Bị lừa với thu phí tải nhạc?
Một bộ phận khán giả yêu nhạc đã thử mua và tải các bản nhạc về thưởng thức. Tuy nhiên, họ “ nóng mắt” khi phát hiện ra tiêu chuẩn âm thanh chỉ bằng 1/3 chất lượng quảng cáo (thực tế file nhạc chỉ có 128Kbps chứ không phải 320Kbps).
Những ngày qua, việc kinh doanh nhạc số trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn trực tuyến. Vấn đề nổi cộm nhất là nhạc đã bán nhưng chất lượng lại chưa tương xứng với quảng cáo. Trước rất nhiều thắc mắc, VietNamNet đã liên hệ với ông Tạ Anh Quân, Trưởng dự án âm nhạc Công ty cổ phần MVcorp, đối tác duy nhất đại diện cho RIAV trong việc quản lý tác quyền trên lĩnh vực internet và điện thoại di động.
Một số trường hợp sẽ hoàn tiền cho khách hàng
It ngày sau khi việc thu phí tải nhạc đi vào hoạt động, một số ý kiến nêu ra những bất cập như file nhạc bán ra chưa đạt chất lượng. MVcorp đã giải quyết sự việc ra sao?
- Trước hết với vai trò là một đơn vị cung cấp nội dung, chúng tôi xin giải thích rõ việc thu phí là công việc chung của ngành âm nhạc mà chúng tôi là một thành viên, có vai trò tương tự như với các ca sĩ, nghệ sĩ và các chủ sở hữu khác.
MVcorp cùng các đơn vị tiên phong trong phong trào này đang thử nghiệm hệ thống với 100 album trước và sẽ liên tục cập nhật, chỉnh sửa để thay thế dần các album cũ chưa đạt chất lượng.
Trong quá trình triển khai đã phát sinh lỗi kỹ thuật và sai sót nhỏ, chúng tôi đã và đang nỗ lực cùng các bên khắc phục và thay thế các sản phẩm chưa đạt chuẩn và chăm sóc các khách hàng chưa hài lòng.
“Vết nhơ” nghi ngờ các trang web “lừa đảo” khách hàng sẽ được “gột rửa” trong thời gian bao lâu, thưa anh?
- Cũng như việc kinh doanh các hàng hoá khác, chúng tôi có chính sách hậu mãi và chăm sóc khách hàng rõ ràng: Tiếp nhận tất cả các yêu cầu của khách hàng, thay thế sản phẩm không đạt chuẩn và trong một số trường hợp sẽ hoàn tiền cho khách hàng.
Đồng thời chúng tôi rút kinh nghiệm sửa chữa để không gặp phải các lỗi đó trong tương lai. Là lần đầu tiên thực hiện nên khó tránh khỏi một vài sai sót, rất mong khán giả yêu nhạc sẽ thông cảm và tiếp tục ủng hộ các bên tham gia để có thể làm tốt hơn.
Video đang HOT
Sẽ điều chỉnh giá thu phí tải nhạc
Có một vấn đề khiến nhiều người quan tâm và nghi ngại đó là hình thức trả tiền khi mua file nhạc bằng các hình thức như thanh toán bằng tin nhắn, thẻ cào, thẻ tín dụng,… Với các cuộc thi hát, chuyện lỗi nhắn tin thường xuyên xảy ra. Với hình thức thu phí bằng tin nhắn chắc chắn sẽ không tránh khỏi việc lỗi tin nhắn. Các anh đã tính tới phương án gì chưa hay để “mất bò mới lo làm chuồng”?
- Các trục trặc kỹ thuật đặc biệt khi liên quan đến các đơn vị thứ ba là khó tránh khỏi. Trong trường hợp gặp lỗi, rất mong khách hàng liên hệ với đơn vị phân phối (các websites trong trường hợp này), để được hỗ trợ tốt nhất.
“Ví dụ ca sĩ Hồ Ngọc Hà có thể yêu cầu mức giá 5000 đồng hay cho miễn phí, chúng tôi hoàn toàn không có quyền hoặc trách nhiệm liên quan”.
Một số ý kiến cho rằng việc cào bằng tính phí thu 1000/lần tải nhạc là chưa hợp lý và cần phải dựa vào tên tuổi của ca sĩ thể hiện, nhạc sĩ sáng tác và bản phối khí để đưa ra giá bán cho một bản thu. Anh nói sao về điều này? Trong tương lai có điều chỉnh lại giá?
