Bí mật về trùm giang hồ khét tiếng Sài Gòn – Đại Cathay
Trước năm 1975, xã hội đen trên đất Sài Gòn được người dân đặt cho cái tên vừa miệt thị vừa khiếp sợ, đó là “ du đãng”. Có 4 trùm du đãng khét tiếng nhất ở Sài Gòn mà trong giới gọi là “tứ đại thiên vương”, đó là: Nhất Đại – nhì Tỳ – tam Cái – tứ Thế (tức Đại Cathay, Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Ba Thế). Đại Cathay được xếp đầu bảng.
Đại Cathay đã từng khuynh loát được giới chính trị, quân sự ở Sài Gòn, cụ thể là Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Ngọc Loan. Theo những người am hiểu thế giới xã hội đen Sài Gòn thì nếu Đại Cathay có học hành chút đỉnh, bớt “võ biền” và thêm một chút “trí tuệ”, có thể y đã trở thành một dạng mafia quốc tế.
Đại Cathay
Từ trẻ bụi đời thành trùm du đãng
Dân Sài Gòn vào thập niên 1960 và đầu đầu niên 1970 đã quá quen với hình ảnh của Đại Cathay được mô tả trên báo, được tiểu thuyết hóa và dựng thành phim. Đó là một thanh niên điển trai với mái tóc bồng bềnh, quần Jean, giày cao cổ, trên môi không rời điếu thuốc, tay luôn “múa” hộp quẹt Zippo.
Thế nhưng, ngay cả đám du đãng đàn em thân cận cũng không ai biết Đại Cathay xuất thân thế nào, tên tuổi thật là gì. Theo hồ sơ của cảnh sát Sài Gòn, Đại Cathay tên thật là Lê Văn Đại, sinh năm 1940, con của ông Lê Văn Cự và bà Sáu (không rõ họ).
Cha của Đại cũng từng là một tay giang hồ hảo hớn ở khu vực chợ Cầu Muối vào thời Nhật Bản chiếm đóng Sài Gòn. Sau năm 1945, Hai Cự tham gia kháng chiến, bỏ Sài Gòn đi vào chiến khu rừng Sác và đầu quân vào bộ đội Bình Xuyên của thủ lĩnh Dương Văn Dương.
Vì vậy mà ngay từ nhỏ Đại ít được gần cha, chủ yếu sống với mẹ ở đường Đỗ Thành Nhân, phường Khánh Hội (nay là đường Đoàn Văn Bơ, Quận 4). Quận 4 là vùng đô thị ven Sài Gòn mới ra đời, là nơi tập hợp của người dân tứ xứ bỏ quê vào thành thị. Vì vậy mà nơi đây rất phức tạp ngay từ khi nó mới ra đời, để rồi giới giang hồ Sài Gòn dựa dẫm vào quận 4 để hoạt động, biến nới đây thành “thánh địa” của xã hội đen Sài Gòn trước ngày giải phóng. Sống trong môi trường đó, Đại bỏ học từ nhỏ, thường chơi với đám trẻ con bụi đời chung quanh.
Như thừa hưởng “gien” của người cha từng là dân “anh chị”, Đại sớm thể hiện là đứa trẻ có tính tình phóng khoáng, nhưng lại rất lì đòn, nhanh chóng được đám trẻ đồng cảnh nể phục, tôn là “Đại ca”. Chưa tới 10 tuổi đầu, Đại đã có thể luồn lách vào các chợ, sạp hàng ở chợ Vân Đồn, chợ Tôn Thất Thuyết để ăn trộm dưa, chuối về chia cho những đứa trẻ đồng cảnh ngộ. Trong một trận đánh giữa bộ đội Bình Xuyên và quân Pháp ở chiến khu Rừng Sác, ông Lê Văn Cư cha của Đại bị bắt và đày ra Côn Đảo, ít lâu sau thì chết.
