Bị Mỹ “bỏ rơi” Ba Lan lập lá chắn tên lửa riêng
Ba Lan muốn hợp tác với Pháp và Đức trong việc thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa riêng, Cơ quan Báo chí Ba Lan dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này – ông Tormasz Siemoniak hôm qua (11/8) cho hay.
Ông Siemoniak cho biết: “Chúng tôi muốn nó (thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa riêng) được thực hiện cùng sự hợp tác với Pháp, Đức và một số đồng minh của chúng tôi. NATO luôn hoan nghênh các sáng kiến của các quốc gia nhằm thiết lập khả năng phòng thủ chung. Cái này gọi là phòng thủ thông minh”.
Ông này cũng ước tính chi phí cho việc phát triển và triển khai hệ thống lá chắn tên lửa riêng của Ba Lan sẽ lên tới 3,6 tỷ USD.
Video đang HOT
Trước đó, hồi đầu tháng 8 này, Tổng thống Ba Lan – ông Bronislaw Komorowski cũng tuyên bố Warsaw cần có lá chắn phòng thủ tên lửa riêng nằm trong hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO, bên cạnh hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu. Theo kế hoạch, hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu sẽ được triển khai trên lãnh thổ Ba Lan vào năm 2018.
Trả lời phỏng vấn báo Vprost, Tổng thống Komorowsky cho rằng Ba Lan đã “phạm sai lầm” khi đồng ý cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) mà không tính đến các nguy cơ liên quan đến thay đổi chính sách.
Dưới thời Tổng thống George W.Bush năm 2008, Mỹ ra kế hoạch bố trí 10 dàn tên lửa đánh chặn thuộc NMD ở Ba Lan và trạm radar ở CH Czech. Tuy nhiên, đến tháng 9/2010, chính quyền Tổng thống Barack Obama lại bỏ kế hoạch này trong khi Ba Lan đã bỏ ra khoản chi khá lớn để chuẩn bị hạ tầng cũng như vấp phải sự phản đối của Nga. Do đó, ông Komorowsky nói Ba Lan đã trả giá về chính trị quá đắt và sẽ không để sai lầm lặp lại.
Tuy nhiên, động thái trên của Mỹ lại được Nga hết sức hoan nghênh. Để đáp lại thiện chí của Mỹ, Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev cho biết cũng sẽ từ bỏ kế hoạch triển khai tên lửa chiến thuật Iskander-M ở Kaliningrad, bao quanh khu vực biên giới với các nước thành viên NATO như Ba Lan và Lithuania.
Tuy nhiên, năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lại tuyên bố Washington sẽ nối lại kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa thế hệ mới của Mỹ ở Ba Lan vào năm 2018. Đây là một động thái khiến Nga hết sức phản đối.
Theo VNMedia
Nga trang bị thêm hàng trăm tên lửa
Bộ Quốc phòng Nga đang lên kế hoạch mua đến 120 hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga - Tướng Dmitry Bulgakov thông báo.
"Chúng tôi đã mua 6 hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M năm 2010 và đang có kế hoạch mua thêm 120 tên lửa loại này", ông Bulgakov nói trong một cuộc họp báo ở Moscow hôm 1-8.
Nga lên kế hoạch trang bị thêm 120 tên lửa Iskander-M
Iskander-M (NATO gọi là SS-26 Stone) là hệ thống tên lửa chiến đấu di động trang bị 2 tên lửa hành trình một giai đoạn 9M723K1, có tầm bắn tới 400 km và có thể mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân.
Theo Trung tâm Phân tích Công nghệ và Chiến lược Moscow, hệ thống Iskander-M đã được đưa ra thử nghiệm chiến đấu trong cuộc chiến ngắn giữa Nga và Gruzia hồi tháng 8-2008. Qua đó, Iskander-M đã chứng minh được tính hiệu quả cao về khả năng công phá các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng.
Nga từng đe dọa sẽ triển khai các tên lửa Iskander-M ở khu vực Kaliningrad nằm sát biên giới với các nước thành viên NATO là Ba Lan và Lithuania nếu liên minh này đặt lá chắn tên lửa sát biên giới của Nga.
Theo Người Lao Động