Bí quyết trồng bưởi da xanh mỗi năm lời hơn nửa tỷ đồng
Từ 2.500m2 đất ruộng cha mẹ cho riêng, đến nay, ông Phùng Ngọc Chương, xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã làm chủ khu vườn hơn 4.000m2 trồng bưởi da xanh chuyên canh. Từ vườn bưởi da xanh, mỗi năm ông Chương có lời 500 triệu đồng.
Mỗi năm thu nửa tỷ
Năm 1985, khi ông Chương xuất ngũ trở về địa phương, gia đình ông có hoàn cảnh rất khó khăn. Ruộng đất ít, trồng cây dừa giá thấp, rồi chuyển sang cây mận, nhãn… thì đầu ra bấp bênh, nguồn lãi không cao. Vợ chồng cựu chiến binh này phải đi làm thuê vất vả để nuôi 3 con ăn học.
Năm 1996, thấy cây bưởi da xanh có triển vọng, có thể bén rễ trên vùng đất Bến Tre, nên ông mua 40 gốc về trồng thử nghiệm tại đất nhà. Không chỉ chăm sóc rất tỉ mỉ, ông Chương còn tích cực học hỏi kỹ thuật canh tác nên cây bưởi da xanh ngày càng tươi tốt và sai trái. Từ đó, ông mạnh dạn vay mượn vốn, đầu tư trồng cây bưởi da xanh trên toàn bộ diện tích ruộng của gia đình.
Cựu chiến binh Phùng Ngọc Chương giới thiệu sản phẩm bưởi da xanh do gia đình ông sản xuất. Ảnh: Phong Thuận
Điểm nổi bật trong việc trồng bưởi của ông Phùng Ngọc Chương là áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Ông hạn chế sử dụng phân, thuốc hóa học, ưu tiên dùng phân bón hữu cơ, phân vi sinh cho cây bưởi. Đặc biệt, để vườn bưởi cho trái quanh năm, ông áp dụng biện pháp cắt tỉa cành, thay vì phải phun thuốc “xử lý” như nhiều nông dân khác. Phương pháp này giúp năng suất trái cao, không làm ảnh hưởng môi trường, không làm giảm tuổi thọ của cây.
Vườn bưởi da xanh trồng theo hướng VietGAP của ông Chương sau 3 năm cho thu hoạch rộ, cứ nửa tháng thu hoạch một lần, năng suất khoảng nửa tấn. Do chất lượng trái bưởi cao, nên thương lái đến tận vườn của ông để thu mua với giá cao hơn các vườn bưởi khác từ 2.000-3.000 đồng/kg. Giá bưởi bán ra trung bình 40.000 đồng/kg, thời điểm cận tết cổ truyền lên đến 60.000 đồng/kg.
Video đang HOT
Đề cập đến kỹ thuật trồng bưởi da xanh đạt hiệu quả cao, ông Phùng Ngọc Chương chia sẻ: “Bưởi mình trồng phải làm tốt ba khâu quan trọng: Thứ nhất là nước, thứ hai chọn giống và thứ ba là chăm sóc. Hạn chế bón phân hóa học nhiều, vì cây sau này mau bị xuống sức, đất bị cằn. Phải dùng phân hữu cơ, phân sinh học, rải từ 3-4 lần/năm để giữ độ xốp và cải tạo đất”.
Từ nguồn vốn tích góp ban đầu, vợ chồng cựu chiến binh Phùng Ngọc Chương sang nhượng thêm 2.000m2 đất ruộng của người dân lân cận để mở rộng. Đến nay, vườn bưởi da xanh này có cây từ 5-7 năm tuổi, có cây đến gần 20 năm tuổi nhưng rất tốt tươi, trĩu quả. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông có nguồn thu nhập trên 500 triệu đồng.
