Bí mật đằng sau thương vụ mua tàu sân bay Liêu Ninh
Cựu vận động viên bóng rổ Xu Zengping đã nhận nhiệm vụ bí mật từ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vào những năm 1990, tiến hành thương vụ với Ukraine, mua về chiếc tàu sân bay đầu tiên cho Trung Quốc, theo South China Morning Post (SCMP).
Xu Zengping (đứng giữa) – Ảnh: chụp màn hình SCMP
Xu Zengping là vận động viên bóng rổ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), sau đó trở thành doanh nhân người Hồng Kông trực tiếp thực hiện thương vụ mua chiếc tàu sân bay đầu tiên cho quân đội Trung Quốc vào năm 1998.
Tàu sân bay Liêu Ninh, ban đầu có tên Varyag do Liên Xô đóng cho lực lượng hải quân từ năm 1985. Varyag thuộc lớp tàu sân bay Kuznetsov. Sau này, khi Liên Xô tan rã, Chính phủ Ukraine muốn bán đi để trang trải tài chính.
Sự sụp đổ của Liên Xô kéo theo chuyện xưởng đóng tàu Nikolayev ở Biển Đen do Ukraine làm chủ sở hữu cũng phá sản và tài sản lớn nhất của xưởng này chính là chiếc tàu sân bay Varyag đã được hoàn thành 2/3 chặng đường.
Lúc này, một trong những khách hàng tiềm năng chính là Trung Quốc, vì hải quân nước này đã mong muốn sở hữu một chiếc tàu sân bay như vậy từ năm 1970, khi Chủ tịch Mao Trạch Đông tuyên bố chuẩn bị cho cuộc chiến lớn với Liên Xô hoặc Mỹ. Tại thời điểm đó, sự xuất hiện của tàu sân bay có thể là nhân tố quyết định cho 1 cuộc chiến tranh, theo SCMP.
Từ năm 1970, hải quân Trung Quốc đã thành lập 1 đoàn nghiên cứu về các khả năng và người đứng đầu đoàn đã đề xuất ý tưởng Trung Quốc tự mình xây dựng tàu sân bay. Tuy nhiên, Bắc Kinh tỏ ra cảnh giác với ý tưởng này vì lo ngại sự nghi ngờ của cộng đồng quốc tế về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, cũng như việc nước này không đủ khả năng để nghiên cứu và phát triển tàu như vậy, theo Southern Weekly.
Trước tình hình đó, ý tưởng mua tàu sân bay đã được xây dựng sẵn có vẻ khả thi hơn. Chính vì thế, ngay khi Ukraine rao bán tàu sân bay Varyag vào đầu năm 1992, hải quân Trung Quốc đã gửi ngay 1 phái đoàn sang Ukraine, theo SCMP.
Tướng Zheng Ming của hải quân Trung Quốc lúc bấy giờ là một thành viên của phái đoàn nói trên đã trả lời phỏng vấn trên truyền hình Shenzhen rằng chiếc tàu sân bay của Ukraine có vẻ là một món hời đáng giá. Và họ đã đề nghị với Chính phủ Trung Quốc về việc mua và đưa tàu này về nước. Tuy nhiên, theo ông Zheng, Chính phủ Trung Quốc đã không chấp nhận vì tình hình chính trị thời điểm đó.
Video đang HOT
Tàu sân bay Liêu Ninh – Ảnh: Reuters
Sau đó, với việc Liên Xô tan rã và sự kiện Thiên An Môn trong suy nghĩ của nước ngoài, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã theo đuổi đường lối ngoại giao thân thiện với Mỹ. Chính phủ Trung Quốc cũng bỏ qua luôn đề nghị về việc mua tàu sân bay trước đó. Mặc dù vậy, một bộ phận trong lực lượng hải quân nước này vẫn nuôi hy vọng về việc mua chiếc tàu sân bay của Ukraine, theo SCMP.
Bốn năm sau khi phái đoàn hải quân Trung Quốc sang Ukraine, chiếc tàu sân bay vẫn ở Biển Đen chờ bán. Lúc này, ông Xu đang là người đứng đầu Chinluck Holdings, một công ty tại Hồng Kông kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, văn hóa, giải trí. Ông Xu được các nhân vật trong hải quân Trung Quốc tiếp cận để nhờ mua chiếc tàu sân bay nói trên thay mặt cho Trung Quốc.
