạn đối phó, chặn tình trạng “sốt” đất tại khu vực dự kiến xây dựng đặc khu, lãnh đạo tỉnh băn khoăn, cân nhắc nhiều về tính pháp lý. Đã phải xử lý kỷ luật một lãnh đạo huyện đảo Phú Quốc về việc quản lý đất đai nhưng địa phương không chọn “biện pháp mạnh” là “đóng băng” giao dịch nhà đất…
Không “đóng băng” giao dịch nhà đất tại Phú Quốc
- Những thông tin “sốt” đất tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, nơi dự định xây dựng các đặc khu kinh tế đang làm nóng dư luận. Thực tế, tại Phú Quốc tình hình thế nào, thưa ông? Cảnh báo của nhiều đại biểu là đặc khu chưa làm thì “chim sẻ”, “chim sâu” đã chiếm hết đất, sau này “đại bàng” đến không còn chỗ làm tổ có thực sự là nguy cơ hiện hữu?
- Kiên Giang đã có báo cáo về việc này gửi tới Thanh tra Chính phủ và Thanh tra cũng đang làm. Sau khi Thanh tra có kết quả sẽ rõ hơn về việc này. Đợi kết thúc thanh tra, các cơ quan sẽ công bố cụ thể.
- Sau những thời điểm nóng bỏng vừa qua, các cơ quan quản lý ở Trung ương như Bộ Xây dựng, Chính phủ đã có chỉ đạo tới các địa phương, yêu cầu kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động của thị trường bất động sản, thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản, chống đầu cơ, tạo bong bóng. Tình hình tại Phú Quốc hẳn là được hạ nhiệt?
- Đúng là tình hình có chuyển biến. Còn báo cáo chính thức chúng tôi đã gửi cụ thể cơ quan thanh tra rồi. Đoàn thanh tra đã làm việc tại Kiên Giang một thời gian rồi. Đây là cuộc thanh tra thường xuyên, theo kế hoạch, thanh tra việc thực hiện quy định pháp luật về nhiều mặt trên toàn bộ địa bàn tỉnh chứ không riêng gì ở Phú Quốc, trong đó có nội dung về quản lý đất đai, môi trường, khoáng sản…
Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội ngày 6/6
- Được biết, vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc bị kỷ luật liên quan đến việc quản lý đất đai. Có tình trạng cán bộ thiếu trách nhiệm, “làm lơ” hay thậm chí tiếp tay cho những hoạt động lũng đoạn, đầu cơ đất tại đây?
- Việc kiểm tra hoạt động tại Phú Quốc tỉnh Kiên Giang đã làm từ trước. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn, UB Kiểm tra Tỉnh uỷ và Thanh tra tỉnh thực hiện việc này trước khi có cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Đây cũng là hoạt động để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, tiến hành trên địa bàn cả tỉnh chứ không riêng gì tại Phú Quốc.
- Việc điều hành thị trường bằng biện pháp hành chính là dừng chứng nhận các giao dịch đất đai giúp hạ nhiệt cho cả Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn trong thời điểm nhạy cảm này nhưng về mặt pháp lý, như trả lời của Bộ trưởng TN-MT tại phiên chất vấn hôm trước, đây là việc làm không phù hợp pháp luật. Kiên Giang đã thực hiện việc này thế nào, từ khi nào, thưa ông?
- Từ năm ngoái, tại Phú Quốc, chúng tôi thực hiện việc tạm ngưng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tạm dừng tách thửa đối với những mảnh đất dưới 500m2 theo luật đất đai chứ không dừng giao dịch. Các cấp chính quyền ở Kiên Giang đều thực hiện theo hướng đó, quản lý theo quy hoạch, trong khi chờ văn bản pháp lý là luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được quyết định thì chúng tôi cho tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng, tách thửa đất để thực hiện rà soát quy hoạch để chuẩn bị triển khai theo chủ trương chung.
