Bí mật về lò phản ứng do TQ chế tạo ở Pakitstan
Các công ty Trung Quốc chính thức xây dựng thêm một lò phản ứng điện hạt nhân tương tự, vừa được khánh thành vào ngày 12/5.
Vài ngày sau lễ khánh thành lò phản ứng hạt nhân do Trung Quốc chế tạo tại Tổ hợp nhà máy Chashma ở miền Trung Pakistan, Thủ tướng Yusuf Raza Gilani bắt đầu chuyến thăm quốc gia Đông Bắc Á.
Chashma là một Tổ hợp nhà máy điện hạt nhân của Pakistan, được xây dựng dựa vào kinh nghiệm và thiết kế của Trung Quốc. Năm 2000, lò phản ứng đầu tiên với công suất 300 MW đã đi vào hoạt động tại Chashma.
Mới đây, các công ty Trung Quốc chính thức xây dựng thêm một lò phản ứng điện hạt nhân tương tự, vừa được khánh thành vào ngày 12/5. Các công ty Trung Quốc đã ký hợp đồng xây thêm 2 lò phản ứng hạt nhân tại Chashma nhưng không tiết lộ thông tin chi tiết về thời điểm khởi công.
Theo các chuyên gia, chính sách đối ngoại tập trung cùng những động cơ thương mại xem ra chi phối quyết định của Trung Quốc. Lâu nay, Trung Quốc đã coi Pakistan là một đối tác lâu năm và Bắc Kinh cũng tin rằng việc ủng hộ Pakistan sẽ có ý nghĩa quan trọng trước sự lớn mạnh của Ấn Độ trong khu vực. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cảnh giác trước sự thống trị của Mỹ ở khu vực Nam Á, nghi ngờ việc Washington ký kết thỏa thuận năng lượng hạt nhân với Ấn Độ vào năm 2008.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc giúp Pakistan xây thêm lò phản ứng điện hạt nhân còn xuất phát từ sức hấp dẫn thương mại. Các công ty Trung Quốc mong muốn chiếm lĩnh các thị trường nước ngoài và hiện Pakistan là thị trường nước ngoài duy nhất mà tại đó Trung Quốc có thể chứng tỏ các kỹ năng của họ để từ đó hy vọng có thể thu hút các khách hàng khác.
Theo Bee.net.vn
Nỗi sợ của những "cảm tử quân" Fukushima
Bằng những lời lẽ của riêng mình, lần đầu tiên đội cảm tử quân Fukushima 50 kể về những mối hiểm nguy và sự sợ hãi mà họ phải đối mặt tại vùng tử địa nhiễm phóng xạ.
Họ xếp thành hàng chờ kiểm tra phóng xạ. Quần áo bảo hộ nhiễm xạ được bỏ riêng vào túi nhựa. Nhiều người trông kiệt sức, râu ria không cạo, hốc hác vì mất ngủ với những quầng thâm quanh mắt nhưng họ chính là những người hùng được cả nước Nhật kính trọng - đội "cảm tử quân" Fukushima 50.
Chấp nhận hy sinh bản thân, khoảng 200 công nhân kiên trì bám trụ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I. Tên tuổi, quá trình công tác của họ được giữ kín. Những hình ảnh đầu tiên chỉ mới được tiết lộ cách đây vài ngày. Và Telegraph (Anh) trở thành tờ báo đầu tiên tiếp xúc được với họ bằng bài phỏng vấn độc quyền đăng ngày 27-3.
Làm việc trong bóng tối khiến các "cảm tử quân" rất lo lắng"
Video đang HOT
Từ những người hùng giấu mặt, họ bước ra đời thực, có tên tuổi, có gia đình và có những nỗi sợ hãi thiêu đốt. Họ kể về nỗi ám ảnh khi phải làm việc trong những không gian chật hẹp, tối tăm. Họ thầm thì về sự lo lắng khôn nguôi dành cho gia đình. Nhưng họ vẫn kiên quyết đi tiếp.
Đội cứu hỏa và cuộc hành trình trong đêm
Ông Kazuhiko Fukudome, người chỉ huy một nhóm lính cứu hỏa Tokyo đến ứng cứu lò phản ứng hạt nhân số 3, nhớ lại: "Tối đen như mực! Lúc đó đang nửa đêm và nguồn sáng duy nhất đến từ những ngọn đèn pin. Chúng tôi nhìn thấy khói và hơi nước bốc ra từ lò phản ứng. Mọi nỗ lực giải cứu đã thất bại nên họ gọi chúng tôi đến để bơm nước biển làm nguội".
