Bí mật 16 tấn vàng trong ngày giải phóng
16 tấn vàng dự trữ của chế độ cũ cũng được bảo quản nguyên vẹn. Việc tiếp quản các ngân hàng với tiền, vàng còn nguyên vẹn là một chuyện ngoạn mục.
Đầu tháng 3/1975, ông Lữ Minh Châu, khi đó là Phó Ban Tài chính đặc biệt của Trung ương Cục, trong vỏ bọc là cán bộ một ngân hàng ngụy quyền Sài Gòn, được gọi ra căn cứ, ông Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục giao nhiệm vụ: nắm chắc hệ thống ngân hàng của miền Nam, đặc biệt là ngân hàng quốc gia, bộ máy phát hành tiền, kho tiền và kim khí quý… để đón quân giải phóng vào chốt giữ.
Trở vào Sài Gòn, Ban Tài chính đặc biệt ráo riết thực hiện nhiệm vụ được giao, chiến thắng càng đến gần, mọi công việc càng gấp gáp, chiều 30/4/1975, tại ngã tư Bảy Hiền, ông Lữ Minh Châu đón đoàn cán bộ tài chính của Ủy ban quân quản, phần lớn gồm các đồng chí thuộc Ban Kinh tài của Trung ương Cục do đồng chí Hai Xô làm trưởng ban vào tiếp nhận hệ thống Ngân hàng quốc gia của chính quyền Việt Nam cộng hòa và một số đơn vị quân giải phóng vào làm nhiệm vụ bảo vệ.
Do đã chủ động chuẩn bị trước, nên mọi việc được khá suôn sẻ. Toàn bộ tiền và vàng dự trữ trong ngân hàng được tiếp quản nguyên vẹn cùng với đầy đủ hồ sơ sổ sách. Theo thống kê, thời điểm đó có 615 tỷ đồng tiền mặt lưu thông, 440 tỉ còn lại nằm trong tài khoản tiền gửi.
Ông Lữ Minh Châu
Trong kho dự trữ còn có 125 tỉ tiền in theo kiểu mới chưa phát hành, số này được lệnh phải thiêu hủy, vì đó là giấy bạc mà chính quyền Sài Gòn chuẩn bị để đổi tiền nhưng chưa kịp thực hiện.
Cùng với đó 16 tấn vàng dự trữ của chế độ cũ cũng được bảo quản nguyên vẹn. Việc tiếp quản các ngân hàng với tiền, vàng còn nguyên vẹn là một chuyện ngoạn mục.
Đêm 30/4, Ban Quân quản các ngân hàng ra lời kêu gọi tất cả các quan chức, nhân viên các ngân hàng đúng 8h ngày 1/5 có mặt tại 17 Bến Chương Dương, trụ sở Ngân hàng quốc gia của chính quyền cũ. Tại đây, thay mặt Ủy ban quân quản, ông Lữ Minh Châu công bố lệnh tiếp quản và lệnh cho các ngân hàng ngưng hoạt động.
Đồng thời công bố chính sách của cách mạng sẽ tiếp quản toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ trong quan hệ đối nội, đối ngoại của các ngân hàng của chế độ cũ. Trong đó bao gồm cả việc xác nhận nợ, tiếp quản các kho thế chấp, trả lại tiền gửi cho nhân dân và các tổ chức trong ngoài nước. Lúc đó Thống đốc Ngân hàng quốc gia Lê Quang Uyển và một số phó thống đốc, các giám đốc ngân hàng thương mại khu vực Sài Gòn – Gia Định cũng có mặt. Những người có liên quan trực tiếp đến việc quản lý, bảo vệ tài sản được giữ lại làm việc, anh chị em khác về nhà chờ, khi cần sẽ gọi.
Sau khi tiếp quản, tài sản thuộc Ngân hàng Trung ương được bàn giao toàn bộ cho Ngân hàng Trung ương của Chính phủ Cách mạng lâm thời, do ông Trần Dương làm Thống đốc. Ông Lữ Minh Châu được chính thức bổ nhiệm trưởng ban tiếp quản hệ thống ngân hàng thương mại khu vực Sài Gòn – Gia Định và Trưởng ban thành lập ngân hàng thành phố Sài Gòn (Sau này là ngân hàng Công thương thành phố).
Trụ sở ngân hàng quốc gia của chính quyền Sài Gòn
Dưới sự chỉ huy của ông Lữ Minh Châu, việc kêu gọi nhân viên ngân hàng chế độ cũ quay lại làm việc cũng như việc kiểm kê đối chiếu sổ sách được tiến hành nhanh chóng. Nhờ đó mà đến ngày 9/5/1975, các ngân hàng đã hoạt động trở lại. Cùng với đó, ông đã tham gia thành lập ngân hàng mới của Chính phủ Cách mạng lâm thời để thực hiện quyền phát hành, quản lý chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng miền Nam vừa giải phóng, tiến tới ngân hàng thống nhất đất nước.
