Bí thư Đà Nẵng: “Quyết định theo nhà đầu tư là vô cùng nguy hiểm…”
Sáng 22.12, Bí Thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã có buổi kiểm tra thực tế tại 2 nhà máy thép Dana Ý và Úc; đồng thời làm việc với huyện Hòa Vang về rà soát lại định hướng phát triển quy hoạch trong thời gian tới.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Hòa Vang.
Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Trường – Bí thư Huyện ủy Hòa Vang – đã đề nghị thành phố sớm tiến hành phát triển quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Hòa Vang đến năm 2030, tầm nhìn 2050; phê duyệt quy hoạch điều chỉnh nông thôn mới; đề nghị thành phố huỷ bỏ các đồ án có quyết định phê duyệt kéo dài nhiều năm gây bức xúc, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đời sống nhân dân; đồng thời đề nghị sớm di dời người dân ra khỏi 2 nhà máy thép gây ô nhiễm Dana Úc, Ý…
Ông Trường cho biết, các dự báo trong quy hoạch tổng thể trên địa bàn không còn phù hợp. Một số quy hoạch mới của thành phố được ban hành như các quy hoạch ngành, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp… đã tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện, những định hướng phát triển từng ngành của huyện không khớp nối với các quy hoạch ngành của thành phố.
Tính từ năm 2010 đến nay, cùng với quá trình đô thị hóa theo xu hướng phát triển chung của Đà Nẵng, tại địa bàn huyện Hòa Vang đã có 305 đồ án quy hoạch lớn, nhỏ. Một số đồ án được phê duyệt đã và đang triển khai, bao gồm cả các tiểu dự án nằm trong dự án lớn. Ngoài ra, có 29 dự án quy hoạch thành phố đưa vào dự án chậm triển khai, 47 dự án quy hoạch thành phố hủy bỏ… Tổng số bị ảnh hưởng do thực hiện các dự án 28.948 khẩu (tính đến hết quý III năm 2017).
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho biết, hiện Đà Nẵng có nhiều bất cập trong quy hoạch, việc quy hoạch kỹ càng về xây dựng chưa có.
“Câu hỏi đặt ra hiện nay, có chuyên gia nói rằng quỹ đất, nhà ở Đà Nẵng đủ để giải quyết cho 3 triệu dân. Nói lên vấn đề là chúng ta có phát triển quá nóng để thu tiền quỹ đất? Cần xem lại cách quản lý của chúng ta. Với Đà Nẵng hiện nay, theo quy hoạch chung là 7 phân khu, trong đó có 5 phân khu thuộc huyện Hòa Vang. Có thể khu vực nội thành hiện đang rất tốt, mạnh về dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, riêng với Hòa Vang, chúng ta phải quan tâm hết sức đúng mực, nghiêm túc đối với quy hoạch lâu dài. Định hướng thế nào, chúng ta cần phải nghiên cứu. Việc xây dựng các phân khu, dứt khoát phải làm chi tiết”, Bí thư Nghĩa nói.
Video đang HOT
“Hiện nay, chúng ta đang giải quyết một hậu quả khá nặng nề quá trình phát triển nóng của thành phố. Các chính sách kêu gọi của Đà Nẵng, chúng ta cũng đang giải quyết hậu quả. Rồi câu chuyện quy hoạch, có cái mới có cái cũ, cái mới chưa nằm trong quy hoạch tổng thể, cứ có nhà đầu tư là chúng ta làm, trong khi chưa tổng duyệt quy hoạch rõ ràng, thậm chí quyết định theo nhà đầu tư. Đây là câu chuyện vô cùng nguy hiểm…
Chúng ta chấp nhận một chỉ tiêu năm 2018, 2019 và nếu cần cả nhiệm kỳ này, để sao chúng ta có cái chuẩn trong quản lý. Nếu chúng ta phá vỡ định hướng, về lâu dài lãng phí rất lớn và phát triển không bền vững được. Do vậy, cần nguồn lực trong nước, ngoài nước rà soát lại quy hoạch kinh tế – xã hội, cũng như không gian đô thị của Đà Nẵng, đặc biệt là Hòa Vang.
Từ nay đến năm 2020, quyết liệt bảo vệ biển Đà Nẵng thực sự sạch. Thứ hai là lưu ý vùng sinh thái Hòa Vang… Đà Nẵng hơn rất nhiều thành phố khác là cái này. Nếu không biết gìn giữ, phát triển đến một ngày sẽ bị phá vỡ hết. Đề nghị rà soát lại các quy hoạch cho kỹ càng. Triển khai các dự án phải trên nguyên tắc cái bé phải nằm trong quy hoạch cái lớn, chứ không phải từ cái bé rồi đi ra…”, Bí thư Nghĩa nói thêm.
Bí thư Nghĩa cũng đề nghị Sở TNMT Đà Nẵng giám sát chặt chẽ đối với 2 nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý gây ảnh hưởng người dân, không đảm bảo là phải dừng. Đồng thời yêu cầu Sở TNMT giải quyết một cách rốt ráo, một lần cho xong.
