“Bi kịch từ một vụ buôn người”: Cần tái thẩm vụ án
Đó là khẳng định của ThS Phạm Thanh Bình – GĐ Cty luật Bảo Ngọc, Đoàn luật sư TP.Hà Nội.
ThS Phạm Thanh Bình – GĐ Cty luật Bảo Ngọc – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội.
Báo Lao Động các số ra ngày 28 – 29.8 đã đăng loạt bài về vụ án “mua bán phụ nữ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra ở Bắc Giang, là người hành nghề luật nhiều năm và từng công tác tại TAND Tối cao, luật sư (LS) nhận xét thế nào về vụ án này?
Video đang HOT
ThS Phạm Thanh Bình: Sau khi đọc loạt bài đăng trên báo Lao Động, tôi đã tìm đọc lại đầy đủ hồ sơ của vụ án và thấy rằng vụ án này, cơ quan tố tụng của Bắc Giang đã có nhiều thiếu sót trong điều tra, xét xử dẫn đến kết án oan cho chị Đỗ Thị Hằng.
Thứ nhất, việc kết án chị Đỗ Thị Hằng về tội “mua bán phụ nữ”: Bản án sơ thẩm nêu: “Tại phiên tòa hôm nay, Hằng chối tội. Thị khai không cùng Ngọ đưa chị Liễu đi Trung Quốc bán, nhưng thị thừa nhận có quen biết Ngọ và ở cơ quan điều tra khi điều tra viên lấy lời khai xong có đọc rành rọt cho thị nghe, sau đó thị ký xác nhận vào các bản cung, chứ thị không trực tiếp đọc các bản cung nên không rõ nội dung ghi như thế nào”.
Tuy nhiên, tòa sơ thẩm lại nhận định “Thị Hằng là người có văn hóa, lại từng trải việc đời, thị không thể thờ ơ mà nhắm mắt ký vào các bản cung ở cơ quan điều tra” để khẳng định lời khai của bị cáo Hằng do cơ quan điều tra cung cấp chính xác. Đây là một nhận định mang tính suy diễn, áp đặt và thiếu khách quan.
Trong vụ án còn có một đối tượng cũng tên là Hằng lấy chồng và ở tại Trung Quốc, là mắt xích quan trọng trong vụ án. Tuy nhiên, việc cơ quan điều tra và tòa sơ thẩm không điều tra, xác minh làm rõ vai trò của đối tượng Hằng trong vụ án nhằm xác định rõ sự thật, đã vi phạm nguyên tắc “xác định sự thật của vụ án” quy định tại Điều 11 Bộ luật Tố tụng hình sự (1988).
Thứ hai, việc kết án chị Đỗ Thị Hằng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân”: Theo bản án sơ thẩm “Về việc lừa dối anh Phương và chị Mỹ để những người này đưa tiền, gạo cho thị, thị cho rằng thị không có ý lừa gạt họ. Hiện nay con thị đã trả anh Phương 500.000đ, còn số tiền của chị Mỹ thị chỉ vay 300.000đ”.
Tuy nhiên, tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào lời “nhận tội” của bị cáo Hằng tại cơ quan điều tra, lời khai của anh Phương, chị Mỹ trong hồ sơ là thiếu khách quan, chính xác bởi lời khai của bị cáo Hằng tại tòa là hoàn toàn trái ngược. Mặt khác, cả anh Phương, chị Mỹ đều vắng mặt tại phiên tòa nên HĐXX không có điều kiện để xác minh lời khai của họ. Tòa sơ thẩm không triệu tập anh Phương, chị Mỹ tham gia phiên tòa là một thiếu sót nghiêm trọng.
Khi nạn nhân là chị Dương Thị Liễu đã trở về và có đơn khẳng định chị Đỗ Thị Hằng không phải là thủ phạm đưa chị Liễu bán sang Trung Quốc, chị Mỹ cũng có đơn khẳng định chị Hằng không lừa đảo chị thì các cơ quan tố tụng phải làm gì để đảm bảo quyền lợi cho chị Hằng?
ThS Phạm Thanh Bình: Việc chị Dương Thị Liễu trở về và có đơn gửi các cơ quan pháp luật khẳng định chị Đỗ Thị Hằng không phải là thủ phạm đưa chị Liễu bán sang Trung Quốc. Lá đơn làm chứng của chị Liễu là tình tiết mới vô cùng quan trọng, có giá trị làm thay đổi toàn bộ nội dung của bản án mà tòa án không biết được khi ra bản án đó.
Do đó, trong trường hợp này, vụ án cần được xem xét lại theo thủ tục tái thẩm. Việc chị Mỹ có đơn khẳng định chị Hằng không lừa đảo chị cũng cần phải xem lại vụ án theo trình tự tái thẩm. Nếu chị Hằng đã có đơn kêu oan gửi đến Viện trưởng Viện KSND Tối cao thì Viện KSND Tối cao cần sớm điều tra, xác minh tình tiết mới này. Nếu có đủ căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm thì Viện trưởng Viện KSND Tối cao ra quyết định kháng nghị tái thẩm để minh oan cho chị Hằng.
Vụ án đã xảy ra cách đây hơn 15 năm, chị Hằng cũng đã chấp hành xong án phạt tù 10 năm rồi, như vậy theo quy định của của pháp luật thì có còn thời hiệu xem xét lại vụ án?
ThS Phạm Thanh Bình: Căn cứ khoản 2, Điều 295 Bộ luật Tố tụng hình sự thì “Tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được tiến hành trong cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ”. Việc tái thẩm vụ án này là nhằm minh oan cho chị Hằng nên không hạn chế về thời gian.
- Xin cảm ơn LS!
“Lá đơn làm chứng của chị Liễu là tình tiết mới vô cùng quan trọng, có giá trị làm thay đổi toàn bộ nội dung của bản án mà tòa án không biết được khi ra bản án đó. Do đó, trong trường hợp này, vụ án cần được xem xét lại theo thủ tục tái thẩm”.ThS Phạm Thanh Bình – GĐ Cty luật Bảo Ngọc, Đoàn Luật sư TP.Hà NộiTheo ANTD