- Phải chăng biện pháp đó chưa đủ để “đóng băng” thị trường nên trong báo cáo về vấn đề quản lý đất đai vừa qua, Chính phủ có nhận định “Kiên Giang, Khánh Hoà có nhiều giao dịch nhà đất “ngầm” không kiểm soát được”?
- Thực ra khi nghe thông tin các địa phương bạn thực hiện lệnh ngừng giao dịch nhà đất tại các khu vực dự kiến này, trong đó chúng tôi cũng băn khoăn lắm. Chúng tôi cũng có trao đổi với các anh ngoài này xem so với quy định pháp luật thì thế nào, làm như vậy có phù hợp không, cân nhắc lắm. Nhưng trong phạm vi tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng chỉ yêu cầu rà soát quy hoạch để chuyển đổi mục đích sử dụng đât thì cũng phải đúng với quy hoạch, đang quy hoạch thế chuyển sang mục đích khác là không được. Vì thế, chúng tôi cũng rà soát, tìm tư vấn thực hiện quy hoạch để phù hợp với định hướng.
Video đang HOT
Còn giờ, dù sao thì Thanh tra Chính phủ cũng đang triển khai thanh tra rồi. Khi nào có kết quả thanh tra, đánh giá vấn đề sẽ cụ thể hơn.
Còn về biện pháp quản lý của địa phương thì chúng tôi công khai quy hoạch, khuyến cáo cho mọi người biết quy hoạch, chỉ rõ các giao dịch thế nào là không đúng quy định của pháp luật. Cụ thể về diễn biến đất đai thì Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã trả lời trước Quốc hội rồi.
Quan trọng nhất với đặc khu là cơ chế chính sách tạo ra
- Dự thảo luật Đơn vị – hành chính kinh tế đặc biệt trình ra Quốc hội lần này có nhiều thay đổi, điều chỉnh so với lần Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp trước. Đề án thành lập đặc khu Phú Quốc hẳn cũng phải chỉnh sửa nhiều để “chạy” cùng với dự luật lần này?
- Đề án được địa phương thực hiện song song với dự luật, thiết kế trên tinh thần của luật. Khi Quốc hội quyết định luật thế nào thì đề án sẽ được chỉnh sửa, hoàn thiện theo. Trước đây Quốc hội dự định thông qua các đề án thành lập các đặc khu cùng với luật nhưng giờ đã quyết định để lại, đề án sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp sau của Quốc hội.
- Trong bối cảnh này, vấn đề đang gây nhiều tranh luận xung quanh dự luật là về điều khoản giao đất, cho thuê đất tại đặc khu với thời hạn có thể tới 99 năm. Với Phú Quốc, yếu tố này có quá quan trọng khi thực tế Đảo Ngọc hiện đã rất “đông” dự án, nhà đầu tư. Phải chăng, cái cần thiết với Phú Quốc giờ là những đột phá hơn về thể chế?
- Không hẳn vậy. Phú Quốc vẫn phải tiếp tục thu hút các nhà đầu tư chứ và trong dự luật thì cũng thể hiện rất rõ, vấn đề giao đất không phải là mấu chốt, quan trọng nhất là cơ chế chính sách tạo ra. Trả lời báo chí tại Quốc hội, Thủ tướng cũng đã giải thích rất rõ ràng, chuẩn xác vấn đề này rồi.
- Dự luật đang tiến đến thời điểm quan trọng, quyết định là đưa ra Quốc hội biểu quyết. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia về thành lập 3 đặc khu kinh tế cũng đã đốc thúc các địa phương phải chủ động chuẩn bị để ngay khi luật được thông qua thì có thể vận hành ngay mô hình bộ máy đặc khu trên thực tế. Lãnh đạo Kiên Giang đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng đến đâu rồi, thưa ông?
