Bí thư huyện đào xuyên núi để ‘làm hầm rượu’
Hầm dài gần 100 m với nhiều ngóc ngách thông qua ngọn núi phía sau biệt thự của Bí thư huyện Tây Giang (Quảng Nam).
Đường hầm dài gần 100 m, cao khoảng 2 m. Ảnh: Tiến Hùng.
Ngày 22/3, ông Zơ Râm Buôn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tây Giang (Quảng Nam), cho biết sẽ kiểm tra căn hầm được ông Bríu Liếc, Bí thư huyện này đào thông qua ngọn núi. “Cái đó mình không biết, nếu biết thì đã cho kiểm tra rồi”, ông Buôn nói.
Theo ghi nhận, đường hầm hình vòng cung dài gần 100 m đã được đào thông sang sườn núi bên kia. Ngọn núi nhỏ này nằm ngay phía sau biệt thự của gia đình ông Liếc. Chiều rộng đường hầm hơn 1,5 m và cao khoảng 2 m, đang trong giai đoạn thô. Bên trong gồm nhiều ngóc ngách, đất đá vương vãi chưa được vận chuyển hết ra ngoài, các dụng cụ thi công nằm la liệt.
Bên trong hầm có nhiều ngóc ngách, Bí thư huyện cho hay, việc thi công vẫn chưa hoàn thiện. Ảnh: Tiến Hùng.
Miệng hầm hướng ra con đường trung tâm huyện Tây Giang gần đây đã được che kín bạt. Người dân cho hay, việc đào hầm đã được ngưng cách đây ít tháng, khi có đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Nam lên làm việc với huyện. Do tình trạng khai thác vàng trái phép đang xảy ra ồ ạt ở địa phương này nên một số người dân cho rằng đường hầm được đào với mục đích tìm kiếm vàng.
Trao đổi với VnExpress, ông Bríu Liếc phủ nhận việc đào núi để khai thác vàng và cho hay hầm được đào từ năm 2009, đến giờ vẫn chưa xong. “Núi này làm gì có vàng. Đất đá đưa ra ngoài vẫn để ngổn ngang đó, vàng đâu ra”, ông Liếc nói.
Video đang HOT
Ngọn núi nơi đường hầm thông qua. Miệng hầm được che kín bạt trắng. Ảnh: Tiến Hùng.
Theo Bí thư huyện, đường hầm mới xuyên qua núi và còn một số hạng mục chưa hoàn thiện. “Nó vẫn đang còn hẹp. Mục đích của tôi đào là để sau này làm hầm rượu. Đến lúc về hưu, không có việc gì làm thì nấu rượu mang vào đó chôn rồi mời bạn bè đến uống”, ông Liếc nói và khẳng định khu vực này là đất của ông, vì vậy việc đào hầm xuyên núi không hề vi phạm.
Tiến Hùng
Theo VNE
Làng cấm đi xe máy trong dịp lễ ở Quảng Nam
Những dịp lễ Tết, sợ người dân uống rượu nhiều đi xe máy sẽ gây tai nạn, những già làng ở xã vùng cao A Xan (Quảng Nam) ra quy định tịch thu tất cả chìa khóa xe, chỉ trường hợp khẩn cấp như đi bệnh viện mới được xem xét.
Ngày tháng 3, ông Pơ Loong Đội, Trưởng thôn A Rầng 1 (xã A Xan, Tây Giang, Quảng Nam) cùng công an thôn ngồi chờ trước ngôi nhà Gươl để nhận những chiếc chìa khóa xe máy do người dân đến nộp. Nếu như trước đây, ông cùng già làng phải đến tận nhà thu thì nay công việc nhẹ nhàng hơn rất nhiều bởi người dân tự giác đến giao.
"Ngày mai trong làng có đám cưới. Mà đám cưới thì chắc chắn ai cũng uống rượu. Phải thu chìa khóa chứ không say rượu mà đi xe máy là rất dễ tai nạn", trưởng thôn Đội nói.
Một góc làng A Rầng 1, các ngôi nhà dân sống xung quanh, ở giữa là nhà Gươl, nơi cả làng sẽ tụ tập uống rượu mỗi dịp lễ. Ảnh: Tiến Hùng.
Ông Đội kể, cách đây hơn 5 năm, khi những con đường núi được đổ bêtông, giao thông thuận tiện cũng là lúc kinh tế của người dân Cơtu ở đây khá giả hơn. Họ bắt đầu sắm xe máy đi lại. Tuy nhiên, cũng từ đó nhiều cái chết đau lòng xảy ra với con em trong làng vì tai nạn giao thông. Nguyên nhân chủ yếu là say rượu, đường núi lại hiểm trở.
"Đang lễ Tết mà tai nạn xảy ra khiến bà con mất vui. Chính quyền thì mất nhiều thời gian giải quyết. Trong khi bà con uống rượu mình không cấm được. Họ đi xe máy không đúng quy định nhưng công an cũng không xử lý được vì bà con tiền đâu ra nộp phạt", ông Đội cho hay. Lúc này, thôn trưởng cùng các bậc già làng đã nhiều lần đến tận nhà giáo huấn thanh niên không được đi xe máy khi say rượu và thực hiện đúng quy định giao thông nhưng vẫn không có hiệu quả.
Không khuyên giải được, những vụ tai nạn nhẹ thì sứt đầu mẻ trán, nặng thì tử vong vẫn liên tiếp xảy ra. Lúc này, già làng và thôn trưởng quyết định không cho người uống rượu đi xe máy. "Chúng tôi quyết định bỏ cả công việc đồng áng, lập chốt trong làng để kiểm tra. Xe nào cũng bắt dừng lại rồi ngửi miệng người lái, nếu phát hiện có mùi bia rượu sẽ không cho chạy nữa", già làng Pơ Loong Jim kể. Tuy nhiên, việc kiểm tra "nồng độ cồn" của các già làng vẫn không phát huy hiệu quả bởi không phải lúc nào cũng túc trực trên đường được.
