Bi kịch mang tên “vàng đen”
Cùng rời quê đến Quảng Ninh một ngày, cùng bị bắt trong một ngày và cùng lĩnh một mức án tù – Đó là bi kịch của 28 thanh niên thôn Quần Nham 2, xã Đồng Lợi, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Mảnh đất mang nặng nỗi đau
Chúng tôi tìm đến thôn Quần Nham 2, xã Đồng Lợi, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nơi sinh sống của 28 thanh niên bị bắt trong đợt truy quét than thổ phỉ tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh) ngày 13/12/2011. Bác Phạm Văn Phương, trưởng thôn cho biết: “Cả thôn tôi mấy tháng nay nhà nào cũng buồn như có đám, phụ nữ ra đường chẳng ai dám ngẩng mặt vì nỗi nhục chồng con vướng vào tù tội. Cái nghèo đeo đẳng đã lâu, tưởng đàn ông thoát ly sẽ giúp vợ con có cái ăn, cái mặc, ai ngờ…”.
Câu chuyện phải tạm dừng bởi tiếng cười sằng sặc phát ra từ phía đầu ngõ. Bác Phương kể tiếp: “Con bé đó là vợ thằng N, 2 đứa chúng nó lấy nhau được 3 năm. Lúc đầu gia đình chúng nó cũng êm ấm lắm, từ khi con bé con ra đời tai họa từ đâu cứ trút xuống. Ông bố chồng thì bị tai nạn chỉ nằm một chỗ, con bé con bị bại não. Nhà chỉ có mỗi sào ruộng mà có đến 5 miệng ăn, rồi lại tiền thuốc men chạy chữa cho bố, cho con. Đang lúc túng quẫn, thấy có người về làng thuê ra Quảng Ninh làm công nhân mỗi tháng cũng được chừng 3 triệu đồng nên con bé động viên chồng ra đi. Chồng nó đi làm chưa được 1 tuần thì có tin báo về là bị công an bắt. Từ đó con bé hóa điên”.
Các bị cáo tại phiên xét xử
Theo chỉ dẫn của bác Phương chúng tôi tìm đến nhà của bị cáo N. Gọi là nhà nhưng thực ra đó chỉ là một ô gạch chừng 10m2 được quây tạm bợ, mái căng bạt, trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá ngoài 1 cái giường gỗ mọt và một chiếc chõng tre. Thấy chúng tôi đến, ông Toàn (bố của N) cứ ôm ghì đứa cháu nội oặt ẹo, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo rồi nói như van lơn: “Thằng N nhà tôi không bị công an bắt phải không chú? Nó đi làm ăn xa sắp về rồi phải không chú?”. Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau, lòng nghẹn đắng.
Cách nhà ông Toàn không xa là nhà của bà Hoàn (mẹ của bị cáo T). Xếp vội mấy mớ rau vào chiếc rổ để chuẩn bị cho buổi chợ chiều, bà buồn bã: “Nhục nhã với xóm làng lắm chú à. Nếu mẹ con tôi cứ dắt díu nhau nhờ mấy mớ rau này sống qua ngày thì vẫn còn có mẹ, có con, nhưng thằng T nó lại muốn đi làm để mua cho con nó bộ quần áo mới, chiếc cặp sách đẹp cho bằng chúng bằng bạn vì năm nay thằng bé con vào lớp 1. Giờ nó bị đi tù, con nó nhớ bố nhưng tôi không có tiền để đưa thằng bé ra thăm bố nó. Tội nghiệp thằng bé, mẹ nó mất khi vừa đẻ ra nó, giờ lại bị bạn bè ghẻ lạnh vì có bố ở tù. Đêm nào nó cũng khóc, nó bảo nó không đi học nữa để bố nó sớm về nhà…”.
Thương tâm hơn là hoàn cảnh của 2 anh em bị cáo Nguyễn Xuân Long, Nguyễn Xuân Thiết. Bố mẹ của 2 bị cáo qua đời từ khi Long vừa tròn 1 tuổi. Anh em Long lớn lên trong sự cưu mang của bà con chòm xóm. Không có tiền để ăn học, 2 anh em chỉ biết nương tựa vào 1 sào ruộng đắp đổi qua ngày. Mấy tháng trước, thấy có người về làng thuê đi làm công nhân, vốn có sức khỏe, 2 anh em cùng dắt díu nhau đi, mong kiếm chút tiền về sửa lại căn nhà. Và rồi cả 2 anh em Long đều vướng vào vòng lao lý.
Theo tìm hiểu của PV, 28 phu than ở thôn Quần Nham 2 đều là những trụ cột trong gia đình. Họ có chung một đặc điểm là chỉ biết làm nông nghiệp, một nửa trong số họ không biết chữ, chưa bao giờ thoát ly khỏi làng và đều rất nghèo. Họ chấp nhận đến Quảng Ninh làm phu than với một hy vọng đổi đời nhưng khát vọng của 28 phận người này đều đóng lại sau cánh cửa trại giam công an tỉnh Quảng Ninh.
Bi kịch xé lòng
Được mời gọi đến Quảng Ninh làm công nhân với mức lương hấp dẫn, 28 thanh niên đã hăm hở rời làng. Khi đặt chân tới Hạ Long, họ mới vỡ lẽ, cái công việc kiếm được nhiều tiền mà họ phải làm là làm phu than cho 1 lò than thổ phỉ của tên Phạm Văn Ngọc. Hàng ngày, 28 con người phải thức dậy từ 6h sáng làm quần quật trong đường lò tối thui hẹp chừng 1m2, dài khoảng 100m được chèn chắn sơ sài bằng những khúc cây cho đến 6h tối mới được lên mặt đất. Nhiều hôm, để qua mặt lực lượng chức năng chủ lò bắt họ làm việc suốt đêm. Lương 2,7 triệu đồng/tháng. Không ai có bất kỳ một dụng cụ bảo hộ lao động nào.
