Bí mật học viên quân sự cả gan hành hung lãnh tụ Liên Xô Stalin
Học viên quân sự này ủng hộ tư tưởng đối lập và đã lợi dụng vị thế người bảo vệ để hành hung lãnh tụ Stalin ngay trên Quảng trường Đỏ.
Sau khi leo lên lễ đài trên lăng Lenin, người học viên quân sự này dù có nhiệm vụ bảo vệ Stalin nhưng lại bất ngờ lấy tay đấm thẳng vào phía sau đầu nhà lãnh đạo Liên Xô.
Lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin. Ảnh: Getty.
Vào thập niên 1930 ít người tin rằng lại có kẻ dám đấm vào vị lãnh tụ quyền uy Joseph Stalin mà lại không bị trừng phạt. Tuy nhiên vào cuối thập niên 1920 tình hình lại hơi khác.
Phần tử thuộc phái Trotsky được phân công bảo vệ Stalin
Ngày 7/11/1927, toàn bộ Liên Xô chuẩn bị kỷ niệm ngày lễ quan trọng nhất của Liên Xô khi ấy: Lần kỷ niệm thứ 10 Cách mạng tháng Mười với một cuộc diễu binh truyền thống trên Quảng trường Đỏ.
Ban lãnh đạo Xô viết theo kế hoạch sẽ tụ tập trên lăng Lenin để theo dõi buổi duyệt binh. Nhằm ngăn ngừa các âm mưu ám sát, các học viên từ Học viện Quân sự Frunze đã được đưa tới đây để hỗ trợ các nhân viên an ninh chịu trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho các lãnh đạo Liên Xô. Trong số các học viên này có Yakov Okhotnikov, người sẽ tấn công Stalin.
Dù là học viên quân sự, Okhotnikov không phải là người chân ướt chân ráo trong phong trào cách mạng. Ngược lại là đằng khác. Thanh niên 30 tuổi này đã được trui rèn trong ngọn lửa cách mạng và Nội chiến Nga và đều đóng vai trò chỉ huy trong các hoạt động sôi nổi đó.
Tuy nhiên hoạt động Okhotnikov sau nội chiến ít nổi bật hơn. Là một người ủng hộ nhiệt thành cho Trotsky ( một nhân vật nổi tiếng trong Cách mạng tháng Mười – ND), anh ta từ chối che giấu quan điểm của mình ngay cả khi thần tượng Trotsky đã thất thế trong cuộc cạnh tranh chính trị nội bộ với Stalin vào giữa thập niên 1920. Okhotnikov đối mặt với các kỷ luật đảng do tuyên truyền cho chủ nghĩa Trotksky. Mặc dầu vậy, Hiệu trưởng trường Quân sự Frunze, Roberts Eidemanis, vẫn gửi Okhotnikov tới trực tiếp bảo vệ lãnh tụ Stalin (người có tư tưởng bất đồng với Trotsky).
Các nhân vật lịch sử của Liên Xô khi đứng trên Quảng trường Đỏ (từ trái qua): Genrikh Yagoda, Alexander Egorov, Kliment Voroshilov, Mikhail Tukhachevsky, Yan Gamarnik (Ảnh tư liệu của Nga).
Nổi xung trên Quảng trường Đỏ
Okhotnikov, cùng với hai học viên sĩ quan khác, Vladimir Petenko và Arkady Gellerem, được trao nhiệm vụ bảo vệ ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô trên lăng Lenin. Nhưng họ lại đến trễ.
Chạy vội tới lăng, nhóm học viên quân sự này gặp phải một sĩ quan an ninh đứng chặn trên lối đi của họ. Đẩy sĩ quan an ninh sang một bên, bộ ba học viên tiến lên lễ đài trên lăng, nơi các lãnh đạo Liên Xô đã tụ tập đầy đủ.
Đội vệ sĩ cố gắng ngăn nhóm học viên lại, khiến hai bên cãi cọ với nhau. Do âm thanh ồn ào từ cuộc duyệt binh phía dưới, các yếu nhân Kremlin không hay biết về cuộc tranh cãi kịch liệt ngay sau lưng mình.
Video đang HOT
Okhotnikov nhanh chóng rút khỏi cuộc cãi cọ và tiến thẳng tới chỗ Stalin. Stalin đã hoàn toàn bất ngờ khi người học viên kia dùng nắm đấm tay để nện thẳng vào sau đầu mình. Okhotnikov vừa đấm vừa nói: “Chúng tôi tới để bảo vệ ông đây. Chuyện gì đang diễn ra vậy?”
Có lẽ Okhotnikov giơ tay đấm Stalin là để trả thù cho người thầy chính trị Trotsky của mình.
Okhotnikov vung tay định đấm vào đầu Stalin lần thứ 2 nhưng cú đấm này đã bị vệ sĩ của Stalin, Ivan Yusis, chặn lại. Do súng bị cấm phía trên lăng, nên người vệ sĩ Litva kia rút ra một con dao và đâm bị thương Okhotnikov.
