Bi kịch sinh viên “mưu sinh” bằng bẫy cờ bạc
Sẽ là không quá khi nói rằng bão giá đang ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, mọi tầng lớp trong đời sống xã hội. Chưa bao giờ khái niệm bão giá lại được dùng nhiều đến như vậy! Giá điện, giá xăng tăng rồi liên tiếp các mặt hàng tiêu dùng khác tăng theo.
Trong câu chuyện của các sinh viên, khái niệm bão giá đã quá thân thuộc, bởi hàng ngày, hàng giờ họ vẫn phải đối mặt với cơm áo, gạo tiền và những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống xa nhà khác. Không thể tránh được bão giá, nhiều sinh viên đã tìm cách để đối mặt như đi làm thêm, chi tiêu tiết kiệm hơn… Tuy nhiên, đã có không ít các sinh viên vì thiếu tiền đã lao vào đỏ đen để rồi gào thét, vẫy vùng trong vòng xoáy đó.
Những ván bài thâu đêm
Sống xa nhà, không đi làm thêm, không rèn luyện bài vở… như đại đa số bạn bè cùng trang lứa, nhiều bạn sinh viên đang lao vào con đường “đỏ đen”, cờ bạc thâu đêm suốt sáng, ngày này qua ngày khác.
Hậu quả của những cuộc “ăn thua” đỏ đen là những sinh viên này phải dốc hết túi tiền, thậm chí vay mượn thêm để tham gia vào những canh bạc đêm khuya kéo theo đó là học hành sa sút, cuộc sống trượt dốc…
Nhiều bạn sinh viên đang lao vào con đường “đỏ đen”, cờ bạc thâu đêm suốt sáng, ngày này qua ngày khác (Ảnh minh họa – Nguồn vietbao)
Rất dễ để bắt gặp những đám đông tụ tập trong các xóm trọ sinh viên chơi bài tiền, xóc đĩa,… Họ tụ tập hằng đêm để đánh bài. Hàng chục nam sinh viên cởi trần, ngồi túm tụm trong một phòng trọ trật hẹp bỏ mặc cái nóng nực của mùa hè đánh bài với nhau.
Những quân bài hạ xuống có kẻ khóc, người cười. Họ là những sinh viên của các trường đại học ở Hà Nội, sống trong cảnh nghèo đói, túng thiếu nên đã tìm đến đỏ đen làm chỗ dựa. Đối với những sinh viên này đỏ đen giống như một bức tường để họ dựa vào. Liệu rằng bức tường đó có vững chắc hay đến một ngày nó sẽ đổ sụp vào chính người dựa vào nó
Nguyễn Văn Tuấn, sinh viên năm cuối Đại học GTVT chia sẻ: “Mình sống trong một khu trọ chủ yếu là sinh viên thuê. Những tưởng mọi người đều ngoan ngoãn học hành chăm chỉ. Thế nhưng có đến mới biết, ban ngày xóm trọ yên ắng, vắng vẻ chứ đến đêm mọi người lại tụ họp gọi chân cho đủ rồi đánh bài thâu đêm. Những tiếng cười nói ầm ĩ, tiếng đánh bài vang vọng khiến cho những thành viên còn lại của xóm đều thở dài ngao ngán”
Không chỉ có vậy, chính Dũng (bạn cùng phòng của Tuấn) viện lý do: “Từ ngày bão giá, mình lâm vào tình trạng thiếu tiền trầm trọng nhưng không thể xin thêm tiền bố mẹ được. Thấy mấy anh bạn trong xóm trọ đêm nào cũng tụ tập đánh bài mình cũng tham gia. Ban đầu cũng hơi ngại nhưng sau vài hôm được tiền, mình đã thường xuyên chơi hơn”.
Theo lời Tuấn thì Dũng khá ham mê đỏ đen, luôn cháy hết mình cho mỗi ván bài. Khi hết tiền Dũng sẵn sàng đi vay mượn bạn bè để có tiền chơi hằng đêm.
