Bị phi đội drone hạ gục, tên lửa Patriot không tốt như quảng cáo
Saudi Arabia chi hàng chục tỷ USD để mua hệ thống vũ khí tiên tiến, nhưng chúng không được thiết kế để chống lại cuộc tấn công bằng drone bay thấp, rẻ tiền.
Ngày 14/9, hai nhà máy lọc dầu ở Abqaiq và Khurais của Saudi Arabia bị tấn công bằng máy bay không người lái (drone) và tên lửa hành trình.
Phiến quân Houthi ở Yemen nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng Mỹ và Saudi Arabia cáo buộc Iran đứng sau cuộc tấn công.
Vụ tấn công khiến nguồn cung cấp dầu mỏ của thế giới sụt giảm 5%. Phản ứng trước vụ việc, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “đạn đã lên nòng” và sẵn sàng tấn công đáp trả vào Iran. Tehran phủ nhận mọi sự liên quan và cảnh báo hậu quả leo thang chiến tranh ở Trung Đông.
Trong khi cuộc tranh cãi ai là thủ phạm thực sự vụ tấn công vẫn chưa thể xác định, thì câu hỏi khác còn lớn hơn là vì sao hệ thống vũ khí trị giá hàng trăm tỷ USD của Saudi Arabia lại bất lực trong việc phát hiện và ngăn chặn cuộc tấn công, kênh truyền hình TRT World của Thổ Nhĩ Kỳ đặt nghi vấn.
Vũ khí tỷ USD vô dụng với drone
Riyadh chi hàng chục tỷ USD mỗi năm để mua vũ khí công nghệ cao từ Mỹ, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams, máy bay chiến đấu F-15, hệ thống phòng không Patriot và hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.
Tuy nhiên, những hệ thống đắt đỏ này không hiệu quả trong đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái nhỏ.
Hệ thống phòng không Patriot không phải lựa chọn phù hợp với các mối đe dọa như drone. Ảnh: SPA.
Mauro Gilli, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu an ninh ở Zurich, Thụy Sĩ cho biết các hệ thống vũ khí tiên tiến mà Riyadh mua từ Washington chủ yếu được thiết kế để đối phó với cuộc chiến tranh quy mô lớn, chống lại các mục tiêu như xe tăng và máy bay đối phương.
Hệ thống phòng không Patriot được Saudi Arabia nhập khẩu để bảo vệ biên giới và các cơ sở hạ tầng quan trọng, nhưng tỏ ra không hiệu quả trong việc đối phó với các mục tiêu nhỏ, bay thấp men theo địa hình.
Về mặt lý thuyết, Patriot được thiết kế để đối phó với mọi mối đe dọa từ trên không, bao gồm đánh chặn tên lửa hành trình và drone. Tuy nhiên, trong thực tế, tên lửa hành trình và drone thường bay ở độ cao rất thấp. Chúng là những mục tiêu quá nhỏ và rất khó phát hiện đối với radar, ông Gilli cho biết.
Trong vài tháng qua, phiến quân Houthi ở Yemen đã thành công trong việc sử dụng drone và tên lửa hành trình qua mặt hệ thống phòng không Saudi Arabia để tấn công vào sân bay, trạm bơm dầu nhiều lần.
Những vụ tấn công này phơi bày lỗ hổng trong hệ thống phòng không của Riyadh và đặt ra câu hỏi về chiến lược quốc phòng của Saudi Arabia.
Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, biện minh rằng ngay cả những hệ thống phòng không tiên tiến nhất cũng có điểm yếu. Patriot là hệ thống phòng không cứ điểm, không thể bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Saudi Arabia.
Video đang HOT
Người ta cũng không thể xác định có hệ thống Patriot nào được triển khai gần hai cơ sở dầu mỏ bị tấn công hay không.