- Từ chỉ đạo của Thủ tướng, địa phương đã triển khai chuẩn bị bước đầu. Khi nào có quyết định cụ thể, Kiên Giang sẽ thực hiện đúng như yêu cầu của các cấp lãnh đạo.
Về nhân sự cho bộ máy đặc khu, chỉ đạo chính thức chưa có vì các địa phương chúng tôi cũng mới đang trong giai đoạn chuẩn bị. Hiện Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể. Khi nào Chính phủ chỉ đạo, chúng tôi sẽ thực hiện. Còn hiện tại, địa phương chỉ rà soát để đánh giá cán bộ của mình xem sao để có thể đảm đương nhiệm vụ.
- Xin cảm ơn Bí thư!
P.Thảo
Theo Dantri
19 thứ trưởng được Trung ương luân chuyển giờ ra sao?
Trong 19 thứ trưởng và tương đương được TƯ luân chuyển về địa phương, đến nay có 9 người được vào TƯ khóa 12, có người làm bí thư tỉnh ủy, có người giữ chức bộ trưởng.
Tháng 3.2014, Bộ Chính trị luân chuyển, điều động 44 cán bộ TƯ, trong đó có 19 thứ trưởng và tương đương về các địa phương để chuẩn bị nhân sự lãnh đạo cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị ở TƯ nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đến nay, 19 cán bộ này làm gì, ở đâu?
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị là 1 trong 19 thứ trưởng được TƯ luân chuyển. Ảnh: Phạm Hải
1- Ông Nguyễn Thanh Nghị, ủy viên dự khuyết TƯ khóa 11, Thứ trưởng Bộ Xây dựng được luân chuyển giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang. Sau đó, ông được hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh bầu làm Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020.
Đến đại hội Đảng toàn quốc tháng 1.2016, ông Nghị được bầu vào Ban chấp hành TƯ Đảng khóa 12 và trúng cử ĐBQH sau đó.
2- Ông Sơn Minh Thắng, Phó chủ nhiệm UB Dân tộc, ủy viên TƯ khóa 11 được TƯ luân chuyển giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng, nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Tại đại hội Đảng toàn quốc tháng 1/2016, ông được bầu làm ủy viên TƯ khóa 12. Đến tháng 5/2016, ông được Bộ Chính trị phân công làm Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho đến nay.
3- Ông Lê Hồng Quang, Phó chánh án TAND Tối cao được TƯ luân chuyển giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Tiền Giang. Sau đó, ông được đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 bầu làm Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy và tại đại hội Đảng toàn quốc được bầu vào TƯ khóa 12.
Tháng 6 vừa qua, ông Quang được điều động giữ chức vụ Phó chánh án TAND Tối cao.
4- Ông Phan Văn Mãi, Bí thư thường trực TƯ Đoàn được luân chuyển làm Phó bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre. Đến đại hội Đảng bộ tỉnh tháng 11.2015, ông được bầu làm Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy và sau đó được đại hội Đảng toàn quốc bầu vào Ban chấp hành TƯ khóa 12.
5- Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được luân chuyển giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Long. Tại đại hội Đảng toàn quốc, bà được bầu vào TƯ khóa 12 và sau đó trúng cử ĐBQH khóa 14.
Hiện bà là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2022.
6- Ông Lê Minh Khái, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước được luân chuyển làm Phó bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu. Ông được Đại hội Đảng bộ tỉnh tháng 10.2015 bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy. Tại đại hội Đảng toàn quốc, ông được bầu vào Ban chấp hành TƯ khóa 12. Sau đó, ông trúng cử ĐBQH khóa 14 và làm trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu.
7- Ông Trần Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng được luân chuyển làm Phó bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên. Sau đó, đại hội Đảng bộ tỉnh bầu ông làm Bí thư Tỉnh ủy. Ông trở thành ủy viên TƯ khóa 12, trúng cử ĐBQH khóa 14 và làm trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.