Mẹ của Đại lấy chồng khác, người cha dượng rất máu mê cờ bạc, nghiện thuốc phiện nặng, nên gia cảnh nhà của họ ngày càng suy sụp. Người cha dượng thường hành hạ vợ và đứa con ghẻ, một lần Đại không kềm chế được đã đánh lại ông ta rồi bỏ nhà đi bụi đời, sống lang thang ở khu vực vườn hoa Cầu Mống bằng nghề đánh giày, bán báo để tự nuôi thân.
Tại khu vực làm ăn của Đại (ngã tư Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) – Nguyễn Công Trứ) có 1 rạp chiếu bóng tên là Cathay. Không riêng gì Đại, mà nơi đây còn tập trung khá nhiều trẻ bụi đời có cùng hoàn cảnh như Đại.
Không gia đình, không được giáo dục, bọn trẻ bụi đời liên tục đánh lộn giành khách, đứa nào gan lỳ, có sức khỏe thì đứa đó chiến thắng và được nhiều khách hàng hơn, cuộc sống vì vậy mà cũng đỡ vất vả hơn.
Dù mới đến khu vực này, nhưng với bản tính lỳ lợm và liều lĩnh, Đại cứ lao vào đối thủ, buộc đối phương phải đánh “cận chiến”, nhờ vậy mà Đại phát huy được những cú đấm của mình, còn đối thủ dù cao lớn hơn nhưng trở nên bị động, lúng túng.
Kết quả là trăm lần như một, Đại luôn là kẻ chiến thắng trong các cuộc “tỉ thí”, dù sau mỗi cuộc “so găng” là tay chân mặt mũi cậu bé đầy vết rách bầm, sưng húp. Không phải mất nhiều thời gian, Đại nghiễm nhiên trở thành thủ lĩnh của đám nhóc tì du thủ du thực trong khu vực. Cũng nghiễm nhiên, tên du đãng nhóc này được ráp thêm vào tên mình cái đuôi rạp hát Cathay.
Cái tên Đại Cathay ra đời từ đó, vào năm 1954, lúc Đại mới 14 tuổi, cái tên trong suốt gần 20 năm làm cho giới du đãng Sài Gòn và cả những người dân lương thiện mỗi lần nghe tới phải sợ hết hồn.
Liều lĩnh và nghĩa hiệp
Video đang HOT
Từ ngày trở thành tay anh chị trong thế giới trẻ bụi đời với cái tên Đại Cathay, Đại vẫn đóng thùng đánh giày, nhưng là để giao cho đàn em đi làm mang tiền về nộp. Hàng chục trẻ bụi đời dưới trướng của Đại như Ba Binh, Ba Tướng, Ba Gà…, tụ tập quanh Đại Cathay, mỗi sáng nhận thùng đánh giày, nhận báo, sau đó túa đi làm nhiều nơi, chiều đem tiền về nộp cho “đại ca” Đại.
Mới chút tuổi đầu mà Đại đã biết cách thu phục “nhân tâm”, bằng cách rất hào phóng, không bao giờ giữ tiền làm của riêng cho mình, mà chia hết tiền cho đàn em, bản thân Đại cũng chỉ nhận một phần tương đương với mọi người.
Một góc Sài Gòn
Nhiều đứa trẻ bụi đời trong nhóm chẳng may bị ế báo hoặc bị mưa ướt hết báo, Đại Cathay chẳng những không bắt đền tiền, cũng không chửi bới, đánh đập như những tay anh chị khác, mà còn lấy tiền lời chung để bù đắp, chia phần cho những đứa trẻ không may.
Nhờ vậy mà đàn em càng nể phục và nghe lời Đại, tiếng “lành” nhanh chóng vang xa, trẻ bụi đời các nơi rủ nhau về tề tựu dưới trướng của Đại. Với tình hình đó, nạn đánh lộn, tranh giành khách trong khu vực của Đại Cathay cũng tự nhiên mà giảm hẳn. Khu vực “làm ăn” của nhóm trẻ bụi đời do Đại Cathay đứng đầu lúc đó nằm gần bót cảnh sát quận Nhì, còn có tên là bót Dân Sinh.