Do ham mê chơi bài hằng đêm mà Dũng quên nhiệm vụ chính của mình là lên thành phố để học tập. Vì ham mê cờ bạc, Dũng đã nghỉ học từ ngày này qua ngày khác. Có khi cả tuần chỉ đi học có một buổi. Chính vì vậy, kì thi này Dũng đã bị cấm thi 3 môn trong khi các kì trước nợ môn vẫn chưa trả. Đỏ đen nguy hại đến mức nào đối với bất cứ ai chót dính vào nó, đặc biệt là các bạn sinh viên chân ướt, chân ráo lên thành phố học tập đã phải chịu những hệ lụy và vùng vẫy trong những ván bài hằng đêm
Video đang HOT
Đồ đạc lần lượt “đội nón ra đi”
Đúng như tên gọi của nó “đỏ đen”. Người chơi tất sẽ có thắng, có thua. Thế nhưng thắng chưa thấy đâu đã thấy nợ nần chồng chất, học hành dở dang. Không ít bạn sinh viên đã vướng phải lời nguyền của những ván bài đỏ đen.
Đừng vì bão giá, túng quẫn mà các bạn sinh viên sa vào lưới cờ bạc để rồi vùng vẫy thoát khỏi vòng xoáy chết người đó (Ảnh minh họa – Nguồn Vietbao)
Nguyễn Văn Cường, sinh viên Đại học Công Nghiệp Hà Nội đang ở trọ ở khu Nguyên Xá (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: ” Ở xóm trọ của mình có Minh, sinh viên năm 2 học cùng trường mình đã bỏ học dở dang bởi quá đam mê đỏ đen. Vì đã lao vào vòng xoáy đỏ đen nên Minh học hành sa sút, thi rớt lại học lại triền miên…”.
Cường còn kể thêm, Minh còn đi vay mượn tiền khắp nơi để có chân ngồi trong mỗi đêm. Thua lại càng thua, càng thua càng đánh để gỡ, đến giờ Minh đã nợ gần 20 triệu đồng. Vì sợ nợ nần cộng với áp lực gia đình, Minh đã bỏ học và chạy trốn đi nơi khác.
Một trường hợp khác cũng vướng vào đỏ đen để rồi chịu những hệ lụy không thể lường trước. Trần Thế phương, một con nghiện đỏ đen thời sinh viên đau đớn kể lại: ” Trước đây tôi đã từng là sinh viên của trường Trung cấp Kinh tế đối ngoại. Vì thiếu tiền, túng quẫn tôi đã sa vào đỏ đen mà không sao dứt ra nổi.
Bao vật dụng bố mẹ mua cho: máy tính, xe máy… cứ lần lượt đội nón ra đi. Không những vậy một kết cục bi thảm là tôi đã phải nghỉ học đi làm trả nợ cho thời sinh viên mải mê với những ván bài hằng đêm”. Hiện tại, Phương đang làm xe ôm chạy quanh khu vực Cầu Giấy, Hà Nội.
Nguyễn Thu Thủy, sinh viên trường CĐ Thương Mại Du lịch HN đang ở trọ trong khu Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy than thở: “Từ ngày nạn đỏ đen hoành hành trong xóm trọ, mọi người không còn hồn nhiên chơi với nhau nữa. Thay vào đó là những cái nhìn cảnh giác. Đặc biệt từ khi, trong xóm trọ liên tục xảy ra các vụ mất laptop, điện thoại di động…không rõ nguyên do”.
Trò cờ bạc mà sinh viên lao vào luôn để lại kết cục trắng tay. Cái mất thực tế nhất là thời gian, tiền bạc, sức lực và cái mất mà sinh viên chưa kịp nhìn thấy, vì nó còn đang ở phía trước do bỏ bê học hành. Đã đến lúc vấn nạn này cần được các cơ quan chức năng, gia đình tích cực cảnh báo và mỗi sinh viên phải ý thức tác hại của nó để phòng tránh, giữ gìn bản thân trước tương lai…
Đừng vì bão giá, túng quẫn mà các bạn sinh viên sa vào lưới cờ bạc để rồi vùng vẫy thoát khỏi vòng xoáy chết người đó.
