Bị “tàu ngầm Nga” cuỗm mẻ cá, ngư dân Scotland đòi bắt đền Moscow
Một ngư dân Scotland kể lại rằng, đêm 20/3, một tàu ngầm nghi là của Nga đã mắc vào lưới đánh cá của ông này, sau khi nó đi lạc vào lãnh hải của Anh tại Biển Bắc.
Daily Mail đưa tin, Angus Macleod, 46 tuổi, cho biết ông đang đi đánh bắt cá trên con tàu Aquarius thì thấy dường như một con tàu nào đó đã bị mắc vào chiếc tàu của mình.
Chiếc tàu ngầm cố gắng thoát ra, lôi theo chiếc tàu và mẻ cá nặng 2 tấn của Macleod.
Theo tờ The Scotsman, Macleod và một nhóm thuyền viên đã thả 2 chiếc lưới bắt cá vào khoảng 19 giờ .
Đến khoảng 23 giờ 30 phút, chiếc tàu đột ngột di chuyển chậm lại. Lúc này, một chiếc lưới bị kéo về phía trước tàu, chiếc còn lại vẫn ở phía sau.
Angus Macleod cho rằng một tàu ngầm Nga đã mắc vào lưới đánh cá của mình.
Macleod kể lại rằng: “Bỗng nhiên, một lực kéo từ phía dưới tàu của chúng tôi kéo chiếc lưới từ phía sau tàu ra phía trước. Lực kéo phải rất mạnh bởi lưới đầy cá và rất nặng”.
“Chiếc tàu ngầm sau đó tiến ra phía trước tàu Aquarius, di chuyển hướng về vùng biển quốc tế và kéo theo chiếc lưới của chúng tôi phía sau.
Chỉ có tàu ngầm mới có thể làm được điều này. Lúc đó trời vẫn tối nhưng quang đãng và không có con tàu nào khác xung quanh”.
“Nếu chiếc tàu ngầm lặn sâu hơn, chúng tôi có thể đã chìm cùng với nó”.
“Chúng tôi cuối cùng đã thoát ra khi sợi dây thừng dài gần 50m nối chiếc lưới với con tàu bị quấn vào chân vịt của Aquarius và đứt ra. Sau đó, chúng tôi mới có thể quay trở lại cảng”.
Lời khai của Macleod đang được Ủy ban điều tra tai nạn hàng hải của Anh (MAIB) kiểm chứng.
Macleod chưa từng tận mắt nhìn thấy chiếc tàu ngầm nhưng một mực cho rằng chỉ có tàu ngầm mới có thể gây ra sự việc như vậy.
Video đang HOT
MacLeod cho biết ông đã bị thiệt hại 10.000 bảng Anh và mất thu nhập do chiếc tàu đã bị hư hại sau vụ việc.
Theo Daily Mail, câu chuyện của Macleod diễn ra khi đang có sự gia tăng đột biến các hoạt động bí mật của Hải quân Nga tại vùng biển xung quanh quần đảo Anh và các đợt tuần tra của máy bay quân sự Nga tại rìa không phận Anh.
Macleod cho hay, ông còn được lực lượng bảo vệ bờ biển cho biết rằng, không có hoạt động nào của các tàu ngầm NATO tại khu vực này khi xảy ra sự việc.
Vì vậy, Macleod càng có niềm tin để khẳng định đó là tàu ngầm Nga.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết không có bình luận gì về các hoạt động của tàu ngầm, trong khi các nguồn tin từ Văn phòng Bộ Ngoại giao cho hay, họ sẽ cân nhắc kết quả điều tra của MAIB trước khi có bất cứ phản ánh nào với Đại sứ quán Nga.
Vụ việc đã gây ra thiệt hại 10.000 bảng Anh và làm mất một khoảng thời gian đánh bắt cá, do tàu Aquarius đã bị hư hại.
Macleod bức xúc nói: “Nếu cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gửi hóa đơn đến Moscow”.