Sứ mệnh đặc biệt trên bắt đầu hết sức đơn giản, bằng một cú điện thoại lúc 11 giờ đêm. "Tôi đang ở nhà thì có điện thoại. Họ không giải thích nhiều, chỉ bảo tập trung lính của tôi lại và đến Fukushima rồi gác máy. Tôi quay qua vợ nói: "Anh đến Fukushima đây!". Vợ tôi có vẻ sốc nhưng nhanh chóng lấy lại khuôn mặt bình tĩnh và nói vỏn vẹn: "Anh cẩn thận nhé!". Cô ấy biết tỏ ra dũng cảm sẽ động viên tôi rất nhiều", ông Fukudome kể.
Hình ảnh chụp lại khoảnh khắc sóng thần cuộn lên và đập vào nhà máy Fukushima I hôm 11-3
Ý nghĩ từ chối nhiệm vụ chưa từng thảng qua trong đầu ông Fukudome dù ai cũng lo lắng. "Chuyến đi hết sức yên ắng. Chúng tôi đã luyện tập rất nhiều, đã từng trải qua nhiều nhiệm vụ nhưng lần này thì khác, chúng tôi phải chiến đấu với kẻ thù vô hình".
Đến nhà máy lúc 2 giờ sáng, nhóm của ông Fukudome nhanh chóng chia làm ba. Một chiếc xe chữa cháy của họ rà sát mép biển để lấy nước, một chiếc khác tiến gần lò phản ứng, sẵn sàng phun nước. Còn chiếc thứ ba đậu ngay giữa hai chiếc kia.
"Tình hình tệ hơn chúng tôi nghĩ nhiều. Khắp nơi đổ nát, những khối bê tông vương vãi, đường xá ngổn ngang khiến xe không thể áp sát lò phản ứng. Chúng tôi phải ôm vòi nước chạy băng băng từ biển lên, trong đêm tối mịt mù".
"Trong màn đêm chỉ vang lên tiếng chúng tôi kêu gào nhau: "Cố lên, chỉ còn một chút nữa thôi, chỉ phải kéo vòi một chút nữa thôi". Do phải đeo mặt nạ phòng độc nên chúng tôi phải cố sức hét lên. Khi dòng nước tuôn ra từ vòi, chúng tôi đồng loạt reo hò và giơ nắm tay lên trời đầy phấn khích".
Nhà máy tan hoang sau thảm họa kép
Hết nước biển đến nước ngọt được phun vào các lò phản ứng để làm nguội
Ngoài mặt nạ phòng độc, trang phục họ mặc khi ấy chỉ là đồng phục cứu hỏa thông thường. "Tôi biết có phóng xạ, nhưng không biết là bao nhiêu", ông Fukudome trầm ngâm.
"Chúng tôi ở lại khu vực đó đến 26 tiếng rồi mới nghỉ ngơi và được đo phóng xạ. Quần áo và vớ của tôi có chút phóng xạ. Họ tỏ vẻ lo lắng và đo lại lần nữa. Vậy là đã rõ" - "Anh có nghĩ mình sẽ ổn không?" - "Có", ông Fukudome cười, "Nghe thật buồn cười phải không? Nhưng thật sự tôi nghĩ mình sẽ ổn. Có thể phóng xạ có trên quần áo tôi, nhưng không nhiễm vào người tôi nhiều quá!".
Im lặng và sợ hãi
Tờ Telegraph đã phát hiện ra nơi nghỉ ngơi của cảm tử quân chính là con tàu bốn sao Kaiwo Maru bị sóng thần đẩy lên cảng Onahama - cách nhà máy Fukushima I chừng vài dặm. Ít bị hư hại nên con tàu còn nguyên máy phát điện, nước và các nhu yếu phẩm. Phòng tắm có nước nóng và giường ngủ vẫn còn khăn trải đầy đủ.
Kiểm tra phóng xạ cho các cảm tử quân
Hai tiếng đồng hồ nghỉ ca là thiên đường đối với các cảm tử quân. Trở về tàu Kaiwo Maru là trở về với an toàn, có mì ăn liền, có nước sôi. Trong đống bề bộn, nhiều "cảm tử quân" ngồi ăn cơm cà ri, bữa ăn nóng sốt đầu tiên của trong nhiều ngày qua.
Để thư giãn, họ đọc truyện tranh và báo. Nhưng chẳng ai thật sự thấy thoải mái! Bị vắt kiệt sức và lo lắng, họ ngồi lặng lẽ bên nhau. Người quản lý tàu Kaiwo Maru - Susumu Toya - tiết lộ: "Họ im lặng lắm. Không hề nói gì trong bữa ăn".
Từ chối uống bia, những "cảm tử quân" bắt đầu câu chuyện của chính mình. Bóng tối, nỗi sợ hãi không được kềm giữ cứ tuôn ra không ngừng.