Sự nổi tiếng của nhóm trẻ bụi đời sát bên đã làm cho các cảnh sát trong bót quan tâm, nhiều lần Đại Cathay sau khi “chinh phạt” các nhóm trẻ khác đã bị các ông cò bót quận Nhì tóm cổ đem về bót. Không dễ trị như những đứa trẻ lang thang khác, Đại Cathay vẫn trơ trơ những lời hăm dọa, tát tai, đá đít, một mình nhận tội chứ nhất định không chịu khai tên tuổi những đàn em tham gia ẩu đả.
Một lần, các cảnh sát quận Nhì nghĩ ra đòn độc để trị Đại Cathay, qua đó dằn mặt cả bọn trẻ bụi đời. Họ bắt Đại quỳ xuống đất, hai cảnh sát hai bên xốc Đại đứng nhón chân lên, xong họ cạy miệng cậu bé, bắt thả vào miệng con gián sống, để cho nó chui tọt vào cổ họng, rồi chui thẳng xuống dạ dày.
Ngứa ngáy, kinh tởm, Đại Cathay ói ra mật xanh. Đám trẻ bụi đời đứng xung quanh sợ mất hồn, có đứa đái ra cả quần. Nhưng Đại Cathay, sau một hồi nôn thốc nôn tháo, trấn tĩnh trở lại, tiếp tục câm như hến, chỉ nhận một mình mình gây hấn, không có đứa trẻ nào khác tham gia. Trước đứa trẻ cứng đầu, bất trị, các “ông cò” chỉ còn cách tống Đại Cathay vào Trại giáo hóa thiếu nhi phạm pháp ở Thủ Đức.
Thời gian Đại đi “giáo hóa”, ở khu vực rạp hát Cathay các băng nhóm bụi đời khác nổi lên, hoành hành những đàn em của Đại. Sau khi ra trại, Đại quay trở về chốn cũ và “tái lập” lại trật tự cũ bằng những trận thư hùng mỗi ngày một khốc liệt hơn theo đà lớn lên của Đại.
Năm 1955, khu vực rạp hát Cathay được xây dựng chỉnh trang lại, không còn chỗ dung thân cho trẻ bụi đời, Đại Cathay chuyển sang “họat động” ở khu vực Hãng phân bón Khánh Hội ở quận 4, cạnh Nhà máy thuốc lá Bastos, cách không xa nhà của mẹ Đại, nhưng cậu bé kiên quyết không ghé nhà.
Đám trẻ bụi đời ở đây từng nghe tiếng Đại Cathay, nhưng không dễ nhượng lãnh địa làm ăn một cách dễ dàng, vậy là xảy ra những trận hỗn chiến. Một lần nữa, sự liều lĩnh và lì đòn của Đại lại giành phần thắng, toàn bộ trẻ bụi đời ở khu vực Khánh Hội, quanh cầu Ông Lãnh, là khu vực nổi tiếng về giang hồ, dao búa, đã kéo nhau về qui phục về dưới trướng của một “đại ca” từ nơi khác mới đến.
Lúc ấy, khu vực Cầu Mống – Dân Sinh – Cầu Ông Lãnh được dân giang hồ gọi là khu Da Heo, do một tay giang hồ “người lớn” nổi tiếng tên là Tám Lâu cai quản.
Sáng sáng, Tám Lâu ở trần, mặc quần dài, ngồi trên chiếc xích lô đạp rảo khắp khu vực đi kiểm tra lãnh địa, mặt luôn đằng đằng sát khí, bà con buôn bán ở khu Da Heo sợ hắn như một hung thần.
Tất cả người buôn bán đều phải “đóng xâu” cho Tám Lâu để được yên ổn làm ăn. Nhiều lần chứng kiến thằng nhóc đánh giày từ đâu mới đến trổ tài đánh đấm, thu phục đám trẻ bụi đời, Tám Lâu thấy có cảm tình Đại.
