Bị lừa 100 triệu vì tin lời shipper ‘gửi hàng ở chỗ cũ’
Thấy số điện thoại lạ gọi đến xưng là shipper, nói đã gửi hàng ở chỗ cũ, người phụ nữ không hề nghi ngờ mà lập tức chuyển khoản thanh toán, sau đó bị lừa gần 100 triệu đồng.
Giả danh shipper “ruột” để lừa đảo
Sáng 9.10, chị Phương (31 tuổi, trú tại H.Thanh Oai, Hà Nội) đang làm việc tại nhà thì nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Đầu dây bên kia xưng là nhân viên giao hàng (shipper), thông báo có một đơn trị giá 250.000 đồng.
Do đang bận xử lý công việc, và nhiều lần khác cũng đã làm tương tự, chị Phương nói shipper gửi hàng ở quầy bảo vệ dưới sảnh chung cư, chị sẽ chuyển khoản trước rồi xuống lấy sau.
Ngay lập tức, shipper thông báo đã gửi hàng, đề nghị thanh toán. Đang bị đồng nghiệp ở cơ quan hối thúc trả lời email, chị Phương vội vã mở ứng dụng ngân hàng chuyển khoản cho xong.
Xuất hiện thủ đoạn giả mạo shipper thông báo có đơn hàng để chiếm đoạt số tiền khách hàng chuyển khoản (ảnh minh họa). ẢNH: TUYẾN PHAN
Nhưng chợt nhớ ra món hàng mình mua cần kiểm tra trước khi nhận, chị Phương tạm dừng ấn lệnh gửi tiền đi, gọi điện lại cho shipper. “Tôi nói chờ khoảng 2 phút sẽ xuống nhận hàng trực tiếp thì họ liền tắt máy, gọi lại cũng không được. Chạy xuống nhờ bảo vệ chung cư kiểm tra thì cũng không thấy đơn hàng nào của mình”, người phụ nữ kể.
Suy nghĩ lại một hồi, chị Phương nhận định đây có thể là hành vi lừa đảo. Bởi lẽ, món đồ chị vừa đặt mua chiều hôm trước, thông thường phải mất 1-2 ngày mới nhận được hàng. “Điều khiến tôi lo ngại là họ đọc rõ tên, tòa nhà, số tiền của đơn hàng; giọng nói rất bình tĩnh và chuyên nghiệp, giống như đã giao hàng nhiều lần cho tôi rồi vậy. Không biết những thông tin này lộ lọt từ đâu”, người phụ nữ đặt câu hỏi.
Rơi vào tình huống tương tự, chị Dâu (30 tuổi, trú Q.Cầu Giấy, Hà Nội) khi đang làm việc tại công ty cũng nhận được cuộc gọi, xưng là shipper, thông báo có đơn hàng đã mang đến tòa nhà nơi chị này làm việc.
Video đang HOT
Chị Dâu nhớ thời gian gần đây không đặt mua gì, thế nhưng shipper lại đọc đúng tên và nơi làm việc, nên rất bất ngờ. Người phụ nữ bèn gọi lại số điện thoại kia, nói sẽ xuống nhận hàng trực tiếp. Nghe vậy, đầu dây bên kia tắt máy, không thể liên lạc.
Không may mắn như 2 người phụ nữ nêu trên, hôm 3.10, bà Hoa (66 tuổi, trú Q.Long Biên, Hà Nội) hớt hải đến Công an P.Bồ Đề trình báo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo lời kể, bà Hoa nhận được cuộc gọi của một đối tượng xưng là shipper, thông báo có đơn hàng cần thanh toán. Do không có nhà, bà Hoa nói shipper để lại hàng rồi chuyển khoản.
Thế nhưng dù đã thanh toán đúng số tiền được thông báo, đối tượng lại nói chưa nhận được tiền, đồng thời hướng dẫn bà Hoa nhấn vào một đường link. Hậu quả sau khi làm theo hướng dẫn, bà Hoa phát hiện 2 tài khoản ngân hàng của mình bị mất gần 100 triệu đồng.
Tuyệt đối cảnh giác
Câu chuyện của 3 người phụ nữ, dù có người bị chiếm đoạt tiền, có người may mắn thoát nạn, đều liên quan đến một thủ đoạn lừa đảo xuất hiện thời gian gần đây. Đó là chiêu trò giả mạo shipper, thông báo có đơn hàng, yêu cầu khách chuyển khoản để lừa tiền.
Thủ đoạn của các đối tượng là thu thập thông tin cá nhân qua việc người dân mua hàng trên các trang bán hàng online, qua các phiên livestream trên mạng xã hội… Có được thông tin, đối tượng giả danh là nhân viên giao hàng của các đơn vị giao hàng uy tín, gọi điện hỏi khách có nhà không.
Do bận hoặc không có ở nhà để nhận hàng và số tiền thanh toán không lớn, nhiều khách hàng dễ dàng tin lời, đồng ý chuyển khoản thanh toán.
Phan Văn Tùng bị công an tạm giữ để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP
Ở mức độ đơn giản, đối tượng lừa đảo sẽ chỉ chiếm đoạt số tiền mà người dân chuyển khoản thanh toán. Như vụ việc hồi tháng 9.2024, Công an H.Thanh Trì phối hợp cùng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, tạm giữ hình sự Phan Văn Tùng (26 tuổi, trú tại H.Thanh Trì).
Tại cơ quan công an, Tùng khai trước đây từng làm nhân viên giao hàng. Đối tượng nhận thấy nhiều người thường không nhận hàng trực tiếp mà nhờ gửi lại cho người quen hoặc để lại trước cửa rồi chuyển tiền thanh toán, nên nảy sinh ý định lừa đảo.
