Bi kịch ‘treo tay’ của tuyển thủ bóng chuyền Hữu Hà
Vì khúc mắc đi ở với CLB cũ Đức Long Gia Lai, chủ công hàng đầu Việt Nam phải làm khán giả ở giải quốc gia 2015.
Đội tuyển bóng chuyền tạm giải tán để các VĐV trở về thi đấu cho CLB tại giải quốc gia, riêng Hữu Hà cũng tạm thất nghiệp, phải làm khán giả bất đắc dĩ. Anh thanh lý hợp đồng với đội bóng cũ Đức Long Gia Lai nhưng không được phép khoác áo bất cứ đội nào khác, kể cả cho Biên Phòng – đội muốn trải thảm đỏ đón anh về.
Hữu Hà không được ra sân thi đấu tại giải quốc gia 2015. Ảnh: MH.
Nghịch cảnh của Hữu Hà xuất phát từ những khúc mắc phức tạp, bi hài lên tới đỉnh điểm với Đức Long Gia Lai. Chủ công 34 tuổi quê Thái Bình muốn ra đi song đã bị “trói” chặt bằng bản hợp đồng với một điều khoản kỳ lạ. Theo đó, anh sẽ tự nguyện giải nghệ, không thi đấu cho đội bóng trong và ngoài nước một khi chia tay Đức Long Gia Lai. Các luật sư chỉ ra sự trái pháp luật của bản hợp đồng, song rắc rối ở chỗ Hữu Hà đã ký vào, kèm theo một cam kết cũng được đưa thẳng vào chính điều khoản kỳ lạ kể trên là “không khiếu nại”.
Video đang HOT
Trước đó, hai bên cũng vài lần thương thảo, song rơi vào bế tắc vì không thống nhất được về cách thức và mức phí đền bù mà Hữu Hà trả cho Đức Long Gia Lai. Căng thẳng lên tới mức chủ công hàng đầu của bóng chuyền Việt Nam từng tuyên bố giải nghệ. Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam tuyên bố sẵn sàng đứng ra làm “trung gian hòa giải” nhưng do hai bên không chịu ngồi lại và chưa có đơn khiếu nại giải quyết, nên Liên đoàn vẫn đứng ngoài. Theo quy chế chuyển nhượng VĐV bóng chuyền, phải sau một năm, Liên đoàn mới vào cuộc để giải quyết việc đi – ở theo diện VĐV tự do.
Rốt cuộc, suốt từ đầu năm, ngoài việc tập chay, Hữu Hà chỉ được thi đấu cọ xát bằng vài trận đấu mang tính “phủi” ở các giải hội làng. Còn hiện tại, trụ cột của đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 28 vào tháng 6 tới đang đau khổ theo dõi các đồng đội tung hoàng trên sân bóng tại giải quốc gia.
Lần thứ hai trong sự nghiệp, đội trưởng tuyển Việt Nam bị “treo tay”. Hồi 2009, anh cũng từng mất cả năm ngồi ngoài liên quan đến chuyện đi ở ẫm ĩ. Sự bế tắc của Hà chỉ chấm dứt khi Đức Long Gia Lai trả hơn một tỷ đồng đền bù cho Tràng An Ninh Bình.
Việc một tuyển thủ không được tham gia tranh tài tại giải quốc gia là thiệt thòi lớn cho chính Hữu Hà, cũng như cả đội tuyển, nhất là khi SEA Games 28 đã cận kề. Cũng còn may cho Hà, các nhà quản lý môn này vẫn tin tưởng và đặc cách triệu tập chủ công này vào tuyển Việt Nam. Còn nếu như nhiều môn khác lấy giải quốc gia làm căn cứ tuyển chọn chính, hay từ ý kiến của đội bóng chủ quản, có lẽ Hà đã mất luôn SEA Games.
Theo VNE
Hoa khôi Kim Huệ nối dài kỷ lục ở giải quốc gia
Người đẹp và cựu đội trưởng tuyển Việt Nam nối dài kỷ lục độc nhất vô nhị về số mùa liên tục dự tranh giải quốc gia lên thành 17 lần.
Tại vòng một giải bóng chuyền quốc gia 2015, ở tuổi 33, Kim Huệ là nữ VĐV cao tuổi nhất. Cô tiếp tục nâng cao kỷ lục vô song với 17 mùa liên tục dự tranh. Kỳ tích của bà mẹ một con không chỉ vượt xa các đồng nghiệp đang thi đấu như Phạm Yến, Ngọc Hoa mà với cả các thế hệ trước.