Thỉnh thoảng Tám Lâu kêu Đại đi nhậu với mình và kết nghĩa anh em. Tuy hung tợn, dữ dằn nhưng Tám Lâu vẫn phải thúc thủ trước một tay giang hồ uy thế hơn, tên là Bé Bún, người lúc đó được xem là trùm du đảng quận 4, khu vực cạnh hãng phân nơi Đại Cathay trú ngụ.
Bé Bún cậy đông quân, thường kéo qua Cầu Ông Lãnh “thu thuế” bà con thiểu thương chợ vựa Cầu Muối, Tám Lâu phải làm ngơ cho băng của Bé Bún cướp bóc ngay trên lãnh địa của mình. Một ngày cuối năm 1957, tình cờ nghe đàn anh là Tám Lâu thở ngắn than dài chuyện băng đảng của Bé Bún càng ngày càng lộng hành.
Thằng em Đại Cathay đăm chiêu nghĩ ngợi, nốc cạn ly rượu đế và đề xuất với đàn anh: “Anh Tám để đó em lo. Phải cho tay Bé Bún nằm viện thì đám này mới ngán! Lúc đó anh em mình mới có đất làm ăn”.
“Mày là con nít biết gì chuyện người lớn. Tụi nó mạnh lắm, tao còn thua nó, cỡ mày nó bóp mũi quăng xuống bến Khánh Hội”, Tám Lâu cắt ngang. Đại Cathay chẳng nói chẳng rằng, uống hết ly rượu rồi lặng lẽ bỏ về.
Đại đem chuyện ra bàn với này đám chiến hữu là Ba Binh, Ba Tướng, xong tương kế tựu kế vác dao qua Bến Vân Đồn khiêu khích bằng cách cho vài tay em của Bé Bún sứt mặt mũi. Bị xúc phạm, Bé Bún huy động toàn bộ lực lượng tấn công sang khu Da Heo để hỏi tội Tám Lâu, làm Tám Lâu và đám đàn em hoảng sợ bỏ chạy. Thế nhưng, Tám Lâu chưa kịp chạy thoát thì bất ngờ nghe Bé Bún và các tên du đãng thân cận khóc lóc, ôm đầu máu chạy ngược trở lại.
Thì ra Đại Cathay đã âm thầm cùng các đàn em của mình giăng bẫy, đợi cho băng Bé Bún hung hăng lọt vào thế trận là đánh tới tấp làm cho băng du đãng “người lớn” bị bất ngờ, không kịp trở tay, đành thúc thủ trước bọn du đãng nhóc tì.
Dưới sự chỉ huy của Đại Cathay, đám giang hồ tuổi 16 – 17 tả xung hữu đột, lăn xả vào chém quân Bé Bún, xong xộc thẳng sang cả bên kia cầu, tràn vào cả “thánh địa” của Bé Bún ở quận 4. Riêng Đại Cathay đã kiên trì đeo theo Bé Bún và “tặng” cho tay giang hồ lừng danh quận 4 này mấy nhát dao, làm cho y phải nằm viện cả tuần.
Sau khi ra viện, Bé Bún và đám đồ đệ không dám bén mảng sang giành mối ở khu Da Heo nữa. Từ đó “đàn anh” Tám Lâu đâm ớn tài nghệ và sự lì lợm của “đàn em” Đại Cathay. Để rồi chỉ cần thêm một vài “phi vụ” nữa, Tám Lâu phải tự giác tuyên bố trong khu Da Heo, Đại Cathay có toàn quyền xử sự, rồi nhường hẳn ngôi vị trùm du đảng khu Da Heo cho Đại Cathay, còn mình thì lui về làm “thái thượng hoàng”.
Vậy là, chưa đầy 20 tuổi, Đại Cathay đã trở thành trùm du đãng của khu vực Da Heo, một trong những địa bàn phức tạp nhất Sài Gòn khi ấy. Đại bắt đầu tổ chức thu thuế các sòng bài, ổ đề, tiệm hút… Xong Đại bảo kê tất cả các doanh nghiệp kinh doanh lậu các ngành hàng như xưởng nấu xà phòng, lò mổ heo, lò rượu…trong khu vực. Đại Cathay bắt đầu ăn chơi và làm mưa làm gió, vươn dần ảnh hưởng ra khắp Sài Gòn – Chợ Lớn, tập tành tiếp xúc với cuộc sống của giới vương giả, quan chức ở Sài Gòn.