Theo Danviet
Đà Nẵng đối thoại với hai nhà máy thép gây ô nhiễm
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã yêu cầu hai nhà máy thép dừng hoạt động để khắc phục hậu quả ô nhiễm.
Chiều 15/12, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã chủ trì buổi đối thoại với người dân xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) và đại diện hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc nằm ở khu công nghiệp Hòa Khánh, nhằm tìm giải pháp chấm dứt tình trạng ô nhiễm do hai nhà máy này gây ra.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh tại buổi đổi thoại. Ảnh: Nguyễn Đông.
Hai ngày qua, người dân Hòa Liên đã mang theo bạt che tạm, mua mì tôm về bao vây cổng hai nhà máy này để phản ứng vì ô nhiễm. Ông Ngô Chuối (60 tuổi, thôn Vân Dương 2) cho biết không phải đến thời điểm hiện tại mà hơn 10 năm nay khi Công ty cổ phần thép Dana Ý (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) và Công ty cổ phần thép Dana Úc (xã Hòa Liên) đưa nhà máy vào hoạt động đã gây ô nhiễm.
Ông Chuối dẫn chứng, việc sản xuất thép của hai nhà máy đã gây khói bụi, xả nước thải chưa xử lý ra môi trường... Không chỉ gánh chịu mùi hôi, sống trong bụi bặm, nhiều người dân đã mắc hàng loạt bệnh, trong đó có ung thư. Hoa màu của dân cũng mất mùa khiến thu nhập ảnh hưởng.
"Chúng tôi chịu đựng đủ rồi, đề nghị lãnh đạo thành phố nói rõ các vị chọn di dời người dân hay di dời nhà máy thép", ông Chuối nói.
Giải thích nguyên nhân nhà máy thép xả khói bụi ra môi trường thời gian gần đây, ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thép Dana Ý cho rằng "do lỗi chập điện".
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã yêu cầu nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc dừng hoạt động để nâng cấp, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, đồng thời đề nghị người dân không bao vây nhà máy để đảm bảo an ninh trật tự.
Ông Minh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng người dân lên phương án kiểm tra độc lập việc sản xuất thép của hai nhà máy; Sở Xây dựng lên phương án di dời các hộ và hai nhà máy thép để trình lãnh đạo thành phố xem xét.
"Tôi đề nghị hai nhà máy thép tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong đó có việc trồng cây xanh", ông Minh nói.
Hàng trăm tấn xỉ sắt giữa khu công nghiệp
Đối thoại với lãnh đạo thành phố, ông Mai Xuân Thọ (trưởng ban công tác mặt trận thôn Vân Dương 2) phản ánh, ngay cạnh nhà máy thép Dana Ý có một bãi xỉ sắt hàng trăm tấn được chôn lấp ngổn ngang. Ông đề nghị thành phố làm rõ xỉ sắt này có độc hại hay không, ai là người chôn lấp và có được phép chôn lấp khối lượng lớn xỉ sắt như vậy hay không?
Hàng trăm tấn xỉ sắt ở lô đất cạnh Nhà máy thép Dana Ý. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Huỳnh Văn Tân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thép Dana Ý, thừa nhận "có chôn lấp một ít" xỉ sắt, và "có nhiều đơn vị khác chôn chứ không riêng gì chúng tôi".
Trao đổi với báo chí, ông Trương Tấn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, nói: "Xỉ sắt thì chỉ nhà máy thép đổ chứ ai đổ. Nhưng mới có nhà máy thép Dana Ý thừa nhận, còn Dana Úc thì chưa". Phòng tài nguyên huyện Hòa Vang đang lấy mẫu xỉ sắt đi thí nghiệm xem có độc hại ảnh hưởng đến môi trường hay không.
Theo ông Mạnh, khu đất đang đổ xỉ sắt rộng khoảng 1.000 m2, trước đây của công ty đất Đà Nẵng - Miền Trung, gần đây đã chuyển nhượng cho một công ty khác ở TP HCM. "Cần làm rõ bán cho ai và ai là người đang quản lý, để đất trống thành nơi chứa xỉ sắt", ông nói.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã yêu cầu công an kinh tế vào cuộc điều tra việc chôn xỉ sắt cạnh nhà máy thép Dana Ý, đồng thời chỉ đạo huyện Hòa Vang và các nhà máy liên quan phải di dời toàn bộ xỉ sắt đã chôn lấp đến khu xử lý.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Bí thư Đà Nẵng: "Không có kim bài miễn tội cho bất kỳ ai" Trong buổi tiếp xúc với cử tri quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) chiều (12.12), Đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã thông tin về vụ việc bắt giam ông Đinh La Thăng. Chiều 12.12, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đà Nẵng đã tiếp tục tiếp xúc cử tri tại địa bàn quận Cẩm Lệ (Đà...