Bí quyết nuôi con ‘nhàn tênh’ của người Pháp
Cha mẹ Pháp hầu như không gặp khó khăn trong việc chăm trẻ sơ sinh qua đêm vì đã dạy con cách ngủ một mình từ những ngày đầu tiên.
Trang Reader’s Digest liệt kê những cách dạy con trở nên độc lập, tự tin, lịch sự mà lại nhàn của phụ huynh Pháp.
1. Trẻ được tự do khám phá cuộc sống
“Tôi có thể làm được” là câu nói cửa miệng của nhiều trẻ em Pháp. Những năm đầu đời, trẻ được cha mẹ khuyến khích tự do khám phá cuộc sống và bản thân thông qua những hành động như vui chơi, tự tập đi xe đạp, ở nhà một mình. Cha mẹ Pháp đối xử với trẻ em như với người lớn, cho chúng tự làm mọi việc.
Họ tin rằng trẻ em cảm thấy tự tin hơn khi được làm chủ hành động và trực tiếp khám phá mọi thứ xung quanh. Khi phát hiện một điều mới thông qua thử thách, chúng sẽ ghi nhớ lâu hơn, có cảm giác đạt thành tựu và tin vào khả năng của chính mình. Nếu cha mẹ giúp trẻ vượt qua thử thách, chúng có thể quên ngay những khó khăn đó, không cảm thấy tự tin khi tự mình làm bất cứ việc gì.
2. Trẻ rất ít khi được khen ngợi
Không ít cha mẹ cho rằng, khen ngợi liên tục sẽ giúp trẻ cảm thấy được động viên, chia sẻ và có ý thức phấn đấu. Khen ngợi con là đúng nhưng nếu sai về tần suất có thể gây ảnh hưởng đến trẻ.
Cha mẹ Pháp không tiếc lời khen ngợi con nhưng tần suất rất ít. Họ chỉ khen ngợi khi con thực sự làm được một việc khó khăn mà không ai có thể làm được hoặc con đã vượt qua rào cản của bản thân để thực hiện. Ví dụ, họ không bao giờ khen ngợi khi trẻ biết nói, chỉ khen khi con nói những từ khó hoặc ý nghĩa.
Việc khen ngợi thường xuyên có thể khiến trẻ nảy sinh cảm giác tự mãn, nhưng nếu khen ngợi đúng nơi, đúng chốn, trẻ sẽ thực sự cảm thấy tự hào và trân trọng những nỗ lực của mình.
3. Tôn trọng thời gian cá nhân
Với người Pháp, trẻ em và cha mẹ là hai nhóm độc lập, có thói quen, tư duy hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, con cái không phải là tất cả của cha mẹ và ngược lại mỗi cá nhân đều có cộng đồng riêng, phải học cách hòa nhập và sinh hoạt trong cộng đồng của mình.
Cha mẹ Pháp ủng hộ con dành thời gian riêng cho bản thân và trẻ em Pháp cũng được dạy không được làm phiền cha mẹ vào thời gian riêng của họ. Ví dụ, buổi tối, trẻ em sẽ phải tự chơi một mình nếu cha mẹ bận xử lý công việc hoặc buổi sáng trẻ phải tự ăn trong khi cha mẹ chuẩn bị đi làm. Cha mẹ Pháp để con xây dựng tính độc lập, kỷ luật và hạn chế tối đa việc kiểm soát.
4. Thói quen ngủ lành mạnh
Cha mẹ Pháp hầu như không gặp khó khăn trong việc chăm trẻ sơ sinh qua đêm. Nếu nửa đêm trẻ tỉnh giấc, họ sẽ lờ đi, để trẻ tự tìm cách quay lại giấc ngủ. Vì được rèn luyện thói quen ngủ sớm và ngủ một mình từ nhỏ, trẻ em Pháp có thói quen đi ngủ rất nề nếp và dễ dàng chìm vào giấc ngủ.
Video đang HOT
Ảnh: Shutterstock
Nhiều trẻ sơ sinh thường tỉnh giấc bất chợt giữa đêm, nhưng đó là những lần tỉnh giấc ngắn, trẻ có thể dễ dàng ngủ lại mà không cần sự can thiệp bên ngoài. Nếu phụ huynh dỗ thường xuyên bằng ti giả hoặc cho ăn, trẻ sẽ ỷ lại vào cha mẹ. Từ đó, khi lớn lên trẻ có thể gặp khó khăn khi ngủ một mình hoặc ngủ sớm.