Theo Nguoiduatin
Giang hồ vùng giáp ranh - Bài 1: Phi "đen"- trùm băng súng ngắn
Nhiều nạn nhân bị băng nhóm Phi "đen" hành hung bằng súng, dọa bắn nhằm dằn mặt, xiết nợ.
LTS: Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, lượng người lao động nhập cư tăng nhanh, vùng giáp ranh TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều những băng nhóm tội phạm mới nổi. Để kịp thời trấn áp, cuối năm 2011, Bộ Công an đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm vùng giáp ranh.
Trong số những băng nhóm tại đây, Lê Văn Phi (Phi "đen") được biết đến như một tay tội phạm liều lĩnh, hung hãn.
Cuối năm 2011, chúng tôi gặp nạn nhân Trần Doãn Chất (khu phố Bình Đường 4, phường An Bình, Dĩ An) khi vết thương vùng đỉnh đầu còn dính máu khô do Phi "đen" dùng súng ngắn đánh vào đầu. Phi "đen" mới 26 tuổi, quê Nghệ An nhưng đã là tay anh chị có "số má" ở khu giáp ranh.
Thoát chết sau họng súng giang hồ
Tại cơ quan công an, Chất run rẩy kể: Lúc 16 giờ ngày 24-12, Phi "đen" cùng Tèo, đối tượng cộm cán chuyên tổ chức sòng bạc tại khu vực Bến xe Miền Đông tới đòi nợ. Không có Chất ở nhà, bọn chúng đập phá cổng rồi sang quán cà phê cạnh nhà phát hiện Chất đang nằm ngủ. "Phi "đen" tới đạp chân lên ngực và yêu cầu thanh toán món nợ hơn 2 tỉ đồng mà Chất thua bạc. Đồng thời Phi rút khẩu súng K54 lên đạn chĩa vào đầu Chất. Hai đàn em của Tèo cũng rút súng chĩa vào Chất đòi tiền. "Phi "đen" hỏi tôi, mày có trả tiền cho tao không tao bắn bể đầu. Khi tôi nói giờ không còn tiền trả nữa, lập tức Phi "đen" đập mạnh vào đầu tôi, chảy máu. Nhờ có người ngăn cản Phi "đen" ra nên nó không giết tôi lúc đó" - anh Chất trình bày.
Phi "đen" là tay trùm cờ bạc trên địa bàn phường Bình Chiểu (Thủ Đức), tổ chức sòng bạc từ đầu năm 2011 thu hút con bạc các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM tới sát phạt. Mỗi giờ, một con bạc đóng tiền sòng cho Phi "đen" 200.000 đồng. Con bạc thua tại sòng được Phi "đen" cho vay tiền để chơi tiếp với mức lãi cao. Nếu con bạc không có tiền trả thì bị Phi đe dọa giết cả nhà, đánh đập.
Chất cho biết chỉ trong một thời gian ngắn, anh đã "nướng" vào sòng bạc của Phi hơn 5 tỉ đồng và một xe ô tô. Hôm sau, Phi "đen" gọi điện thoại báo đang trên đường đến lấy tiền, nếu không trả thì sẽ ném mìn giết chết cả gia đình. Chất lo sợ liền cho vợ con sơ tán sang nhà hàng xóm còn mình tới trụ sở công an lánh mặt.
Cuối tháng 11-2011, sòng bạc của Phi "đen" tại khu vực phường Bình Chiểu bị động. Phi tìm đến sòng bạc do Tèo tổ chức gần Bến xe Miền Đông hùn hạp. Nhiều con bạc thua số tiền lớn cho Tèo và Phi, phải cắm xe hơi, nhà cửa cho đối tượng.
