Bị lừa bởi những “kịch bản” ăn xin nước mắt
Vợ chồng con cái bế nhau ra giữa đường khóc lóc xin tiền, cụ già lê lết trong chợ run rẩy xin bố thí, mẹ bồng con đi ăn xin ngoài bến xe… Nhiều người xót thương sẵn sàng ra tay giúp đỡ những người “bất hạnh” mà không biết đó là những kịch bản được dàn dựng.
Những “số phận” thê thảm
Chiều 22/1 trên phố Trần Duy Hưng – đoạn gần Big C Thăng Long, Hà Nội, nhiều người đi đường chứng kiến cảnh một gia đình trẻ lăn lê giữa ngã tư đèn xanh đèn đỏ cầu xin giúp đỡ. Người vợ run rẩy, trùm khăn gần như kín mặt, người chồng khoảng 30 tuổi, râu ria rậm rạp, gương mặt khắc khổ, bế đứa trẻ trên tay. Với bất cứ ai dừng lại để hỏi thăm, anh chồng đều cất giọng thống thiết kể khổ: Con bị ốm nặng đưa lên Hà Nội chữa trị, chưa khỏi thì mẹ cũng đổ bệnh. Cả nhà khánh kiệt, không có tiền về quê…
“Chiêu bài” tưởng quen thuộc, nhưng cũng đã móc túi được không ít hành khách nhẹ dạ cả tin. Nhiều người dân sống gần đó cũng bị mắc lừa, cất công vượt cả 2 làn xe cộ đông đúc để tới hỏi han, an ủi và chia sẻ với cặp vợ chồng bất hạnh.
Vài tiếng đồng hồ sau, gã chồng rút điện thoại gọi, một lúc thì có người đàn ông đi xe máy tới tạt vào bãi cỏ gần đó. Chỉ đợi có thế, cả 2 vợ chồng bế bổng đứa bé, nhanh chân trèo lên xe, phóng vèo đi.
Vào khoảng 7h tối tại chợ Xanh – Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội những ngày gần đây thường xuất hiện một cụ bà rách rưới ôm chiếc rổ nhựa nhỏ xíu đi khắp chợ xin tiền. Ai cho tiền thì nhận, còn hỏi gì bà cũng không nói, ngoài “bà năm nay 83 tuổi”.
Vòng quanh chợ được một lượt, bà cụ lùi vào một ngách nhỏ ngồi lại nhặt tiền, nhét tất cả vào tay nải rồi rẽ vào lối tắt ra cổng sau của ĐH Sư phạm Hà Nội (thông với lối đi trong chợ Xanh). Ở đó, có một chiếc xe ôm đã chờ sẵn, chở cụ phóng vù ra đường Xuân Thủy rồi chạy thẳng theo hướng Hồ Tùng Mậu.
Mẹ khuyết tật bế con mồ côi đi ăn xin
Tại điểm trung chuyển xe buýt Long Biên thường xuyên có một người phụ nữ nhỏ thó, gù lưng bế đứa bé trai khoảng 2-3 tuổi ngồi xin ăn. Cô gái thẫn thờ nhìn vào dòng người và dòng xe cộ tấp nập, thỉnh thoảng cầm chiếc gương, chốc chốc lại đưa gương lên vuốt tóc. Thằng bé oằn lưng, ngủ miết trong tay mẹ.
Gương mặt khắc khổ, mái tóc rối lòa xòa trên gương mặt xương xương xương với hai con mắt trũng sâu, Dương (quê Hưng Yên) – cô gái ăn xin khiến không ít người thương cảm. Dương cho biết mình đã 24 tuổi nhưng thoạt nhìn cô như chỉ 14, 15 với thân hình nhỏ thó, và cái bướu gù lớn trên lưng khiến người cô còng rạp xuống.
“Cháu tên là Hoàng Anh, 3 tuổi” – Dương khào khào nói, ánh mắt vẫn lạnh lùng không nhìn vào mặt người đối diện. Cậu bé xinh xắn nhưng ăn mặc rách rưới, ngồi trong vòng tay mẹ trông như chị bồng em.
Video đang HOT
Dương lặng lẽ kể về hoàn cảnh thương tâm của mình: Mồ côi từ năm 7 tuổi, ở với người dì ruột. Sau đó, dì đi lấy chồng, bỏ cô một mình tự bươn trải kiếm sống. Cô lấy chồng, rồi sinh con, cháu được 4 tháng thì chồng cô mất vì tai nạn giao thông. Con nhỏ, sức yếu, không biết làm gì ra tiền nên người mẹ bồng bế con đi ăn xin, mặc kệ số phận.
Ngày nào Dương cũng ra đây ngồi ôm con xin tiền.
