Bị kiểm điểm vì đốn hạ cây xanh, PGĐ Sở Xây dựng Hà Nội nói gì?
Chiều 22/3, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, người bị yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm, đã trao đổi với PV xoay quanh việc thực hiện đề án chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh tại thủ đô.
Người phụ trách trực tiếp đề án chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh vừa bị Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu kiểm điểm là Phó giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Nam Sơn. Trao đổi với PV, ông Sơn cho biết, sau khi có quyết định của lãnh đạo TP, cá nhân ông đang tập trung để báo cáo kiểm điểm.
Ông Sơn nói: “Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, tôi và các cán bộ liên quan phải nghiêm túc ngồi xem lại, kiểm tra xem trong quá trình thực hiện có vấn đề gì sai sót, rà soát lại xem có chỗ nào anh em làm chưa hết trách nhiệm, và phải đánh giá một cách nghiêm túc”.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vừa ra quyết định kỷ luật hàng loạt cán bộ có liên quan đến đề án chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên địa bàn thủ đô (Ảnh: VNN)
Tuy nhiên, theo Phó giám đốc phụ trách trực tiếp đề án cải tạo, thay thế cây xanh, đây là yêu cầu kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm, báo cáo lên UBND TP. Ông Sơn cho rằng, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm chưa hẳn là đã có khuyết điểm.
Trước phản ứng gay gắt của dư luận trong việc chặt hạ, thay thế hàng loạt cây xanh thời gian qua, ông Sơn giãi bày: “Tôi chỉ nói là tất cả những người đã tham gia về công tác này đều với một ý thức, trách nhiệm, tình cảm, nhằm mục đích làm cho hệ thống cây xanh thành phố đẹp lên, làm cho thành phố thật sự xanh. Trong quá trình làm, nếu có chỗ nào chưa đúng phương pháp, cách làm thì mình cũng phải nghiêm túc rà soát, xem xét, rút kinh nghiệm”.
Video đang HOT
Đánh giá về những việc mình đã làm trong thời gian qua, ông Sơn chỉ cho rằng: “Tôi đang cùng anh em rà soát nên chưa nói trước được cái gì lúc này. Phải rà soát cụ thể xong mới nói được, chứ không thể nói hồ đồ, sẽ làm ảnh hưởng đến công việc chung”.
Ông Hoàng Nam Sơn cũng nói thêm, các cán bộ bị đình chỉ chức vụ là Trưởng phòng Trần Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng và các cán bộ liên quan thuộc Phòng quản lý hạ tầng, môi trường và công trình ngầm – Sở Xây dựng Hà Nội. “Giám đốc Sở Xây dựng đang giao cho phòng tổ chức rà soát những cán bộ liên quan trong đề án thay thế cây, báo cáo để ra quyết định tạm đình chỉ” – ông Sơn nói.
Trước đó như đưa tin, sau cuộc họp lãnh đạo TP, chiều 22/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã ra quyết định kiểm điểm trách nhiệm, thanh tra toàn diện việc thay thế cây xanh trên một số tuyến phố. Hà Nội quyết định thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành, tiến hành thanh tra toàn diện việc thực hiện thay thế cây xanh trên một số tuyến phố thời gian qua.
Đồng thời, Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng tiến hành kiểm điểm trách nhiệm cá nhân theo chỉ đạo. Kiểm điểm trách nhiệm Phó Giám đốc phụ trách trực tiếp, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thế Thảo cũng quyết định tạm đình chỉ công tác Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, cán bộ công chức liên quan trực tiếp trong việc thực hiện nhiệm vụ trên để phục vụ công tác thanh tra.
Theo Infonet
Có nên coi việc chặt cây xanh ở Hà Nội là "phá hoại có tổ chức" hay không?
Việc "nhanh nhảu" trong vụ "hạ sát" tới 2000 cây xanh, chỉ trong có vài ngày, chứng tỏ các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội có khả năng xử lý công việc một cách "nhanh nhẹn" chứ không trì trệ như người dân lâu nay vẫn phàn nàn.
Chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội từ xưa đến nay vẫn nổi tiếng là trì trệ, chậm chạp và độ chuyên nghiệp, năng động thì thua xa các thành phố khác như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng... Bộ máy làm việc của các cấp chính quyền Hà Nội cực kỳ quan liêu, mang nặng tư duy thời bao cấp và đối với dân thì luôn " hành là... chính"!
