Bí quyết làm một game khiến người chơi thỏa mãn thực sự
Làm sao làm được một game hay là vấn đề rất quen thuộc với không chỉ giới phát triển Game chúng ta, mà ngay cả đến Game thủ, các nhà phê bình cũng thường xuyên đặt ra.
Bài viết dưới đây không phải là luôn đúng với mọi dự án, nhưng nó là thành quả nghiên cứu và rút kinh nghiệm từ các dự án đã thành công và thất bại! Kể từ đầu những năm 70 đến nay, có thể nói ngành công nghiệp Game đã có những bước phát triển đột phá vô cùng mạnh mẽ. Cùng với sự phát triển của công nghệ mới, hàng loạt các tựa Game lớn, với số tiền đầu tư khổng lồ được xuất xưởng, nhưng không phải bất kỳ tựa Game nào cũng thành công.
Vậy, câu hỏi đặt ra là điều gì làm nên một Game thành công?
Lối chơi .vs Cốt truyện
Có rất nhiều ý kiến trái chiều về tầm quan trọng của cả lối chơi và cốt truyện trong Game. Phần thì cho rằng lối chơi quan trọng hơn, số còn lại lại cho rằng cốt truyện mới là nhân tố quan trọng. Thật ra, cả lối chơi và cốt truyện đều có một tầm quan trọng nhất định. Ở đây, sẽ nói đến lối chơi (Gameplay) trước!
Trong quá khứ, có rất nhiều dòng Game thành công chỉ bằng cốt truyện mà không bằng lối chơi. Nhưng với thị trường gần đây, có thể nói, lối chơi đã có sự phát triển tột bậc trong từng dự án và leo lên vị trí quan trọng bậc nhất! Một vài ví dụ có thể kể đến như các tựa Game điện thoại với cốt truyện khá mờ nhạt và hầu như chỉ để liên kết người chơi với các nhân vật trong Game như Angry Birds, Where’s My Water, 2048 hay tựa Game đình đám của Việt Nam : Flappy Bird! Có thể nói, một cốt truyện hay giờ đây chưa chắc đã có thể giữ chân người chơi nếu lối chơi quá nhàm chán, mang tính chất lặp lại. Cần xác định rằng cốt lõi của một Game thành công thật sự là khả năng tương tác giữa Game và người chơi, nghĩa là khả năng đưa người chơi hòa nhập vào Game mà bạn thực hiện. Điều này chỉ ra việc tập trung vào phát triển Gameplay là một yếu tố vô cùng cần thiết để dẫn đến một tựa Game thành công!
Video đang HOT
Theo một số khảo sát tại các buổi triễn lãm Game lớn trên thế giới như E3, Tokyo Game Show ( TGS ), … hay như các buổi hội thảo của các nhà phát triển Game như Game Developer Convention ( GDC ), có rất nhiều các nhà sản xuất hiện nay nghiêng sang phát triển Gameplay nhiều hơn so với cốt truyện, và cả xu hướng của thị trường cũng dần chuyển sang Gameplay.
Chắc hẳn không ai lại không biết đến tựa Game Call Of Duty : Modern Warfare. Theo khảo sát tại các thị trường Game lớn trên thế giới, phần lớn các Game thủ khi mua sản phẩm này thường tập trung vào phần chơi mạng / nhóm ( Multiplayer ) để có thể tham gia vào các trận đấu nảy lửa, chứ có rất ít các Game thủ mua về để chơi phần chiến dịch ( Campaign ) của Game. Nhưng điều này không có nghĩa là phần chơi chiến dịch và cốt truyện Game lại là thứ bỏ đi!
Cốt truyện vẫn có vị trí quan trọng trong Game
Dù cho chúng ta vừa nói về tầm quan trọng của Gameplay lớn hơn so với cốt truyện, tuy nhiên cũng không có nghĩa cốt truyện không phải là một nhân tố quyết định cho sự thành công của Game. Một cốt truyện hay luôn có thể giúp người chơi cảm nhận sâu sắc hơn về thế giới mà bạn đã tạo ra!
Như đã nói ở trên, lối chơi có vai trò giữ chân Game thủ vì nó giúp người chơi không cảm thấy nhàm chán trước cảnh lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, lối chơi không phải là vị cứu tinh của Game, đặc biệt là các Game chỉ có phần chơi đơn như dòng Game Batman Arkham, hay các Game nổi tiếng trong hệ thống RPG như Final Fantasy, Kingdom hearts, … Chính cốt truyện của Game lại là nhân tố quyết định cho sự thành công của những Game mà phần chơi đơn chiếm vai trò quan trọng.
Cần xác định rõ hướng của dự án mà bạn sẽ thực hiện, xem liệu dự án sẽ tập trung hơn vào cốt truyện hay vào lối chơi. Tuy nhiên, dù là với bất kỳ mục tiêu nào, bạn vẫn phải đầu tư thật kỹ lưỡng vào cả 2 phương diện vì Game là ” một cách kể chuyện thông qua tương tác giữa thế giới ảo và người dùng “. Vẫn lấy ví dụ là các Game nhập vai, những Game như Final Fantasy hoàn toàn có lối chơi tương đối lặp lại ( vì không hỗ trợ phần chơi nhiều người qua mạng ) tuy nhiên vẫn có thể thu hút hàng triệu Fan hâm mộ vì cốt truyện sáng tạo, có sức hút! Hãy cố gắng hòa hợp cả 2 phương diện Gameplay và Cốt truyện để giống như Grand Thief Auto V : thành công đến từ cốt truyện sâu sắc cùng với lối chơi hoàn hảo thông qua cả cách chơi đơn và chơi mạng!