Dương cho biết cô thuê trọ ở Phúc Xá – Ba Đình, Hà Nội với một cụ già bán hoa quả trong chợ Long Biên.
“Biết đi xin thế này là khổ, nhưng em không muôn vào trung tâm bảo trợ xã hôi hay gửi cháu vào đó vì đó không được tự do. Có lần, em đã bị người ta đưa vào trung tâm nhưng ở được vài ngày em phải xin về” – Dương kể.
Một người mẹ khuyết tật, một đứa con thơ ngồi dặt dẹo từ sáng sớm tới tối mịt ở bến xe khiến không ít người thương cảm. Có người cho tiền, có người cho đồ ăn thức uống, cứ thế qua ngày.
Không biết thực hư gia cảnh chị Dương thê thảm đến đâu, nhưng theo quan sát của PV, hằng ngày, cứ khoảng 7h tối hai mẹ con Dương lại gọi một chiếc xe ôm quen để về nhà. Người phụ nữ bé nhỏ, ốm yếu, còng rạp bỗng trở nên hoạt bát nhanh nhẹn lạ lùng. Chị thậm chí còn có thể đứng thẳng, thoăn thoắt ôm đứa trẻ trèo lên xe. Chỉ trong nháy mắt, chiếc xe phóng vút đi, hòa vào dòng xe cộ như mắc cửi.
Theo Dantri
"Lạ lùng" dự án xây dựng bãi rác gần khu dân cư
Chuyện "lạ lùng" này diễn ra tại xã Xuân Ngọc (Xuân Trường, Nam Định). Lập dự án xây dựng khu xử lý rác thải gần khu dân cư, ngay sát dòng sông và nghĩa trang, lãnh đạo xã Xuân Ngọc biết sai nhưng vẫn làm vì... "chạy theo" tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Mất ăn, mất ngủ vì dự án nông thôn mới
Nhiều tuần nay, các hộ dân tại thôn Trung Lễ, xã Xuân Ngọc (Xuân Trường, Nam Định) ăn không ngon, ngủ không yên vì dự án xây dựng bãi rác trên địa bàn xã. Theo các hộ dân ở đây, dự án xây dựng bãi chôn lấp, xử lý rác thải của xã Xuân Ngọc nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, vị trí xây dựng bãi rác lại rất gần khu dân cư thôn Trung Lễ đang sinh sống.
Người dân thôn Trung Lễ lo lắng khi lãnh đạo xã Xuân Ngọc chọn vị trí xây dựng bãi rác gần khu dân cư.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án xây dựng bãi rác của xã Xuân Ngọc nằm trên đất nông nghiệp của thôn Hạ Linh, phía bắc giáp với thôn Trung Lễ và 2 thôn khác là Liên Thủy và Liên Thượng. Nếu tính từ hộ dân gần nhất tới vị trí bãi rác thì chỉ khoảng hơn 200m. Bên cạnh đó, bãi rác này còn nằm ngay bên bờ sông Ghềnh, hệ thống tưới tiêu chủ đạo cho khu vực sản xuất nông nghiệp của các thôn Hạ Linh, Trung Lễ, Liên Thượng, Liên Thủy và xã Xuân Thủy nằm kế bên xã Xuân Ngọc.
Ông Đỗ Văn Hoàn (ở thôn Trung Lễ) cho biết: "Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương xây dựng bãi rác của xã nhưng phải làm đúng quy định của nhà nước, cách xa khu dân cư. Nếu xây ở vị trí xã đã chọn như hiện nay thì chỉ cách gia đình tôi có hơn 200m. Sức khỏe của chúng tôi và cả con cái chúng tôi liệu có được đảm bảo không khi phải ở gần bãi rác như vậy?"
Bà Đào Thị Vường (75 tuổi, ở thôn Trung Lễ) cũng tỏ ra hết sức bức xúc khi biết UBND xã Xuân Ngọc chọn vị trí xây dựng bãi rác ngay gần khu dân cư mình đang sinh sống. "Khi chọn vị trí xây dựng bãi rác, UBND xã không hề lấy ý kiến của hàng trăm hộ dân tại thôn Trung Lễ, chỉ đến khi họ cho máy móc tới để chuẩn bị khởi công chúng tôi mới biết. Nếu xây ở đó, không khí, nguồn nước bị ô nhiễm, sẽ còn ai sống ở đất này nữa" - bà Vường nói.
Không chỉ lo lắng về sức khỏe, người dân thôn Trung Lễ còn cho rằng dự án bãi rác mà UBND xã Xuân Ngọc đang triển khai ảnh hưởng nghiêm trọng tới vấn đề tâm linh khi chỉ cách nghĩa trang của thôn này hơn 50m.
Vị trí xây dựng bãi rác xã Xuân Ngọc còn gần nghĩa trang và ngay sát dòng sông.
