Bí quyết của người Mông xem tướng loài gà rừng chọi cực đỉnh
Chỉ cần nhìn vào tướng con gà rừng đã được thuần hóa, những người nông dân người Mông ở vùng cao quanh năm làm việc đồng áng vẫn có thể kể vanh vách các đặc điểm để nhận biết giống gà đá hay, chọi tốt.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, anh Vừ A Vì ở bản Pha Khuâng, xã Co Mạ ( huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), cho biết: Gà rừng vốn có bản tính nhát. Khi nhặt được trứng gà rừng ở tổ hoặc bắt được gà rừng, phải làm sao thuần hóa được chúng gần gũi với con người nhất. Theo kinh nghiệm từ trước các cụ truyền lại, nếu muốn gà rừng đá tốt, chọi hay phải cho gà trống rừng lai với gà mái giống ra gà con thế hệ F1. Đời F1 vẫn nhút nhát nên phải tiếp tục thuần dưỡng đời F1 đến đời F2, F3, đến khi nào gà rừng càng dạn người thì mới dạy chúng tham gia đá, chọi được.
Theo anh Vì: Muốn thân với gà rừng phải bắt đầu cho chúng ăn ngay từ lúc còn bé để gà quen dần với việc làm bạn với con người. Cách tốt nhất là cầm mồi trên tay chìa cho gà ăn. Khi gà con được từ 6 – 7 tuần trở đi, đối với những con gà trống có tướng (thân hình cao, cân đối; ngực nở; mặt lì lợm; đôi mắt tinh; sờ vào xương chậu tương xứng; ngon chân dài, 2 hàng vảy đều…) không nên nhốt trong chuồng mà phải dùng dây thừng loại nhỏ đeo vào một bên chân con gà, sau đó buộc vào một thanh gỗ to bằng đầu ngon chân, dài khoảng 60 – 70 cm đưa gà đi khắp bản để gà càng ngày càng dạn người hơn.
Cũng theo anh Vì, để gà chọi đá hay, ngoài xem tướng gà tốt cần phải cho gà tập đá thường xuyên, tốt nhất ngày nào cũng cho đá khoảng 5 – 6 phút. Bên cạnh đó, cách ly khỏi gà mái và thường xuyên bổ sung thịt trộn với thức ăn cho gà.
Nhờ được thuần hóa tốt, những con gà rừng thế hệ F2, F3 ngày càng thân thiết với chủ hơn.
Video đang HOT
Dưới đây là một số hình ảnh thế hệ gà rừng F2, F3 chọi hay, đá tốt ở xã Co Mạ mà phóng viên Dân Việt ghi được.
Theo Danviet
Khắc phục khó khăn ở trường học vùng cao Sơn La
Với đặc thù đóng ở địa bàn vùng cao, vùng sâu rất khó khăn, các trường học ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất. Những năm gần đây, nhiều chương trình thiết thực đã được địa phương triển khai nhằm tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy.
Giờ học của các em học sinh trường Tiểu học và THCS Long Hẹ, huyện vùng cao Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
Phát huy hiệu quả trường học bán trú
Chúng tôi có mặt tại Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Long Hẹ, huyện Thuận Châu vào giờ ăn trưa của học sinh. Hàng ngày, hơn 600 suất cơm được các thầy cô giáo và nhân viên nhà bếp chuẩn bị với đầy đủ thức ăn. Đúng 11 giờ, sau khi tan học, các em tập trung tại khu nhà bếp để ăn trưa.
Kể từ khi thực hiện chương trình bếp ăn bán trú, hàng tháng, học sinh ở địa bàn đặc biệt khó khăn đã được hỗ trợ tiền ăn và gạo theo quy định của Chính phủ. Từ khoản hỗ trợ này, nhà trường đã tổ chức nấu cơm 3 bữa/ngày, giúp học sinh có những suất ăn đảm bảo chất lượng.
Việc tổ chức bếp ăn bán trú đã giúp học sinh và phụ huynh yên tâm hơn. Anh Lò Văn Biên, phụ huynh học sinh ở bản Nà Nôm, xã Long Hẹ chia sẻ, gia đình anh có hai con đang theo học tại trường, khoảng cách từ nhà đến trường hơn 15km. Do nhà xa, không thể đi về trong ngày, các con của anh được hỗ trợ ở tại trường, đến cuối tuần mới về nhà. Nghe các con kể về việc được ăn uống đầy đủ cũng như trực tiếp đến trường để nhìn tận mắt nên bố mẹ rất yên tâm.