Theo NTD/Bizlive
Giải mã lực lượng tàu ngầm đặc biệt của Hải quân Nga
Ngoài tàu ngầm hạt nhân chiến lược được trang bị các tên lửa đạn đạo, Hải quân Nga vẫn còn một lực lượng tàu ngầm hạt nhân đặc biệt khác.
Lực lượng tàu ngầm luôn đóng một vai trò chiến lược quan trọng trong Hải quân Nga với các biên đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei hoạt động tại khu vực Bắc Cực hay tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Yasen với các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo liên lục địa hoặc tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo. Đó là những cái tên tạo nên sức mạnh trên biển của Hải quân Nga hiện nay và chúng luôn ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Tuy nhiên, bên cạnh đó ít ai biết rằng Hải quân Nga cũng được trang bị các tàu ngầm không được vũ trang và chỉ được sử dụng cho các nhiệm vụ đặc biệt. Ngoài ra thông tin về chúng cũng không được Hải quân Nga công bố rộng rãi. Các thủy thủ vận hành loại tàu ngầm này đều có kinh nghiệm hoạt động trong lực lượng tàu ngầm Nga ít nhất là 5 năm và phải vượt qua các bài kiểm tra về áp lực cũng như sức khỏe dành riêng cho thủy thủ đoàn lực lượng tàu ngầm đặc biệt.
Mô hình tàu ngầm hạt nhân đặc biệt của Hải quân Nga.
Lực lượng tàu ngầm đặc biệt Nga đều do Trung tâm nghiên cứu đại dương (CDDR) trực thuộc Bộ quốc phòng Nga quản lý, CDDR cũng trực tiếp điều hành lực lượng tàu ngầm đặc biệt, các căn cứ hải quân, cùng các trạm nghiên cứu nước sâu.
Dưới đây là một số loại tàu ngầm đặc biệt do CDDR quản lý:
Tàu ngầm hạt nhân lớp Kashalot Project 1910
Project 1910 là thế hệ tàu ngầm hạt nhân được thiết kế cho các hoạt động nghiên cứu đại dương và các vùng biển nước sâu của Hải quân Liên Xô. Tàu ngầm hạt nhân lớp Kashalot được Liên Xô phát triển từ cuối những năm 1970 đến đầu những năm 1980 và chỉ còn 1 trong tổng số 3 chiếc Kashalot vẫn còn hoạt động.
Trong ảnh là tàu ngầm hạt nhân lớp Kashalot duy nhất còn đang hoạt động.
Tàu ngầm hạt nhân Kashalot được trang bị các cánh tay máy có khả năng hoạt động dưới nước, thiết kế này giúp nó có thể dễ dàng thực hiện các nhiệm vụ sâu trong lòng đại dương.
Ngoài mục đích như một tàu ngầm trinh sát và nghiên cứu khoa học, Kashalot còn có thể được sử dụng để chuyên chở lực lượng biệt kích dưới nước cho các nhiệm vụ tác chiến đặc biệt.
Tàu ngầm hạt nhân Paltus Project 1851
Tàu ngầm hạt nhân Project 1851 được phát triển dựa trên thành công của Project 1910, nó được thiết kế để có thể thực hiện các hoạt động tuần tra trinh sát đặc biệt dưới nước, cũng như gây nhiễu điện tử của Hải quân Nga trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Bên cạnh đó tàu ngầm hạt nhân thuộc Project 1851 còn thể được sử dụng cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn và nghiên cứu khoa học dưới biển.
Mô hình tàu ngầm hạt nhân Project 1851.
Do có kích thước khá nhỏ và có khả năng hoạt động ở hầu hết mọi vùng biển nên tàu ngầm hạt nhân thuộc Project 1851 còn được Hải quân Nga sử dụng cho các nhiệm vụ tác chiến đặc biệt như phá hoại các cơ sở hạ tầng của địch, cũng như chuyên chở lực lượng biệt kích dưới nước.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Losharik Project 10.831
Tàu ngầm hạt nhân Losharik Project 10.831 là dự án tàu ngầm nước sâu tiếp theo của Hải quân Liên Xô sau Project 1851 và Project 1910.
