Bí thư Hà Nội thuyết phục Thường vụ về Luật Thủ đô
Tại lần thảo luận cuối trước khi trình dự Luật Thủ đô ra Quốc hội vào kỳ họp tới, đích thân Bí thư Phạm Quang Nghị đã bày tỏ quan điểm của Hà Nội về sự cần thiết của những quy định mang tính đặc thù.
Chiều 6/10, có mặt tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thảo luận về dự Luật Thủ đô, ngoài Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (Trưởng ban soạn thảo) còn có Bí thư lẫn Chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND Hà Nội.
So với các lần trước, dự thảo mới có ít điều nhất (29 điều), điểm nhấn là quy định các cơ chế đặc thù cho Hà Nội. Dự luật quy định siết chặt điều kiện nhập cư vào nội thành hơn so với Luật Cư trú. Theo đó, người muốn nhập cư vào nội thành phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 3 năm trở lên nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, dự Luật Thủ đô – từng được kỳ vọng thông qua vào dịp kỷ niệm đại lễ 1000 năm – là căn cứ pháp lý quan trọng để Hà Nội phát triển. Qua 3 năm chuẩn bị, nhiều quan điểm khác biệt ban đầu đã được thu hẹp.
Video đang HOT
Luật Thủ đô sẽ có một số đặc thù để chính quyền Hà Nội quản lý dân cư và xử phạt vi phạm hành chính. Ảnh: Hoàng Hà.
Người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội cho rằng, việc “siết” nhập cư nội thành xuất phát từ thách thức mật độ dân cư đang tăng quá nhanh. Những nhu cầu tối thiểu về chỗ ở, giường bệnh, trường học, điện, nước… của thủ đô đều không đáp ứng được. “Hạ tầng của 4 quận nội thành cũ chỉ đáp ứng được 30 – 40 vạn dân song thực tế nhân khẩu đã hơn một triệu người. Có những nhà như số 56 Hàng Buồm, diện tích chỉ 26 m2 nhưng có tới 20 hộ dân sinh sống”, Bí thư Hà Nội nói.
Theo ông, thực trạng này khiến Hà Nội cần những biện pháp quản lý dân cư đặc thù, “không phải là cấm đoán tự do cư trú mà nhằm đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người dân cũng như du khách tới thủ đô”. Các điều kiện được đưa ra là biện pháp hợp lý, cần thiết và xuất phát từ yêu cầu khách quan để quản lý dân cư một cách khoa học và chủ động. Cũng theo dự luật, thành phố sẽ có biện pháp hỗ trợ về tài chính, nhà ở đối với các trường hợp tự nguyện chuyển nơi thường trú từ nội thành ra ngoại thành.
Ngoài việc siết điều kiện cư trú, dự luật cũng có một số nội dung mới như, Hà Nội được quy định mức xử phạt vi phạm hành chính khu vực nội thành cao hơn nơi khác, nhưng không quá hai lần mức tối đa do Chính phủ quy định với các vi phạm về đất đai, xây dựng, văn hóa. Tương tự, mức thu phí giao thông khu vực nội thành cũng không được cao hơn quá hai lần mức tối đa chung.
“Phạt cao hơn không phải mục đích thu nhiều tiền mà để đảm bảo sức răn đe. Thu phí cao hơn cũng không phải để thu thật nhiều tiền, mà để hạn chế phương tiện cá nhân vào nội thành”, ông Phạm Quang Nghị nói.
Tán thành việc “siết” nhập cư, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, gia tăng dân số cơ học ở Hà Nội là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải đối với hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tạo nên những áp lực về giao thông, trường học, chỗ ở, y tế, việc làm… Việc bổ sung các điều kiện đăng ký nhập hộ khẩu vào nội thành Hà Nội đối với một số đối tượng chặt chẽ hơn tuy chưa tối ưu nhưng cũng là một trong nhưng giải pháp cần thiết kết hợp với các giải pháp khác nhằm giãn bớt số lượng dân cư cư trú trong nội thành.
Về lâu dài, theo ông Lý, cần phải có các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế – xã hội, quy hoạch, như chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doạnh, dịch vụ ra khỏi nội thành, hạn chế việc xây dựng các chung cư cao tầng trong nội thành, xây dựng tuyến đường giao thông thuận lợi kết nối nội thành với ngoại thành và các vùng phụ cận… thì mới giải quyết được gốc rễ vấn đề.
Giải pháp hạn chế tăng dân số cho Hà Nội được Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và nhiều đại biểu có mặt tại phiên họp tán thành. Riêng Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa lưu ý, nên xem xét kỹ các điều kiện để đảm bảo tính khả thi. “Đặc biệt điều kiện phải nhập hộ khẩu tại chính nơi đang tạm trú có quá cứng nhắc không”, ông Khoa nói.
Dự luật này sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa 13 diễn ra vào cuối tháng 10.
Theo VNE
Đà Nẵng "siết" công tác quản lý cư trú
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng ngày 5.10 ký ban hành Chỉ thị 14, theo đó sẽ tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quản lý cư trú.
Chỉ thị nêu rõ, Công an TP có trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn đăng ký, quản lý cư trú, đảm bảo quản lý chặt chẽ về hộ khẩu thực hiện tốt công tác quản lý đăng ký tạm trú, tạm vắng tiến hành rà soát, phân loại, thống kê, lập danh sách đối với các trường hợp tạm trú, tạm vắng ở địa bàn dân cư, nhất là tại các khu chung cư, ký túc xá.
Phối hợp với cơ quan, đơn vị có biện pháp quản lý chặt chẽ người đang cư trú tại khu chung cư, ký túc xá kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của Luật Cư trú, góp phần phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.
Đồng thời, chủ động nắm đối tượng người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sinh sống, làm việc, cư trú trên địa bàn thành phố thống kê, phân loại để quản lý cư trú, hướng dẫn thực hiện đầy đủ các thủ tục quy định của pháp luật.
Kịp thời, phát hiện và xử lý những trường hợp nhập, xuất cảnh, cư trú bất hợp pháp, các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Theo 24h
Lại thắt điều kiện nhập cư vào 5 thành phố lớn Nâng điều kiện tạm trú từ 1 lên 3 năm, chỗ ở đảm bảo tối thiểu 5m2/người... đây là những đề xuất mới nhất đưa ra khi sửa luật Cư trú lần này, áp dụng đối với những trường hợp đăng ký thường trú tại 5 thành phố trực thuộc TƯ hiên nay. Ban Chỉ đạo sửa đổi luật Cư trú 2006 mới...