Patriot nhiều lần thất bại trong đánh chặn
Saudi Arabia nhập khẩu 6 tiểu đoàn tên lửa phòng không Patriot từ Mỹ. Patriot được Mỹ quảng cáo là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới. Tuy nhiên, trước thời điểm xảy ra vụ tấn công vào cơ sở lọc dầu, Patriot đã nhiều lần thất bại trong các nhiệm vụ đánh chặn.
Nhà phân tích quốc phòng Davi Axe, biên tập viên của tạp chí National Interest, cho biết ít nhất 5 lần Patriot đã thất bại trong việc đánh chặn mục tiêu. Ngày 25/3/2018, phiến quân Houthi đã bắn 7 tên lửa vào Saudi Arabia. Quân đội nước này đã phóng tên lửa Patriot PAC-2 để đánh chặn.
Dù có một số thất bại, Patriot vẫn là hệ thống phòng không duy nhất đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo trong thực chiến. Ảnh: AP.
Riyadh tuyên bố đánh chặn thành công các mục tiêu, nhưng thực tế có đến 5 tên lửa Patriot trượt mục tiêu. Các video được người dân quay lại trong vụ tấn công đã cho thấy sự thất bại của Patriot. Nó gợi lại những lần thất bại của Patriot trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất và cuộc xâm lược Iraq năm 2003.
Theodore Postol, nhà vật lý tại Viện công nghệ Massachusetts, một nhà phê bình hệ thống phòng không của Mỹ, nói: “Không có gì ngoài thảm họa chưa từng có đối với hệ thống vũ khí này”.
Riyadh dường như nhận ra rằng họ cần có hệ thống phòng không tốt hơn. Họ đã bày tỏ quan tâm đến hệ thống phòng không tầm xa S-400 của Nga. Hệ thống này tuy chưa từng tham chiến thực tế, nhưng có tầm bắn gấp đôi Patriot và thời gian sẵn sàng chiến đấu chỉ 5 phút, so với gần một tiếng của Patriot.
Nga thường kết hợp S-400 với hệ thống phòng không tích hợp Pantsir-S1 để đối phó với các mục tiêu tầm thấp. Pantsir-S1 đã được sử dụng để chống lại cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Syria.
“Lý tưởng nhất là Riyadh cần có hệ thống phòng thủ nhiều lớp, bao gồm các hệ thống phòng không tầm thấp như Skyshield của Đức, hay Pantsir-S1 của Nga, cho phép nhanh chóng đối phó với các mục tiêu nhỏ, bay thấp như tên lửa hành trình và drone”, Justin Bronk, chuyên gia về phòng không tại Viện dịch vụ Hoàng gia Anh nói.
Cạm bẫy chiến tranh phi đối xứng
“Những hệ thống phòng không tiên tiến nào có thể đẩy lùi mọi cuộc tấn công, câu trả lời có lẻ là không”, Omar Lamrani, chuyên gia về vũ khí tại Stratfor, tổ chức nghiên cứu tình báo địa chính trị có trụ sở tại Austin, Texas, Mỹ nói.
Saudi Arabia đã bắn hạ nhiều máy bay không người lái và tên lửa, nhưng chỉ có một số ít khu vực có thể đánh chặn bằng hệ thống phòng không. Vương quốc này là quốc gia rộng lớn với nhiều khu vực không phận không được bảo vệ.
Ngoài ra, một yếu tố khác đó là vấn đề chi phí, ngay cả quốc gia dầu mỏ giàu có như Saudi Arabia cũng không đủ khả năng để chống lại số lượng lớn máy bay không người lái giá rẻ. Mỗi quả tên lửa Patriot có giá khoảng 1 triệu USD.
Để đảm bảo đánh chặn thành công, cần bắn ít nhất 2 tên lửa cho một mục tiêu. Nếu có cuộc tấn công từ 20 tên lửa hành trình hoặc máy bay không người lái, Saudi Arabia sẽ nhanh chóng cạn kiệt kho tên lửa của mình.
