Bí mật trận đánh cách Dinh Độc Lập 7km
Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh đứng trước thời điểm lịch sử, các cánh quân của ta ở thế chẻ tre tiến thẳng về Sài Gòn.
Để dọn đường cho đại quân đánh chiếm cơ quan đầu não của địch, ở cửa ngõ phía Đông, Bộ chỉ huy chiến dịch xác định cây cầu đặc biệt quan trọng cần phải chiếm giữ là cầu Rạch Chiếc, cửa ngõ vào Sài Gòn. Chỉ dài hơn một trăm mét nhưng có vị trí trọng yếu nên tại đây địch bố trí lực lượng dày đặc, sẵn sàng tử thủ hoặc đánh sập để ngăn bước tiến đại quân.. Bằng sự mưu trí, dũng cảm, trong ba ngày đêm, hơn 200 chiến sĩ đặc công, biệt động đã chiến đấu ngoan cường làm chủ cây cầu để Lữ đoàn xe tăng 203 hùng dũng tiến vào sào huyệt cuối cùng, cắm lá cờ chiến thắng lên nóc Dinh Độc Lập.
Kế hoạch “tử thủ” của địch
Trong kế hoạch phòng thủ Sài Gòn của địch, cầu Rạch Chiếc (trên xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa, cách Dinh Độc Lập 7km) là một trong bốn cụm được xây dựng khẩn trương nhưng kiên cố, hỏa lực mạnh. Từ cuối tháng 3/1975, ngoài hệ thống gần chục lô cốt bao quanh cầu, 400 lính bảo an trang bị đại liên, M16, M79, cối 61 ly, súng chống tăng, phóng lựu…, địch cho xây dựng hàng loạt công sự dã chiến bằng thùng phuy, bao cát ở hai đầu cầu. Dưới gầm, chúng làm sàn gỗ cho lính cơ động đi lại, bao quát toàn bộ mặt sông và sẵn sàng chiến đấu. Dưới mố cầu, địch đã cho cài sẵn hai quả bom tạ, nếu không giữ được sẵn sàng phá hủy để cản bước tiến đối phương.
Phía tây, cách một cây số là căn cứ giang thuyền 306 với nhiều ca nô chiến đấu tuần tiễu ngày đêm trên sông. Pháo tầm xa từ căn cứ Sóng Thần, khu Liên Trường, Nhơn Trạch luôn sẵn sàng nhả đạn. Máy bay quần đảo sát mặt sông, thả pháo sáng rực vào ban đêm. Đồng bưng 6 xã lân cận địch lập đồn bốt dày đặc, ban ngày càn quét, ban đêm oanh kích, tất cả các con lộ lớn nhỏ đều bị kiểm soát gắt gao.
Các chiến sĩ đặc công ém quân tại vùng đồng bưng, trước ngày xuất kích đánh chiếm cầu Rạch Chiếc
Kể từ khi xây dựng cùng với xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa vào năm 1967, chưa bao giờ cầu Rạch Chiếc lại được quân địch coi trọng và phòng thủ chặt chẽ như vậy. Chúng âm mưu muốn biến vàm Rạch Chiếc thành chiến hào thép, đồng thời là điểm cuối nếu quân ngụy thất trận tháo chạy về Sài Gòn phải co cụm lại để tử thủ, chờ lực lượng ra phản kích.
Những ngày cuối tháng tư, khi năm hướng tiến công về Sài Gòn đã vào điểm xuất phát, một phương án mới hình thành trên cơ sở nghiên cứu những khó khăn xuất hiện. Đó là địa hình Sài Gòn nằm trên vùng sông nước, có nhiều cây cầu trọng yếu như: Đồng Nai, Rạch Chiếc, Sài Gòn, Bình Triệu, Bình Điền… Nhiệm vụ đặt ra là phải đánh và chiếm giữ những cây cầu này. Ngày 26/4/1975, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định giao trọng trách cho lực lượng đặc công, biệt động có thời gian nằm vùng, chiến đấu ở các khu vực ven đô nên thông thuộc địa hình.