8- Ông Nguyễn Khắc Định, Phó chủ nhiệm VPCP có tên trong danh sách luân chuyển làm Phó bí thư Thành uỷ TP.HCM nhưng sau đó, ông được rút và tiếp tục ở lại làm Phó chủ nhiệm VPCP.
Tại đại hội Đảng toàn quốc, ông Định được bầu vào Ban chấp hành TƯ. Sau đó ông trúng cử ĐBQH khóa 14 và được bầu làm Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH.
9- Ông Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Tư pháp được luân chuyển làm Phó bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh cho đến tháng 9.2015. Tháng 10.2015, Thủ tướng quyết định điều động, bổ nhiệm ông làm Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Ông được đại hội Đảng toàn quốc bầu vào TƯ khóa 12.
Ngày 9.4.2016, QH đã bỏ phiếu kín bầu 21 chức danh chủ chốt của Chính phủ và ông Long trở thành Bộ trưởng Tư pháp.
10- Ông Nguyễn Hữu Từ, Phó chánh văn phòng TƯ Đảng được TƯ luân chuyển giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương. Tại đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 vào tháng 10.2015, ông tái cử chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy cho đến nay.
11- Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT được luân chuyển giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá. Sau đó bà được Ban Bí thư điều động, chỉ định và giới thiệu bầu giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhiệm kỳ 2012-2017.
12- Ông Lê Quang Huy, Phó chủ nhiệm UB Khoa học - Công nghệ và Môi trường QH được luân chuyển giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh tháng 10/2015, ông Huy tái cử chức Phó bí thư Tỉnh ủy cho đến nay.
13- Ông Đặng Thế Vinh, Phó chủ nhiệm UB Kinh tế QH được luân chuyển về làm Phó bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang. Sau đó ông tái cử chức vụ này và trúng cử ĐBQH khóa 14.
14- Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ được luân chuyển làm Phó bí thư Tỉnh uỷ Lạng Sơn. Tháng 10.2015, Thủ tướng quyết định điều động, bổ nhiệm có thời hạn ông giữ chức Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho đến nay.
15- Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch chuyên trách UB An toàn giao thông quốc gia luân chuyển làm Phó bí thư Tỉnh uỷ Bắc Kạn. Ông giữ chức Phó bí thư thường trực cho đến nay.
16- Ông Phạm Gia Túc, Phó chủ tịch VCCI được luân chuyển giữ chức Phó bí thư Thành uỷ Cần Thơ, sau đó tái cử và giữ chức vụ này cho đến nay.
17- Bà Nguyễn Thị Hà, Bí thư TƯ Đoàn được luân chuyển giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh. Sau đó, bà được bầu lại vào Ban chấp hành Đảng bộ, tiếp tục giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy cho đến nay.
18- Ông Dương Văn An, Bí thư TƯ Đoàn được luân chuyển giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận. Sau đó, đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 bầu ông tiếp tục giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy cho đến nay.
19- Cùng đợt luân chuyển này, có ông Lê Hồng Sơn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp được TƯ giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Hiện ông Sơn vẫn giữ chức vụ này.
Ngoài ra, còn có một số cán bộ TƯ được luân chuyển trong đợt này được bầu làm ủy viên TƯ khóa 12 như Thiếu tướng Trần Quốc Tỏ hiện là Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên; ông Nguyễn Đình Khang, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam được luân chuyển giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Hà Giang. Tháng 4.2016, ông được Bộ Chính trị phân công thôi giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Hà Giang để giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam và hiện là Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam.
Theo Thu Hằng (Vietnamnet)
Chuyển nhượng đất "ngầm", vi phạm đất đai ở 3 đặc khu rất phức tạp Từ khi có thông tin chuẩn bị thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, tình trạng vi phạm trong sử dụng đất đai trên phạm vi các khu vực dự kiến thành lập đặc khu như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc có diễn biến phức tạp. Nhất là tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang có tình trạng...