Bi kịch xã hội từ chính sách một con tại Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc đã nhất trí với chủ trương thực thi toàn diện chính sách sinh con thứ hai, bãi bỏ chính sách một con.
Chính phủ Trung Quốc đã nhất trí với chủ trương thực thi toàn diện chính sách sinh con thứ hai, bãi bỏ chính sách một con.
Theo đó, từ nay, mỗi cặp vợ chồng Trung Quốc được sinh hai con, nhằm thúc đẩy phát triển cân bằng, kiên trì quốc sách căn bản về kế hoạch hoá gia đình, hoàn thiện chiến lược phát triển dân số, tích cực triển khai ứng phó hành động dân số già hoá.
Tất cả các cặp vợ chồng tại Trung Quốc từ giờ đều được sinh hai con.
Chính sách một con lần đầu tiên được áp dụng kể từ năm 1980 nhưng sau Hội nghị Trung ương 3 hồi cuối năm 2013, Trung Quốc cũng đã nới lỏng chính sách kế hoạch hóa gia đình, cho phép hàng triệu gia đình được có hai con trong trường hợp cặp vợ chồng có bố hoặc mẹ là con duy nhất.
Với tổng tỉ xuất sinh 1,4 con trên một phụ nữ – một con số thấp so với Mỹ và nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã dẫn đến xã hội Trung Quốc già hóa nhanh chóng đi kèm với nhu cầu chương trình an sinh xã hội và dịch vụ chăm sóc y tế cho người già tăng cao. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ trong tương lai cho nền kinh tế đang đứng thứ 2 trên thế giới và có tham vọng lật đổ Mỹ.
Theo số liệu của chính phủ, số người trong độ tuổi lao động năm nay đã giảm 3,7 triệu người so với năm 2014, xuống còn 916 triệu lao động, và dự đoán xu hướng giảm này sẽ còn tiếp tục trong vài năm tới. Trong khi đó, theo tính toán của các chuyên gia Mỹ, số người già trên 60 tại nước này sẽ chạm mốc 400 triệu người, tương đương 1/4 dân số Trung Quốc trong những năm 2030. Hiện lượng người già chiếm 1/7 số dân cả nước.
Một trong những hệ lụy khác mà việc thực hiện chính sách một con tại Trung Quốc kéo theo đó chính là gia tăng tệ nạn tham nhũng tại giới quan chức địa phương trong 35 năm qua. Rất nhiều vụ hối lộ, lót tay diễn ra để lách luật. Bên cạnh đó, chính sách này cũng làm tăng tỉ lệ nạo phá thai và triệt sản tại các bệnh viện.
Video đang HOT
Trước đó, chuyên gia dân số, giáo sư Wang Feng đang làm việc tại trường Đại học California ở Irvine (Mỹ) cảnh báo chính sách một con là nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi kết cấu nhân khẩu của nước này. Giáo sư Wang cho rằng việc dỡ bỏ chính sách này là một “tin vui”, mặc dù phải mất đến nhiều năm, thậm chí cả một thế hệ, sự thay đổi mới diễn ra một cách rõ ràng và có ảnh hưởng tới xu hướng thay đổi kết cấu nhân khẩu hiện nay. Ông bày tỏ, “mặc dù quyết định này được đưa ra quá muộn, song nó vẫn là một cú huých lịch sử chấm dứt các chính sách lãng phí và gây tranh cãi tại Trung Quốc”.
Ngược lại, giáo sư Peng Xizhe nghiên cứu dân số tại trường Đại học Fudan lại nhận định: “Việc cải cách này chỉ có tác dụng làm chậm lại quá trình già hóa dân số của xã hội Trung Quốc, chứ không thể nào đảo ngược lại xu thế. Nó có thể tạm thời đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực, nhưng sau đó, theo kế hoạch dài hạn, việc thiếu hụt lao động vẫn sẽ xảy ra do phụ nữ lại nghỉ việc ở nhà sinh con”.