Hai chiến sĩ đặc công Z23 Lê Trọng Hạnh (trái) và Lê Bá Hữu ở cầu Rạch Chiếc vào sáng 30/4/1975
Cầu Rạch Chiếc nằm trên mũi tiến công chính với mục tiêu chiến lược là đánh chiếm Dinh Độc Lập, càng phải được chiếm giữ và bảo vệ an toàn sớm. Nhiệm vụ đánh cầu Rạch Chiếc được giao cho tiểu đoàn 81, Z22 và Z23 thuộc lữ đoàn đặc công 316, lúc này đang ém quân ở khu vực Bình Trưng, Giồng Ông Tố, Thủ Thiêm. Kế hoạch ban đầu của ba đơn vị này là chiếm các mục tiêu trong nội ô như: Dinh Độc Lập, Bộ tư lệnh hải quân ngụy, Quân cảng Bạch Đằng, Ngân hàng quốc gia, Đài phát thanh, đài truyền hình đã bị huỷ bỏ.
Ba ngày đêm ngoan cường
Trước nhiệm vụ đột xuất, trưa 26/4/1975, ba đơn vị D81 (tiểu đoàn 81), Z22, Z23 gặp nhau giữa đồng bưng, lập ra Ban chỉ huy gồm các đồng chí Bảy Ân, Tư Một, Tư Thinh và Hai Kiện. Tối cùng ngày, tổ trinh sát lên đường tiếp cận vẽ sơ đồ mục tiêu, vị trí lực lượng địch…
Sáng 27/4, kế hoạch tác chiến được thông qua, phương thức đánh là chiến thuật đặc công kết hợp với cường tập. Cụ thể, Z22 và Z23 do đồng chí Tư Thinh chỉ huy đảm nhiệm tấn công đầu cầu phía bắc, còn D81 chiếm đầu cầu phía nam. Quyết tâm thư được hơn 200 cán bộ chiến sĩ khẳng định: “Toàn thể cán bộ chiến sĩ D81, Z22 và Z23 kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ đánh và giữ cầu Rạch Chiếc, dù phải hi sinh đến đồng chí cuối cùng”. Giờ nổ súng được ấn định là 3 giờ 30 phút rạng ngày 28/4.
Ông Trần Xuân Kiện (thứ hai từ phải qua), nguyên Tiểu đoàn trưởng D81, chỉ huy đánh đầu cầu phía nam, trong một lần gặp mặt đồng đội thuộc Lữ đoàn đặc công 316
Chiều 27/4, cán bộ chiến sĩ bắt tay vào công tác chuẩn bị. Ông Mai Thế Vinh, cựu chiến sĩ thuộc Z23 nhớ lại: “Mỗi người tự gói cho mình 16 qủa thủ pháo, hai trái lựu đạn, những đồng chí bắn B40, B41 mang 10 trái đạn, ai sử dụng súng AK và các loại vũ khí khác cũng phải mang thêm ba quả đạn B40, B41. Hậu cần lo cho mỗi người hai nắm cơm, hai hộp sữa, một túi thuốc cá nhân”. Nửa đêm trời tối như mực, các chiến sĩ đặc công mặc độc chiếc quần xà lỏn, người trát đầy bùn, súng đạn cuốn quanh mình âm thầm vượt sông, băng qua đồng bưng tiếp cận trận địa.
Chú Trần Xuân Kiện (Hai Kiện), nguyên tiểu đoàn trưởng D81 kể: “3 giờ sáng, các chiến sĩ đã áp sát mục tiêu chờ giờ khai hỏa, bỗng nhiên một chiến xa của quân ngụy từ hướng Sài Gòn lao đến sát nơi ém quân, buộc lòng ta phải dùng AK bắn chặn. Trước tình huống bất ngờ, tôi hạ lệnh cho 60 khẩu B40, B41 đồng loạt tập kích vào các mục tiêu của địch”. Các chiến sĩ tấn công ào ạt vào bót gác, lô cốt, trại lính, hàng chục tên địch bị tiêu diệt, số sống sót hoảng loạn bỏ chạy tán loạn. Đầu cầu phía nam trở thành biển lửa và nằm trong sự kiểm soát của quân ta. Hai qủa bom địch cài dưới gầm cầu bị các chiến sĩ vô hiệu hóa.
Video đang HOT
Hai người đồng đội Mai Thế Vinh (trái) và Nguyễn Đức Thọ
Lúc này, cầu phía Bắc, Z22 và Z23 cũng đã tiếp cận. Ông Nguyễn Đức Thọ, chiến sĩ thuộc Z23, người được phân công bắn quả đạn đầu tiên diệt tháp canh, nói: “Tôi bắn qủa B40 đầu tiên nhưng do sợ vướng lưới thép gai nên hướng nòng lên quá cao, trật mục tiêu. Sau đó tôi đứng thẳng dậy bắn tiếp qua thứ hai làm sập một góc tháp canh, khẩu đại liên trên đó im bặt”. Các mũi tiến công đồng loạt dùng thủ pháo, lựu đạn ném vào lô cốt. Địch chống trả quyết liệt, các chiến sĩ D81 ào lên mặt cầu đánh sang phía bắc hỗ trợ. Đến gần 4 giờ sáng chúng ta đã chiếm được cầu Rạch Chiếc.