Già làng Jim, người có uy tín nhất thôn và là già làng đầu tiên "ban hành lệnh cấm" xe máy ở xã A Xan. Ảnh: Tiến Hùng.
Già Jim cũng các bậc cao niên và trưởng thôn sau nhiều cuộc họp làng quyết phải làm mạnh tay. Từ đó, quy định "cấm xe máy vào những dịp lễ" ra đời. "Người Cơtu vốn tính cộng đồng rất cao. Mặc dù khuyên giải có thể không nghe nhưng mỗi khi làng có quy ước thì mọi người đều phải thực hiện. Già làng đã ra lệnh thì phải tuân theo", già Pơ Loong Jim nói.
Theo già làng Jim, ở các bản làng vùng cao, mỗi khi dịp lễ đều uống rất nhiều rượu. Do làng chỉ có khoảng 50 hộ sống quanh quẩn nên đám cưới, đám hỏi cho đến đám ma, đám giỗ... cả làng đều tập trung, uống thả ga. Chính vì vậy, theo quy định của làng, trước khi diễn ra đám đình hoặc những ngày lễ, già làng và thôn trưởng sẽ đến từng nhà để thu chìa khóa. Chủ xe chỉ được nhận lại vào ngày hôm sau, khi đã tỉnh rượu. Cũng có trường hợp thu xe đến vài ngày hoặc thậm chí cả tuần như dịp mừng lúa mới, Tết... Những lúc này, người dân sẽ uống rượu trong nhiều ngày liền.
"Chỉ trường hợp khẩn cấp như chở ai đó đi bệnh viện cấp cứu mới được phép ngoại lệ. Nếu ai vi phạm thì bị phạt dê, phạt gà. Lúc đầu đám thanh niên phản đối nhưng sau khi nghe tuyên truyền thì cũng tuân theo. Đến bây giờ thì không phải đến nhà thu nữa mà họ tự giác nộp", già Jim nói và cho hay có chén rượu vào, đường nhỏ hẹp, lắm dốc nên không cầm lái vững rất dễ bị ngã. Mặc dù quy ước nhốt xe máy có nhiều bất lợi cho bà con nhưng đem lại cho làng nhiều lợi ích.
Vừa tranh thủ chạy xuống chợ mua ít đồ trước ngày "cấm xe máy", A lăng Ngót (28 tuổi) hớt hải chạy đến nhà Gươl để kịp giao chìa khóa xe cho già làng và trưởng thôn. Ngót nói rằng, thời gian đầu bị cấm thấy rất bất tiện nhưng đến nay, tất cả người dân ai cũng thấy tốt.
"Dịp lễ Tết ai cũng bận rộn mà không có xe máy đi thì chán lắm. Nhưng sau đó, nghe già làng nói, biết được cái tốt nên ai cũng thấy thoải mái, các già làng cũng muốn tốt cho mình cả thôi. Nay quen rồi, trước ngày Tết có việc gì xa thì chuẩn bị làm trước. Đi chơi Tết thì bớt đi xa hơn, quanh quẩn trong làng cũng thấy vui, chẳng thấy phiền gì cả", Ngót nói và cho hay, cũng may nhờ có quy ước này mà bây giờ, buổi tối đi ngủ chẳng còn nghe tiếng rú ga, nẹt pô như trước nữa.
Những chìa khóa xe được gom lại sau đó cất vào tủ cẩn thận. Chỉ trường hợp khẩn cấp như đưa người đi cấp cứu, chủ xe mới được nhận chìa sau khi đã thông qua già làng và trưởng thôn. Ảnh: Tiến Hùng.
Theo già làng Jim, hơn 4 năm qua, khi quy định cấm xe máy được làng "ban hành", không xảy ra vụ tai nạn nào trong dịp lễ. Con số này trái ngược với những năm trước đây, khi những vụ lao vào vách núi, đâm xuống ruộng rẫy... xảy ra liên tục. "Uống rượu xong đi xe máy va quẹt nhau không chỉ bị thương, có hơi men trong người nên cãi nhau dẫn đến đâm chém và còn nhiều hệ lụy không tốt khác", già Jim cho hay.
Thấy quy định cấm xe máy của thôn A Rầng 1 thiết thực, những già làng của các thôn khác cũng "ban hành lệnh cấm" tương tự. "Đến nay tất cả thôn trong xã đều thực hiện quy định này. Cũng nhờ các già làng có uy tín, người dân Cơtu ở đây lại rất tuân thủ lệ làng nên gần như chẳng vấp sự phản đối nào cả, ai cũng ủng hộ", Chủ tịch xã A Xan nói.
Ngoài việc cấm đi xe máy trong dịp Tết thì ngày thường, ở một số thôn, nếu phát hiện phóng nhanh, vượt ẩu hay đi xe máy không đội mũ bảo hiểm còn bị làng phạt. "Cái này làng quy ước, có người bị phạt nặng lắm, đến một triệu đồng. Số tiền này dùng để làm quỹ chung cho cả làng", Trưởng thôn Pơ Loong Đội nói.
Tiến Hùng
Theo VNE
Cán bộ đăng ảnh chồn bay trên Facebook để... 'tuyên truyền bảo tồn động vật' Kết quả xác minh xung quanh vụ một cán bộ khuyến lâm huyện Tây Giang (Quảng Nam) đăng hình chồn bay lên Facebook còn nhiều điểm chưa thuyết phục. Hình ảnh chồn bay trên trang Facebook của ông Kỳ Sáng nay 5.12, ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết đã nhận được báo cáo kết quả...