Bí kíp để xe không bị tắt máy khi đi vào vùng ngập nước
Khi gặp mưa lớn, không ít người chưa biết cách điều khiển xe qua chỗ ngập nên nhiều xe bị tắt máy giữa đường. Những mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn lái xe an toàn hơn, đồng thời tránh tình trạng chết máy hay thủy kích.
Do ảnh hưởng của mưa bão, Sài Gòn chìm trong biển nước. Các ngả đường vào trung tâm thành phố ngập nước, ùn tắc, xe tắt máy la liệt.
Vào những ngày mưa lớn, Sài Gòn hay các thành phố lớn thường xuất hiện tình trạng nước ngập đường gây ảnh hưởng đến việc đi lại của các phương tiện. Vậy làm cách nào để bạn có thể lái xe qua những con đường bị ngập nước mà không bị vấn đề gì?
Dưới đây là một số lưu ý cơ bản nhất về việc điều khiển xe đi qua các vùng ngập nước, và xử lí xe khi bị tắt máy do ngập nước.
Nguyên nhân xe bị hỏng máy khi đi vào vùng ngập nước
Khi xe đi vào nơi nước ngập vượt qua cổ ống xả, lúc này, nếu ga ở tốc độ quá thấp hoặc không nhấn ga, khí đẩy ra chậm, thì nước sẽ chui vào ống xả làm tắc đường thoát dẫn đến khả năng chết máy.
Khi nước cao hơn miệng hút gió, nước sẽ tràn vào đường hút gió, cùng với không khí đi vào buồng đốt. Hỗn hợp nhiên liệu, khí và nước sẽ không cháy được dẫn đến chết máy.
Một vài mẹo đi xe máy qua đoạn đường ngập nước
Với xe số: Người điều khiển xe số qua những nơi bị ngập lụt nên về số của xe ở số thấp là số 1 hoặc 2 để đi, chú ý giữ đều ga, giữ tay lái và chạy từ từ qua khu vực bị ngập. Lưu ý, không rồ ga, phanh gấp vì sẽ khiến xe dễ tắt máy hơn.
Với xe ga: Điều khiển xe chậm và đều ga, không lên ga quá cao nhưng cũng không để ga quá thấp.Tuyệt đối không được giảm ga trong suốt quá trình, việc này sẽ gây chết máy ngay lập tức. Nếu gặp nơi nước ngập sâu qua ống pô xe thì không nên điều khiển xe qua những nơi đó.
Nếu xe bị ngập nặng, chết máy, có một cách xử lý tạm thời là dắt xe ra chỗ cao, rồi tháo bugi, lau thật khô. Sau đó, đạp cần khởi động để đẩy nước khỏi xe, khóa xăng rồi xả hết xăng khỏi chế hòa khí.
Với xe máy điện, xe đạp điện: Do thiết kế của loại xe điện này sử dụng pin hoặc ắc quy nên khi đường bị ngập lụt, bạn tuyệt đối không được đi xe qua vùng này, vì khi đó nước rất dễ vào ắc quy hoặc pin, mà một khi ắc quy hay pin ngập nước thì sẽ bị hỏng và chắc chắn bạn sẽ phải thay mới ngay.
Video đang HOT
Khi chạy xe máy qua đoạn đường ngập sâu, luôn nhớ đi số nhỏ. Với xe số, nên duy trì ở số 2 (vì số 1 quá thốc, số 3 và 4 không đủ lực).
Với các loại xe tay ga, luôn giữ ga ở mức tương đối lớn để tránh nước tràn vào pô xe, cũng như quạt gió
Tuyệt đối tránh giảm ga trong lúc đi, nếu không, nước tràn vào sẽ gây chết máy ngay lập tức. Chỉ nên dùng phanh để giảm tốc, dù tay ga vẫn gắng giữ nguyên. Ảnh: Zing.vn
Lưu ý:
- Có một sai lầm là nhiều người nghĩ dắt xe qua chỗ ngập thì sẽ an toàn hơn. Thực tế không hẳn như thế. Khi dắt xe, hệ thống điện có thể bị “ngâm” trong nước, gây hỏng về sau. Đặc biệt, nếu để nước tràn vào cổ hút gió của xe và hút vào động cơ lúc bật máy thì có thể gây ra hiện tượng thủy kích, phá hỏng động cơ.
