Bí quyết để có những bức hình đẹp lung linh trong mùa lúa chín
Thời điểm này, lúa tại khắp các vùng núi cao đã bắt đầu chín rộ. Bạn hãy chuẩn bị hành trang thăm những cung đường mùa lúa chín vùng cao với những lưu ý hữu ích dành cho người yêu du lịch.
Mùa lúa chín
Lúa chín vàng là thời điểm đẹp nhất trên những thửa ruộng bậc thang. Nhưng thời điểm từ lúc chín vàng đến khi được gặt xong cũng khá nhanh, thường chỉ kéo dài khoảng 2-3 tuần. Do đó bạn cần canh đúng thời điểm mùa lúa chín đẹp nhất để có những trải nghiệm trọn vẹn nhất!
Vào thời gian này, Hoàng Su Phì và Mù Cang Chải là hai khu vực ruộng bậc thang lớn, ấn tượng, nổi tiếng nhất, lúa đang vào mùa chín rộ.
Cuối tháng 9 cũng là lúc bạn có thể đến với những thửa ruộng bậc thang ở Tà Xùa. Sang quãng đầu tháng 10 là thời điểm vào mùa của lúa chín ở Cao Bằng, Pù Luông, Bình Liêu.
Thời điểm tháng 9, tháng 10, lúa tại khắp các vùng núi cao đã bắt đầu chín rộ.
Một số địa điểm check-in không thể bỏ lỡ trong mùa lúa chín:
Ở Mù Cang Chải: Cánh đồng Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, bản Cu Vai, Đèo Khau Phạ, Bản Lìm Mông, La Pán Tẩn và Đồi Mâm Xôi, Chế Cu Nha, Đồi Móng Ngựa bản Sáng Nhù, Dế Su Phình và điểm Mũi giày, Màng Mủ, Lao Chải là những địa điểm có thể ngắm trọn vẹn mùa lúa chín tại Mù Căng Chải.
Đến đây, bạn có thể tận hưởng mùi dịu ngọt của hương lúa mới, ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang uốn lượn đến tận chân trời, trĩu hạt, vàng óng, như xua tan đi cái nắng gay gắt của mặt trời chiếu rọi, nhìn ngắm cảnh bà con dân bản nô nức, vui tươi cùng nhau thu hoạch lúa gạo.
Bạn có thể hòa cùng niềm vui ngày mùa của bà con trên những thửa ruộng bậc thang
Ở Cao Bằng: Dọc dòng Quây Sơn, Thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy), thung lũng Phong Nậm (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng), những địa điểm này được nhiều người yêu thích bởi vẻ đẹp hữu tình và thơ mộng.
Bạn có thể ngắm bình minh và hoàng hôn với cảnh bình yên của những ngôi nhà, cánh đồng lúa và dòng sông phẳng lặng vô cùng ấn tượng, đặc biệt giữa mùa lúa chín.
Kinh nghiệm chọn đồ để có những bức hình đẹp trong mùa lúa chín
Video đang HOT
Đi săn mùa lúa chín vùng cao sẽ thật trọn vẹn khi có thể chợp lại những khoảnh khắc, ghi lại những hình ảnh lưu niệm ấn tượng tại nơi đây. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Mạnh Hùng mách bạn kinh nghiệm để có những bức hình đẹp trong mùa lúa chín:
Lựa chọn trang phục phù hợp: Thời tiết mùa thu mát mẻ nên bạn có thể chọn những loại trang phục gọn nhẹ, dễ mặc khi di chuyển. Để chụp được ảnh tại nơi đây, bạn sẽ cần di chuyển trên những bờ ruộng đất nên giày dép trơn trượt hoặc những bộ váy quá dài, lòe xòe không phải lựa chọn phù hợp.
Bạn cũng nhớ chọn những trang phục màu sắc đậm tươi, nổi bật lên trên nền là sắc lúa vàng, như màu trắng, đỏ.