Trở thành mô hình kiểu mẫu của xã
Hội Cựu chiến binh, Hội ND huyện Châu Thành vừa chọn vườn bưởi của ông Chương là “mô hình kiểu mẫu”, giới thiệu cho nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Ông Đỗ Quang Vinh – Chủ tịch Hội ND xã An Phước cho biết: “Trong số các hộ dân trên địa bàn, mô hình trồng bưởi da xanh của chú Tám Chương rất hiệu quả. Chú là một nông dân tiêu biểu mà Hội ND đề xuất tặng danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Một năm, diện tích bưởi của chú đạt sản lượng trên 28 tấn, cao hơn các hộ khác. Không chỉ tích cực chăm lo lao động sản xuất, vươn lên làm giàu mà vợ chồng cựu chiến binh Phùng Ngọc Chương còn là tấm gương trong lĩnh vực khuyến học, khuyến tài, được công nhận gia đình hiếu học”.
Theo ông Võ Văn Minh – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ông Tám Chương cũng là một cựu chiến binh tiêu biểu của địa phương. “Vợ chồng anh Chương đã nuôi 3 con ăn học trưởng thành, hiện lao động tại Nhật Bản. Ngoài công việc gia đình, anh còn hỗ trợ cho địa phương kinh phí làm cầu, đường, mua tập viết, trao học bổng cho con em của cựu binh nghèo…” – ông Minh cho biết.
Dù cuộc sống gia đình đã khá giả nhưng cựu chiến binh Phùng Ngọc Chương vẫn chưa bằng lòng với hiện tại. Ông cho biết, vừa sang nhượng thêm hàng nghìn mét vuông đất để tiếp tục trồng bưởi da xanh; đồng thời tích cực chuyển giao kỹ thuật hỗ trợ các nông dân khác trồng bưởi theo hướng GAP. “Cựu chiến binh về địa phương phải phát huy tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ”, bằng đôi tay, khối óc của mình vượt qua gian khó, vươn lên làm giàu, không trông chờ, ỷ lại” – ông Chương tâm sự.
Theo Danviet
Bỏ quýt để trồng bưởi da xanh sai trĩu cành, anh Hưng mau "thịnh"
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi da xanh sai trĩu cành, anh Nguyễn Phùng Hưng cho biết, mỗi năm khu vườn có diện tích 4 sào cho thu hơn 8 tấn bưởi.
Anh Nguyễn Phùng Hưng (42 tuổi) ở khu phố Phước Hòa, phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, cho biết, giá bưởi da xanh dao động từ 35.000 - 50.000 đồng/kg ngày thường, còn dịp lễ, tết sẽ tăng từ 65.000 - 70.000 đồng/kg. Ngoài việc bán trái bưởi, anh còn bán giống, nhờ đó mỗi năm gia đình thu nhập hơn 400 triệu đồng.
Bỏ quýt trồng bưởi
Anh Hưng kể, cơ duyên đến với nghề trồng bưởi rất tình cờ. Năm 2000, anh lập gia đình và được bố mẹ cho 4 sào đất để canh tác. Thời điểm đó, khu đất này đã trồng quýt đường được 5 năm. Canh tác vườn quýt được một thời gian, anh quyết định chặt bỏ quýt để chuyển sang trồng bưởi da xanh. Khi đó mọi người trong gia đình ai cũng ngăn cản, không hiểu vì sao lại chặt đi vườn quýt đang phát triển tốt. "Vợ tôi hồ nghi vì vườn quýt trồng nhiều năm cho thu nhập đã ổn định. Nếu bỏ quýt trồng bưởi mà thất bại thì cả nhà phá sản, lại thêm nợ nần, con cái học hành càng khó khăn" - anh Hưng nhớ lại. Nhưng tin vào tính toán của mình, anh Hưng đã mạnh dạn phá bỏ quýt để trồng 150 cây bưởi da xanh.
Anh Nguyễn Phùng Hưng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc bưởi. Ảnh: P.T
"Vườn bưởi của tôi trồng là bưởi được chiết cành nên tán nhỏ, dễ xử lý sâu bệnh và dễ chăm sóc. Bưởi chiết cành cũng cho thu hoạch sớm hơn. Đây là lý do vườn bưởi của gia đình tôi luôn cho trái ngon, ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng".