Những người này cũng cảnh báo ông về hai trở ngại lớn là lực lượng hải quân đang thiếu vốn và dự án tàu sân bay này không được Bắc Kinh ủng hộ. Lúc này, nếu ông Xu nhận lời, ông sẽ tham gia một “canh bạc” với chính sách của Chính phủ Trung Quốc.
“Tôi đã chọn tham gia thương vụ này. Tôi nhận ra đó là một nhiệm vụ không dễ dàng vì sẽ phải mua chiếc tàu sân bay với sự cam kết quốc gia, chứ không phải là một cá nhân hay công ty nào. Nhưng niềm đam mê đã thúc đẩy tôi nhận nhiệm vụ này vì đây là một cơ hội có một không hai cho Trung Quốc để mua một chiếc tàu sân bay từ một xưởng đóng tàu Ukraine gần như đã vỡ nợ”, SCMP dẫn lời ông Xu.
Lính hải quân Trung Quốc bên trong tàu sân bay – Ảnh: Reuters
Chấp nhận nhiệm vụ này, ông Xu đã thuê các kỹ sư hàng hải và các chuyên gia rồi lập nguyên một văn phòng ở thủ đô Kiev của Ukraine để đặt nền móng cho thương vụ mua tàu sân bay. Họ đã sớm nhận ra công ty đóng tàu của Kiev không muốn tàu sân bay này phục vụ mục đích quân sự, vì thế, những người của ông Xu ở Kiev đã nói với người Ukraine rằng họ muốn cải tạo chiếc tàu này thành khu khách sạn và sòng bạc lớn nhất thế giới.
Vào tháng 8.1997, ông Xu đã lập một “công ty ma” ở Macau, dành hơn 770.000 USD để tạo các tài liệu cần thiết cho sòng bạc. Đến tháng 1.1998, ông Xu đến Kiev để đàm phán với nhà máy đóng tàu và các quan chức Chính phủ Ukraine.
Điều đặc biệt trong thương vụ này là ông Xu cùng đại diện phía Ukraine đã uống rất nhiều rượu. Ông Xu nói rằng, ông vẫn còn tỉnh táo và đủ năng lượng để làm việc trong khi những người Ukraine đều say rượu.
Sau nhiều ngày uống rượu cùng nhau, công ty đóng tàu và Chính phủ Ukraine đã đồng ý bán tàu sân bay cho Xu với giá 20 triệu USD. Tuy vậy, giữa tháng 2.1998, phía Ukraine đột ngột thay đổi quyết định và đòi bán tàu sân bay thông qua cuộc đấu giá vì nhiều nước khác như Mỹ, Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều quan tâm đến chiếc tàu này. Cuối cùng, với quan hệ tốt đẹp với những người bạn Ukraine, ông Xu cũng thắng và mua được chiếc tàu sân bay vào ngày 19.3.1998, theo SCMP.
Câu chuyện về thương vụ tàu sân bay Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đã từng khiến nhiều người tò mò. Mãi đến năm 2011, Trung Quốc mới công khai việc hoàn thiện tàu.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Pháp e ngại "gián điệp kinh tế" Trung Quốc
Quyết định bán một phần sân bay Toulouse cho một công ty Trung Quốc đang làm dấy lên những lo ngại về "gián điệp kinh tế" tại Pháp.
Ngày 4/12, Bộ trưởng kinh tế Pháp Emmanuel Macron thông báo chính phủ Pháp đã chọn tập đoàn Trung Quốc Symbiose, đối tác của công ty Canada SNC-Lavallin, để bán lại 49,9% cổ phần tại sân bay Toulouse-Blagnac với số tiền trị giá khoảng 308 triệu euro.
Một chiếc Airbus A350 tại sân bay Toulouse-Blagnac (ảnh: AFP)
Trên báo chí, Bộ trưởng Macron bảo vệ quyết định của chính phủ khi cho rằng: "Đây không phải là một hành động tư nhân hóa. Chính phủ Pháp vẫn giữ 50,01% cổ phần. Chúng tôi không bán sân bay, đường băng hay bất cứ thiết bị nào khác, chúng vẫn thuộc sở hữu của nhà nước Pháp". Tuy nhiên, những chỉ trích lại đến từ phía khác khi nhiều người cho rằng thương vụ này có thể tạo ra những rủi ro về an ninh kinh tế đối với nước Pháp.