5. Trái cây và rau quả là thực phẩm hàng đầu
Trẻ em Pháp rất giỏi ăn rau củ và trái cây, trái ngược với trẻ em nhiều nơi. Thói quen này được hình thành từ việc cha mẹ Pháp đưa rau củ vào bữa ăn của con từ rất sớm. Trẻ nhỏ bắt đầu ăn rau củ bằng cách xay nhuyễn. Khi lớn hơn, chúng sẽ ăn cơm cùng gia đình và cha mẹ Pháp luôn ăn rất nhiều rau, làm gương cho con.
Ngoài ăn rau, trẻ em Pháp được yêu cầu ăn nhiều loại thực phẩm để huấn luyện vị giác ngay từ nhỏ, tránh việc khảnh ăn hoặc bị dị ứng với thực phẩm. Phương pháp này cũng được người Nhật áp dụng trong nuôi dạy con, tạo ra những bữa ăn giàu dinh dưỡng và tốt cho trẻ.
Trẻ em được dạy ăn rau từ sớm. Ảnh: Shutterstock
6. Trẻ được dạy cách cư xử lịch sự
Không giống như nhiều nước châu Âu và Mỹ coi mọi người bình đẳng và trẻ em có thể không chào hỏi mọi người, ở Pháp trẻ luôn được nhắc nhở phải cư xử lịch sự. Trẻ phải chào hỏi người quen khi gặp mặt, nắm rõ quy tắc ứng xử kính trên nhường dưới và tôn trọng những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Việc chào hỏi đối với trẻ em Pháp là vô cùng quan trọng. Khi tiếp xúc với một nhóm, trẻ vẫn phải đứng lên chào to, dõng dạc để khẳng định sự hiện diện của bản thân, từ đó góp phần xây dựng khả năng tự tin, kết nối với cộng đồng.
7. Đau đớn là cảm xúc tự nhiên
Trải nghiệm đau đớn là cơ hội tốt để khám phá cuộc sống vì cuộc sống không chỉ toàn những phút giây bằng phẳng. Nhiều cha mẹ cố gắng tránh cho con khỏi việc chịu đau đớn, tổn thương bằng cách giới hạn hoạt động của trẻ, nhưng điều này chỉ làm trì hoãn sự phát triển cảm xúc.
Cha mẹ Pháp quan niệm nỗi đau là một phần của sự phát triển, học cách chấp nhận đau đớn là một phần của sự trưởng thành. Vì vậy, cha mẹ khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời. Trẻ có thể bị thương nhẹ khi đá bóng hoặc bị xây xước khi tập đi xe đạp, nhưng cha mẹ hạn chế dỗ dành. Họ sẽ bày tỏ sự đồng cảm với nỗi đau đó và nhắc nhở con rằng đau đớn là một phần của cảm xúc.
8. Chấp nhận bị từ chối
Bạn đã bao giờ đứng trước tình huống con đòi mua một món đồ chơi, bạn nói “không” và chúng làm mọi cách để có được món đồ chơi đó, và rồi bạn đành nhượng bộ, mua cho chúng? Trường hợp này không ít cha mẹ mắc phải. Từ những ngày đầu phụ huynh không cương quyết, trẻ càng dễ lấn tới và dần dần nhận ra rằng càng hành động quá khích càng dễ có được đồ mình thích.
Cha mẹ Pháp không dạy con như vậy. Từ khi con còn nhỏ, họ cương quyết nói không với những yêu cầu của chúng. Thời gian đầu, trẻ sẽ khóc to, giận dữ nhưng cha mẹ không hề nhân nhượng.
Trải qua những lần đòi hỏi thất bại, trẻ hiểu rằng khóc to đòi mua đồ là vô nghĩa, khi cha mẹ nói không thì không thể suy chuyển được. Dần dần, trẻ học cách chấp nhận việc bị từ chối mà không lời than vãn. Thói quen này giúp trẻ trưởng thành trong khiêm tốn, bình ổn, hiểu rằng thế giới không xoay quanh mình, mọi người hoàn toàn có thể phớt lờ, từ chối những yêu cầu của chúng.
9. Quan điểm lạc quan về thế giới
Trẻ em Pháp tin rằng thế giới không chỉ đầy rẫy nguy hiểm như báo đài vẫn thường hay đưa tin. Chúng được dạy cách nhìn nhận thế giới công bằng, cả mặt tốt và mặt xấu và đề cao sự lạc quan trong cách sống.
Cha mẹ Pháp rất quan tâm đến sự an toàn của con. Họ biết rõ những vấn nạn xã hội như ấu dâm, nghiện ngập, nhưng không giống như trực thăng, bay lượn trên đầu con để giám sát.