- 1000 đồng là mức giá do Hiệp hội công nghiệp ghi âm RIAV mà đại diện là MVcorp đưa ra với các sản phẩm thuộc quyền quản lý của chúng tôi, còn các bài hát thuộc quyền quản lý của các đơn vị khác là do quyết định của các chủ sở hữu đó.
Ví dụ ca sĩ Hồ Ngọc Hà có thể yêu cầu mức giá 5000 đồng hay cho miễn phí, chúng tôi hoàn toàn không có quyền hoặc trách nhiệm liên quan. Rõ ràng với các ca sĩ, nhạc sĩ tên tuổi, nhạc sẽ dễ bán hơn hoặc có thể bán với giá cao hơn.
Tuy nhiên để thuận tiện cho người yêu nhạc, chúng tôi khởi động với cùng một mức giá. Trong tương lai, tuỳ vào phản ứng của thị trường mà chúng tôi sẽ cùng các bên có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Ở góc độ khán giả người ta có quyền đặt nghi vấn về sự “trung thực” của MVcorp. Họ sợ tiền thu được về tay ca sĩ, nhạc sĩ rất ít còn phần lớn thuộc về những đơn vị khác. Ý kiến của anh?
- Chúng tôi đang nỗ lực cùng các website hoàn thiện hệ thống đối soát công khai và tức thì. Mỗi đơn vị cung cấp sẽ có một tài khoản đối soát thời gian thực (real-time) để theo dõi sản lượng của mình.
Khác với nhạc chuông, nhạc chờ thường cuối tháng mới gửi đối soát, nhạc số có lợi thế lớn trong vấn đề này là có khả năng theo dõi hàng ngày. Chúng tôi tin rằng việc làm minh bạch công bằng sẽ là ưu điểm lớn của thị trường nhạc số, đủ để thuyết phục các nhà cung cấp đi theo mô hình của nước ngoài là ký gửi và phân chia doanh thu.
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Sơn Hà
Theo Vietnamnet
Trung Quốc chuẩn bị thu phí tải nhạc online
Từ đầu năm 2013, người dùng có thể phải trả một NDT (khoảng 3.300 đồng) để tải một bài hát, hoặc 20 NDT để download không hạn chế mỗi tháng.
China Daily đưa tin,một số website âm nhạc lớn của Trung Quốc như Kugoo, Koowo, Baidu player hay QQ music đang lên kế hoạch thu phí tải nhạc trực tuyến vào đầu năm sau. Một nhân viên tại hãng đĩa Universal Music Group (Trung Quốc) cho biết việc này vẫn chưa được xác nhận, nhưng "có khả năng rất cao".
Ông cho biết: "Vấn đề này đã được bàn bạc trong rất nhiều năm. Việc thiếu các sản phẩm âm nhạc xuất sắc thời gian gần đây một phần do nạn tải nhạc miễn phí từ Internet, gây tổn thất lớn cho ngành thu âm. Rất nhiều nhà sản xuất ngần ngại đầu tư vào các dự án âm nhạc do quyền lợi của họ không được bảo đảm. Vì vậy, chính phủ, hãng đĩa và những người điều hành website đang tìm kiếm một giải pháp phát triển cho ngành công nghiệp âm nhạc".
Thông tin này đã làm dậy sóng cộng đồng mạng tại Trung Quốc. Phần lớn các bình luận đều tiêu cực khi cho rằng việc tải lên và chia sẻ nội dung miễn phí là một phần quá trình phát triển của Internet. Nhiều người cho rằng quyết định này sẽ khiến các công ty và website âm nhạc có lợi thế độc quyền.
Baidu Player là một trong các website có thể thu phí tải nhạc vào đầu năm sau. Ảnh: China Daily
Chỉ một số ý kiến tuyên bố sẽ ủng hộ nếu chi phí hợp lý. Một blogger cho biết: "Thực ra điều này cũng không phải là xấu. Một bài hát là kết tinh sự sáng tạo và tâm huyết của nghệ sĩ. Vì vậy, trả phí để nghe nhạc là cũng điều chấp nhận được. Việc này sẽ giúp nâng cao nhận thức của công chúng về bản quyền". Một người khác thì cho biết "phí tải nhạc sẽ khuyến khích các ca sĩ sáng tạo và phát triển".