Anh Nguyễn Phùng Hưng
Để có kinh nghiệm chăm sóc bưởi, anh Hưng đã khăn gói lên đường đi học hỏi từ những nhà vườn ở tỉnh Bình Dương và thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước), đồng thời tìm hiểu thông tin trên sách báo, internet. Ở đâu có mở lớp dạy kỹ thuật trồng bưởi anh Hưng cũng đăng ký tham dự. Hai năm sau, vườn bưởi của anh Hưng đã cho trái đầu tiên.
"Bổ trái bưởi đầu tiên, vợ chồng tôi rất hồi hộp. Tâm huyết vào công sức hai năm trời, không biết ngọt, nhạt thế nào. May mà trời thương, bưởi ngon, cơm dày, nhiều nước" - anh Hưng nói.
Để cây bưởi đủ nước tưới và tiết kiệm chi phí, anh Hưng đã đầu tư hệ thống tưới tự động được bố trí hai loại vòi gồm vòi nước tưới ẩm cho gốc cây nằm sát đất và tưới thân cây nằm trên cao hơn. Đây là cách làm sáng tạo riêng của anh Hưng vì thường những nhà vườn khác chỉ bố trí một vòi duy nhất. "Với hệ thống tưới này, gốc và ngọn của cây bưởi đều giữ được độ ẩm cần thiết để phát triển" - anh Hưng cho biết.
Trồng xen ổi trị côn trùng
Tuy nhiên, không dễ gì thành công ngay, những ngày đầu, bưởi vườn nhà anh Hưng cũng bị sâu phá hoại, cây chết không ít. Nhiều lần dùng các loại thuốc chống sâu nhưng không hiệu quả, anh Hưng tìm tòi khắp nơi kinh nghiệm chống sâu bệnh cũng không thành công. "May mà tham gia trong một lớp tìm hiểu kỹ thuật trồng bưởi, tôi được một nông dân ở Bến Tre mách nước trồng xen loại ổi trái to sẽ thu hút sâu bệnh, tránh được sâu phá hoại bưởi" - anh Hưng kể lại.
Nghe lời mách nước, anh Hưng trồng xen thêm ổi, loại trái to để thu hút côn trùng, không ngờ hiệu quả trên cả tuyệt vời. Theo anh Hưng, trong lá ổi luôn tiết ra một chất đặc biệt dạng tinh dầu khiến cho một số loại sâu rất sợ, nhất là những loại bọ có cánh. Nếu trồng xen canh ổi trong vườn bưởi sẽ hạn chế được côn trùng tấn công và ngăn ngừa bệnh vàng lá, giúp tăng độ che phủ cho đất, hạn chế đất bị xói mòn và cỏ dại.
Anh Hưng chia sẻ, để cây tốt trước hết người trồng phải chịu khó học hỏi, tìm hiểu chất đất, xem đất thiếu gì và bón phân hợp lý. Việc bón phân diễn ra hai lần/tháng. Mùa nắng bón ít phân hóa học, mùa mưa đất ẩm hơn thì bón phân hữu cơ sinh học giúp cây dễ hấp thụ chất dinh dưỡng. Riêng những cành bưởi bị nấm bệnh tấn công, anh Hưng không sử dụng thuốc hóa học mà cưa bỏ. Chính sự nhạy bén và quyết định sáng suốt đã giúp gia đình anh Nguyễn Phùng Hưng thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ 4 sào bưởi da xanh.
"Với thành công ban đầu từ 4 sào bưởi này, vợ chồng tôi đang tính cách tìm thêm đất để mở rộng việc trồng bưởi vì bưởi da xanh hiện rất được giá và được thị trường ưa chuộng" - anh Hưng cho biết.
Theo Danviet
Liều trồng bưởi da xanh trên đất dốc, cây thấp tè trái đã trĩu cành Đánh liều trồng bưởi da xanh trên đất dốc, không ngờ cây nào cây nấy trái sai trĩu cả cành khiến bà Văn Thị Loan, bản Tà Niết (xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, Sơn La) rất phấn khởi. Mùa bưởi năm nay, ai đến vườn bưởi da xanh nhà bà Loan cũng khen nức nở với câu hỏi: Tại sao giống bưởi...