Đồ họa đẹp, âm thanh chuẩn xác
Game là một thế giới màu sắc được xây dựng nên từ những hình ảnh chuyển động trên màn hình. Vì vậy, một Game thật sự thành công khi phương diện đồ họa và cả âm thanh được hoàn thiện nhất! Với sự ra đời của các dòng Next-gen Console ( tạm gọi là Console thế hệ mới ) cũng như sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ Game Engine, phương diện đồ họa cũng được xem là mtộ trong các nhân tố hàng đầu để đánh giá Game!
Đồ họa trong Game không bắt buộc phải là hình họa 3D với những chuyển động chân thật, phức tạp. Đồ họa Game có thể chỉ là 2D, nhưng bạn phải đảm bảo phần đồ họa thật nổi bật trên màn hình người chơi, có thể sử dụng một màu sắc chủ đạo, nhưng cũng có thể sử dụng nhiều màu sắc khác nhau để làm bật lên phong cách đồ họa riêng cho Game của bạn. Lấy ví dụ dòng game Patapon của hãng Japan Studio ( một nhánh lớn của SCE ). Game chỉ bao gồm màu đen là chủ đạo, và thêm 2 – 3 màu nữa để làm phần background cho màn chơi, nhưng vẫn rất thu hút bởi cách vẽ nhân vật dễ thương, tuy đơn giản nhưng lại rất hiệu quả trong việc gây ấn tưỡng với người chơi!
Với các Game 3D, vẫn không quá bắt buộc đồ họa trong Game phải gần với thực tế. Đồ họa có thể mang tính hoạt hình một chút, nhưng phải thật nổi bật, chứ khnog6 phải là đi ăn cắp từ các nguồn khác nhau để làm thành Game. Với Game 3D, có thể lấy ví dụ như dòng Game Daxter vô cùng nổi tiếng với cốt truyện, gameplay phù hợp với lối đồ họa hoạt hình, dễ gần với mọi lứa tuổi!
Riêng với âm thanh, cần có một sự đầu tư tỉ mỉ trong khâu sản xuất. Âm thanh cần có chất lượng tốt, có qua kiểm định và phải phù hợp với bối cảnh Game ( với BGM ), hoặc chuyển động của nhân vật ( với SFX ). Cần phải chắc chắn rằng bạn sử dụng âm thanh trong Game đúng lúc đúng chỗ, không phải cứ lạm dụng 1 đoạn nhạc ở bất kỳ chỗ nào của Game dù cho đoạn nhạc đó có hay, hoành tráng đến thế nào đi nữa, vì nó dễ gây chán đối với người chơi nếu cứ phải nghe đi nghe lại nhiều lần!
Người chơi phải có một mục tiêu!
Không nên để cho độ khó của Game quá thấp, vì nó sẽ gây ảnh hưởng đối với chính Gameplay của bạn. Bạn không thể mong chờ một người chơi tập trung khám phá hết các chế độ trong Game, hay thậm chí là các chức năng hỗ trợ như rèn đồ, khảm ngọc, … nếu họ có thể giết chết một con boss khi chỉ ở Level 1. Bạn cũng không thể làm cho người chơi cảm thấy hứng thú nếu họ phải cày kéo cật lực nhưng vẫn bị chết dưới 1 chiêu của boss Level 1 trong Game. Hãy canh độ khó của Game, cũng như đặt ra nhiều mục tiêu cho người chơi đạt được, với mỗi mục tiêu có thể là một mẩu chuyện, hay một chức năng mới chờ được khám phá, hay là chìa khóa để người chơi mở ra giai đoạn tiếp theo trong Game.
Tại TGS 2013, có rất nhiều các nhà phát hành đã thừa nhận họ không cho xuất phẩm các tựa game quá khó hoặc quá dễ để gây khó cho người chơi, mà ngược lại, họ muốn xuất phẩm một tựa Game mà họ tin chắc có thể giữ chân người chơi một cách lâu dài, và cũng có nhiều yếu tố có thể giúp họ kinh doanh sản phẩm của các nhà sản xuất một cách lâu dài ( thường thì thông qua việc bán các vật phẩm ăn theo ). Nói tới đây chắc bạn cũng hiểu về tâm quan trọng của mục tiêu trong Game rồi nhỉ?
Cần có một mục tiêu không quá khó, không quá dễ cho người chơi.
Có nhiều yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của Game, vậy nên hãy cố gắng phát triển đồng đều giữa chúng. Ngoài các yếu tố đã nêu bên trên, sẽ còn rất nhiều yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến sự thành bại cho dự án của bạn. Vậy nên, hãy cố gắng có một kế hoạch phát triển Game thật rõ ràng, và hãy thật thận trọng trước khi đưa ra một quyết định phát triển tính năng, hay thay đổi cấu trúc vốn có của Game, hãy suy nghĩ thật kỹ về ảnh hưởng của nó đối với từng yếu tố, cấu trúc Game và quyết định có thực hiện hay không.
Theo VNE