Những mảnh vỡ từ drone và tên lửa hành trình từ vụ tấn công hôm 14/9 được Saudi Arabia trưng bày. Ảnh: AFP.
Trong quá khứ, phiến quân Houthi từng sử dụng chiến thuật bầy đàn bằng cách sử dụng nhóm máy bay không người lái để áp đảo hệ thống phòng không Patriot. Đây là minh chứng điển hình cho chiến thuật chiến tranh phi đối xứng.
Nhà phân tích Lamrani cho rằng sự thất bại của Saudi Arabia nằm ở chỗ không thể định vị và phá hủy các cơ sở, nơi xuất phát các cuộc tấn công của phiến quân Houthi. “Bạn có thể không có cái khiên, nhưng cần có thanh kiếm”, ông Lamrani nói.
Chiến tranh phi đối xứng thông qua các cuộc xung đột hiện đại đã gây khó ngay cả những quân đội được trang bị tốt nhất. Đơn cử như hệ thống phòng thủ Iron Dome tối tân của Israel cũng không thể đánh chặn tất cả rocket mà phiến quân Hezbollah bắn vào nước này.
Quân đội Mỹ phải chịu không biết bao nhiêu tổn thất từ các thiết bị nổ tự chế (IED) mà Taliban và các nhóm vũ trang khác gài trên đường hành quân của họ ở Iraq, Afghanistan.
“Phiến quân Houthi đang chiến đấu với chiến tranh phi đối xứng, bạn có thể thấy một nhóm phiến quân không có xe tăng và máy bay chiến đấu, nhưng họ đã tận dụng các chiến thuật và thiết bị rẻ tiền để tạo ra mối đe dọa đáng kể”, ông Lamrani nói.
Vụ tấn công hôm 14/9 cho thấy rằng Saudi Arabia đã không được chuẩn bị cho chiến thuật tấn công như vậy. Lực lượng phòng không Riyadh tập trung chủ yếu ở phía nam, theo hướng tấn công của phiến quân Houthi. Cuộc tấn công hôm 14/9 được xác định xuất phát từ phía bắc.
Seth Jones, chuyên gia về chống khủng bố tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết không có quốc gia nào có thể ngăn chặn hoàn toàn một cuộc tấn công độc đáo như vậy.
Ông Jones cho rằng Saudi Arabia đã chuẩn bị tốt để chống lại các mối đe dọa truyền thống, nhưng đã không chuẩn bị đầy đủ cho các mối đe dọa phi đối xứng. Patriot và các hệ thống vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD rõ ràng không phải là lựa chọn phù hợp để đối phó với chiến tranh phi đối xứng.
Các chuyên gia cho rằng Saudi Arabia cần xem lại chiến lược xây dựng mạng lưới phòng không của họ.
Riyadh cũng cần xây dựng chiến lược răn đe để Iran tin rằng họ sẽ phải trả giá đắt cho việc tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Saudi Arabia.
Theo Danviet
Ngoại trưởng Iran : Mỹ sẽ phải chiến đấu 'đến người lính cuối cùng'
Ngoại trưởng Iran đã nhắc đến "chiến tranh tổng lực" trong trường hợp bị Mỹ hoặc Saudi Arabia tấn công, và cảnh báo các nước này sẽ phải chiến đấu "đến người lính cuối cùng".
Trả lời phỏng vấn CNN, ông Javad Zarif nói Iran hy vọng tránh xung đột, và sẵn sàng đối thoại với các nước đối đầu trong khu vực như Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Tuy nhiên, ông khẳng định khả năng trở lại đàm phán với Mỹ sẽ không xảy ra, trừ khi Washington gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận, như đã hứa trong hiệp định hạt nhân năm 2015.
Ông một lần nữa bác bỏ cáo buộc Iran dính đến cuộc tấn công cuối tuần trước vào Saudi Arabia, và nói lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn đã tăng cường khả năng quân sự và hoàn toàn có thể tiến hành một cuộc tấn công phức tạp.