Nhiều chuyên gia đề nghị việc thay đổi chính sách cho phép các gia đình sinh hai con nên đi kèm với các biện pháp cải thiện các dịch vụ an sinh xã hội, chăm sóc y tế cho bà mẹ, trẻ em, hay xây dựng cơ sở nuôi dạy, trông trẻ, cũng như làm giảm áp lực kinh tế cho các gia đình.
Tuy nhiên, không dự tính sâu xa như các chuyên gia, hạnh phúc nhất vẫn là các gia đình ở đất nước này. Việc dỡ bỏ chính sách một con của Trung Quốc đã được phần lớn người dân nước này hưởng ứng nhiệt liệt. Các diễn đàn tranh luận trên mạng trực tuyến sôi nổi các bài viết, bày tỏ sự vui mừng. Thậm chí có người còn hài hước bình luận “Cuối cùng, chúng ta đã không phải đến Mỹ để sinh con thứ hai”. Tạm gác lo lắng gánh nặng kinh tế có thể ảnh hưởng tới việc sinh con, nhiều người bày tỏ mong ước có thêm thành viên mới cho gia đình.
Theo Báo Tin Tức
Theo_Kiến Thức
Lý do khiến Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con
Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 29.10 thông báo bãi bỏ chính sách một con tồn tại trong suốt 35 năm qua ở nước này. Lý do thực sự của sự thay đổi này là gì?
Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con được cho là vì lý do kinh tế - Ảnh: Reuters
Với dân số 1,4 tỉ người, Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới. Chính sách một con được ban hành vào năm 1979 với mục tiêu kiểm soát cuộc khủng hoảng về dân số đã khiến nước này khó khăn để đáp ứng nhu cầu về nước và các nguồn tài nguyên khác. Theo chính phủ Trung Quốc, chính sách này đã ngăn chặn được khoảng 400 triệu ca sinh đẻ, theo NBC News ngày 29.10. Chính sách một con đã tác động lớn đến xã hội, kinh tế và bản sắc Trung Quốc, bị chỉ trích đã kéo theo tình trạng nạo phá thai, triệt sản, mất cân bằng giới tính, nạn buôn bán trẻ em.
Chính sách cũ chẳng đi đến đâu
Các hộ dân ở nông thôn và tộc người thiểu số từ lâu được phép có 2 con mà không bị phạt nếu con đầu là nữ. Năm 2013, các cặp vợ chồng là con một cũng được phép sinh 2 con. Khi tầng lớp trung lưu tăng dần lên và thu nhập tăng, nhiều cặp vợ chồng dư dả ra nước ngoài để sinh con, gần thì tại Hồng Kông, còn xa thì sang Mỹ, tạo ra ngành công nghiệp du lịch sinh con. Vì vậy, đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định xóa bỏ chính sách một con tồn tại từ lâu.
Dân số già đi trong khi không thể duy trì lực lượng lao động giá rẻ khiến đảng Cộng sản Trung Quốc phải bãi bỏ chính sách 1 con - Ảnh: Reuters
Lý do kinh tế
Năm 2013, chính phủ thông báo sáp nhập cơ quan giám sát chính sách một con là Ủy ban kế hoạch hóa gia đình và dân số quốc gia vào Bộ Y tế. Và sau đó chính phủ cũng chuyển trách nhiệm lên kế hoạch nhân khẩu cho cơ quan lên kế hoạch kinh tế là Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia.
Kinh tế chính là yếu tố quyết định khiến Trung Quốc thay đổi chính sách tồn tại hàng thập niên này, theo NBC News. Một trong những thách thức thúc đẩy Trung Quốc tạo ra sự thay đổi, từ một gã khổng lồ về sản xuất hàng thứ cấp trở thành nền kinh tế hàng đầu về tiêu dùng, chính vì nước này không thể duy trì được lực lượng lao động giá rẻ.