Theo VietNamNet
Xóm ve chai lao đao trong bão giá
Nếu mấy năm trước nghề buôn bán phế liệu (ve chai) ở Huế đem lại thu nhập ổn định cho những người dân nghèo thì hiện nay lượng người hành nghề này ngày càng ít bởi lợi nhuận mang lại chẳng tăng được bao nhiêu.
Buồn, vui chuyện nghề
Người đầu tiên chúng tôi may mắn gặp được là chị Thắm (47 tuổi) là người có thâm niên trong nghề buôn bán ve chai ở đây. Đó là một người phụ nữ già trước tuổi, bàn tay chai sạn, dáng điệu khắc khổ bởi sự tàn phai của nắng và gió.
Chị kể: "Ở xóm tui, đa phần là dân tứ xứ vì làm ăn thất bát nên đến đây sống. Có người quê ở mấy tỉnh lẻ, cứ sau mỗi vụ mùa là dành thời gian mấy tháng lên đây để hành nghề ve chai kiếm thêm thu nhập. Còn tui rời quê đến đây theo cái nghề này ngót nghét mười lăm năm trời".
Cũng theo chị Thắm, ban đầu tại xóm này cũng tập trung đủ thành phần người, làm đủ mọi nghề: Bốc vác, bán vé số, làm thuê... nhưng rồi thu nhập khi có khi không cho đến khi gặp một số người lượm ve chai, chị Thắm theo chân họ đi học nghề, rồi cùng nhau lập xóm tại đây. Với thu nhập khả quan mà nghề này mang lại khi đó nên ai cũng học theo, thế rồi xóm ve chai ra đời từ đó.
Một người hành nghề ve chai tại Huế
Để làm nghề này, điều đâu tiên là phải thuộc hết từng con đường, ngõ hẻm trong thành phố, đặc biệt là làm quen với những "mối" dễ như: Nhà sách, quán sửa xe, nhà hàng... để tận dụng những nguồn phế liệu hàng ngày với giá rẻ. Vốn bỏ ra ban đầu cũng không cần nhiều, chủ yếu là đi bộ hoặc xe đạp, muốn có thu nhập ổn định phải chịu khó thức khuya, mỗi ngày phải đạp xe cả chục cây số để thu gom, lượm nhặt từng loại phế liệu có thể rồi về bán lại cho các đại lý.
Theo quan sát của chúng tôi, xóm ve chai này độ 30 hộ, nhưng lúc này rất vắng bóng người, chỉ lác đác vài ba đứa trẻ chạy nhảy. Hiểu ý khách, chị Thắm nói: "Xóm này ban ngày vắng lắm chú à, mọi người đều phải đi làm hết cả, tui thì vừa ốm dậy nên mai mới đi lại được. Chứ bình thường đến đây, chỉ có con nít thôi. Nếu muốn gặp mọi người, thì độ 10 giờ đêm chú quay lại đây sẽ tấp nập ngay thôi".
Thoáng nghe câu nói nửa đùa, nửa thật của chị nghĩ cũng phải, thường ngày dù nắng hay mưa thì tôi vẫn bắt gặp tiếng rao í ới của đồng nát sắt vụn. Ở đây, có những hộ cả gia đình đều làm đồng nát, trẻ con thì đi lượm ve chai tại các bãi rác, phụ nữ thì xách gánh đi khắp nơi thu mua sắt vụn, đàn ông thì đi thu mua các vật dụng điện tử đã qua sử dụng. Trung bình mỗi ngày nghề này đem lại thu nhập cho những hộ dân ở đây 30 - 70 ngàn đồng.
Khắc khổ thời bão giá
Theo lời chị Thắm, đúng 10h tối là khoảng thời gian mà Cố đô Huế đã dần chìm vào sự tĩnh mịch quen thuộc, một không gian đặc trưng rất Huế. Lúc này, có lẽ xóm ve chai chính là nơi náo nhiệt nhất, từng tốp người đua nhau về nhà trên vai là những gánh phế liệu căng đầy nhựa, giấy, sắt vụn...
