Bí quyết “hô biến” những con bò cỏ gầy còm thành bò “lực sĩ”, ông nông dân tỉnh Đồng Nai làm giàu khác người
Mua bò cỏ gầy còm xác xơ về vỗ béo bằng thức ăn tự chế, anh Cao Xuân Lâm (xã Xuân Hòa, Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) không ngờ lại có hiệu quả kinh tế cao.
Bí quyết “hô biến” bò gầy thành bò béo khỏe cũng là cách làm giàu khác người của anh Lâm so với nhiều nông dân khác ở địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, anh Cao Xuân Lâm (xã Xuân Hòa, Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) nói vui, anh “sấp mặt” 10 năm nuôi bò thả rông vẫn nghèo.
Năm 2018, Cao Xuân Lâm chuyển sang nuôi bò vỗ béo, trồng cỏ và tự chế biến thức ăn cho đàn bò.
Anh Cao Xuân Lâm (xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đang vỗ béo đàn bò cỏ trong trang trại chăn nuôi bò của gia đình.
Anh Lâm chia sẻ, trước đây, mỗi năm gia đình anh chỉ nuôi 2-4 con bò sinh sản. Thấy việc nuôi bò vỗ béo đem lại hiệu quả kinh tế cao nên anh quyết tâm đầu tư xây chuồng trại, rồi ra tận Phan Rang (Ninh Thuận) mua bò cỏ gầy ốm đem về vỗ béo.
Theo anh Lâm, cách nuôi bò vỗ béo của anh là tìm chọn mua bò khoảng 10-12 tháng tuổi, trọng lượng 150-200kg/con.
“Khi chọn bò phải chọn bò có lưng rộng, khi lớn bò mới có nhiều thịt bán giá cao”, anh thổ lộ kinh nghiệm xem bò gầy để nuôi vỗ béo.
Trong quá trình nuôi, mỗi tuần phải tắm bò vài lần. Cho bò uống nước cám 2 lần/ngày. Và quan trọng là cho bò ăn đầy đủ để bò mau lớn.
Video đang HOT
Ngoài ra, trong quá trính nuôi cần phải tiêm ngừa cho bò 1-2 lần để bò không bệnh, tránh thiệt hại.
“Theo tính toán, mỗi tháng chi phí đầu tư nuôi 1 con bò ăn hết khoảng 500.000 đồng”, anh nói.
Để giải bài toán đồng vốn eo hẹp trong vỗ béo bò, anh Lâm cho biết, đã tự chế các máy móc sản xuất thức ăn cho bò, như: máy băm cỏ, máy trộn thức ăn…
Về nguồn nguyên liệu thức ăn cho bò, anh Lâm đã xây dựng một quy trình trồng trọt – chăn nuôi khép kín.
Anh Cao Xuân Lâm (xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) tự trồng cỏ nuôi bò theo phương thức chăn nuôi kép kín.
Theo đó, với 3ha đất sản xuất, 1ha anh xây dựng khu chuồng trại và trồng cỏ nuôi bò. Diện tích còn lại anh trồng mì, bắp… Nguồn phân bò thải ra, anh đưa ra đồng bón mì, bắp.
Ngoài ra để bò mau lớn, bò khỏe đẹp, anh Lâm còn kết hợp cho bò ăn bã bia, cám dừa….
Trung bình, khoảng 3,5-4 tháng nuôi, khi bò có trọng lượng tầm 300kg/con, trại nuôi bò vỗ béo của anh Lâm xuất bán. Cứ mỗi đợt xuất bán tầm 50 con bò anh Lâm lãi 70-80 triệu đồng.
Sau khi xuất bán, anh Lâm lại mua về khoảng 200 con bò cỏ gầy còm từ nhiều nơi và tiếp tục nuôi vỗ béo theo kinh nghiệm đã từng làm.
Theo anh Lâm, chất lượng thịt bò cỏ khá thơm ngon nên các thương lái từ Gia Kiệm (Đồng Nai), Bà Rịa – Vũng Tàu đến đặt hàng mua bò vỗ béo của trang trại.
“Đầu ra, giá cả bò vỗ béo luôn ổn định nên trại nuôi bò của tôi là mô hình sản xuất cho lợi nhuận cao được nhiều hộ chăn nuôi các nơi đến học hỏi, ứng dụng”, anh Lâm cho biết.
Sau 4 tháng vỗ béo, đàn bò cỏ gầy còm đã thành bò “lực sĩ” dưới bí quyết nuôi bò vỗ béo của anh Cao Xuân Lâm (xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai)
Theo ông Hoàng Thanh Bạch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, mô hình chăn nuôi bò vỗ béo của anh Lâm là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua mô hình của anh Lâm, Hội Nông dân xã đã tạo điều kiện cho bà con nông dân đến học tập trao đổi kinh nghiệm nuôi bò vỗ béo. Đến nay đã có nhiều hộ dân ở xã Xuân Hòa đã học tập làm theo mô hình nuôi bò vỗ béo và đem lại hiệu quả.
“Dự kiến, Hội sẽ xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã tại địa phương để nuôi bò vỗ béo”, ông Bạch thông tin thêm.