Tùng tìm thông tin khách hàng, sử dụng sim rác, gọi điện thông báo có đơn hàng. Nếu khách nói nhận hàng trực tiếp thì Tùng tắt may, nếu khách bận không thể nhận ngay thì Tùng nói sẽ gửi hàng vào nhà và đề nghị chuyển khoản thanh toán.
Chỉ trong thời gian ngắn, với thủ đoạn trên, Tùng đã lừa đảo được hàng trăm khách hàng, số tiền chiếm đoạt hơn 130 triệu đồng.
Ở mức độ tinh vi hơn, đối tượng không chỉ chiếm đoạt số tiền chuyển khoản cho đơn hàng, mà còn dẫn dụ nạn nhân “sập bẫy” để tiếp tục lừa đảo lần 2.
Theo đó, sau khi người dân chuyển khoản thành công, đối tượng thông báo chưa nhận được tiền hoặc có sự nhầm lẫn số tài khoản, hệ thống sẽ tự động trừ khoảng 3 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của khách hàng.
Nếu nạn nhân hoảng hốt và muốn lấy lại tiền, đối tượng sẽ gửi đường link liên kết đến trang web và số điện thoại giả mạo của đơn vị giao hàng để liên hệ.
Đường link này thường chứa mã độc. Khi bấm vào, nạn nhân sẽ bị chiếm đoạt thông tin, mất quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng, ví điện tử. Đối tượng vì thế dễ dàng lấy cắp tiền trong tài khoản. Trường hợp của bà Hoa bị lừa gần 100 triệu đồng là ví dụ điển hình.
Công an TP.Hà Nội khuyến cáo, người dân cần hết sức cảnh giác khi nhận số điện thoại lạ, không chuyển khoản khi chưa trực tiếp nhận hàng đã đặt; không nên chuyển tiền cho người lạ và cần xác minh thật kỹ các thông tin trước khi chuyển khoản; tuyệt đối không đăng nhập vào các đường link do người lạ gửi tới để tránh mắc bẫy lừa đảo.
Hiện nay, các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát đều có website và ứng dụng để tra cứu thông tin mã vận đơn, người dân nên chủ động truy cập để theo dõi đường đi của đơn hàng, đảm bảo đúng đơn hàng đã đặt trước khi nhận hàng.
Khi bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần đến cơ quan công an gần nhất trình báo để được hỗ trợ kịp thời.
Bắt kẻ giả mạo shipper chuyên lừa đảo chiếm đoạt tiền khách mua hàng online
Ngày 5/10, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì đã tạm giữ hình sự Phan Văn Tùng (SN 1998, HKTT tại Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội; hiện trú tại: Thanh Trì, Hà Nội) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bằng thủ đoạn giả danh shipper giao hàng, đối tượng đã lừa đảo được hàng trăm khách hàng, chiếm đoạt hơn 130 triệu đồng.
Trước đó, từ tin báo tố giác tội phạm của quần chúng, ngày 27/9, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Công an huyện Thanh Trì đấu tranh, triệu tập Phan Văn Tùng. Qua đấu tranh, vụ án bước đầu đã được làm rõ.
Trước đó Tùng từng làm nhân viên giao hàng. Trong quá trình này, đối tượng đã phát hiện nhiều sơ hở của khách hàng mua hàng online.
Cụ thể, khách hàng thường không nhận hàng trực tiếp mà chỉ bảo nhân viên giao hàng gửi lại cho người quen hoặc để lại trước cửa nhà. Sau đó, người mua hàng sẽ gửi tiền mua hàng qua số tài khoản cho shipper.
Nhận thấy đây là kẽ hở có thể lợi dụng để chiếm đoạt tài sản từ người mua hàng, Tùng đã tìm thông tin khách hàng rồi sử dụng số điện thoại (sim rác) gọi điện cho khách hàng như: 0342791041, 0586991769, 0588579105, 0587112248... thực hiện từ 100 - 200 cuộc điện thoại, tự giới thiệu là nhân viên giao hàng.
Nếu đầu dây bên kia trả lời là có thể nhận hàng ngay lúc đó thì Tùng tắt máy. Nếu đầu dây bên kia trả lời là không thể nhận hàng ngay lúc đó thì đối tượng thông báo sẽ để bưu kiện hàng vào nhà và đề nghị chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng 103881219692 mang tên NGUYEN TIEN KHANH rồi chiếm đoạt. Có những khách hàng chủ quan không kiểm tra lại, Tùng tiếp tục gọi điện thông báo có đơn hàng nữa yêu cầu chuyển thêm tiền mua hàng rồi tiếp tục chiếm đoạt.
Với phương thức lừa đảo như trên, chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 4/2024 đến khi bị bắt, đối tượng đã lừa đảo được hàng trăm khách hàng, số tiền chiếm đoạt được hơn 130 triệu đồng. Hiện Công an huyện Thanh Trì đã tạm giữ hình sự đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản để điều tra, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đề nghị ai là nạn nhân bị đối tượng gọi điện lừa đảo và chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng như trên thì đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì (đồng chí Hoàng Anh Quân - Điều tra viên, số điện thoại: 0979.891.509) để được giải quyết.
Cảnh báo thủ đoạn giả shipper lừa đảo, hack tài khoản người mua hàng Mua hàng online bùng nổ và trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều người mua hàng lại không nhớ rõ mình đặt mua những gì vì... mua quá nhiều. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã giả danh người giao hàng (shipper) để lừa đảo người tiêu dùng. Với thủ đoạn lừa...