Anh Nguyễn Đình Thập tố cáo Phi cùng đàn em chặn chém anh tại phường Bình Chiểu. Ảnh: VÕ BÁ
Vết chém trên tay một cán bộ phường An Phú (Thuận An), nghi vấn do băng Phi "đen" gây ra. Ảnh: VÕ BÁ
Anh Trần Doãn Chất tố cáo bị Phi dùng súng ngắn gí vào đầu đòi tiền, sau đó dùng súng đập lên đầu gây thương tích. Ảnh: VÕ BÁ
Chém người, xiết xe
Anh H., giám đốc một công ty xử lý chất thải khu vực cầu vượt Sóng Thần (Dĩ An, Bình Dương) vừa làm đơn gửi Cơ quan điều tra Bộ Công an tố cáo Phi "đen" cùng một số đối tượng xông vào nhà chém người. Trước đó, anh H. đã trình báo tại Công an tỉnh Bình Dương. Nguyên nhân băng nhóm Phi "đen" ra tay vì đòi nợ cho một đối tượng khác.
Chiều 25-11-2011, khoảng chục đối tượng cầm mã tấu, ống tuýp đi trên năm xe máy tự ý vào cổng rồi xông vào cửa phòng làm việc công ty. H. hỏi sự việc thì đối tượng lên tiếng: "Mày còn nợ em tao tiền". H. hỏi lại: "Mấy anh là ai tôi không biết, tôi nợ tiền người nào thì người đó đến để giải quyết chứ. Giờ không có giấy tờ chứng cứ, mấy anh căn cứ đâu để đòi tiền tôi?". H. vừa nói hết câu, lập tức các đối tượng xông vào chém, buộc chủ nhân phải nhảy qua tường chạy trốn. Anh của H. từ nhà trên nghe ồn ào chạy ra can ngăn bị nhóm đối tượng đánh bầm dập, chém ngay đỉnh đầu, trán và gãy xương mắt cá chân.
Vụ đánh chém tại nhà H. kéo dài khoảng 10 phút. Trước khi rút đi, chúng tuyên bố: "Tụi tao là đệ tử Phi "đen", nếu mày không trả tiền thì đừng ra khỏi nhà".
H. chưa kịp hoàn hồn thì sáng 27-11-2011, Phi "đen" gọi điện thoại cho anh và ra lệnh: "Mày ra quán nhậu gặp tao để giải quyết". Tại quán nhậu ở phường An Bình (Dĩ An), Phi "đen" cùng đàn em ăn nhậu và buộc anh thanh toán. Chưa hết, Phi "đen" biết H. có xe máy hiệu SH mới mua nên lên tiếng "mượn". H. buộc phải về nhà giao chìa khóa xe SH biển số 61S1-4751 trị giá 120 triệu đồng cho đàn em của Phi dù biết trước không còn hy vọng trở về với chủ nữa. Đến ngày 20-12-2011, Phi "đen" cho đàn em tới nhà gặp anh H. bảo "mượn" luôn giấy tờ xe SH với lý do xe bị CSGT bắt, phải có giấy tờ mới lấy ra được!?
"Hôm đó tại quán nhậu, Phi "đen" không ra tay đánh tôi vì lúc đó có người quen ở đó can ngăn. Giờ nó giữ giấy tờ xe rồi, dễ gì lấy lại được, băng nhóm này làm mưa làm gió ở đây mà ai lại không biết tiếng tăm hung dữ của chúng" - H. bộc bạch với PV...
Theo PLTP
Cái chết bí ẩn của "Đệ nhất giang hồ" Sài thành ngày trước 20 tuổi, Đại Cathay trở thành nhân vật giang hồ khét tiếng nhất Sài Gòn ngày trước. Nhưng rồi có lừng lẫy đến mấy thì cuộc đời hắn cũng đã phải kết thúc từ khi còn rất trẻ. Một cái chết chui rúc và nhiều bí ẩn. Trở thành Đệ nhất giang hồ Sự dung túng của hệ thống chính quyền chế độ...