Làm giàu khác người: Bắt cá thần tiên đẻ theo ý thích
Mỗi năm, anh Hồ Nhuận Đăng Sơn (phường 7, TP.Tân An, tỉnh Long An) thu về hàng tỷ đồng từ cá thần tiên (thường gọi cá Ông Tiên). Đáng nói, không chỉ nuôi đơn thuần, bằng giải pháp "Công nghệ sản xuất và nuôi thương phẩm cá Ông Tiên", anh Sơn có thể bắt cá thần tiên khó tính này đẻ theo ý thích.
Sản xuất cá cảnh cao cấp bằng công nghệ 4.0
Dù là "gà nòi" - xuất thân từ ngành Thủy sản (Đại học Nông lâm TP.HCM), nhưng khi bước chân vào nghề ương, nuôi cá cảnh, anh Sơn vẫn cứ "lên bờ xuống ruộng".
Lúc bấy giờ, mỗi con cá Ông Tiên bố mẹ được nhập từ Thái Lan, Malaysia... có giá vài nghìn USD. "Năm 2003, tôi bắt tay vào nuôi cá cảnh. Những lứa cá giống đầu tiên cứ lần lượt chết do bệnh tật, do thiếu kỹ thuật chăm sóc, thay đổi môi trường sống... Những con sống được lại không đẹp nên phải bán giá rẻ" - anh Sơn thổ lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Anh Hồ Nhuận Đăng Sơn đang kiểm tra đàn cá cảnh bố mẹ. (ảnh Trần Đáng)
Anh Sơn cho biết thêm, cá Ông Tiên có nhiều dòng, trước đây các dòng cá này khá dễ nuôi, nhưng những năm gần đây, các loại cá Ông Tiên mới được nhập về Việt Nam mặc dù có giá trị kinh tế cao hơn các giống cá Ông Tiên phổ thông trước đây nhưng lại khó sinh sản và đòi hỏi chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng nghiêm ngặt hơn.
Anh Sơn chia sẻ: "Trước đây, người ương, nuôi cá cảnh dùng máy sủi ôxy. Do bọt sinh ra có kích thước lớn nên nhanh chóng vỡ và chỉ giữ lại một phần ôxy trong nước. Nếu dùng hệ thống tạo khí nano sẽ tạo bọt có kích thước rất nhỏ. Do quá nhỏ nên bọt chỉ nằm lơ lửng trong hồ nước, dẫn đến nồng độ ôxy trong nước cao, giúp cho cá ăn nhiều, mau lớn và khí độc trong nước sẽ bị đẩy ra ngoài".
Ngoài ra, anh Sơn còn dùng công nghệ blockchain để tra cứu, truy xuất dữ liệu nguồn trong quá trình sản xuất. Công nghệ này giúp anh chọn giống bố mẹ không đồng huyết, an toàn dịch bệnh, tạo ra con giống dễ nuôi, mau lớn...Để khắc phục những nhược điểm của thức ăn cho cá cảnh, anh Sơn đã nghiên cứu cho ra loại thức ăn mang nhiều ưu điểm, như: Cho ra cá đẹp, tỷ lệ sống cao, giá thành giảm, kéo chi phí nuôi xuống còn 1/2 so với bình thường.
Nuôi cá cảnh lợi nhuận tăng 300%
Hiện, anh Sơn có một cơ sở ương, nuôi cá dĩa rộng 250m2 ngay tại nhà và khu trại rộng 1,5ha để ương nuôi các loại cá cảnh khác nhau. Ngoài ra, anh còn hợp tác với trên 10 vệ tinh nuôi, ương cá ở trong tỉnh và trên 10 vệ tinh ở các tỉnh lân cận để cung cấp cá ra thị trường.
Sau nhiều năm sản xuất cá Ông Tiên cao cấp bằng giải pháp công nghệ cao, anh Sơn đánh giá, lợi nhuận thu được từ khâu sản xuất tăng 300% và 200% ở khâu thương phẩm so với việc chưa áp dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất như trước đây.
Anh Sơn cũng tin tưởng, với giải pháp công nghệ mà anh đang áp dụng nuôi cá Ông Tiên sẽ tạo tiền đề trong việc xây dựng trại sản xuất, ương nuôi cá cảnh tại Long An. Giải pháp này còn bảo đảm các yêu cầu về môi trường, dịch bệnh, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng mọi tiêu chí về cá cảnh trong và ngoài nước.
Với mong muốn nhân rộng mô hình nuôi cá cảnh và chuyển giao kỹ thuật cho những người có cùng đam mê, ngoài giải pháp "Công nghệ sản xuất và nuôi thương phẩm cá Ông Tiên", trước đây anh Sơn còn thực hiện 2 đề tài nghiên cứu khoa học, do Sở KHCN tỉnh Long An cấp kinh phí và được Hội đồng xét duyệt đề tài thông qua là: "Hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá dĩa bột" và "Xây dựng mô hình quản lý tốt (GMP) trong sản xuất cá cảnh tại TP.Tân An".