Để có những bức hình đẹp giữa thảm lúa chín vàng, nên chọn trang phục có màu sắc tươi sáng
Về phụ kiện, những chiếc ô, mũ rộng vành vừa giúp bạn che nắng vừa là đạo cụ để chụp hình. Bạn cũng có thể dùng những chiếc khăn sắc màu sắc sỡ của bà con dân bản vùng cao để làm phụ kiện cho những tấm hình đẹp. Và bạn cũng đừng quên mang theo trong hành trang của mình một chiếc áo gió hay áo ấm mỏng để giữ ấm lúc sáng sớm và khi di chuyển buổi chiều tối.
Lên ý tưởng, concept: Để có những bức ảnh độc lạ, bạn cũng có thể lên sẵn ý tưởng, sắp xếp concept chụp cho phù hợp ý tưởng với mình. Đừng quên những “diễn viên bối cảnh quần chúng” là những bà con dân bản, những em bé vùng cao xinh đẹp luôn sẵn sàng cùng tham gia với bạn.
Lưu ý: Tại các điểm có nhiều người đến ngắm cảnh và chụp ảnh như ở Mù Cang Chải, chủ ruộng thu phí chụp ảnh, thường là 10.000 đồng/người, bạn nên chuẩn bị tiền lẻ để trả cho bà con.
Khám phá Mù Cang Chải mùa lúa chín
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp những thửa ruộng bậc thang vào độ đẹp nhất trong năm với chi phí hợp lý.
Phương Tali
Nhân viên văn phòng, Hà Nội
Tây Bắc đang bước vào mùa đẹp nhất trong năm. Trong đó, Mù Cang Chải, Yên Bái được mệnh danh là "trái tim Tây Bắc", cũng là nơi sở hữu thửa ruộng bậc thang đẹp mê hồn du khách trong và ngoài nước.
Đam mê xê dịch, tôi cùng nhóm bạn của mình quyết định có một chuyến đi khám phá Mù Cang Chải 3 ngày 2 đêm với chi phí chưa tới 2 triệu đồng/người.
Di chuyển và lưu trú
Rời Hà Nội vào một ngày mưa, nhóm lựa chọn di chuyển bằng xe khách đi Mù Cang Chải với giá 300.000 đồng/người/chiều. Đi trong tuần nên xe khách không quá đông.
Chặng đường dài khoảng hơn 300 km, không quá xa nhưng đường khó đi hơn Sa Pa, Mộc Châu vì những quãng đèo, dốc vắt từ lộ này sang lộ khác. Bạn nên chọn di chuyển vào ban đêm và đến nơi vào trưa ngày hôm sau, tiết kiệm thời gian.
Chúng tôi đặt phòng tại homestay Suối Kim 2 để tiện đi lại, giá 400.000 đồng/phòng/đêm. Khi đến nơi được nhận phòng sớm, nhưng vì chưa kịp dọn phòng nên cô chủ homestay đã đổi cho nhóm sang phòng to hơn.
Lịch trình khám phá Mù Cang Chải
Ngày 1: Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ đi các điểm gần thị trấn. Nhưng thời tiết mưa to nên cả ngày hôm đó nhóm không đi đâu được. Mùa này rất dễ mưa nên du khách nên xem dự báo trước khi đi để chuyến đi được trọn vẹn.
Ngày 2: Đồi Mâm Xôi - Vành Móng Ngựa - Sống lưng Khủng Long
May mắn khi ngày thứ 2 trời quang mây tạnh, bọn mình thức dậy ăn sáng và lên đường đi khám phá đồi Mâm Xôi trước. Đoạn đường từ Ngã ba Kim đến đồi Mâm Xôi khoảng 7 km. Đây là địa danh du lịch hấp dẫn của huyện Mù Cang Chải bởi hình dạng độc đáo của chính thửa ruộng bậc thang. Đây cũng là nơi được các phượt thủ đánh giá là thửa ruộng bậc thang đẹp nhất vùng Tây Bắc.
