Bí thư Hà Nội : Không thể để như ông Tốn nói, chẳng biết dừng cấp nước hay không
Bí thư Hoàng Trung Hải chia sẻ bức xúc chính đáng của người Hà Nội gần nửa tháng qua, đặc biệt khi quyền lợi của người sử dụng dịch vụ không được tôn trọng.
Video: Đường đi của 10m3 dầu thải đổ xuống nguồn nước sông Đà
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, khẳng định thành phố, doanh nghiệp rút ra được nhiều bài học, kinh nghiệm từ vụ đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà, gây ảnh hưởng đến hàng triệu dân Thủ đô.
“ Vụ này rút ra rất nhiều kinh nghiệm. Thứ nhất là quản lý nguồn nước. Trách nhiệm trước hết là doanh nghiệp. Chủ đầu tư, doanh nghiệp khi kinh doanh nguồn nước phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước. Điều này có quy định từ xưa đến nay rồi. Trách nhiệm thứ 2 là công an các địa phương.
Thực tế mà nói, nước hồ đấy không phải là nước sạch bong, cứ thế đưa về mà dùng. Chính vì thế, phải xem lại toàn bộ hệ thống quan trắc. Hiện tại, hệ thống đó rất thiếu. Thêm nữa, dù cứ ở đâu, kể cả được đảm bảo an ninh, thì cũng có thể xảy ra chuyện mất an ninh, an toàn. Vậy khi có sự cố, hệ thống nào sẽ phát hiện ra?
Do đó, cần chia trách nhiệm từng công đoạn ra. Không thể để toàn bộ hệ thống quan trắc mà không phát hiện ra hoặc phát hiện ra mà xử lý lúng túng như ông Tốn nói, chẳng biết dừng cấp nước hay không. Rồi nhà phân phối, cũng phải có hệ thống quan trắc riêng“.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng chia sẻ những bức xúc chính đáng của người Hà Nội gần nửa tháng qua, đặc biệt khi quyền lợi của người sử dụng dịch vụ nước không được tôn trọng.
Ông khẳng định, những đòi hỏi của dân là đúng. Trong tương lai, ông Hải cho rằng cần quy trình, quy phạm hoá rõ công nghệ cho mỗi doanh nghiệp kinh doanh nước sạch.
“ Khi cấp nước như thế, doanh nghiệp phải đảm bảo cho người dân về chất lượng. Vậy anh chịu trách nhiệm bằng cách nào, anh phải giải trình với cơ quan Nhà nước. Thứ nhất, doanh nghiệp quan trắc tự động về chất lượng nước thế nào, qua mấy khúc, đến người dân là qua mấy hàng rào? Thứ hai, doanh nghiệp phải lấy mẫu thủ công, vì nếu quan trắc tự động hỏng thì sao… Phải rà soát lại hết, quy trình hoá, quy phạm hoá ra.
Thành phố, các sở, ngành và doanh nghiệp sẽ phải rút kinh nghiệm, ra các quy định chung. Muốn thành nhà cấp nước, anh phải có công nghệ gì.
Hà Nội có 10 triệu dân. Để xảy ra sự việc này là rất đáng tiếc. Thành phố rút kinh nghiệm và chỉ đạo khắc phục. Phải rà soát để không xảy ra nữa.
Mình có quy định các loại thảm hoạ, từ đấy đi xuống chi tiết, xây dựng kế hoạch thực hiện. Chúng ta nhìn thấy vấn đề nhưng chưa thực hiện hết giải pháp đề ra. Nó có nhiều chuyện. Đấy là những thứ mình tiếp tục phải làm, khẩn trương và quyết liệt hơn vì không biết xảy ra vào ngày nào“.
Trước câu hỏi, liệu phản ứng của Hà Nội có chậm trước hàng loạt sự cố vừa qua, Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết: “ Về chuyện đó, Thủ tướng cũng nói rồi. Thành phố sẽ rút kinh nghiệm. Ở đây có vấn đề ở phân công, phân nhiệm xử lý thông tin, phối hợp với cơ quan liên quan. Trong bất cứ việc gì, thường bao giờ cũng hổng ở khâu phối hợp. Do đó, cần quy phạm hoá, quy trình hoá. Sau có chuyện xảy ra, lại chả biết ai nói là đáng tin. Tất cả những cái đó phải đánh giá, điều chỉnh cho nó đúng. Cũng có thể không hết được, nhưng sẽ tốt lên“.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng khẳng định, nếu doanh nghiệp cung cấp nước không đáp ứng được yêu cầu, thành phố có quyền cắt hợp đồng.
“ Lúc nào thành phố cũng có quyền cắt hợp đồng, chọn doanh nghiệp khác. Và có quyền bắt họ phải thực hiện đúng, không có chuyện thích thì làm, không thích thì thôi…. Bình thường, ta hay nói đến an ninh chính trị, chứ chưa nghĩ đến an ninh nguồn nước. Sau vụ này, chúng ta phải quan tâm hơn”, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải chốt lại.
DUY THÀNH
Theo VTC
Vụ nước sạch Sông Đà: Người Hà Nội có "con kiến kiện củ khoai"?
