‘Bí mật hầm mộ’: Cái kết cần thiết cho ‘Đêm ở viện bảo tàng’
Không còn tạo ra được sự bất ngờ, “Secret of the Tomb” là hồi kết cần thiết cho loạt phim đình đám “Night at the Museum” trong dịp Noel năm nay.
Ra mắt khán giả vào tháng 12/2006, Night at the Museum bất ngờ trở thành một thương vụ thành công ngoài sức tưởng tượng đối với hãng phim 20th Century Fox khi mang về hơn 574 triệu USD so với chi phí sản xuất là 110 triệu USD. Có lẽ ý tưởng độc đáo của bộ phim đã cuốn hút và lôi kéo nhiều người tới rạp.
Hành trình của Night at the Museum khép lại sau 8 năm với Secret of the Tomb.
Câu chuyện kể về Larry, người đàn ông không kiếm được một công việc ổn định vì muốn gây ấn tượng với con trai nên buộc phải đi làm nhân viên bảo vệ ở viện bảo tàng quốc gia. Tại đây, anh phát hiện ra rằng cứ mỗi khi màn đêm buông xuống, những hiện vật lại sống dậy, có tư duy đúng y hệt như những gì được miêu tả trong lịch sử và bắt đầu quậy phá. Tưởng rằng đây là một cơn ác mộng nhưng cuộc đời Larry cũng thay đổi từ đó.
Ba năm sau đó, phần tiếp theo mang tên Night at the Museum: Battle of the Smithsonian tiếp tục được thực hiện. Doanh thu phim thụt lùi đáng kể (413 triệu USD so với 150 triệu USD tiền đầu tư) cho thấy hứng thú từ phía khán giả dường như đã giảm xuống. Vậy nên, phải mất tới tận 5 năm trời, Fox mới tiếp tục đem đến phần ba, cũng là hồi kết cho loạt phim mang tựa đề Night at the Museum: Secret of the Tomb.
Secret of the Tomb có cốt truyện đơn giản, hài hước dễ dãi do nhắm đến đối tượng gia đình, đặc biệt là trẻ em.
Dù có tựa đề nghe bí ẩn nhưng cốt truyện của bộ phim khá đơn giản. Trong một cuộc trình diễn quan trọng của Larry tại bảo tàng, sự cố xảy ra khi toàn bộ những hình nhân và hiện vật bất ngờ có những hành động vô cùng khác thường, điều chưa từng xuất hiện trong những đêm trước đó. Larry và nhóm bạn phát hiện ra rằng tấm bảng vàng Ai Cập vốn là nguồn phép thuật mang lại sức sống cho họ đang bị hao mòn và mất dần sức mạnh. Nếu điều này tiếp diễn, họ sẽ một lần nữa trở thành những hiện vật vô tri giác. Larry quyết định bay tới viện bảo tàng Anh Quốc, nơi duy nhất có những manh mối dẫn tới tấm bảng để giải cứu nhóm bạn yêu quý của anh.
Video đang HOT
Hành trình giải quyết vấn đề của các nhân vật mà bộ phim đem tới cho khán giả khá đơn giản. Nếu so với phần phim đầu tiên, có thể coi khung cốt truyện chính của bộ phim gần như lặp lại hoàn toàn. Khán giả thêm một lần nữa đối mặt với những hiện vật bỗng nhiên sống dậy lần đầu, nhưng thay vì viện bảo tàng tự nhiên quốc gia Mỹ thì lại là viện bảo tàng Anh quốc.
Các tình tiết hài hước của phim cũng không còn gì quá mới mẻ, có thể khiến khán giả lập tức cười vui nhưng mau chóng phai nhạt. Dẫu vậy, sự có mặt của những gương mặt mới cũng giúp khắc phục điều này đáng kể, chẳng hạn như hiệp sĩ bàn tròn Lancelot (Dan Stevens), cộng thêm hai vai cameo đắt giá của Hugh Jackman và Alice Eve. Một điều đáng tiếc khác là ngoại trừ Larry, các nhân vật bảo tàng cũ dù vẫn xuất hiện nhưng lại có ít đất diễn, chỉ góp mặt cho đông đủ.
Trailer bộ phim ‘Đêm ở viện bảo tàng: Bí mật hầm mộ’
Night at the Museum: Secret of the Tomb là tác phẩm hướng tới đối tượng gia đình, đặc biệt là trẻ em nên khán giả khó tính không thể đòi hỏi nhiều ở bộ phim. Tuy nhiên, đoạn kết với lời chia tay đến từ nhân vật Teddy Roosevelt tương đối cảm động. Phần nhiều cũng bởi người thủ vai này chính là danh hài Robin Williams, người đã bước sang thế giới bên kia hồi tháng 8/2014.
Zing.vn đánh giá: 3/5
Night at the Museum: Secret of the Tomb (tựa Việt: Đêm ở viện bảo tàng: Bí mật hầm mộ) khởi chiếu trên toàn quốc từ 19/12.
Theo Zing
8 màn lột xác đáng nhớ của các diễn viên hài lừng danh
Dù thành danh qua các tác phẩm hài hước nhưng Robin Williams, Jim Carrey, Adam Sandler... cũng từng có những vai diễn bi hoặc tâm lý chinh phục hoàn toàn người xem.