Lãnh tụ Stalin (thứ 2 từ phải sang) vẫy chào khi ở trên lăng Lenin. Ảnh: Russianinphoto.
Trừng phạt về sau
Semyon Budyonny, Kliment Voroshilov và các lãnh đạo quân sự khác ở gần đó đã giải tán cuộc ẩu đả. Số phận Okhotnikov coi như đã được định đoạt. Nhưng vào năm 1927, Stalin chưa phải là chính trị gia đầy quyền uy như chính ông ấy vào thập niên 1930. Các học viên quân sự trong vụ lộn xộn này nhận được sự ủng hộ của Hiệu trưởng Học viện Quân sự Frunze Roberts Eidemanis, tư lệnh quân sự Iona Yakir, và Tham mưu trưởng Hồng quân Mikhail Tukhachevsky. Do vậy, Stalin phải lùi bước. Vị thế của ông lúc đó chưa chắc chắn để ông có thể công khai đối đấu với khối chỉ huy quân sự.
Tại thời điểm đó Okhotnikov không đối diện với bất cứ sự kỷ luật nào. Sau khi tốt nghiệp học viện quân sự, anh ta còn đứng đầu Viện Thiết kế Máy bay GiproAviaProm.
Mãi đến năm 1932, Okhotnikov mới bị kết tội tham gia hoạt động phản cách mạng trong cái gọi là “vụ Smirnov” và bị khai trừ khỏi đảng. Nhưng khi đó anh ta vẫn không bị tử hình. Bị đẩy tới Magadan ở vùng Viễn Đông nước Nga, anh còn đứng đầu một xưởng ô tô địa phương.
Nhưng rồi đến thời kỳ Đại Thanh trừng, Okhotnikov trở thành một trong các đối tượng đầu tiên. Okhotnikov bị bắt ở Magadan vào tháng 8/1936, rồi bị đưa về Moscow và bị hành quyết vào ngày 8/3/1937 với tội danh “tổ chức hoạt động ám sát Stalin và Voroshilov”. Và đến ngày 12/6, đến lượt những người ủng hộ anh này, là Eidemanis, Yakir, và Tukhachevsky, bị hành quyết với tội danh gián điệp và phản quốc.
Hiện giới sử học vẫn chưa xác định được liệu Yakov Okhotnikov có bị xử bắn theo yêu cầu cá nhân của Joseph Stalin hay không./.
Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch
Nguồn: Russia Beyond
Nguyên soái vĩ đại nhất Liên Xô cuối đời gặp trắc trở như thế nào?
Hồng quân Liên Xô đánh bại phát xít Đức, tiến vào Berlin có công lớn của Georgy Zhukov, nhưng giai đoạn sau chiến tranh, cuộc đời nguyên soái vĩ đại nhất Liên Xô gặp nhiều trắc trở.
Zhukov sau chiến tranh là anh hùng Liên Xô khi đánh bại phát xít Đức.
Theo RBTH, khi Georgy Zhukov, nguyên soái vĩ đại nhất Liên Xô, anh hùng trong Thế chiến 2, qua đời năm 1974, không nhiều người nhắc đến tên ông. Zhukov khi đã trải qua 15 năm cuối đời sống thầm lặng, không được chú ý đến.
Nhà thơ Joseph Brodsky khi đó viết bài thơ mang tên: "Cái chết của Zhukov". Trong thơ, Brodsky nhắc đến Zhukov là người "tiến vào thủ đô nước ngoài nhưng khi trở về phải đối mặt với nỗi sợ riêng".
Nỗi sợ mà Brodsky nhắc đến không phải là sự sợ hãi đơn thuần vì Zhukov là người dày dạn kinh nghiệm trận mạc, từng đánh thắng quân Nhật, đánh bại phát xít Đức. Nguyên soái Liên Xô không hề sợ bất cứ đối thủ nào trên chiến trường.
Với tư cách là một tướng lĩnh quân sự, chiến tranh kết thúc cũng đồng nghĩa rằng Zhukov không còn đóng vai trò lớn trong quân ngũ và có thể bị miễn nhiệm bất cứ lúc nào.
Bị giáng chức
Năm 1946, Zhukov được chỉ định làm tư lệnh quân Liên Xô ở vùng chiếm đóng tại Đức và là tổng tư lệnh lục quân Liên Xô. Tương lai xán lạn dường như mở ra phía trước với Zhukov.
Nhưng mọi thứ thay đổi 180 độ ngay trong năm đó khi Zhukov bị lãnh tụ Liên Xô Stalin giáng chức, điều đến thành phố hẻo lánh ở Odessa, làm chỉ huy địa phương.
Lý do mà Stalin đưa ra là "Zhukov có ý định mưu phản". Zhukov không có thắc mắc gì nhiều mà chấp nhận sự chỉ định của Stalin.