Ngay sau khi làm chủ cầu, quân ta tiến hành đào công sự, củng cố trận địa, chuẩn bị đánh địch phản kích. Bị tấn công bất ngờ và để mất cầu, địch điên cuồng dùng pháo tầm xa từ căn cứ Sóng Thần, khu liên trường Thủ Đức, Nhơn Trạch bắn như giã gạo với đủ loại đạn chụp, đạn xuyên, đạn đinh… Trên trời, từng bầy trực thăng kéo đến thi nhau bắn như vãi trấu. Dưới sông ca nô chạy xé sóng xả đạn vào đội hình của ta. Cuộc chiến đấu giằng co đến gần trưa, quân địch phía Thủ Đức kéo vào, từ Sài Gòn ào ra với sự hỗ trợ của xe tăng, thiết giáp ngày một đông. Quân ta rơi vào tình thế khó khăn: vũ khí, lương thực cạn kiệt, tiếp tế không có, nhiều chiến sĩ thương vong cần cứu chữa, Ban chỉ huy ra lệnh tạm thời lui quân về củng cố lực lượng, chỉ để lại một ít bí mật bám trận địa.
Quyết phải chiếm lại bằng được cầu Rạch Chiếc, đêm 28/4, hơn 100 cán bộ chiến sĩ tiếp tục bí mật tiến vào. Rút kinh nghiệm, lần này ngoài dùng hỏa lực đánh các mục tiêu địch án ngữ, ta triển khai đánh trên cả ba hướng: bắc, nam và tây, nơi có giang thuyền của ngụy quân, đồng thời bảo đảm thông suốt để tuyến sau chi viện thuận lợi.
Sau khi chiếm lại được cầu Rạch Chiếc, địch bố trí lực lượng rất đông với hỏa lực cực mạnh, nhưng trước sự phản công như vũ bão của quân ta, chúng hoảng loạn bỏ chạy, ta nhanh chóng làm chủ cầu. Công sự, vũ khí, chiến lợi phẩm của địch lập tức biến thành của ta để bảo vệ trận địa. Suốt ngày và đêm 29, địch tổ chức bảy lần phản công nhưng hơn 100 chiến sĩ đặc công, biệt động đã chiến đấu xuất sắc đẩy lùi.
Sáng sớm 30/4 quân địch thảm bại ở các chiến trường dồn về xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa, đến cầu Rạch Chiếc bị ách lại, địch cố gắng phản công để về Sài Gòn nhưng trước sự kiên cường của Z22 và Z23, chúng phải vứt vũ khí, trút bỏ nón áo tìm đường tháo chạy.
Bia tưởng niệm các chiến sĩ hi sinh dưới chân cầu Rạch Chiếc
Khoảng 7 giờ 30 sáng 30/4, nghe tiếng xe tăng từ xa vọng lại, các chiến sĩ đặc công nghĩ địch phản công nên chuẩn bị tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tiếng máy nổ ngày một gần, trên tháp pháo của chiếc xe tăng đi đầu hiện ra ngôi sao năm cánh và lá cờ quân giải phóng. Không ai bảo ai, các chiến sĩ đồng loạt nhảy lên mặt cầu ôm nhau sung sướng hô vang: “Quân ta tới rồi, quân ta tới rồi”. Chiếc xe tăng dừng lại, đồng chí Tư Thinh bước đến báo cáo đồng chí Tống Viết Dương chỉ huy Lữ đoàn 316 vừa từ xe tăng bước xuống: “Báo cáo, đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ”.