Truyền thông Trung Quốc đưa tin nhiều website âm nhạc sẽ hợp tác với 15 hãng đĩa lớn trên thế giới để đưa ra phí thuê bao tải nhạc hàng tháng. Theo đó, người dùng sẽ phải trả 1 NDT (khoảng 3.300 đồng) để tải một bài hát, hoặc 20 NDT để download không hạn chế mỗi tháng.
Một giám đốc cấp cao của QQ Music cho biết: "Chúng tôi sẽ đưa ra nhiều mức phí để đáp ứng nhu cầu và điều kiện kinh tế khác nhau của người dùng. Những bài hát ít phổ biến hoặc không có chất lượng cao sẽ vẫn được tải miễn phí".
Những người trong ngành cũng có phản ứng trái chiều với thông tin này. Nhạc sĩ nổi tiếng Xiao Ke cho biết ông ủng hộ việc thu phí, nhưng số tiền này nên được trả bởi các website chứ không phải người dùng. Các website âm nhạc thu được rất nhiều tiền quảng cáo nhờ có lượng người dùng đông đảo, mà đa phần là để tải nhạc miễn phí.
Lu Zhongqiang - Giám đốc điều hành của hãng đĩa 13-month Recording cho rằng: "Triển vọng rất khó đoán trước, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng vào sự thay đổi này". Zhang Ping - Giáo sư về sở hữu trí tuệ tại Đại học Bắc Kinh thì đề nghị những chi phí này nên được chính quyền giám sát chặt chẽ để tránh độc quyền.
Hiện tại, các nước châu Á như: Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... đã thực hiện thu phí tải nhạc trực tuyến. Ở Việt Nam, 5 website âm nhạc ký kết với Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam và công ty MV Corp triển khai thu tiền người dùng từ hôm nay (1/11). Mức phí dự kiến là 1.000 đồng cho mỗi lần tải nhạc hoặc thu phí theo thuê bao hàng tháng. Riêng việc nghe nhạc trực tuyến vẫn hoàn toàn miễn phí. Mức phí 1.000 đồng này có thể sẽ được điều chỉnh tăng hoặc giảm tùy theo tình hình thực tế khi chương trình vận hành.
Với số tiền bản quyền thu được, sau khi trừ đi các chi phí, đơn vị phân phối và các website sẽ được hưởng 45%. 55% còn lại sẽ trả về cho đơn vị cung cấp nội dung (ca sĩ, nhạc sĩ, hãng ghi âm....). Việc chi trả dự kiến được thực hiện theo từng quý. Riêng các nhạc phẩm quốc tế, đại diện một trang nhạc lớn cho biết, họ đang trong quá trình thương lượng bản quyền với Sony Music và Universal để có thể thu phí tải nhạc quốc tế người dùng trong nước cùng vào đầu tháng 11.
Phần đông giới nghệ sĩ Việt Nam nhìn nhận, đến lúc này mới thu phí tải nhạc là đã muộn. Trên trang cá nhân sáng nay, nhạc sĩ Huy Tuấn kêu gọi: "Công cuộc Nghe có ý thức giờ mới là bắt đầu. Chuẩn bị tinh thần chiến đấu tiếp nhé".
Nhiều cư dân mạng cũng cho rằng đây là chuyện cần thiết và cũng đã đến lúc Việt Nam phải làm giống các nước khác trên thế giới. Trong khi đó, không ít người băn khoăn vì mức giá mỗi lần tải nhạc 1.000 đồng thoạt nghe có vẻ ít nhưng tính theo lượng người dùng dịch vụ hiện nay sẽ rất lớn và việc phân chia số tiền thu được cho các bên quản lý, chủ sở hữu thực sự của tác phẩm có thể rơi vào tình trạng không minh bạch.
Thùy Linh - Huy Phạm
Theo VNE
Bắt đầu thu phí tải nhạc: Ai sẽ móc ví? Từ ngày 1/11/2012, những người muốn sở hữu một bài hát yêu thích trên mạng sẽ phải cân nhắc và động não khi nhấn chuột download, đồng ý trả tiền mua. Quyền sở hữu trí tuệ = xã hội trí tuệ? 16 ngày trôi qua sau tọa đàm " Nhạc số Việt Nam - Thực trạng và giải pháp" (15/08) với những bàn...