"Ông bà, tổ tiên của chúng tôi đã yên nghỉ tại nghĩa trang đó hàng trăm, hàng chục năm nay. Hơn nữa, với đặc thù là một địa phương tôn giáo, khu nghĩa địa tập trung hàng năm tổ chức rất nhiều nghi thức, thánh lễ để cầu nguyện cho tiền nhân, người quá cố, vậy nếu bãi rác quá gần như thế sẽ có mùi hôi thối bốc lên, khi thực hiện các nghi thức tâm linh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ tôi mà hầu hết người dân trong thôn Trung Lễ đều không chấp nhận được." - ông Đỗ Hữu Thập (55 tuổi, ở Thôn Trung Lễ) bức xúc.
"Lập lờ đánh lận con đen"
Trao đổi với PV Dân trí về những bức xúc của người dân quanh việc xây dựng bãi rác, ông Đỗ Anh Toán - Chủ tịch UBND xã Xuân Ngọc - cho biết, bãi rác chuẩn bị khởi công nằm trong chương trình nông thôn mới được xã quy hoạch từ năm 2010 với tổng vốn đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng, quy mô 1,5ha. Bản quy hoạch được công khai tại hội trường của UBND xã.
"Vị trí xây dựng bãi rác là do xã chọn, có đơn vị thiết kế, đơn vị tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Mọi thủ tục liên quan đến dự án này đều đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. UBND xã đã nghiên cứu rất kỹ và thấy vị trí đã chọn hiện nay là thuận lợi, đảm bảo và phù hợp nhất." - ông Toán nói.
Lãnh đạo xã Xuân Ngọc cho rằng trong xã không có khu vực nào phù hợp để xây dựng bãi rác.
Lần giở bảo "Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư công trình bãi chôn lấp và xử lý rác thải sinh hoạt xã Xuân Ngọc", chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự lập lờ, "dối trên lừa dưới" của bản báo cáo này. Chủ dự án là UBND xã Xuân Ngọc, đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần xây lắp công trình và môi trường Việt (trụ sở tại Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội).
Bản báo cáo này nêu rằng, "vị trí xây dựng bãi chôn lấp và xử lý rác thải nằm cách đường giao thông xóm khoảng 400m và cách xa khu dân cư... Địa điểm xây dựng bãi chôn lấp phù hợp với quy mô xây dựng hiện tại, đảm bảo các yêu cầu hướng dẫn lựa chọn địa điểm xây dựng và vận hành bãi chôn lấp rác thải rắn trong Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BKHCNMT-BXD ngày 18/1/2001 của liên Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường và Bộ Xây dựng."
Tuy nhiên, đối chiếu với thực tế hiện trường và các văn bản liên quan mới thấy sự giả dối của bản báo cáo đánh giá tác động môi trường này. Quan sát thực tế cho thấy, vị trí được xã Xuân Ngọc chọn để xây dựng bãi rác chỉ cách khu dân cư thôn Trung Lễ khoảng 200m. Theo Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BKHCNMT-BXD, với bãi chôn lấp, xử lý rác thải sinh hoạt của toàn bộ dân cư xã Xuân Ngọc (hơn 7.000 người), bãi rác này phải cách 15 hộ cuối hướng gió chính tối thiểu là 1.000m, các hướng khác tối thiểu là 300m.
Điều đáng nói hơn, bản báo cáo đánh giá tác động môi trường này lại được Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Nam Định phê duyệt, "cộp" dấu đỏ chứng thực!.
Trước những dẫn chứng thực tế của PV, lãnh đạo xã Xuân Ngọc chỉ biết "thở dài" mà rằng: "Nếu chọn vị trí đúng quy định thì chỉ có... đưa bãi rác sang xã khác. Trong xã Xuân Ngọc không có nơi nào phù hợp."
Theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND xã Xuân Ngọc đã nhiều lần chọn địa điểm xây dựng bãi rác của xã ở nhiều nơi khác nhưng đều vấp phải sự phản ứng của các khu dân cư.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng với 11 nội dung, kèm theo đó là những mục tiêu cụ thể từ 2010 đến năm 2020. Người dân xã Xuân Ngọc rất lo lắng khi lãnh đạo xã cố gắng "chạy theo" các tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà "bỏ quên" quyền lợi, sức khỏe của người dân.
Theo Dantri
Tái bản sách về Hoàng Sa, Trường Sa Hai cuốn sách về Hoàng Sa và Trường Sa dành cho thiếu nhi với tên gọi "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa" và "Tổ quốc nơi đầu sóng" vừa được NXB Kim Đồng tái bản, nhằm đưa đến cho bạn đọc nhỏ tuổi những câu chuyện chân thực về hai quần đảo của Việt Nam. "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa"...