Zhukov và các tướng lĩnh Liên Xô dạo bước trên đường phố Berlin.
Giai đoạn năm 1946-1948, Zhukov sống ở Odessa, làm đúng phận sự của mình, chống lại tội phạm ở đây, không hề có dấu hiệu bất tuân lệnh.
Năm 1947, chính quyền địa phương thông báo mạng lưới tội phạm hình thành sau chiến tranh đã bị dập tắt. Có tin đồn rằng Zhukov với tư duy từ thời chiến, đã ra lệnh bắn chết tội phạm ngay tại chỗ mà không cần qua xét xử.
Tuy vậy, đây chỉ là lời đồn đại, thể hiện thái độ trái ngược của người dân Liên Xô với Zhukov.
Năm 1948, lãnh tụ Stalin chỉ định Zhukov làm tư lệnh quân khu ở Sverdlovsk, cách Moscow khoảng 1.700km. Cũng năm đó, Zhukov bị cáo buộc cướp bóc của cải ở Berlin và phải thừa nhận. "Tôi lẽ ra không nên đem mấy thứ vô dụng về cất trong kho, vì có ai cần đến những thứ đó đâu".
Zhukov an phận ở Sverdlovsk cho đến năm 1953, khi lãnh tụ Stalin qua đời.
Khôi phục quyền lực
Vài tháng trước khi qua đời, lãnh tụ Stalin đã yêu cầu Zhukov trở về Moscow. Zhukov nhận ra Stalin cần kinh nghiệm chiến đấu của mình để đương đầu với phương Tây trong Chiến tranh Lạnh.
Zhukov được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Quốc phòng và đóng vai trò quan trọng trong chính trị Liên Xô. Zhukov là người bắt giữ Lavrenty Beria, phó thủ tướng thứ nhất của Liên Xô khi đó và là người có liên hệ mật thiết với lực lượng cảnh sát mật.
Stalin từng rất tín nhiệm Zhukov.
Zhukov khi đó ủng hộ phe của lãnh đạo Liên Xô tương lai, Nikita Khrushchev và Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Georgy Malenkov. Kể về lần đích thân bắt giữ Beria, Zhukov nói: "Tôi tiến lại gần từ phía sau, yêu cầu ông ta giơ tay đầu hàng". Beria sau này bị xét xử bí mật, bị tuyên tử hình vì tội phản quốc.
Trong giai đoạn Khrushchev làm Bí thư thứ nhất của đảng Cộng sản Liên Xô, Zhukov giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Zhukov đã lật lại nhiều vụ án các tướng lĩnh bị xét xử oan trong giai đoạn những năm 1930, đưa những người chịu trách nhiệm ra ánh sáng.
Nhà sử học Leonid Maximenkov tin rằng, đây được coi là nguyên nhân khiến mối quan hệ Khrushchev- Zhukov rạn nứt, buộc nguyên soái Liên Xô phải nghỉ hưu. Năm 1957, Zhukov bị thất sủng và phải từ bỏ mọi chức vụ.
Sau khi về hưu, Zhukov sống một cuộc đời bình dị, tránh xa khỏi chính trị. Nhiều bạn bè và cả quan chức Liên Xô đến thăm Zhukov, đi săn bắn cùng ông.
Zhukov khi về già.
Tháng 9.1959, trong khi thăm Mỹ, lãnh đạo Liên Xô , Khrushchev nói với Tổng thống Mỹ Eisenhower rằng "Zhukov thích câu cá". Đáp lời, Eisenhower gửi tặng Zhukov một bộ cần câu.
Zhukov trân trọng món quà này đến mức chỉ dùng cần câu mà Tổng thống Mỹ tặng suốt phần đời còn lại.
Năm 1964, Leonid Brezhnev trở thành Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô và chính ông là người khôi phục hình ảnh của Zhukov, dù không khôi phục quyền lực cho nguyên soái Liên Xô.
Những năm cuối đời, Zhukov chỉ tập trung viết hồi ký, thỉnh thoảng trả lời phỏng vấn, đa phần là về ký ức thời chiến. Ngày 18.6.1974, Zhukov bị đột quỵ và qua đời trong yên bình.
Năm 1995, một bức tượng Zhukov đã được dựng lên trước Bảo tàng Lịch sử Nhà nước Nga, mô tả ông ngồi trên lưng ngựa.
Theo Danviet
Liên Xô đã tìm cách sáp nhập Iran như thế nào? Nhiều người tin rằng, nỗ lực sáp nhập miền Bắc Iran của lãnh đạo Liên Xô Stalin đã kích động Chiến tranh Lạnh. Nỗ lực sáp nhập miền Bắc Iran của lãnh đạo Liên Xô Stalin được cho là đã kích động Chiến tranh Lạnh. Ảnh: Getty Iran hiện đại là một quốc gia đa sắc tộc. Hai cộng đồng thiểu số lớn...