Bị người yêu “đá bay” vì ra trường 4 năm lương vẫn chỉ… 25 triệu đồng/tháng
Tôi đã bị cô ấy từ chối vì “không hợp”. Khi tôi hỏi lí do thực sự, cô ấy nói rằng tôi đã ra trường 4 năm mà lương mới chỉ có 25 triệu đồng/tháng nên… không hợp với cô ấy.
Bị người yêu đá bay vì ra trường 4 năm lương vẫn chỉ 25 triệu đồng/tháng. Ảnh minh họa.
Tôi ở Thái Bình, học ngành xây dựng công nghiệp tại trường Đại học xây dựng Hà Nội. Ra trường đã 4 năm và tôi có việc làm ổn định. Trước đây, khi còn là sinh viên, tôi có yêu cô bạn học cùng trường. Ra trường, cô ấy về Huế để làm còn tôi ở lại Hà Nội. Chúng tôi cố duy trì tình cảm thêm được 1 năm, nhưng rồi lại chia tay nhau vì khoảng cách. Cô ấy là con một và chỉ muốn sống gần bố mẹ. Còn tôi, tôi cũng không đủ dũng cảm để về tận Huế làm việc.
Từ khi chia tay cô bạn gái cùng trường, 3 năm nay tôi chưa yêu một ai. Tôi thường đi làm và một tuần 3 buổi đi chơi tennis, đi gặp gỡ bạn bè. Nhiều người làm mối cho tôi yêu người này, người kia nhưng tôi cảm thấy chưa rung động và không thể tiến xa hơn. Có lẽ, tôi đang tìm kiếm cho mình một người phụ nữ thực sự để làm vợ.
Thế rồi tôi gặp H. trong một buổi đi ăn gặp mặt đồng hương cùng huyện tại Hà Nội. Cuộc gặp mặt có khoảng 200 người, mỗi người đóng góp 500.000 đồng, đến để giao lưu và kết nối với nhau. Trong huyện, chúng tôi có rất nhiều anh, chị, em thành đạt và cách tổ chức gặp gỡ cũng rất chuyên nghiệp nên tôi rất vui. Niềm vui càng nhân lên khi tôi gặp lại những người bạn cùng học cấp 3, cùng học cấp 2 đã lâu do bận làm ăn không có cơ hội gặp gỡ.
Và trong nhóm những người bạn đồng hương ấy, nhiều người bắt đầu giới thiệu H. cho tôi. Nhà H. ở trên thị trấn cách nhà tôi tầm 13 km. Tôi thấy H. là người khá xinh xắn, H. cũng ra trường được 1 năm và kém tôi 4 tuổi. Cô ấy cao khoảng 1,6 mét, có gương mặt ưa nhìn và cũng rất biết cách ăn diện nên càng tôn thêm dáng vẻ bề ngoài cho bản thân. Chúng tôi bắt đầu chuyện trò và nhắn tin tâm sự sau buổi gặp mặt và xác định sẽ tiến xa hơn.
Tôi được biết, H. cũng chia tay bạn trai thời sinh viên cách đây gần 1 năm. Bạn trai của H. đi du học, còn cô ấy đi làm cho một công ty nước ngoài nên thấy mối tình sinh viên ấy sẽ chẳng thể đi đến đâu và cô ấy chính là người chủ động buông bỏ.
Video đang HOT
Gia đình H. cũng không khá giả cho lắm, chỉ đủ điều kiện nuôi cô ấy ăn học – đó là theo lời cô ấy tâm sự. Khi ra trường, mỗi tháng đi làm H. còn tiết kiệm tiền gửi về cho bố mẹ. Qua chuyện của H., tôi nghĩ rằng chúng tôi đến với nhau sẽ hợp vì cùng quê, cùng quan điểm sống hướng về gia đình. Khi chúng tôi đồng ý hẹn hò, H. vẫn khoe cô ấy lương được hơn 20 triệu đồng. Cô ấy cũng rất tiết kiệm khi ở nhà thuê cùng 3 người nữa để chia tiền nhà cho rẻ. Tôi nghĩ phụ nữ tiết kiệm là tốt nhưng rồi khi yêu lâu chúng tôi lại thấy quá… xa cách về quan điểm sống.