- Đặc biệt, một số người cho rằng đi qua chỗ ngập phải phóng thật nhanh là hết sức sai lầm. Cho dù đoạn đường ngập, nước chưa cao bằng miệng hút gió nhưng khi xe đi, cùng với những xe khác tạo nên sóng nước cao nên nước vẫn có thể bắn vào. Cho nên khi đi qua chỗ ngập, vừa phải nhấn ga đủ lớn nhưng cũng không nên quá nhanh.
- Trong trường hợp lỡ bị nước vào ống xả, không nên quá hoảng bởi thực chất nước vào ống xả làm tắc, gây chết máy nhưng không vào máy được. Cho nên, nếu người điều khiển xe bình tĩnh, lội xuống, có đủ người giúp đẩy xe qua chỗ ngập, rồi nổ máy thì động cơ vẫn có thể vẫn vận hành đi tiếp được như thường.
- Ngay sau khi lội nước, mọi người nên tiến hành bảo dưỡng xe để tránh những hư hỏng nặng về sau. Việc thay, sục dầu máy là điều quan trọng đầu tiên cần nghĩ tới.
Thùy Linh
Theo baonhandao
Dân TP.HCM ùn ùn đẩy xe đi sửa vì xe bị hỏng máy
Từ sáng 26-11, rất đông người dân đổ ra đường dắt xe máy đi sửa vì bị ngập, không nổ máy được.
Nhiều người than phiền vì không thoát khỏi cảnh khổ vì ngập nước.
Quận Bình Thạnh, nhất là đoạn quốc lộ 13, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ung Văn Khiêm... đều rơi vào cảnh ngập sâu từ tối qua (25-11), mãi không rút. Các xe hỏng máy đều phải dắt bộ về nhà.
Ô tô tăt máy trên đường D5 đang được sửa. Ảnh: L.THOA
Trên đường D5, D2, Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), nhiều người đã dắt bộ xe máy đi tìm tiệm để sửa xe. Anh Việt (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết khoảng 22 giờ đêm 25-11, khi anh di chuyển qua quốc lộ 13 thì gặp nước ngập sâu nên xe tắt máy.
Anh Việt kể: "Lúc đó vì quá tối, mà ngập nên tôi phải dắt bộ quay về nhà. Dắt bộ hơn hai cây số, về tới đuối quá nên đành cất xe trong nhà, sáng nay mới dắt đi sửa. Mà xui quá, ở tiệm sửa xe người ta xếp hàng chờ tới lượt nên tôi đành dắt về nhà lại. Mai mượn xe khác đi làm, rồi lúc nào rảnh mang nó đi sửa cũng được".
Tại quận Bình Thạnh, sáng 26-11, nhiều người dắt xe bị hư máy vào tối qua đi sửa. Ảnh: L.THOA
Đồng cảnh, xe của bạn Long (sinh viên Trường Hutech) cũng bị tắt máy ở ngay đường D5 vào tối 15-11, sáng ra mới dắt đi sửa nhưng phải đợi từ lúc 9 giờ đến 11 giờ mới tới lượt. "Chỗ này trước đây cũng hay ngập nhưng phải nói đây là lần ngập kinh khủng và mưa kinh khủng nhất" - Long thở dài.
Trên đường D5, tiệm sửa xe cô Tư (nơi bạn Long đang đứng) có rất nhiều xe đã và đang chờ sửa. Cô Tư cho biết: Từ lúc 7 giờ sáng, 3-4 thợ phải sửa liên hồi không kịp nghỉ ngơi, số xe cũng không đếm nổi vì quá lu bu. Xe tắt máy do ngập nước nên sửa mất rất nhiều thời gian, có xe sửa từ 7 giờ đến 9 giờ mới xong. Nhiều người để xe rồi về, hẹn lúc khác lấy vì không đợi được.
Tiệm sửa xe trên đường D5 quá đông khách. Ảnh: L.THOA
Anh Quang (ngụ quận 7) trên đường đi làm thì bị tắt máy trên đường D1 vào sáng nay. "Trời ơi, nước ngập lên cả yên xe luôn, kinh khủng. Đây này, sửa xong rồi mà nước trong xe còn chảy rò rỉ ra nè, ghê quá. Hôm nay sửa xe xong phải về nhà nghỉ ngơi luôn" - anh Quang thốt lên. Anh cho biết giá sửa xe của mình mất 200.000 đồng, tuy đắt hơn bình thường nhưng đành kệ.