Karine Berger, Bí thư toàn quốc phụ trách kinh tế của đảng Xã hội cầm quyền, đánh giá rằng "rất khó chấp nhận" ý tưởng rằng việc quản lý một cơ sở chiến lược quan trọng như sân bay Toulouse-Blagnac lại không nằm trong tay một tập đoàn châu Âu.
Thị trưởng thành phố Blagnac, nằm ở ngoại ô Toulouse, nơi đặt sân bay, Bernard Keller đánh giá "quyết định của chính phủ là điều đáng tiếc bởi việc bán này không phải là tình huống bắt buộc" đồng thời chỉ trích quy trình bán cổ phần "đã cản trở các nhà đầu tư địa phương tiếp cận thương vụ".
Jean-Louis Chauzy, Chủ tịch của Hội đồng kinh tế, xã hội và môi trường (CESER) của vùng Midi-Pyrénées thì chỉ trích rằng "không thể chấp nhận rằng một cơ sở chiến lược và mang lại lợi nhuận như sân bay Toulouse-Blagnac lại nằm trong tay một tập đoàn Trung Quốc".
Lập luận của ông Chauzy cũng là lí lẽ được những người phản đối thương vụ này sử dụng nhiều bởi lẽ đường băng của sân bay Toulouse-Blagnac nằm ngay sát các cơ sở của Airbus và ATR, hai tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu của Pháp, trong đó Airbus được xem như là tập đoàn chiến lược của công nghệ hàng không Pháp.
Các ý kiến chỉ trích cho rằng một khi sân bay Toulouse-Blagnac nằm trong tay người Trung Quốc, an ninh kinh tế có thể bị ảnh hưởng khi phía tập đoàn Trung Quốc có thể lắp đặt các thiết bị gián điệp công nghiệp.
Trong nhiều năm qua, những e ngại về gián điệp kinh tế từ phía Trung Quốc đang gia tăng tại Pháp. Ngay trong tuần này, tờ Nouvel Observateur đăng một bài báo viết về một cơ sở của Trung Quốc nằm ở ngay ngoại ô Paris có lắp đặt các chảo parabol có thể dùng cho việc nghe trộm điện thoại và liên lạc tại Pháp và từ các nước khác đến Pháp. Tờ báo này tiết lộ phía an ninh Pháp đã bí mật theo dõi cơ sở này từ nhiều năm qua.
Năm 2012, Thượng viện Pháp cũng đã công bố một báo cáo về an ninh mạng, trong đó đề xuất cấm sử dụng các thiết bị viễn thông của 2 công ty lớn của Trung Quốc là Huawei và ZTE do lo ngại vấn đề gián điệp. Tại nhiều nước khác ở phương Tây, đây cũng là một trong những chủ đề gây nhiều tranh luận trong bối cảnh các hoạt động kinh tế của Trung Quốc ngày càng mở rộng tại lục địa này.
Tuy nhiên, những người ủng hộ việc bán một phần sân bay Toulouse-Blagnac lập luận rằng đây đơn thuần chỉ là một thương vụ mở rộng vốn đầu tư. Các nhà đầu tư Trung Quốc muốn biến sân bay Toulouse thành một điểm trung chuyển ở miền Nam nước Pháp để thu hút các khách du lịch và nhà đầu tư Trung Quốc đến với miền Tây Nam Pháp, nơi có sự năng động kinh tế và nhiều điểm du lịch nổi tiếng.
Quan trọng nhất, theo lập luận của chính phủ Pháp, đó là sân bay Toulouse-Blagnac vẫn nằm trong tay người Pháp và trong trường hợp bất đồng giữa các cổ đông, phía Pháp vẫn có quyền quyết định.
Một khía cạnh chính trị khác cũng được đề cập là việc Pháp đang đàm phán bán hàng trăm máy bay Airbus cho phía Trung Quốc và việc đẩy nhanh thương vụ này sẽ tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán./.
Theo Thùy Vân/VOV- Paris
Dư luận Mỹ "nóng" vì Trung Quốc thâu tóm khách sạn Waldorf Astoria Thông báo của tập đoàn Hilton Worldwide Holdings bán khách sạn sang trọng danh tiếng Waldorf Astoria 121 tuổi ở thành phố New York cho một công ty bảo hiểm của Trung Quốc với giá gần 2 tỷ USD tiếp tục được dư luận Mỹ phân tích và mổ xẻ về nhiều khía cạnh, nhất là về an ninh. Khách sạn sang trọng...