Cuộc sống của người dân Hà Nội bị xáo trộn và ai cũng phải lo sợ trước việc nguồn nước, nguồn sống của mình lại dễ dàng bị "đầu độc" như vậy.
Hàng vạn hộ dân Hà Nội bị cắt nước, phải mua nước sạch để dùng vì sự việc nước đầu nguồn đổ vào Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) bị nhiễm dầu thải. Đến nay, cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra 3 nghi phạm thực hiện hành vi đổ trộm dầu thải, nhưng trách nhiệm bảo vệ an ninh nguồn nước; trách nhiệm kiểm tra, đảm nguồn nước đầu vào thì vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Người dân xếp hàng lấy nước sạch.
Thiệt hại trước tiên là người dân. Họ mong chờ lời xin lỗi, sự lên tiếng có trách nhiệm của Viwasupco cũng như của cơ chức năng. Song thay vào đó, cùng sự chậm trễ trong giải quyết là thái độ bàng quan trước nguồn sống của cả hàng vạn hộ dân. Từ phản ứng chậm đó, người dân có quyền đặt câu hỏi về việc có hay không sự giấu giếm về chất lượng nước, sự thiếu tinh thần trách nhiệm, hay có vấn đề về cung cấp dịch vụ công hay không?
Tại buổi tọa đàm chiều 21/10, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, chuyên gia quản trị công, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu thực tế không thể chấp nhận: "Người dân đã uống nước bẩn rồi, ảnh hưởng sức khỏe rồi thì UBND Hà Nội và công ty mới đưa ra khuyến cáo. Như vậy phản ứng với sức khỏe người dân, sinh mệnh khách hàng của mình rất chậm".
Trong trường hợp nước sạch sông Đà này, có cơ chế nào về mặt pháp lý bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng hay không?
Trả lời câu hỏi này, luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng, về vấn đề môi trường, vụ việc lại không xảy ra tại Hà Nội mà xảy ra ở khu vực thượng nguồn nước trên Hòa Bình và thực tế vụ việc có liên quan đến 3 đối tượng vừa bị bắt giữ vì hành vi đổ trộm dầu thải. Hiện Công an đã khởi tố về vấn đề môi trường với vụ việc này, tuy nhên xét về góc độ quản trị đô thị của chính quyền Hà Nội, thì đó là vấn đề xử lý khủng hoảng chậm.
"Tất cả các sự cố xảy ra gây tác động tới hàng ngàn, hàng vạn người thì là khủng hoảng thực sự. Nếu không giải quyết vấn đề quản trị công và xử lý khủng hoảng hiệu quả thì những sự cố như "Rạng Đông" và "Sông Đà" sẽ còn lặp lại và người dân sẽ còn lãnh đủ. Như vậy gốc rễ vấn đề sẽ vẫn là quản trị công", ông Lập nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng (trái) và Luật sư Nguyễn Tiến Lập (phải) tại buổi tọa đàm Thị trường hóa dịch vụ công nhìn từ "Nước sạch sông Đà" chiều 21/10.
Cũng theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, về vấn đề pháp luật, liệu có ai trong những người bị ảnh hưởng bởi sự cố nước sông Đà kiểm tra lại hợp đồng mua nước của mình và tìm trong hợp đồng có điều khoản nào về việc bảo vệ người dân trong tình huống vừa rồi không?
"Thực tế, dựa vào hợp đồng, người dân khó kiện công ty cấp nước. Tuy nhiên, theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng thì không cần căn cứ theo hợp đồng, miễn là người tiêu dùng sản phẩm nào đó gây hại thì người dân có thể kiện. Chúng ta còn có luật về bảo vệ sức khỏe của nhân dân, theo đó quy trách nhiệm cho Nhà nước. Luật này được ban hành từ năm 1989 và rất giống với hiến pháp về sức khỏe nhân dân. Trong đó, tất cả các ngành, các cấp, các cơ quan, các bên đều phải có trách nhiệm chăm lo bảo vệ sức khỏe của người dân. Và liên quan đến nước có Điều 8 nói rằng, đã cung cấp nước cho nhân dân thì phải cung cấp nước vệ sinh, nếu không sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật", ông Lập nói.
Hiện nay, vụ việc mới được khởi tố hình sự theo góc độ môi trường còn những vấn đề khác vẫn đang phải xem xét chưa được làm rõ.
Người dân là bị hại đầu tiên và câu hỏi "Ai sẽ phải chịu trách nhiệm với sức khỏe người dân, chịu đền bù thiệt hại cho người dân?" vẫn đang bỏ ngỏ./.
Theo Nguyễn Quỳnh, Thiên Bình/VOV.VN
Sự thật Công ty Gốm sứ Thanh Hà hỗ trợ 500 triệu 'khắc phục' vụ đổ trộm dầu thải Phó giám đốc công ty CP Gốm sứ Thanh Hà nói hỗ trợ người dân 500 triệu sau 'sự cố nước sạch sông Đà' tuy nhiên mới đây Chủ tịch HĐQT công ty đã lên tiếng về thông tin trên. "Chúng tôi đã cử người của công ty xuống điểm đổ thải của nhóm Vũ dưới Kỳ Sơn, phối hợp với cơ quan...