Bí thư Hà Nội: “Phải tìm ra nguyên nhân cá chết để xử lý”
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ ra hàng loạt vẫn đề trong việc quản lý môi trường ở Thủ đô.
Bí thư Hà Nội tại Hội nghị lần thứ 6 ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội
Ngày 6.10, tại hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hoàng Trung Hải đề cập về vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô, ông đã nhắc đến chuyện cá chết ở Hồ Tây trong những ngày qua.
Ông cho biết, ngay từ lúc xảy ra sự việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Cảnh sát môi trường vào cuộc điều tra, cùng với đó Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp điều tra. Đến thời điểm này, Bộ Công an cũng vào cuộc điều tra với TP Hà Nội.
“Chúng ta cũng phải tiếp tục điều tra để tìm ra nguyên nhân làm cho cá chết ở Hồ Tây. Phải tìm ra nguyên nhân này để xử lý”, ông Hải nói.
Về vụ cá chết ở Hồ Tây, Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết, thành phố sẽ đầu tư hệ thống quan trắc nước, đồng thời tiếp tục rà soát tất cả nguồn nước thải.
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, từ nhiều năm nay, mặc dù Hồ Tây đã được đầu tư hệ thống gom nước thải và có 2 nhà máy xử lý nước. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng các hộ sản xuất, kinh doanh vẫn xả thải nước thải ra hồ.
“Chúng ta phải kiên quyết làm việc đó, không để tình trạng này xảy ra một lần nữa. Bây giờ chưa biết nguyên nhân, nhưng rõ ràng để xảy ra như vậy, chúng ta vẫn còn sơ sểnh, quản lý vẫn còn chưa tốt”, ông Hoàng Trung Hải lưu ý.
Video đang HOT
Lãnh đạo Thành ủy cũng cho biết, quản lý đô thị và môi trường là thách thức lớn đối với thành phố. Hiện nay, TP đang đầu tư cải tạo 17 hồ nước và tập trung đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sông Tô Lịch tại Yên Xá (huyện Thanh Trì)… Để thời gian tới Hà Nội nâng tỷ lệ xử lý nước thải từ 22% lên 40-50%.
Tình trạng cá chết ở Hồ Tây xảy ra hôm 2.10
Ngoài ra, TP còn phải tập trung đầu tư gấp các dự án chống ngập, đặc biệt là các tuyến như Hà Đông, Thanh Xuân và khu vực Nhuệ – Đáy.
Cũng theo Bí thư HN, ô nhiễm không khí ở Hà Nội là vấn đề lớn nhất, trong đó ô nhiễm từ ben-zen (khi thải từ động cơ ô tô, xe máy ) chiếm tới 70% lượng bụi của thành phố; còn ỗ nhiễm công nghiệp, xây dựng chiếm 30% ô nhiễm không khí.
Ông Hải cho rằng ngoài việc vệ sinh môi trường, đầu tư máy hút bụi, thì nhiệm vụ cần phải thực hiện là đầu tư cơ sở hạ tầng để tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân.
“Thành phố phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý dứt điểm vấn đề này, tạo sự ổn định và lòng tin cho dư luận” – ông Hải nói.
Theo Tất Định (Dân Việt)
Công viên nước Hồ Tây phủ nhận xả thải trực tiếp ra hồ
Đại diện Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) đã có những trả lời bác bỏ nghi vấn về việc xả trực tiếp nước thải xuống hồ lớn nhất trong nội thành Thủ đô.
Công viên nước Hồ Tây nhìn từ trên cao xuống. Ảnh: Zing.vn
Liên quan đến sự việc cá chết với số lượng lớn ở Hồ Tây trong vài ngày qua, trên một số trang mạng xã hội đang đặt ra nhiều nghi vấn, giả thiết, trong đó có thông tin cho rằng, nguyên nhân một phần do hệ thống xả thải của Công viên nước Hồ Tây đã đổ trực tiếp xuống đây (?).
Để làm rõ ràng, khách quan, thông tin chính thức vấn đề này, trong ngày 5/10, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Công viên nước Hồ Tây và được bà Nghiêm Thị Hồng Hạnh, Phó Tổng Giám đốc và một số lãnh đạo khác đề nghị trao đổi với đại diện phụ trách báo chí, truyền thông của đơn vị.
Trao đổi với chúng tôi về các nghi vấn được nêu ở trên, vị đại diện phụ trách báo chí của Công viên nước Hồ Tây cho biết, việc đưa ra thông tin thì phải có bằng chứng rõ ràng còn hiện nay, hệ thống xả thải của Công viên được cấp phép và thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật Nhà nước.
"Việc xả thải của chúng tôi đều qua hệ thống xử lý và thực hiện theo đúng quy định của pháp luât.
Hiện nay, chúng tôi xử lý thông qua trạm xử lý nước thải của Phú Điền (Trạm xử lý nước thải Hồ Tây của Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền, tại P. Nhật Tân, Tây Hồ - PV) chứ không xả thải trực tiếp xuống Hồ Tây", vị đại diện này nhấn mạnh.
Vị đại diện này cũng nêu rõ, hiện nay, các cơ quan chức năng của Nhà nước, TP Hà Nội đã và đang vào cuộc tích cực để kiểm tra, làm rõ nguyên nhân của sự việc cá chết ở Hồ Tây nên khi nào kết luận chính thức thì Công viên sẽ có thông báo, trả lời báo chí.
Ảnh: Thành Đạt.
Trước đề nghị của phóng viên về việc có thể mời các cơ quan báo chí vào thăm trực tiếp hệ thống đường ống xả thải của Công viên hay không? vị đại diện này đã từ chối.
"Ở đây, nếu cần thì các cơ quan chức năng sẽ vào làm việc với Công viên để rõ ràng và khi có thông tin cụ thể, chúng tôi sẽ cung cấp cho các cơ quan báo chí", vị này nói thêm.
Hiện tượng cá chết hàng loạt ở hồ Tây xuất hiện từ ngày 1/10 và diễn ra trên diện rộng từ ngày 2/10. Hà Nội đã huy động 1.000 người thu gom cá chết, đưa tới khu xử lý rác thải Nam Sơn tiêu hủy.
Theo ghi nhận của chúng tôi vào chiều 5/10, lượng cá chết ở Hồ Tây đã giảm hẳn. Tuy vậy mùi hôi tanh do xác cá phân hủy những ngày qua vẫn khiến các hàng quán kinh doanh ven hồ đóng cửa, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng.
Thời điểm cá chết trên diện rộng tại Hồ Tây, chỉ số oxy tầng nước mặt = 0, lượng Ammoniac tăng gấp 24 lần so với quy định.
Hiện thành phố vẫn đang áp dụng biện pháp tăng oxy cho hồ bằng hàng chục máy bơm sục khí, tạo oxy và các chế phẩm cải tạo môi trường nước.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 4/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin, thống kê ban đầu, cá chết trên diện tích hơn 500 ha, tại 24 cửa xả xuống Hồ Tây. Đến nay khoảng 200 tấn cá chết đã được thu gom, xử lý.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao Bộ Công an, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Khoa học công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam cùng phối hợp điều tra nguyên nhân cá chết.
Theo Soha News
Quảng Bình tồn đọng 3.500 tấn hải sản đông lạnh Đây là số hải sản được các cơ sở thu mua trước và trong thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển. Hiện nay, tỉnh Quảng Bình tồn đọng 3.500 tấn hải sản đông lạnh đang được bảo quản tại các kho lạnh trên địa bàn. Đây là số hải sản được các cơ sở thu mua trước và trong thời điểm...