Losharik là dự án tàu ngầm tuyệt mật của Hải quân Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh với thiết kế khá đặc biệt và toàn bộ thân tàu đều được làm bằng Titan. Có một điểm thú vị là tàu ngầm hạt nhân Project 10.831 lại được lấy theo tên một nhân vật hoạt hình của Liên Xô và chỉ có một chiếc tàu ngầm duy nhất thuộc Project 10.831 được Liên Xô đưa vào trang bị.
Thiết kế và khả năng của Losharik vẫn được xem là một ẩn số và nó hầu như không xuất hiện trong một khoảng thời gian dài, có một số nguồn tin cho biết tàu ngầm hạt nhân lớp Losharik được trang bị các thiết bị đặc biệt có thể hoạt động ở các vùng biển có độ sâu lớn để tiến hành thâm nhập vào hệ thống thông tin liên lạc của đối phương thông qua hệ thống thông tin liên lạc cáp quang dưới đáy biển hoặc đơn giản hơn là phá hủy chúng. Bên cạnh đó, tàu Losharik cũng có thể được sử dụng để triển khai các thiết bị trinh sát đặc biệt của Hải quân Nga ở các vùng biển nước sâu.
Ảnh chụp tàu ngầm hạt nhân lớp Losharik vào năm 2007.
Vào mùa thu năm 2012, tàu ngầm hạt nhân lớp Delta mang tên BS-136 Orenburg (dài 155m) mang theo tàu ngầm hạt nhân Losharik (dài 60m) trong một khoang chứa đặc biệt khi thực hiện một cuộc tập trận dưới vùng biển Bắc Cực, cả hai tàu đều lặn ở độ sâu từ 2.500-3.500m.
Đầu năm nay, tàu ngầm hạt nhân Losharik một lần nữa trở thành tâm điểm trên các diễn đàn quân sự ở Nga, khi một Blogger vô tình phát hiện ra nó xuất hiện trên một trang bìa tạp chí xe hơi Top Gear ấn bản ở Nga. Theo đó, Losharik đã vô tình lọt vào trong bức ảnh khi di chuyển dọc một bờ biển, mặc dù bức ảnh này được chụp vào năm 2007 nhưng chừng đó cũng đã đủ khiến các nhà phân tích quân sự thế giới quan tâm.
Tàu ngầm hạt nhân Project 667BDR Orenburg (BS-136)
Tàu ngầm hạt nhân Orenburg (BS-136) là một trong những tàu ngầm hạt nhân Project 667BDR (NATO định danh Delta III) của Hải quân Liên Xô và Nga sau này, nó được đưa vào sử dụng từ đầu những năm 1980. BS-136 được thiết kể để có thể mang theo các tàu ngầm nhỏ hơn di chuyển đến các vùng biển nước sâu.
Tàu ngầm hạt nhân Orenburg (BS-136).
Đến năm 2002, Hải quân Nga cải tiến tàu ngầm Orenburg, khoang tên lửa đạn đạo được loại bỏ thay vào đó là một khoang đặc biệt nằm phía dưới có thể mang theo được một tàu ngầm hạt nhân mini. Thiết kế này giúp BS-136 hoạt động dễ dàng hơn trong mọi vùng biển mà không sợ đối phương phát hiện.
Theo Kiến Thức
Tên lửa, tàu ngầm Nga khiến Mỹ "khiếp sợ" Nga đang nỗ lực đẩy mạnh việc phát triển lực lượng tàu ngầm và tên lửa với mục tiêu đưa hai loại vũ khí này trở thành trụ cột trong lực lượng quân đội Nga. Theo kế hoạch dự kiến, Hải quân Nga sẽ được đầu tư gần 1/4 trong tổng ngân sách quốc phòng 20 nghìn tỉ rúp (621,31 tỉ USD) từ...