Trung Quốc hiện không có đủ người trẻ để tăng cường nguồn lao động giá rẻ cho các ngành công nghiệp sử dụng lao động phổ thông. BBC dẫn dữ liệu của công ty thống kê Statista cho biết, đến năm 2050, một phần tư dân số Trung Quốc ở độ tuổi 65 trở lên.
Lý do thứ hai là vì dân số Trung Quốc đang già đi nhưng không có đủ sự chăm sóc. Gánh nặng đổ dồn lên vai con cái họ. Những cặp vợ chồng chỉ có một con, thì đứa con đó đương nhiên phải một mình chăm sóc cho cả cha mẹ lẫn ông bà, thay vì được san sẻ nếu có anh chị em.
Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng thậm chí không đủ khả năng để sinh con thứ hai. Theo NBC News, nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc năm 2007 khi được hỏi muốn có 2 con không, đều trả lời là không. Chi phí cho cuộc sống tại các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải rất đắt đỏ và họ muốn dồn hết mọi điều tốt đẹp cho đứa con duy nhất. Cuộc cải cách chính sách năm 2013 cũng không làm câu trả lời khác đi.
"Chúng tôi thiếu sự hỗ trợ từ xã hội đối với các gia đình 2 con. Trung Quốc không cung cấp trợ cấp cũng như giáo dục miễn phí", một người dân Bắc Kinh nói.
Các nhà nhân khẩu học cũng cho rằng việc thay đổi cũng không có nghĩa là sẽ làm đảo ngược tình trạng tỉ lệ sinh giảm, và việc đảng Cộng sản Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con là một quyết định chỉ mang tính biểu tượng nhiều hơn.
Hãng truyền thông BBC ngày 30.10 đã đưa ra 5 con số thống kê về dân số Trung Quốc dưới thời chính sách một con được áp dụng:
1. Giảm bớt được 400 triệu ca sinh: Chính phủ Trung Quốc cho hay từ khi chính sách một con chính thức được áp dụng năm 1979, nước này đã giảm được 400 triệu ca sinh.
2. Tỉ lệ tử vong ở trẻ em là 21 nam/28 nữ: Chính sách một con được cho là đã khiến cho nhiều gia đình phải bỏ đi con gái vì họ cho rằng con gái ít có khả năng được trả lương cao hơn con trai sau này, bên cạnh đó là điều kiện sức khỏe và dinh dưỡng cho con trai cũng là một nguyên nhân.
3. 1,16 bé trai trên mỗi bé gái: Cứ mỗi bé gái được sinh ra thì có 1,16 bé trai tương ứng, theo Tân Hoa xã. Sự lựa chọn giới tính khi sinh được cho là nguyên nhân của sự mất cân bằng này.
4. Công thức 4-2-1: Dân số Trung Quốc già đi khi chính sách một con được áp dụng khiến cho các gia đình thường có tỉ lệ 4 ông bà (nội ngoại), 2 bố mẹ và 1 con. Gánh nặng sẽ đặt nhiều hơn lên vai người mẹ và người con trong vai trò chăm sóc.
5. Trung Quốc đã thu được 2.000 tỉ nhân dân tệ (tương đương 315 tỉ USD) tiền phạt từ các gia đình sinh quá quy định từ năm 1980. Trường hợp nặng nhất là đạo diễn Trương Nghệ Mưu và vợ với số tiền phạt là 7,5 triệu nhân dân tệ (1,2 triệu USD) vì sinh con thứ ba hồi năm 2014.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
TQ chính thức bãi bỏ chính sách một con và những nhận định ban đầu Việc Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con, vốn áp dụng trong nhiều thập kỷ qua được cho là quá muộn và khó có thể giải quyết những vấn đề bất cập trong xã hội. Ngày 29/10, Trung Quốc đã quyết định bãi bỏ chính sách một con vốn được áp dụng từ năm 1979 nhằm kiểm soát dân số. Quyết định...