Tuy nhiên, trong vụ "thảm sát" cây xanh có tổ chức này, thì các cơ quan chức năng liên quan đến "dự án thay cũ đổi mới cây xanh" lại thể hiện một động thái nhanh, quyết liệt, mạnh mẽ và cả... âm thầm.
Chỉ trong một thời gian ngắn mà lực lượng chỉnh trang đô thị đã "chặt phăng" khoảng 2.000 cây, trong đó có rất nhiều cây cổ thụ, cây có giá trị.
Lực lượng này làm việc nhiệt tình chưa từng thấy, làm việc cả ngày lẫn đêm, làm việc dưới áp lực cao (trong tình trạng vừa làm vừa nghe dân chửi).
Điều này cho thấy các lực lượng chỉnh trang đô thị của thành phố cũng "không phải hạng vừa". Chỉ có điều lâu nay chưa có cơ hội thể hiện!
Vụ chặt 6.700 cây xanh nếu không bị người dân và dư luận chặn lại thì có thể coi là một cuộc "thảm sát" cây chưa từng thấy ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, chỉ riêng việc đã chặt phăng 2.000 gốc cây cũng đủ đưa Hà Nội lên "đầu bảng" trong việc chặt phá cây xanh trong cả nước.
Trong buổi họp báo chiều ngày 20/3, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã thông báo việc ngừng chặt phá cây xanh nhưng lại né tránh tất cả các câu hỏi liên quan đến việc quy trách nhiệm. Lúc này, các cơ quan báo chí mới lôi ra thông tin là chính quyền thành phố chịu "sức ép" từ các nhà tài trợ nên phải khẩn trương làm.
Qua sự khẩn trương và mạnh mẽ lần này, người dân cứ thầm ước ao: Giá mà từ trước đến nay, "các anh ấy" cũng chịu khó thế này thì bộ mặt đô thị Hà Nội đâu có đến nỗi "nguệch ngoạc" như bây giờ.!
Người ta không thể không đặt dấu hỏi là tại sao họ lại thảm sát cây "thần tốc" đến vậy. Và trong vụ thay cây này, ai sẽ là người ... bán được lắm cây nhất?
Cây xanh, nếu là cây trong vườn nhà anh, thì chặt hạ thế nào là tùy. Nhưng cây trong ngoài đường, bằng tiền thuế của dân từ bao đời nay, là bóng mát, là giữ môi trường, là tạo cảnh quan... thì muốn làm gì cũng phải suy nghĩ, nghiên cứu cho thấu đáo. Còn như cái ông quan chức nào đó, mở miệng ra bảo "chính quyền làm không cần phải hỏi dân", thì cũng nên cho ông này đi nơi khác. Sao lại có thứ quan chức ăn nói hồ đồ đến vậy?
Có rất nhiều khuất tất trong vụ chặt hạ cây xanh này. Chúng ta hoan nghênh tinh thần thẳng thắn của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, và rất mong ông Chủ tịch cho điều tra làm rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân trong vụ " thảm sát" cây này.
Điều người dân muốn được biết một cách minh bạch là: Ai là người ký duyệt cho vụ thảm sát cây này? Trước đó, đã có nghiên cứu khoa học nào về việc thay cây này chưa? Một việc lớn đến như vậy mà tới Chủ tịch còn không biết, vậy phải chăng Phó Chủ tịch đã lộng quyền? Số tiền phải bỏ ra thay cây là bao nhiêu? Và số cây này được mua từ đâu? Và cuối cùng là số gỗ của 6.700 cây (nếu được chặt sạch theo đúng kế hoạch) thì sẽ sử dụng thế nào? Bán cho ai?
Và trước những hậu quả đã trông thấy, phải coi đây là một cuộc "phá hoại tài sản, phá hoại môi trường có tổ chức"
Nguyễn Như Phong
Theo petrotimes
Người dân Hà Nội nói gì việc chặt hàng loạt cây xanh? Việc chặt hạ hàng nghìn cây xanh trên nhiều tuyến phố nội đô khiến nhiều người dân lo lắng, nhất là khi mùa nắng nóng đến gần. Hà Nội đang triển khai thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên hàng loạt tuyến phố. Theo đó, khoảng gần 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố sẽ bị chặt...