Ngày 6/6/1975, năm tuần sau ngày giải phóng, Chính phủ Lâm thời cách mạng Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã ra Nghị định 04/ PCT – 75 về thành lập Ngân Hàng quốc gia. Việc giữ nguyên tên gọi cũ đã giữ được “chân đứng” cho chúng ta tại các tổ chức tài chính quốc tế , vì “Ngân hàng quốc gia Việt Nam” của chính quyền Sài Gòn là thành viên sáng lập Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và là thành viên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như của Ngân hàng thế giới (WB), giúp ta kế thừa được quan hệ tín dụng quốc tế của ngân hàng cũ. Lúc này tiền gửi của chế độ Việt Nam Cộng hòa ở nước ngoài vẫn còn hơn 100 triệu USD. Lịch sử đã chứng minh tính linh hoạt và đúng đắn của sự kiện này.
Video đang HOT
Ông Văn Văn Sáu – trước 30/4/1975, là Giám đốc Nha Tín dụng cho biết: Ngày 1/5/1975, chúng tôi được triệu tập họp hội nghị quán triệt “Chính sách 10 điểm” của Chính phủ cách mạng lâm thời. Tôi ngạc nhiên thấy có đồng nghiệp cũ, nhưng giờ lại là cán bộ Ban Quân quản ngân hàng trong vị trí hướng dẫn chúng tôi học tập chính trị. Sau này mới biết đó là những cán bộ cách mạng hoạt động bí mật nội đô. Rồi theo chủ trương, Ngân hàng Sài Gòn – Gia Định cũng hoạt động trở lại. Dạo ấy, tôi không cắt nghĩa được vì sao lại thấy mình cứ ngày một vui hơn mỗi khi đến công sở làm việc. Mãi sau này tôi mới biết chính bởi mình bị cuốn hút vào cái hào khí đất nước được giải phóng, Tổ quốc thống nhất. Thì ra đó là tình cảm dân tộc vốn vẫn chảy trong máu người dân Việt như tôi. Trong chuyên môn, cán bộ cũ và mới đều dễ tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau. Nhờ đó công việc của tôi ngày một tiến bộ lên. Khi đất nước bước vào đổi mới, tôi và nhiều chuyên gia ngân hàng cũ đã được mời tham gia soạn thảo đề án đổi mới ngân hàng. Riêng tôi được phân công vào Ban soạn thảo Đề án Thành lập Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Năm 1991 tôi trở thành Ủy viên HĐQT Agribank, kiêm Giám đốc Sở II Agribank tại TP Hồ Chí Minh. Ít lâu sau đó, vẫn trong cương vị Ủy viên HĐQT Agribank, tôi được giao nhiệm vụ Phó giám đốc Ngân hàng Liên doanh VinaSiam, cho đến năm 2001 thì được nghỉ hưu.
Theo Minh Thư
VietnamNet
30.4: Diễu binh, diễu hành mừng thống nhất đất nước
6 giờ 30 phút sáng nay 30.4, tại TP.HCM diễn ra lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành mừng 40 năm thống nhất đất nước trong sự bảo vệ an ninh rất nghiêm ngặt ở khu vực trung tâm của TP.HCM.
Đúng 9 giờ: Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành tại trung tâm TP.HCM mừng 40 năm thống nhất đất nước chính thức kết thúc.
8 giờ 50: Lễ diễu binh kết thúc.
8 giờ: Lễ diễu binh, diễu hành mừng thống nhất đất nước chính thức diễn ra dưới sự điều hành của trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.
Hình ảnh diễu binh trên đường Lê Duẩn sáng nay - Ảnh: Đ.Lập
7 giờ 50: Bạn Nguyễn Đào Phương Thúy, sinh viên năm 4 ,Trường ĐH Luật TP.HCM đại diện cho thế hệ trể VN phát biểu.
7 giờ 40: Trung tướng Nguyễn Văn Thái, Nguyên Phó Chính ủy Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, đại diện cho Cựu Chiến binh VN phát biểu.
7 giờ 15: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đọc diễn văn lễ mít tinh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đọc diễn văn lễ mít tinh kỷ niệm - Ảnh: Độc Lập
Đến dự Lễ mít tinh có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Nguyên Tổng bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Nguyên Chủ tịch nước: Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết; Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch UB MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải...
Đến tham dự lễ mít tinh có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (từ trái sang)
Lễ mít tinh còn chào đón sự có mặt của các đại biểu Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; đại diện các đoàn khách quốc tế cấp cao, các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng LLVT nhân dân, cùng nhiều đại biểu đại diện Các Bộ, Ban, ngành T.Ư, các tỉnh thành, các lực lượng ban, ngành, đoàn thể TP.HCM và người dân TP.HCM.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (giữa) cùng Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu (phải) và Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương (trái)
Tiết mục văn nghệ tại lễ mít tinh
6 giờ 30: Buổi lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành mừng thống nhất đất nước chính thức diễn ra tại trung tâm TP.HCM. Thứ trưởng bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì và điều hành chương trình.