Nhưng khi CNN hỏi kỹ hơn, ông Zarif không cung cấp bằng chứng cho thấy Houthi tiến hành tấn công như lực lượng này đã cố nhận trách nhiệm.
"Tôi không có bằng chứng vì chúng tôi chỉ nghe tuyên bố của họ", ông Zarif nói. "Tôi biết rằng không phải chúng tôi (tấn công). Tôi biết rằng Houthi ra tuyên bố nói họ tấn công".
Ông Zarif không đưa ra bằng chứng cho thấy Houthi tiến hành tấn công như lực lượng này đã cố nhận trách nhiệm. Ảnh: CNN.
Trong họp báo ngày 18/9, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia nói vũ khí tấn công các cơ sở dầu mỏ trọng yếu của vương quốc này có nguồn gốc chế tạo từ Iran, và bay đến từ phía bắc, tức từ phía Iran, chứ không phải từ Yemen ở hướng tây nam.
Khi được hỏi hậu quả nếu Mỹ và Saudi Arabia trả đũa là gì, ông Zarif nói: "Chiến tranh tổng lực".
"Tôi đã tuyên bố một cách rất nghiêm túc về việc bảo vệ đất nước chúng tôi. Tôi đã tuyên bố rất nghiêm túc rằng chúng tôi không muốn xung đột quân sự", ông Zarif nói với CNN, và cho biết xung đột sẽ gây "rất nhiều thương vong".
"Nhưng chúng tôi sẽ không chớp mắt khi phải bảo vệ lãnh thổ".
Ông cũng cho biết sẽ không đàm phán lại với Mỹ. "Vì sao đàm phán hiệp định mới khi một năm rưỡi nữa lại vô hiệu", ông nói.
"Nếu họ gỡ bỏ cấm vận đã áp đặt một cách trái luật, sẽ là chuyện khác", ông Zarif nói.
Người Iran đã bị tác động lớn bởi lệnh trừng phạt của Mỹ, khiến đồng tiền nước này giảm mạnh, giá cả tăng lên. Ảnh: Getty Images.
Theo kế hoạch, ông Zarif sẽ tháp tùng Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong chuyến đi tới Mỹ họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York tháng này. Tuy vậy, tổng thống Iran đã nói có thể hủy chuyến đi nếu Mỹ không giải quyết ngay visa cho đoàn của ông.
"Mỹ chưa cấp visa cho đoàn tiền trạm của tổng thống chúng tôi. Như vậy gây khó khăn cho chuyến đi", ông Zarif nói. "Tôi chưa nói là đã quá muộn hay chưa, nhưng cũng gần quá muộn rồi".
Ông Zarif từng học ở Mỹ vài năm và từng làm việc ở Mỹ khi là đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc. Ông nói không nhớ nhiều về Mỹ, đất nước đã đưa ông vào danh sách trừng phạt.
Nhưng ông nhớ đến thời mà Mỹ "ra chính sách một cách phải chăng".
"Tôi nhớ sự phải chăng. Tôi nhớ sự thận trọng. Tôi nghĩ Mỹ xứng đáng với cách làm việc thận trọng", ông nói.
Khi được hỏi hậu quả nếu Mỹ và Saudi Arabia trả đũa là gì, ông Zarif nói: "Chiến tranh tổng lực". Ảnh: Getty Images.
Theo Zing.vn
Bị chê tên lửa Mỹ vô dụng trong vụ cơ sở lọc dầu Ả-rập Xê-út bị tấn công, Ngoại trưởng Pompeo lý giải nguyên nhân Ngoại trưởng Pompeo không ngạc nhiên khi hệ thống phòng không của Riyadh, trong đó có tên lửa Patriot của Mỹ không thể đẩy lùi các vụ tấn công cuối tuần trước. "Ngay cả một số hệ thống tốt nhất trên thế giới không phải lúc nào cũng đạt được mục tiêu", ông Pompeo nói. Ả-rập Xê-út trong những năm gần đây chi...