Cụ thể, yêu nhau được 1 tháng, H. hỏi tôi lương anh được bao nhiêu?Tôi không giấu diếm cô ấy nói luôn: “Lương anh được khoảng 25, 26 triệu đồng tùy tháng. Tôi nghĩ cô ấy sẽ vui vì thu nhập đó, vì so với bạn bè hiện tại của tôi mức đó cũng khá cao, đủ trang trải cuộc sống cho 1 gia đình trẻ ở Hà Nội và có thể tiết kiệm mua nhà.
Tuy nhiên, H. nói rằng, “thế anh không hợp với em đâu”. Tôi nghĩ cô ấy nói đùa, nhưng khi tôi hỏi vì sao em nói thế. H. thẳng thắn: “Em ra trường 1 năm đã được lương gần bằng đó, anh ra trường 4 năm thì lương tối thiểu cũng phải 40 – 50 triệu đồng/tháng. Lương hơn 20 triệu đồng là quá ít và không có chí tiến thủ khi đang cố an phận”. Tôi rất sốc khi nghe cô ấy nói vậy, và càng sốc hơn khi cô ấy cho biết “muốn tìm người đàn ông có mức lương như thế để lấy làm chồng”.
Tôi đứng hình cả phút trước lời thẳng thật đến phũ phàng của em. Tôi nghĩ rằng, em chỉ trêu đùa hoặc ví von chứ không phải em chê tôi lương thấp, kém cỏi thật. Nhưng rồi hôm sau em có nhắc lại chuyện lương và cuộc nói chuyện của chúng tôi trở nên nặng nề khi nói về những dự định cho tương lai nếu 2 đứa muốn tiến xã hơn. Tôi về nhà, nhắn tin hỏi em về việc em muốn chồng tương lai có thu nhập cao hay muốn một người như tôi? Em nhắn lại rằng, tôi không hợp với em và nói tôi nên đi tìm người con gái khác.
Sau 3 năm chia tay tôi mới rung động với một người con gái. Tôi không ngờ lại bị cô ấy “đá” chỉ vì ra trường 4 năm mà lương vẫn có 25 triệu đồng/tháng. Dù yêu nhau cả năm nhưng bạn gái cũng chưa về nhà chơi lần nào, bởi lần nào mời về cô ấy đều lấy lí do… quá bận. Có lần cô ấy về quê, tôi cũng phi về và mời sang nhà chơi nhưng em nói có việc gấp đi Hà Nội nên tôi cũng chưa có dịp ra mắt cô ấy với gia đình.
Nhưng vài hôm trước bận cãi nhau và bị “đá”, tôi có trót khoe với mẹ con có người yêu thì bị mẹ giục, “vậy thì cưới đi, bố mẹ mong lắm rồi”. Nay tự dưng bị từ chối thẳng thừng với lí do lương “thấp”, tôi chưa biết phải ăn nói sao với mẹ và tự dưng cảm thấy bị hụt hẫng ghê gớm. Phải chăng tôi đang an phận với mức lương hiện tại và quá thụ động trong cuộc sống quá chăng?
Hoàng Hải (HN)
Theo infonet.vn
Bạn đọc viết: "Tôi cũng biết chữ nên không cần các anh chị phải đọc hộ"
Thay vì thuyết trình trên bục giảng, có sinh viên lại cầm nguyên cuốn tiểu luận (cũng đã được nộp cho giảng viên) đứng đọc trước lớp.
Giáo sư của chúng tôi lúc đó đã lập tức lên tiếng phê bình: "Tôi cũng biết chữ nên không cần các anh chị phải đọc hộ". Câu nói thẳng thắn của thầy làm tôi nhớ mãi đến sau này.
Ảnh minh họa
Qua bài viết "Khắc phục tình trạng giáo dục mọi bệnh nhân uống cùng một loại thuốc" của tác giả M.Hà và "Thuận tay trái là có lỗi ư?" của tác giả Thùy Mai, tôi hoàn toàn đồng cảm.
Là thế hệ cuối 8X, đầu 9X, chúng tôi đã được thụ hưởng nền giáo dục có nhiều khác biệt so với ngày nay. Tuy nhiên, trải qua quá trình học tập và làm việc, tôi nghiệm ra những mặt trái của nền giáo dục "cho mọi bệnh nhân uống cùng một loại thuốc" - theo như cách nói hình tượng của GS Đinh Quang Báo.