Chụp hình đến trưa, nhóm di chuyển đến thị trấn Mù Cang Chải để ăn trưa. Chúng mình dừng chân dùng bữa, hết hơn 400.000 đồng cho 4 người.
Sau đó chúng tôi đi chuyển đến Vành Móng Ngựa, trời tiếp tục mưa nên đường rất trơn dù đường đã đổ bê tông. Bạn nên cẩn thận do cung đường rất dốc, nếu tay lái yếu có thể thuê xe ôm chở đến tận nơi.
Vé vào Vành Móng Ngựa là 20.000 đồng/người. Sau khi tham quan, chụp ảnh đến khoảng 15h, chúng tôi di chuyển về. Trên đường đi, nhóm bắt gặp và dừng chân tại những ngôi nhà nhỏ bên đường, bạn có thể xin người dân bản địa để chụp hình.
Đến khoảng 16h30, chúng mình di chuyển vào Sống lưng Khủng Long (nằm trên đường về Ngã ba Kim). Đoạn đường này trơn trượt và khó đi hơn đoạn vào Vành Móng Ngựa, nên chúng tôi phải dắt bộ xe để đảm bảo an toàn. Khu vực này còn hoang sơ và chưa được đầu tư làm đường.
Lúc chúng tôi đến nơi khoảng 18h, vừa đúng tầm hoàng hôn đẹp nhất. Nhưng trời tối rất nhanh, khi đi xuống khá nguy hiểm vì không có đèn và đường trơn trượt. Bạn nên chọn ngày thời tiết đẹp và đi sớm hơn để tránh gặp khó khăn khi quay về.
Ngày 3: Ngã ba Kim - Đèo Khau Phạ - Tú Lệ - Bản Lìm Mông
Trên đường di chuyển đến Tú Lệ - một thung lũng nằm ở giữa ba ngọn núi cao trập trùng: Khau Song, Khau Thán và Khau Phạ - các bạn có thể check-in ở Đèo Khau Phạ.
Chụp ảnh xong cả nhóm di chuyển đến Tú Lệ. Tại đây bạn sẽ được ngắm thung lũng lúa đẹp nhất Mù Cang Chải. Lúa ở đây chín trước các điểm trong thị trấn nên thời điểm này đi sẽ được chiêm ngưỡng lúa vàng óng khắp nơi.
Ngoài ra, chúng tôi cũng được xem tận mắt quy trình làm cốm của người dân địa phương ở bản Lìm Mông.
Cốm được bán với giá khoảng 100.000-120.000 đồng/kg tùy thời điểm. Bạn có thể mua cốm về làm quà.
Sau đó, chúng tôi đi sâu vào trong bản tham quan, chụp ảnh với các em nhỏ và dân bản rồi quay trở lại homestay, kết thúc chuyến đi 3 ngày 2 đêm tuy có gặp thời tiết xấu nhưng vẫn rất ý nghĩa.
Tổng kết chi phí cho chuyến đi: khoảng 1,8 triệu đồng/người
Tiền lưu trú: 800.000 đồng/2 đêm.
Tiền ăn: nhóm mình đi 4 người, ăn 4 bữa ở homestay tổng hết 150.000 đồng/người/bữa, bữa trưa ăn ngoài 100.000 đồng/người.
Tiền di chuyển: 600.000 đồng/người.
Tiền thuê xe máy: 150.000 đồng/ngày, đi nửa ngày tính một nửa.
Vé tham quan: 20.000 đồng/người.
Theo chân các bạn trẻ từ TP.HCM đến khám phá Hoàng Su Phì Đang loay hoay với những dự định đi đâu, làm gì vì lâu ngày chưa ra khỏi thành phố thì tình cờ phát hiện một số bạn trẻ ở TP.HCM đang lập nhóm đi phượt Hoàng Su Phì để ngắm ruộng bậc thang và săn mây. Xin vào nhóm lập tức phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán được bầu làm phó đoàn...