Giờ ăn trưa của học sinh bán trú trường Tiểu học và THCS Long Hẹ, huyện vùng cao Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Long Hẹ hiện có hơn 900 học sinh, trong đó trên 600 em thuộc diện được ăn, ở bán trú. So với trước đây, khi chưa tổ chức bán trú cho học sinh, công việc và trách nhiệm của mỗi giáo viên tăng lên nhiều hơn. Mặc dù vậy, các giáo viên của trường luôn cố gắng để đảm bảo bữa ăn, giấc ngủ của các em được an toàn, trọn vẹn. Ông Nguyễn Hồng Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Long Hẹ đánh giá, từ khi tổ chức ăn, ở bán trú cho học sinh, giáo viên của trường vất vả hơn vì ngoài giờ lên lớp còn phải phụ trách, quản lý học sinh. Tuy nhiên, việc tổ chức bán trú cũng tạo ra sự gắn bó mật thiết giữa học sinh và giáo viên. Khi học sinh ở bán trú, các giáo viên có thêm thời gian để giúp đỡ các em trau dồi, bổ sung kiến thức. Bên cạnh đó, nhờ việc tổ chức ăn, ở tập trung, việc huy động học sinh đến trường và duy trì sĩ số lớp được đảm bảo hơn trước đây.
Chú trọng đầu tư cho vùng cao
Những năm qua, chính quyền và ngành Giáo dục huyện Thuận Châu đã chú trọng chăm lo nơi ăn, nơi ở cho học sinh. Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Long Hẹ hiện có 24 phòng học thì mới có 20 phòng được xây dựng kiên cố.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Long Hẹ cho biết, do thiếu phòng, lớp học, Nhà trường phải bố trí thêm các lớp học tạm, bán kiên cố, mượn thêm phòng học của bậc mầm non. Vừa qua, Nhà trường được đầu tư xây mới 4 phòng học kiên cố, tu sửa lại hệ thống bếp ăn và nhà ở bán trú. Những công trình này sau khi hoàn thành sẽ cơ bản đáp ứng được việc học tập và ăn ở cho học sinh.
Tình trạng thiếu phòng học kiên cố là vấn đề khó khăn chung của các trường học ở vùng cao huyện Thuận Châu. Trường Tiểu học Co Mạ 1, xã Co Mạ, hiện có 670 học sinh ở hai điểm trường. Với số học sinh như vậy, nhà trường phải bố trí thêm 7 phòng học tạm bằng gỗ để đảm bảo việc học tập. Hệ thống bếp ăn, nhà ở bán trú của học sinh cũng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Cô Ngô Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Co Mạ 1 cho biết, hiện nay, các phòng, lớp học cơ bản đáp ứng việc dạy và học của giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, một số phòng học tạm đã bắt đầu xuống cấp, cùng với đó trường vẫn thiếu các phòng chức năng như phòng thư viện, phòng truyền thống. Hệ thống nhà ở bán trú hiện nay chưa đủ, nhiều em vẫn phải thuê nhà trọ của người dân để ở. Để giải quyết vấn đề này, trong năm học 2018 - 2019, Nhà trường đã được đầu tư xây dựng thêm hai phòng học kiên cố. Bếp ăn bán trú và phòng ở bán trú cho học sinh đang được tu sửa.
Một dãy phòng học mới được đầu tư kiên cố tại trường Tiểu học và THCS Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
Theo thống kê của ngành Giáo dục huyện Thuận Châu, toàn huyện có trên 1.600 phòng học, trong đó có 120 phòng học tạm. Hệ thống phòng học ở nhiều nơi đã xuống cấp, các phòng chức năng, phòng phụ trợ còn thiếu. Trong giai đoạn 2017 - 2020, chính quyền địa phương và ngành Giáo dục huyện đã đầu tư gần 60 tỷ đồng để xây dựng các phòng học kiên cố. Trong đó, các trường học tại các xã vùng cao đã được đầu tư trên 40 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Châu cho biết, để đáp ứng nhu cầu cơ bản về hệ thống phòng, lớp học và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, thời gian qua, ngành Giáo dục huyện dành nguồn lực đáng kể để duy tu các phòng học, phòng chức năng đảm bảo yêu cầu tối thiểu để giảng dạy và học tập.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục hướng dẫn các trường học, các xã huy động nguồn lực xã hội từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, sự đóng góp ngày công của cha mẹ học sinh để sửa chữa, làm mới các phòng học. Phòng phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Thuận Châu xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện các dự án thuộc chương trình kiên cố hóa trường lớp học; trong đó, chú trọng ưu tiên các địa bàn ở vùng cao, vùng sâu, hướng đến mục tiêu các trường học ở vùng cao sẽ đạt chuẩn quốc gia.
Bài và ảnh: Hữu Quyết
Theo TTXVN
Sơn La: Chiềng Pha-từ xã nghèo đến giàu, đẹp không còn xa Từ một xã nghèo khó khăn về mọi mặt, sau 10 năm hưởng ứng chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Chiềng Pha (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) đã không ngừng đổi thay... Chiềng Pha là xã vùng III của huyện Thuận Châu, cách trung tâm huyện 10 km, có tổng diện tích tự nhiên trên...