Họ sẽ dạy con những bài học tự vệ, những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống từ khi còn nhỏ và để trẻ tự đối mặt với tương lai. Sẽ vẫn có những giới hạn, những quy định trong gia đình, nhưng cha mẹ cũng thúc đẩy, khuyến khích con khám phá cuộc sống, xoay sở với các vấn đề của riêng mình.
Tú Anh
Theo Reader’s Digest/VNE
Cách tổ chức bữa ăn bán trú ở Pháp
Từ 3 tuổi trở lên, trẻ em Pháp đến trường chỉ ăn một bữa, đủ 3 món: khai vị, món chính, tráng miệng; không có đồ ăn nhanh, nước uống hoa quả.
Nguyên-Kan, tiến sĩ ngôn ngữ, bà mẹ 3 con đang sinh sống tại Pháp, chia sẻ về bữa ăn ở trường học Pháp.
Nước Pháp rất coi trọng vấn đề dinh dưỡng, chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng. Khẩu hiệu "Vì sức khỏe của bạn, không ăn thức ăn quá béo, quá ngọt và quá mặn! Không ăn vặt giữa buổi!" của bộ Y tế được tuyên truyền khắp mọi nơi. Bữa ăn ở trường học các cấp cũng dựa theo tiêu chí này, đảm bảo đủ chất mà các cháu lại không bị béo phì.
Đối với các cháu nhỏ dưới 3 tuổi còn đi nhà trẻ, ngay trước khi nhập học, các cô giữ trẻ sẽ có buổi nói chuyện kéo dài khoảng một tiếng với phụ huynh để nắm được thói quen ăn uống, nhất là đối với trẻ còn nhỏ và chưa ăn dặm. Các cô ghi chép cụ thể giờ ăn, số lượng sữa, thói quen uống sữa (uống bình hay uống cốc, uống sữa lạnh, ấm hay nóng, có kèm bột cacao, ngũ cốc hay không).
Đối với cháu bắt đầu ăn dặm, các cô ghi lại xem cháu ăn đồ xay nhuyễn hay ăn đồ thô, đã biết tự ăn chưa (ăn bốc, ăn bằng thìa) hay cần đút, thích và không thích gì, có bị dị ứng với món ăn nào không. Để an toàn, nếu món nào các cháu chưa từng ăn ở nhà các cô sẽ không cho ăn ở lớp.
Một trường học ở Lyon bữa trưa gồm salad bắp cải và cà chua, một quả kiwi, bánh mì cắt lát ăn kèm pho mát, món chính là thịt bò nướng cùng khoai tây, cà chua và thảo mộc tươi.
Từ 1 tuổi trở đi, bữa ăn ở trường giảm xuống chỉ còn 2 bữa, là bữa trưa và bữa xế vào lúc 16h. Dù các cháu có háu ăn thế nào đi chăng nữa thì bố mẹ cũng phải tuân thủ và chấp nhận với lịch ăn này. Thực đơn hàng ngày được cô dán ở cửa lớp, cuối buổi cô sẽ báo cáo lại với bố mẹ là ngày hôm đó cháu đã ăn những gì, ăn nhiều hay ít.
Kể từ mẫu giáo (bắt đầu từ 3 tuổi), bữa ăn ở trường rút lại chỉ còn một bữa trưa. Nhà trường nhận trẻ từ 8h30 và trả lúc 16h30, không có bữa sáng hay bữa giữa buổi. Tới giờ ăn, các cháu sẽ được cô nuôi đưa tới căng-tin. Mỗi bữa ăn gồm đủ 3 món: khai vị, món chính và tráng miệng.
Khai vị thường là các món salad, đôi khi có kèm phomai hoặc bơ, hoặc các loại lúa mì. Món chính bao gồm thịt (gà, bò, lợn, bê) hoặc cá, rau củ và tinh bột. Sau khi ăn món chính các cháu sẽ ăn bánh mì và phomai, đây là truyền thống bữa ăn ở Pháp. Cuối cùng là tráng miệng, thường là hoa quả, bánh ngọt hoặc một sản phẩm từ sữa. Mô hình bữa ăn này cũng được duy trì tới hết cấp 1.
Điều đặc biệt, các bữa ăn ở trường mẫu giáo và tiểu học là do chính quyền thành phố quản lý, từ đầu vào cho tới đầu ra. Các nguyên liệu chế biến bữa ăn phải đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm, độ tươi sống (không dùng đồ đông lạnh) và nguồn gốc. Rau, củ, quả và sữa được thu mua tại địa phương, còn thịt và cá ghi rõ là "đánh bắt tại biển ở Pháp" (đối với cá) hoặc "được sinh ra và lớn lên ở Pháp" (đối với thịt). Trong các siêu thị của Pháp, nguồn gốc của các loại thực phẩm cũng luôn được ghi rõ ràng như vậy. Trong tuần, thành phố cũng cố gắng cung cấp ít nhất một bữa ăn là thực phẩm hữu cơ cho các cháu.
