Bị liệt sau phẫu thuật, người đàn ông bất ngờ tìm được giọng nói
Sau ca phẫu thuật do tai nạn giao thông, ông T. bị liệt dây thanh quản, không thể nói khiến cuộc sống bị đảo lộn nhiều.
Ông Trần Văn T., 57 tuổi ở Hạ Hoà, Phú Thọ vốn có tiền sử tăng huyết áp, loạn nhịp hoàn toàn, suy tim. Cuối tháng 8 vừa qua, ông không may bị tai nạn giao thông và được phẫu thuật cắt thận trái.
Sau khi phẫu thuật thành công, người bệnh mất tiếng, nói khàn, ra viện dùng thuốc theo đơn nhưng không đỡ. Mức độ nói khàn ngày càng tăng, mệt mỏi, khó thở khi gắng sức.
Sau đó ông được gia đình đưa đến khoa Hồi sức cấp cứu chống độc, BV đa khoa Phú Thọ thăm khám, nội soi tai – mũi – họng. Bác sĩ chẩn đoán ông bị liệt dây thanh trái, chỉ định chuyển sang Trung tâm Y dược cổ truyền – Phục hồi chức năng điều trị.
Bệnh nhân được châm cứu để chữa liệt dây thanh quản và hồi phục tốt sau 1 tuần
BS Lê Sơn Hùng, Giám đốc Trung tâm Y dược cổ truyền – Phục hồi chức năng cho biết, ngoài khó nói, bệnh nhân còn dễ sặc nước khi uống, đây chính là cản trở lớn trong quá trình điều trị khiến việc uống thuốc gặp nhiều khó khăn.
Do đó, bác sĩ chuyển phương pháp điều trị chính cho người bệnh là châm cứu kết hợp tập phát âm.
Sau 4 ngày điều trị, người bệnh bắt đầu nói dễ dàng hơn, đỡ hụt hơi, đỡ mệt mỏi. Sau 7 ngày, giọng nói gần như bình thường, không hụt hơi, không khó thở, uống nước không còn bị sặc. Kết quả nội soi tai mũi họng cho thấy dây thanh trái đã di động tốt.
Video đang HOT
Tìm lại được giọng nói, ông T. không giấu nổi vui mừng, hồ hởi chia sẻ: “Khi nghe bác sĩ kết luận mình bị liệt dây thanh quản, tôi không lường được cuộc sống bị đảo lộn nhiều đến vậy. Suốt hơn 1 tháng không nói được, tôi đã nghĩ đến cảnh mình bị tàn phế, không phục vụ được chính bản thân và gia đình cũng như mất khả năng trao đổi, trò chuyện với bạn bè. Tôi thật sự rất hoang mang và lo lắng. May mắn, giờ mọi thứ đã trở lại bình thường, tôi cảm giác như mình được sống một cuộc đời mới”.
Theo BS Hùng, cấu tạo của dây thanh gồm 2 nếp cơ nằm ngay vị trí lối vào của đường thở. Khi phát âm, 2 nếp cơ khép lại chạm nhau ở đường giữa, rung lên và tạo ra âm thanh. Trong thì nghỉ, 2 dây thanh ở vị trí mở ra giúp thở dễ dàng.
Có rất nhiều nguyên nhân gây liệt dây thanh, ngoài tổn thương sau phẫu thuật còn có các nguyên nhân khác như: Chấn thương cổ và ngực, đột quỵ, u ác tính hoặc lành tính gây chèn ép cơ, sụn và thần kinh chi phối thanh quản gây liệt, nhiễm trùng, bệnh lý thần kinh như Parkinson gây yếu dây thanh…
Liệt dây thanh có thể liệt một bên hoặc hai bên, song liệt dây thanh bên trái phổ biến hơn. Tuỳ vào từng nguyên nhân, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp, một số trường hợp chèn ép đường thở phải mở nội khí quản.
Trong nhiều trường hợp, thay vì dùng thuốc, bác sĩ có thể áp dụng châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, tập phục hồi chức năng.
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet
Bác sĩ chạy đua với "tử thần"
Các bác sĩ của 2 bệnh viện đa khoa khu vực: Long Khánh và Định Quán vừa trải qua nhiều ca phẫu thuật "cân não", chạy đua với thời gian để cứu sống bệnh nhân.
Bác sĩ Tạ Quang Trí, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán thăm khám cho bệnh nhân N.M.T. sau ca phẫu thuật. Ảnh: An Yên
Nhờ sự quyết đoán, phối hợp nhịp nhàng giữa các khoa, phòng và các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhiều bệnh nhân đã thoát khỏi lưỡi hái của "tử thần".
* Không thể chần chừ
Khuya 28-8, Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán (huyện Định Quán) tiếp nhận bệnh nhân N.M.T. (29 tuổi, ngụ xã Phú Xuân, huyện Tân Phú) trong tình trạng lơ mơ, vật vã kích thích, da xanh, niêm mạc nhợt, mạch và huyết áp không bắt được, đồng tử giãn nhẹ hai bên, tim khó nghe, bụng chướng, tràn khí thành ngực phải. Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc đa chấn thương, theo dõi vỡ tạng.
Bác sĩ Tạ Quang Trí, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán cho biết, trong tình thế cấp bách trên, nếu chuyển viện sẽ không an toàn, đe dọa tính mạng của bệnh nhân nên bệnh viện quyết định mổ cấp cứu khẩn cấp. Ngay lập tức, những y, bác sĩ giỏi của nhiều khoa, phòng được huy động.
Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho hay: "Phản ứng nhanh chóng, kịp thời của đội ngũ y, bác sĩ 2 bệnh viện đa khoa khu vực rất đáng được biểu dương. Những điển hình này cần được nhân rộng hơn nữa để càng có thêm nhiều bệnh nhân được cứu sống".
Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị vỡ giập gan nặng, vỡ toác bàng quang trong phúc mạc khoảng 10cm, rách đường túi mật, mặt tạng vỡ nhiều đường, vỡ toác khớp mu, gãy đa xương sườn phải... Trong mổ, máu chảy nhiều, các bác sĩ đã rút khoảng 3 lít máu ra khỏi ổ bụng bệnh nhân, sau đó tiến hành khâu gan, cắt túi mật, khâu vỡ bàng quang, đặt sáp xương khớp mu, đặt ống dẫn lưu. Để bổ sung lượng máu đã mất, bệnh nhân đã phải truyền 10 đơn vị máu.
Trong khi đó, các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh cũng vừa cứu sống bệnh nhân N.V.P. (34 tuổi ngụ xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) bị tai nạn giao thông trong tình trạng nguy kịch, mất máu nhiều, mạch, huyết áp bằng 0, tràn dịch màng phổi. Kết quả chụp X-quang cho thấy bệnh nhân bị vỡ lách, vỡ bàng quang, vỡ ruột già, ruột non, gãy đa xương sườn, gãy xương đùi.
Ngay lập tức, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh đã tiến hành mổ khẩn cấp, cắt bỏ lách, dẫn lưu màng phổi, khâu bàng quang, ruột non, đưa ruột già làm hậu môn tạm, truyền 5 đơn vị máu cho bệnh nhân. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã có những diễn biến tốt và đang được tiếp tục điều trị tại bệnh viện.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh Phan Văn Huyên cho hay, với những ca tai nạn giao thông nặng, nếu không chẩn đoán đúng và cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong vì mất quá nhiều máu. Do đó, bệnh viện lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng, bằng bất cứ giá nào phải cố gắng cứu sống bệnh nhân.
* Loại bỏ thủ tục hành chính để cứu người
Trong những trường hợp khẩn cấp, việc bỏ qua các thủ tục hành chính chưa thực sự cần thiết để ưu tiên cứu người là việc các bệnh viện nên làm và đã làm rất tốt. Bởi nếu chỉ chậm trễ vài phút, thậm chí vài giây do vướng mắc về thủ tục, giấy tờ, bệnh nhân đã vĩnh viễn không còn cơ hội sống.
Nói rõ hơn về điều này, bác sĩ Nguyễn Đức Toản, Khoa Sản Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh bộc bạch: "Rất nhiều trường hợp sản phụ gặp sự cố khi được đưa vào bệnh viện đã được chuyển ngay lên phòng mổ".
Cụ thể, cách đây ít ngày, các bác sĩ Khoa Sản của Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận sản phụ P.T.H. (39 tuổi, xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh) trong tình trạng mang thai lần 3, thai nhi ở tuần thứ 39, có tiền sử mổ u xơ tử cung, bụng đau dữ dội. Qua siêu âm tim thai, các bác sĩ phát hiện tim thai bị suy nặng, rất yếu, chỉ 50-60 nhịp đập/phút.
"Lúc này các xét nghiệm chưa có kết quả mà không mổ ngay thì em bé sẽ tử vong. Do đó, chúng tôi hội ý chớp nhoáng và quyết định mổ ngay mà không kịp yêu cầu người nhà ký vào bản cam kết nào cả. Tất cả hộ sinh, hộ lý, bác sĩ phẫu thuật và gây mê hồi sức nhanh chóng phối hợp, nhập cuộc nhịp nhàng" - bác sĩ Toản nhớ lại.
Khi mở ổ bụng sản phụ, các bác sĩ bất ngờ khi thấy khoang bụng sản phụ đầy máu, đáy tử cung bị vỡ toác, toàn bộ bánh nhau và bọc ối thoát ra khỏi tử cung ở vết mổ u xơ cũ và rơi hoàn toàn vào ổ bụng. Sau khi hội ý chớp nhoáng, ê-kíp quyết định cắt tử cung, cầm máu để cứu sản phụ. Còn em bé ngay sau khi được đưa ra ngoài cũng rơi vào tình trạng nguy hiểm, vì bị ngạt trong bụng mẹ. Toàn ê-kíp hồi sức, người ép tim, người bóp bóng, người theo dõi, đánh giá hiệu quả hồi sức tim phổi. 3 phút, rồi 5 phút trôi qua, mọi cố gắng của cả ê-kíp được đền đáp khi em bé cất tiếng khóc.
"Cơ hội của chúng tôi chỉ được tính bằng giây. Nếu chần chừ, cả sản phụ và em bé đều sẽ tử vong. Đó cũng là ca mổ đáng nhớ nhất trong 15 năm làm nghề của tôi" - bác sĩ Toản tâm sự.
An Yên - Như Thuần
Theo baodongnai
Nhiều trường hợp nhiễm trùng sau sinh mổ ở Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau Thời gian qua, vẫn còn xảy ra nhiều trường hợp sản phụ mổ bắt con ở Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau bị nhiễm trùng vết mổ. Một báo cáo mới đây (tháng 9/2019) của Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, qua thống kê tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, trong năm 2018 tổng số ca sinh mổ...