Anh Akira Tamura, một thanh niên trẻ đến từ tỉnh Iwate, nói: "Nhà máy có điện lại hôm 22-3. Thật là may vì làm việc trong bóng tối khủng khiếp lắm. Nó làm tôi thấy mất an toàn vô cùng. Nhiều dây cáp cao quá khiến chúng tôi không dễ gì thao tác. Điều đó cũng làm chúng tôi lo lắng".
Phòng điều hành nhà máy Fukushima I sau khi khôi phục điện
Cũng như đội cứu hỏa, những công nhân này chỉ được trang bị đồ bảo hộ cơ bản. Mỗi người đều có mặt nạ phòng độc và quần áo phòng hộ chống phóng xạ nhiễm qua da hoặc vào người, nhưng không thể ngăn hết mọi loại phóng xạ. Chỉ một vài người cấp cao được mặc đồ phòng hộ loại tốt vì không có đủ cho tất cả.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện vào ngày 24-3, đúng ngày hai công nhân phải nhập viện do bị nước nhiễm phóng xạ gấp 10.000 lần thông thường xuyên qua ủng, gây bỏng bàn chân và chân. Nếu loại nước trên thẩm thấu vào người, cái giá phải trả chắc chắn là tử vong.
"Sinh mạng này không còn của riêng chúng tôi"
Sau cuộc chiến làm nguội các lò phản ứng là đến cuộc chạy đua khôi phục điện trong nhà máy. Anh Tamura cùng đồng nghiệp buộc phải có mặt 24/24 và nhiều lúc họ nằm chợp mắt ngay trên nền nhà máy nóng bỏng hơi nước phóng xạ.
"Chúng tôi sợ hãi nhưng chúng tôi phải đi tiếp"
"Chúng tôi thay phiên nhau làm việc một giờ rồi nghỉ hai giờ để giảm bị nhiễm phóng xạ. Mới đầu nhóm của tôi chỉ có 10 người, nay đã tăng lên 30, nên tôi có thời gian về tàu ăn uống", Tamura kể.
Tuy có hàng trăm "cảm tử quân" chi viện nhưng chỉ có một ít công nhân điện tay nghề cao. Và mặc dù thế giới bên ngoài có ấn tượng tình hình đang được cải thiện, bản thân các công nhân lại không hoàn toàn tin tưởng vào điều đó.
Trưởng nhóm của anh Tamura - Nobuhide Suzuki - giãi bày: "Toàn đội thực sự vô cùng căng thẳng, nhưng chúng tôi phải tiếp tục. Chúng tôi cảm nhận được gánh nặng khổng lồ trên vai mình, biết rằng cả thế giới đang dõi theo và cả dân tộc đang ở sau lưng tiếp sức. Cơ thể này, sinh mạng này không còn là của riêng chúng tôi nữa".
"Nếu bạn đọc được bài báo này, hãy cổ vũ cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục, sẽ chiến đấu mỗi ngày", ông Suzuki tâm sự. "Tôi thấy thật đáng sợ và hầu như lúc nào tôi cũng nơm nớp lo âu. Nhưng tôi biết việc này rất quan trọng và cần phải được hoàn thành. Chính điều đó thôi thúc tôi ở lại", một công nhân 32 tuổi từ chối cho biết tên thổ lộ.
Chưa "cảm tử quân" nào gặp lại gia đình kể từ khi đến nhà máy
Không ai trên tàu từng gặp lại gia đình kể từ khi đến đây. "Tôi chỉ ước ao được gặp lại cha mẹ và vợ tôi. Tôi có thể gửi mail cho họ, và họ trả lời rằng họ rất lo lắng", anh Tamura nói. Còn ông Suzuki tiếc nuối: "Tôi nói chuyện với gia đình được có một lần, bằng điện thoại. Mấy đứa nhỏ nói ủng hộ tôi. Vợ tôi nói không nổi vì quá lo lắng".
Dũng cảm không có nghĩa là không sợ hãi. Họ sợ hãi, nhưng họ vẫn tiếp tục. Họ là những chiến binh can đảm đích thực!
VGT(Theo Người Lao Động)
Chùm ảnh: Nỗi lo phóng xạ bao trùm Nhật Bản Sau những sự cố liên hoàn xảy ra ở nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi số 1 và số 2, nỗi lo thảm họa phóng xạ đã thực sự hiện hữu trên đất nước "Mặt trời mọc". Tính đến hôm nay, nỗi lo một thảm họa Chernobyl thứ 2 đã thực sự hiện hữu trên xứ sở hoa anh đào sau khi...