Thực đơn các bữa ăn trong tuần luôn được dán trước cửa lớp, hoặc ở trên trang web của Ủy ban thành phố để bố mẹ có thể theo dõi. Những cháu nào bị dị ứng với món ăn đặc biệt thì khi có món đó sẽ được thay thế bằng món khác; hoặc bố mẹ tự chuẩn bị đồ ăn cho con mang từ nhà đi. Các cháu theo đạo Hồi hoặc ăn chay cũng sẽ có chế độ ăn riêng phù hợp.
Một bữa trưa đầy đủ dinh dưỡng của học sinh ở Pays de la Loire có cá, rau chân vịt, khoai tây, xà lách, pho mát và bánh mì. Ảnh:
Đối với trẻ mẫu giáo, bữa ăn sẽ được phục vụ tận bàn. Nhưng từ lớp 1 trở đi, học sinh sẽ phải tự lấy khay rồi lấy thức ăn cho mình. Mỗi em đều lấy đủ phần của mình như trong thực đơn. Nếu không ăn hết, cũng phải giơ tay xin phép với các cô đầu bếp. Sau khi ăn, học sinh tự mang khay cất đồ vào đúng vị trí, phân loại bát, đĩa, thìa và khay rõ ràng.
Lên tới cấp 2, học sinh có nhiều lựa chọn hơn. Khai vị, món chính và tráng miệng, luôn có 2-3 lựa chọn. Ví dụ, món chính là gà rôti, các cháu có thể lựa chọn ăn kèm với rau, mì hoặc khoai tây. Trong bữa ăn luôn đảm bảo có ít nhất một sản phẩm sữa. Và các cháu chỉ ăn đúng suất của mình, không được lấy nhiều hơn, vì nước Pháp không sợ học sinh đói, chỉ sợ bị béo phì.
Ở Pháp, bữa ăn của học sinh không có đồ ăn nhanh, không có nước uống hoa quả và nước có gas. Một năm có thể có 1-2 lần các cháu được thưởng thức bữa ăn vui vẻ vào đầu năm học, hoặc trước khi nghỉ lễ Noel, hoặc trước khi nghỉ hè. Bữa ăn đó có thể có pizza của Italy, hamburger và khoai tây chiên cùng coca kiểu Mỹ, hoặc có món kem cho suất tráng miệng. Cũng có đôi khi thành phố giới thiệu các món ăn của nước khác, có lần trong thực đơn có cả món nem, nhưng chắc chắn đầu bếp Pháp làm thì không được ngon và đúng vị.
Một bữa ăn ở trường học giá gần 9 euro (khoảng 225.000 đồng), tuy nhiên phụ huynh chỉ phải trả dựa trên thu nhập của mình, chia làm 8 mức. Có nghĩa người thu nhập cao thì trả 100%, người thu nhập thấp chỉ trả một phần, còn lại nhà nước lo. Mọi thanh toán không thực hiện trực tiếp với nhà trường mà với kho bạc của thành phố, phụ huynh có thể thanh toán trực tiếp trên mạng, hoặc gửi cheque tới kho bạc. Bữa nào con nghỉ học có xin phép, bữa ăn đó sẽ không bị tính phí.
Ở các trường học tại Pháp, kể từ nhà trẻ, không có cô giáo nào chấp nhận việc "ép" trẻ ăn. Cho nên, khi cho các con đi học, chỉ lo con không chịu ăn, chứ một khi đã ăn hết suất thì không bao giờ bố mẹ phải lo con đói. Về nguồn gốc và mức độ an toàn thực phẩm lại càng không phải lo lắng. Nếu có bất kỳ sự cố gì không hay xảy ra, Ủy ban nhân dân thành phố và nhà trường sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm trước pháp luật.
Nguyên-Kan
Theo VNE
Chúng ta thực sự cần bao nhiêu giờ để ngủ? Giấc ngủ rất cần thiết cho sức khỏe nói chung cũng như sư phát triển trẻ em nói riêng. Theo thông tin mới nhất từ Tổ chức Nghiên cứu Giấc ngủ Hoa Kỳ, trẻ sơ sinh cần ngủ từ 14 đến 17 giờ mỗi ngày, trong khi trẻ dưới 11 tháng tuổi cần 12 đến 15 giờ im lặng. Từ 11 tháng tuổi...