Đó là nền giáo dục cho ra những sản phẩm rất giống nhau, tức là học sinh, sinh viên nhìn chung là thụ động, kém về khả năng thuyết trình, sự sáng tạo và năng lực, tư duy phản biện trước đám đông.
Tôi còn nhớ một kỷ niệm cách đây khoảng chục năm khi còn đang học đại học. Đó là một buổi thuyết trình về đề tài tiểu luận đã được giao cho sinh viên chuẩn bị từ trước. Tuy nhiên, thay vì thuyết trình trên bục giảng, có sinh viên lại cầm nguyên cuốn tiểu luận (cũng đã được nộp cho giảng viên) đứng đọc trước lớp. Giáo sư của chúng tôi lúc đó đã lập tức lên tiếng phê bình: "Tôi cũng biết chữ nên không cần các anh chị phải đọc hộ".
Câu nói thẳng thắn của thầy làm tôi nhớ mãi đến sau này. Phải chăng là do từ khi còn học THPT, chúng tôi đã được dạy kiểu "văn mẫu" và gần như chưa bao giờ dám đứng lên tranh luận và thể hiện ý kiến của mình, nên khi vào đại học, khả năng thuyết trình, cũng như tư duy phân tích, phản biện của chúng tôi cũng rất kém.
Sau này đi làm, trải qua môi trường công việc nhà nước, tôi cũng thấy đâu đó những con người na ná giống nhau, với tư cách là sản phẩm của giáo dục "cho mọi bệnh nhân uống cùng một loại thuốc". Nếu để ý trong những buổi tổng kết, sơ kết thì sẽ thấy, đầu tiên là một vị lãnh đạo nào đó sẽ đứng lên đọc hàng chục trang báo cáo dài lê thê, trong khi tài liệu cũng đã phát đến tay đại biểu. Trên bục, lãnh đạo đọc báo cáo thì cứ đọc, đại biểu bên dưới ngồi nói chuyện thì cứ nói. Rất mất thời gian nhưng lại không giải quyết được việc gì. Những lúc như vậy, tôi hay nhớ đến câu nói của Giáo sư đại học: "Tôi cũng biết chữ nên không cần các anh chị phải đọc hộ".
Triết lý của ngành giáo dục như nào thì sẽ cho ra chất lượng nguồn nhân lực thế ấy. Tính đối thoại, tranh luận để tìm ra nguyên nhân và bản chất của vấn đề gần như không có trong những buổi họp như vậy.
Hệ quả của nền giáo dục "mọi bệnh nhân uống cùng một loại thuốc" còn ảnh hưởng đến tâm lý lựa chọn môn học của học sinh. Nhiều phụ huynh khi định hướng cho con học hành thì lại mang suy nghĩ, con trai thì phải học toán, còn con gái thì học văn! Phải chăng, từ bé chúng ta được học văn theo kiểu chỉ cần học thuộc, học theo văn mẫu, nên chỉ phù hợp cho con gái chân yếu tay mềm. Kể cũng lạ! Cho dù bạn có học gì đi chăng nữa mà ra trường đến một cái hồ sơ xin việc không viết nổi thì cũng vứt. Nếu bạn có trở thành lãnh đạo mà một công văn cũng không biết diễn đạt như thế nào thì lãnh đạo ai. Học văn không chỉ cần có ngôn từ phong phú, mà còn phải học cách tư duy, phát triển ý tưởng và sự logic.
Nói như vậy để thấy rằng, nền giáo dục "mọi bệnh nhân uống cùng một loại thuốc" thì cũng sẽ cho ra sản phẩm giáo dục bàng bạc, giống nhau, không thể phát huy được thế mạnh của học sinh, cùng với đó là chất lượng nguồn nhân lực kém cho xã hội.
Nguyễn Thảo
Theo Dân trí
Người Việt trẻ ham chơi... Tuổi thanh xuân là lứa tuổi đẹp nhất, nhiều năng lượng và khả năng sáng tạo cao nhất. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ đang bỏ phí tuổi trẻ bằng việc ngồi một chỗ và nhìn "thời hoàng kim" của cuộc đời trôi qua với thái độ an phận, lười cống hiến, thụ động và ỷ lại. Không khó bắt gặp cảnh nhiều...