Kim Huệ thi đấu ở giải quốc gia 17 năm qua. Ảnh: MH.
Hoa khôi bóng chuyền người Hà Nội bắt đầu hành trình khó tin của mình từ mùa giải 1999, bằng vị trí chính thức trong đội hình Bộ Tư lệnh thông tin, chỉ sau đúng 4 năm ăn tập. Kể từ đó, Huệ tham dự đầy đủ các giải quốc gia, luôn đứng trong nhóm chơi hay nhất. Trong đó có nhiều mùa, rõ nhất từ 2002- 2006, phụ công cao 1m 81 là số một toàn diện ở cuộc đấu quốc nội cao nhất của bóng chuyền Việt Nam, từ vai trò thủ lĩnh xuất sắc, tầm ảnh hưởng đặc biệt cho đến điểm số cao vút ghi được.
Từ năm 2002- 2006 là thời gian Huệ đeo băng đội trưởng cho cả CLB lẫn đội tuyển quốc gia và được coi như phụ công hàng đầu Đông Nam Á, gương mặt duy nhất vượt cả đối thủ cùng vị trí của Thái Lan. Chỉ duy nhất mùa 2008, Huệ suýt nữa vắng mặt vì dính chấn thương phải phẫu thuật. Tuy vậy, cô kịp hồi phục để trở lại ở giai đoạn lượt về.
13 mùa gắn bó, Huệ góp công lớn đưa đội bóng lính trở thành một thế lực thống trị tuyệt đối làng bóng chuyền nữ cho đến tận bây giờ. Từ năm 2012, quyết định rời Bộ Tư lệnh thông tin, xuất phát từ nhiều lý do, cô chuyển sang đầu quân cho Ngân hàng Công thương Việt Nam. Nhiều người cho rằng, sự nghiệp của phụ công kỳ cựu sẽ đi xuống, vì tuổi tác, thể lực, sự tập trung, thậm chí coi như bước vào thời gian "dưỡng già". Tuy nhiên, với đẳng cấp, tính chuyên nghiệp hiếm có, Huệ vẫn chơi hay như thường, trong một đội hình chỉ thuộc diện trung bình khá. Với sự tỏa sáng cá nhân, khả năng hỗ trợ đắc lực cho các đồng đội của Huệ, Ngân hàng Công thương Việt Nam đều đặn góp mặt trong top 4, thậm chí mùa 2013 còn đoạt ngôi Á quân.
Hoa khôi bóng chuyền từng không ít lần làm người mẫu ảnh. Ảnh: MH.
Dù rất thành công, song Kim Huệ vẫn chưa hài lòng bởi cô muốn một lần được bước lên ngôi cao nhất cùng đội bóng mới. Cả ba mùa gần đây, đại diện ngành ngân hàng đều ít nhiều có có cơ hội song không tận dụng được. CLB của Huệ bước vào mùa 2015 với tư cách một ứng viên tiềm tàng, chỉ tiếc rằng ngay trước ngày khởi tranh, sức mạnh đã giảm đi đáng kể khi chủ công ngoại nhập tịch Vũ Mai Ka bất ngờ dính chấn thương, phải nghỉ dài hạn. Khó khăn mới không hề ảnh hưởng mà ngược lại càng hun đúc ý chí, quyết tâm nơi người đẹp bản lĩnh, dù Huệ hiểu rằng gánh trên vai mình càng nặng thêm.
Tại SEA Games 28 sắp tới, kỷ lục 6 lần dự tranh đấu trường lớn nhất khu vực mà Kim Huệ đang đồng sở hữu với Ngọc Hoa sẽ bị chính "đàn em" phá. Dù vậy, kỷ lục 17 giải quốc gia liên tục chắc chắn sẽ còn tồn tại rất lâu.
Theo VNE
Hoa khôi bóng chuyền Phạm Thị Yến vẫn chờ duyên Trong tình cảm, VĐV bóng chuyền xinh đẹp luôn từ chối các quan hệ thiếu sự chân thành, thoảng qua. Ở tuổi 31, là thiếu tá quân đội, HLV phó của đội bóng chuyền mạnh nhất nước Thông tin LienVietPostbank, song người đẹp từng hai lần đoạt danh hiệu Miss vẫn đang lẻ bóng. Phạm Thị Yến duy trì phong độ đỉnh cao...