Chiều 29.4, thông tin từ Ban tổ chức cấp quốc gia kỷ niệm các ngày lễ lớn cho biết lễ kỷ niệm được tổ chức dưới danh nghĩa do Ban Chấp hành T.Ư, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ VN và TP.HCM tổ chức tại khu vực trước Hội trường Thống Nhất (đường Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM).
Trẻ em đi khám bệnh ở BV Nhi Đồng 2 được lực lượng chức năng đưa vào - Ảnh: Đ.Lập
Chương trình lễ kỷ niệm bắt đầu truyền hình trực tiếp từ lúc 6 giờ 30 ngày 30.4 (Đài truyền hình TP.HCM, Đài truyền hình VN và các đài phát thanh - truyền hình địa phương trên cả nước tiếp sóng).
Đường phố khu trung tâm TP.HCM vắng vẻ sáng nay - Ảnh: Đ.Lập
Một điểm nhấn đặc biệt là hoạt động diễu binh, diễu hành (dự kiến bắt đầu từ 7 giờ, kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ) với 45 khối tiến qua lễ đài ở khu vực giao lộ Lê Duẩn - Pasteur theo hướng từ Thảo Cầm Viên đến Hội trường Thống Nhất.
Khởi đầu diễu binh, diễu hành là khối xe mô hình Quốc huy, cùng 54 đôi nam nữ thanh niên trong trang phục các dân tộc VN - biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững bền. Kết thúc là khối nghệ thuật với hơn 100 vận động viên thể thao, văn nghệ sĩ của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, truyền thống dân tộc, nghệ thuật ca múa nhạc đương đại.
Buổi lễ có quy mô lên đến 6.000 người thuộc các lực lượng: quân đội, công an, nhân dân, sinh viên, học sinh và các đoàn thể...
Các lực lượng hậu cần được chuẩn bị tốt nhất cho lễ kỷ niệm - Ảnh: T.Hiếu
Các nơi cấp cứu khi cũng được lập chốt sẵn sàng - Ảnh: T.Hiếu
Phần diễu binh gồm có 38 khối, mỗi khối gồm 100 người thuộc các lực lượng vũ trang với các khí tài hiện đại với sự tham dự của khối nghi trượng, các khối diễu binh (các khối đi tay không, các khối đi có súng, có khí tài) và các khối diễu hành quần chúng.
Hình ảnh trong buổi diễn tập duyệt binh - Ảnh: D.Đ.M
Dẫn đầu đoàn diễu binh là xe biểu tượng quốc huy. Theo sau là khối đại diện cho 54 dân tộc, nối tiếp khối hồng kỳ và đoàn thiếu nhi trên tay cầm hoa sen cùng xe diễu hành mang ảnh Bác.
Tiếp theo, lần lượt các khối tiến qua lễ đài vào phía trước hội trường Thống nhất, sau đó vòng về đường Nam Kỳ Khời Nghĩa, đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Sở GTVT cho biết hôm nay 30.4 cấm phương tiện lưu thông vào khu vực diễn ra lễ kỷ niệm. Thời gian cấm từ 4 đến 12 giờ. Khu vực cấm giới hạn bởi các tuyến đường vành đai: Cách Mạng Tháng 8 - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Lê Lai - Phạm Hồng Thái - Cách Mạng Tháng 8.
Riêng khu vực giao lộ Lê Duẩn - Pasteur dự kiến sẽ cho phương tiện lưu thông trở lại bình thường vào ngày 5.5. Những trường hợp đi cấp cứu tại cơ sở y tế trong khu vực cấm có thể liên hệ với lực lượng chức năng tại chốt trực trên các tuyến đường vành đai để được hỗ trợ kịp thời.
Từ 20 giờ đến 22 giờ 30 ngày 30.4, TP cũng cấm tất cả các loại phương tiện lưu thông vào khu vực giới hạn bởi các tuyến đường vành đai: Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng - Đồng Khởi - Lê Lợi - Phó Đức Chính - Võ Văn Kiệt để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tránh xảy ra ùn tắc tại khu vực tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt và bắn pháo hoa nghệ thuật tại khu vực tòa nhà Bitexco Financial Tower (đường Hải Triều, Q.1).
Theo Thanhnien
Tiếp quản giáo dục - Những kỷ niệm khó phai GD&TĐ - Báo Giáo dục và Thời đại xin trân trọng giới thiệu hồi ức của thầy Nguyễn Kiên Cường - Nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre về những kỷ niệm khó quên trong tiếp quản và những năm tháng làm công tác giáo dục ở Mỏ Cày. Cùng với các tỉnh thành miền Nam tiếp quản cơ sở giáo dục của...