Đoàn xe tăng rầm rập lao qua cầu Rạch Chiếc trực chỉ Dinh Độc Lập. Nhiều cán bộ chiến sĩ D81 tiếp tục nhận lệnh theo đại quân tiến vào Sài Gòn. Z22, Z23 bố trí thành từng tiểu đội bảo vệ Nhà máy xi măng Hà Tiên, Nhà máy Nhiệt Điện Thủ Đức. 11 giờ 30, cờ quân giải phóng phấp phới bay trên dinh Độc Lập. Cầu Rạch Chiếc đã đi vào huyền thoại…
Ngày nay, cầu Rạch Chiếc được xây dựng lại, to lớn, hiện đại
Giờ đây, cầu Rạch Chiếc đang xây dựng lại to đẹp, đàng hoàng. Xung quanh, những khu dân cư mới với nhà cao tầng đua nhau mọc lên biến vùng quê đồng bưng xưa thành đô thị hiện đại. Tại nơi này, 38 năm trước, sau ba ngày đêm chiến đấu kiên cường, hơn 200 chiến sĩ đặc công, biệt động đã làm nên thắng lợi giòn giã, chiếm giữ và bảo vệ an toàn cây cầu huyết mạch, mở thông cánh cửa phía Đông đón đại quân tiến vào Dinh Dộc Lập.
Để có được thắng lợi ấy, 52 chiến sĩ đã hi sinh, nhiều người còn nằm lại vàm Rạch Chiếc, hàng chục chiến sĩ bị thương. Trận đánh cầu Rạch Chiếc đã đi vào lịch sử, là trận đánh quyết liệt cuối cùng trong chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo 24h
Những bức ảnh ấn tượng kỷ niệm ngày 30/4
Chào mừng 38 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975-30/4/2013), Hội nhiếp ảnh TP.HCM đã tổ chức cuộc thi "Ánh sáng thép lần thứ 1".
Qua 4 tháng phát động, Ban tổ chức cuộc thi "Ánh sáng thép lần thứ 1" đã nhận được 518 tác phẩm ảnh của 76 tác giả đến từ mọi miền của đất nước như Cà Mau, Kiên Giang, Khánh Hòa, Phú Yên, Hà Nội, TP.HCM... Các tác phẩm đã thể hiện sinh động hoạt động của các đơn vị trong toàn quân như Quân khu 7, Quân khu 9, Quân đoàn 4, Quân chủng Phòng không Không quân, Quân chủng Hải quân...
Kết quả, giải nhất thuộc về tác phẩm Trước giờ xuất kích của tác giả Nguyễn Trọng Nghĩa (sân bay Phan Rang, Ninh Thuận). Ngoài ra còn có 1 giải nhì, 2 giải ba và 10 giải khuyến khích.
Các tác phẩm đạt giải được trưng bày triển lãm tại Hội nhiếp ảnh TP.HCM thu hút đông đảo người dân đến xem.
Một số hình ảnh trong triển lãm:
Tác phẩm Trước giờ xuất kích đạt giải nhất của tác giả Nguyễn Trọng Nghĩa
Tác phẩm Những người lính của tác giả Vũ Ngọc Hoàng
Tác phẩm Doi cát hình bản đồ Việt Nam của tác giả Phan Tùng Sơn
Đưa tên lửa lên bệ phóng của tác giả Phạm Nam Yến
Vườn rau của lính của tác giả Nghiêm Thế Long
Năm học mới của tác giả Phạm Hữu Tiến
Ngày đầu trong quân đội của tác giả Trần Duy Tình
Niềm vui tân binh của tác giả Đỗ Hiếu Liêm
Chuẩn bị vật chất huấn luyện tại trung đoàn 271 sư 5 của tác giả Lại Thế Hiển
Luyện tập đánh bộc phá của tác giả Nguyễn Công Vẻ
Trung đoàn 88 Sư đoàn 302 tập bắn sung AK của tác giả Trần Đại Ngoạn
Rồng lửa quân đoàn 4 của tác giả Phạm Huy Võ
Rồng lửa Thăng Long của tác giả Võ Quang Thái
Tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại thềm lục địa phía Nam của tổ quốc của tác giả Lê Hùng Khoa.
Đời đời nhớ anh các anh của tác giả Nguyễn Phương Anh
Đêm 27/7 của tác giả Trần Duy Tình
Hàng cứu trợ đến với vùng ngập lũ huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình của tác giả Đặng Trung Kiên
Điệu nhảy lính của tác giả Vũ Hải Hạ
Tuần tra biên giới của tác giả Nguyễn Tuấn
Theo 24h
Đại thắng mùa xuân năm 1975 - thắng lợi của niềm tin Sáng 29/4, TP.HCM long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và 127 năm ngày Quốc tế lao động. Tiết mục văn nghệ tái hiện phong trào đấu tranh tại lễ kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và Quốc tế lao động...