Nhiều người phải đứng ngoài chờ rất lâu. Ảnh: L.THOA
Không chỉ có xe máy gặp cảnh hư máy mà trên đường D5 giao với Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng có hai ô tô đang đậu sau khi thoát khỏi điểm ngập. Anh H. (ngụ Đồng Nai) đang xem thợ sửa xe mở và kiểm tra xe của mình. Anh H. cho biết hôm qua khoảng 22 giờ, anh chạy từ Đồng Nai lên, khi qua đường D5 thì bị tắt máy.
"Nước ngập hết bánh xe ô tô luôn. Kinh thật. Tôi chưa từng bị thế này bao giờ. Khi xe hư máy, tôi phải kêu rất nhiều người đẩy xe ra khỏi chỗ ngập. Nhích mãi cũng tới đoạn này đành đỗ tạm trên đường. Sáng nay mới kêu thợ qua sửa, còn không biết sửa được hay không" - anh H. lo lắng nói.
Đến trưa 26-11, xung quanh khu vực này, nhiều tiệm sửa xe vẫn rộn ràng, các tiệm vỉa hè nhỏ cũng trở nên đắt khách.
Cũng tại quận Bình Thạnh, trong con hẻm nhỏ 201 phường 26, quận Bình Thạnh có ít nhất hai tiệm sửa xe vô số khách. Người đến trước sẽ sửa trước, người đến sau sửa sau.
Xe dựng trước tiệm chờ đến lượt sửa.
Trước tiệm sửa xe Ái, hơn 10 chiếc xe máy nối đuôi nhau dựng sẵn chờ đợi. Tiệm nhỏ, lại nằm trong hẻm nhưng rất đông khách. Thời điểm này chỉ có hai người thợ nên những người đến sửa phải cặp sát xe vào cả hai bên lề đường để chờ đến lượt.
"Là tiệm quen mà, ổng sửa nhiệt tình lắm, giá cũng vừa phải. Tùy mức độ ngập nước hư máy mà giá khác nhau, lau bugi bình thường thì tầm mười lăm, hai mươi ngàn hà. Ai đến trước thì ổng sửa trước thôi. Tui đến từ lúc còn xếp hàng kìa. Tối qua, tụi nhỏ đi xe này từ quận 1 về, hên là về đến nhà mới hư máy" - chị Ngoan kể chuyện.
Nước ngập vào tận nhà, đến chiều nhiều gia đình mới lau dọn xong. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
"Ngập đến tận trong nhà, không tắt máy mới lạ, nhà tui hai chiếc lận, để trong nhà nước vô dữ quá hỏng luôn xe, mấy chiếc xe số lại đỡ hơn. Nước ngập vào tận phòng, phải cúp điện sợ điện giật " - một người khách lắc đầu cười.
Sống ở TP.HCM đã được khoảng thời gian dài nhưng với Mai Trần Anh Tú (Gia Lai) đêm 25-11 vẫn là ký ức ám ảnh. "Mình đi từ phường 25 qua phường 26 quận Bình Thạnh, khoảng 3 cây số, lúc về gần tới nhà thì tắt máy, sâu lắm luôn, tới yên xe luôn, sau đó phải dắt xe về nhà thôi, có tầm 300 m thôi mà mất hơn 15 phút" - Tú kể chuyện.
Một số hình ảnh tại tiệm sửa xe:
Hai người thợ sửa xe liên tục làm việc không ngơi nghỉ.
Những chiếc xe cặp sát tường chờ đợi đến lượt sửa.
Người vợ phụ chồng sửa xe cho khách.
Làm việc liên tục từ sáng đến giờ, hai vợ chồng đã thấm mệt.
Lê Thoa-Nguyễn Trà
Theo PLO
Hàng loạt xe sang Mercedes, BMW chết máy, nằm im lìm trên phố Sài Gòn sau cơn bão số 9 Nhiều mẫu xe sang như Mercedes-Benz và BMW nằm im lìm trên phố, chờ chủ nhân và xe cứu hộ tới để đưa về gara sửa chữa sau cơn bão số 9 Usagi. Tối 25/11, cơn bão số 9 Usagi đổ bộ vào thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong hơn 10 năm qua...