Robin Williams trong Dead Poets Society (1989):Danh hài quá cố từng nhận được đề cử Oscar và Quả cầu vàng cho vai diễn người thầy giáo John Keating trong bộ phim kinh điển ra đời năm 1989 này. Dead Poets Society không những được giới phê bình ngợi khen mà còn đạt thành tích ấn tượng tại các phòng vé khi thu về tổng cộng 236 triệu USD.
Jim Carrey trong The Truman Show (1998): Sau thành công của những Dumb and Dumber, The Mask và Ace Ventura, nam diễn viên chuyên trị thể loại hài bất ngờ hóa thân thành Truman Burbank, người đàn ông bị biến thành đối tượng của một chương trình truyền hình thực tế từ khi mới lọt lòng trong bộ phim tâm lý The Truman Show. Đây chính là một trong những vai diễn xuất sắc và đáng nhớ nhất trong sự nghiệp lẫy lừng của Jim Carrey, mang về cho anh một giải thưởng Quả cầu vàng.
Ben Stiller trong Permanent Midnight (1998): Bộ phim ra mắt trong năm 1998 chứng kiến danh hài hóa thân thành nhà biên kịch Jerry Stahl lừng danh, người tiết lộ từng chi tới 6.000 USD mỗi tuần để thỏa mãn cơn nghiện ma túy của bản thân. Dù Permanent Midnight không được đánh giá cao về tổng thể nhưng báo chí lại đặc biệt ca ngợi màn diễn xuất của Ben Stiller, gọi đây là "bước đột phá" trong sự nghiệp của anh.
Bill Murray trong Lost in Translation (2003): Tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của nữ đạo diễn Sofia Coppola xoay quanh Bob Harris - một ngôi sao điện ảnh hết thời và mối quan hệ của ông với một phụ nữ trẻ do Scarlett Johansson thủ vai. Vai diễn Bob Harris của Bill Murray đem về cho ông đề cử tại Oscar và chiến thắng ở BAFTA cùng Quả cầu vàng. Bản thân Lost in Translation cũng giành được thành công không tưởng, khi thu về hơn 100 triệu USD doanh thu so với mức chi phí sản xuất chỉ vỏn vẹn 4 triệu USD .
Eddie Murphy trong Dreamgirls (2006): Nhờ vai diễn trong bộ phim ca vũ nhạc bom tấn này mà Eddie Murphy nhận được một đề cử Oscar tại hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất. Bộ phim Dreamgirls được dựa trên một vở nhạc kịch nổi tiếng tại Broadway, kể lại chuyện thăng trầm của một ban nhạc nữ lừng danh hồi thập niên 1960. Trong phim, Eddie Murphy hóa thân thành một ngôi sao nhạc R&B nghiện ngập có tên James "Thunder" Murphy.
Adam Sandler trong Reign Over Me (2007): Xen kẽ nhiều bộ phim hài bị giới phê bình ghẻ lạnh trong mấy năm qua, danh hài Adam Sandler bất ngờ xuất hiện trong tác phẩm tâm lý Reign Over Me, khi anh hóa thân thành một người mất đi gia đình sau vụ khủng bố 11/9. Dù bộ phim chỉ thu về 22 triệu USD nhưng cá nhân Adam Sandler lại đặc biệt được khen ngợi với màn trình diễn trong phim, chứng minh thấy anh hoàn toàn có thể đảm nhận những vai diễn nghiêm túc hơn nếu muốn.
Steve Carell trong Foxcatcher (2014): Khi Foxcatcher trình làng khán giả tại LHP Cannes 2014, danh hài Steve Carell lập tức trở thành tâm điểm của khen ngợi khi ông hóa thân thành nhà tỷ phú John du Pont trong tác phẩm điện ảnh kể lại câu chuyện bi kịch về hai anh em đô vật nhà Schultz nổi tiếng. Hiện ông chính là một trong những ứng viên hàng đầu cho hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Oscar 2015 nhờ màn lột xác đầy ngoạn mục và ấn tượng này.
Tyler Perry trong Gone Girl (2014): Dù không thủ vai chính trong bộ phim tâm lý hình sự ăn khách này, nhưng Tyler Perry vẫn gây ấn tượng và khiến khán giả hết sức ngạc nhiên khi anh thủ vai vị luật sư Tanner Bolt, người đứng sau từng đường đi nước bước trong "cuộc chiến truyền thông" của nhân vật Nick Dunne trong phim. Gỡ bỏ hoàn toàn hình ảnh hài hước có phần rẻ tiền trong các phim Madea, nam diễn viên da màu chinh phục người xem qua từng lời thoại, cử chỉ mỗi khi Tanner Bolt xuất hiện trên màn ảnh.
Theo Zing
4 bộ phim sắp chiếu của danh hài vừa tự sát Robin Williams Trước khi qua đời vào ngày 11/8, tài tử 63 tuổi đã kịp hoàn thành tổng cộng bốn dự án phim sắp sửa được trình chiếu trong vòng 12 tháng tới. Là một gương mặt quen thuộc với trẻ nhỏ, Robin Williams sẽ trở lại với vai diễn Tổng thống tượng sáp Teddy Roosevelt trong bộ phim hài hước gia đình Night at...