Người hành nghề ve chai đang cố thu gom những gì có thế sau một chuyến xe rác
Một phụ nữ thở dài: "Haizz, hôm nay mua được ít quá. Dạo này người thành phố ít bán phế liệu". Người khác tiếp lời: "Cũng phải thôi, giá cả lên cao thế này, bán sắt vụn được mấy đồng, có ai mà bán", "Cả ngày nay chỉ được 21 ngàn, mai chỉ đủ đi chợ. Hôm qua, bà chủ lại qua tăng giá phòng rồi đó...". Nghe đến đây, mọi người chỉ nhìn nhau, lặng lẽ phân loại hàng kiếm được. Có lẽ cơn bão giá đã len lỏi vào con xóm nhỏ, khiến cho từng con người nơi đây ngày càng lo lắng về cuộc sống.
Tôi bắt chuyện với một phụ nữ đang loay hoay sắp vật phẩm, cả người chị toát lên mùi nồng nặc của mồ hôi, rác thải sau một ngày lao động vất vả. Đó là chị Thắng (40 tuổi). Thấy có người lạ đến, chị hỏi: "Chú đến đây làm chi cho cực, xóm tui có vài người bỏ nghề rồi. Thời buổi bây chừ, nghề này khó sống lắm chú à, cái gì tăng còn được chứ phế liệu thì tăng bao nhiêu hả chú".
Khi nghe tôi hỏi về những khó khăn trong nghề thì chị lại nhìn tôi và cười: "Đã làm cái nghề này thì phải xem khó khăn như một điều hiển nhiên chú à. Tôi thì đi bộ suốt cả ngày, một số người bị bệnh viêm khớp nhưng cũng cố phải đi. Không đi thì lấy gì mà ăn...?".
Cũng theo lời chị, thu nhập hiện nay từ nghề này mang lại ngày càng không đủ ăn, việc lo cho các con được đi học đã là một kỳ tích rồi, đã 2 tháng nay mấy đứa con của chị chưa biết đến mùi thịt. Cả xóm gần 80 người mà chỉ có 4 cái ti vi, sống nửa đời người mà nhiều người còn chưa biết đi xe máy, mà cũng phải thôi khi mà cơm ăn ba ngày đang dần thiếu thì xe đâu mà đi, mà có ai cho cũng chẳng có tiền mà đổ xăng nữa.
Chị Thắng lại kể: "Như tôi còn đỡ vì con cái cũng giúp được phần nào cho bố mẹ rồi, chứ như đứa em nhà bên, có bầu được 7 tháng mà ăn uống kham khổ quá, chỉ toàn mì tôm, cá khô. Sắp tới, con ra đời mà hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau khóc, tiền làm cả tháng chỉ đủ mua 2 hộp sữa cho con, rồi cũng chẳng biết lấy gì mà ăn, rõ khổ".
Khi nghe hỏi tại sao không chuyển nghề khác cho đỡ khổ, thì chị Thắng với vẻ mặt bần thần đáp: "Đổi nghề gì đây chú, không học hành, bằng cấp, không có vốn. Mà nghe gần đây sắp có chủ trương cấm ve chai hoạt động trong nội bàn thành phố, bắt ra vùng ven, mà ở đó thì có gì mà nhặt... cả xóm tui cũng đang lo".
Đã 11h hơn, nhưng xóm ve chai này vẫn chưa hết nhộn nhịp, đó đây vẫn vang lên tiếng cười, nói chuyện. Người thì đang rửa nilon gần bờ sông cho sạch để bán, người thì chuẩn bị cho chuyến buôn hàng ngày mai... Có lẽ họ đã quá quen với việc ngày ngủ chỉ 3 - 4 tiếng, cái nghèo và cái khổ ở đây được những con người này chấp nhận như một điều hiển nhiên, vì với họ cầu mong cuộc sống có cơm ăn đã là quá đủ.
Theo Bưu Điện VN
Nhịn ăn để tiết kiệm trong 'bão giá' "Bão giá" đang khiến cho đời sống của những người lao động tỉnh lẻ vốn đã bấp bênh, lại càng khó khăn lên gấp bội. Tìm đến nơi ở trọ của họ, chúng tôi không khỏi xót lòng trước những bữa cơm thật đạm bạc và cả những gánh nặng, nhọc nhằn trên con đường mưu sinh... Ăn trưa bằng... uống nước Chúng...