Video đang HOT
Vất vả là vậy nhưng 28 con người không ai dám kêu than nửa lời, phần sợ bị đánh, phần sợ bị trừ lương. Họ làm việc được đúng 5 ngày thì bị công an TP.Hạ Long bắt giữ khi đang miệt mài đào than dưới lò…
Những ngày sống trong trại tam giam, 28 thanh niên không có một ai đến thăm nom. Khi được tin phiên tòa xét xử sẽ diễn ra vào 2 ngày11,12/7, người thân của 28 thanh niên mới lặn lội từ Thanh Hóa ra Quảng Ninh. Không có tiền, họ mang cơm nắm ở nhà đi ăn, tối đến họ xin bìa các-tông trải ra ngủ trên vỉa hè cạnh cổng TAND tỉnh Quảng Ninh.
Trong không khí oi ả của mùa hè đất mỏ, một người đàn ông gần 60 tuổi bế trên tay đứa cháu chừng 6 tháng tuổi thở dài mệt mỏi sau một đêm thức trắng. Ông là Hoàng Văn Cầu, bố của bị cáo Hoàng Văn Tình, cạnh đó là người con dâu Trịnh Thị Hiền.
Người thân của bị cáo trong thời gian chờ dự phiên tòa
Đưa tay gạt vội nước mắt, chị Hiền tâm sự: “Thấy tôi chuẩn bị sinh, anh Tình đi làm thuê khắp nơi để kiếm thêm tiền mua sữa cho con. Nghe mọi người nói đi đào than thuê sẽ có cơ hội đổi đời nên anh đi theo nào ngờ chưa gửi được đồng nào về nhà thì đã bị bắt. Muốn anh ấy nhìn mặt con một lát, tôi vay được 500.000 đồng để 2 bố con đi đường, không đủ tiền, bố con tôi chỉ dám ăn bánh mỳ, tối ngủ tạm ngoài vỉa hè. Đêm qua nóng và muỗi quá con bé con không ngủ được cứ khóc mãi”. Cạnh bên chị Hiền còn khoảng hơn chục người cũng khăn gói mong chờ đến giờ phút được gặp mặt người thân.
Đúng 8h, chiếc xe chở phạm nhân đỗ xịch trước sân TAND tỉnh Quảng Ninh. 28 bị cáo bước xuống từ chiếc xe bít bùng nóng hầm hập. Người thân của họ liền xô tới chỉ mong nhìn thấy chồng, con mình một lát sau gần 7 tháng xa cách. Những tiếng khóc xé lòng vang lên. 28 nông dân nghèo khó bị đưa ra xét xử vì tội vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên.
Sau vành móng ngựa, 28 thanh niên vẫn ngơ ngác không biết mình đã phạm tội gì, chỉ biết là mình đi làm thuê để lấy tiền công rồi bị công an bắt. HĐXX khá vất vả trong phần thủ tục vì tất cả những gì tòa nói và phổ biến cho các bị cáo đều quá mới mẻ và xa lạ. Họ không phân biệt được giấy triệu tập, quyết định xét xử và cáo trạng là gì…
Đại diện VKSND giữ quyền công tố phiên toà, phải thốt lên: “Từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa xảy ra một vụ án nào thương tâm như vụ án này. 28 bị cáo đều không được đi học, đều là những thanh niên chất phác, chỉ vì miếng cơm manh áo và thiếu sự hiểu biết nên đã bị kẻ xấu lợi dụng. Việc làm của các bị cáo đã tiếp tay cho những kẻ khác vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của địa phương, đến tính mạng của các bị cáo và những người xung quanh”.
Vị đại diện VKSND cho biết: “Các bị cáo đã vi phạm vào khoản 1, Điều 172 BLHS”. Khi đã hiểu được mức độ nguy hiểm tại các lò khai thác than trái phép, trên khuôn mặt 28 nông dân mới hiện lên vẻ ăn năn,sợ hãi. Phiên tòa lặng lẽ trôi đi trong sự xót xa của cả HĐXX và những người dự khán. Được nói lời sau cùng, các bị cáo đồng thanh trả lời: “Mong pháp luật khoan hồng để các bị cáo sớm được về với gia đình để làm lại cuộc đời”.
Tòa tuyên án, 28 bị cáo phải chịu mức án 9 tháng tù giam. Cả hội trường như vỡ òa bởi những tiếng khóc nấc của 28 bị cáo và thân nhân của họ. Họ khóc vì tủi phận, vì cái nghèo, vì sự thiếu hiểu biết đã đẩy họ vào vòng lao lý.
Kết thúc phiên tòa, 28 bị cáo bước lên xe bít bùng trở về trại giam, để lại phía sau những ánh mắt khắc khoải và nỗi tiếc nuối của những người dự khán về 28 mảnh đời, 28 bi kịch từ “ vàng đen”.
Theo NDT
Những "bùng nhùng" ở mỏ "vàng đen" tốt nhất Việt Nam
Không chỉ hốt vàng từ Việt Nam mang về, doanh nghiệp này còn bỏ qua nhiều quy định, làm mưa làm gió ở vùng vàng đen, gây bất bình trong dư luận.
Trong khi Việt Nam từng phải nhập khẩu than từ Indonesia thì tại khu vực Uông Thượng, Đồng Vông (phường Vàng Danh, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), một mỏ than được xác định có chất lượng tốt nhất Việt Nam lại đang thuộc về một công ty của Indonesia. Điều đáng nói là không chỉ hốt vàng từ Việt Nam mang về, doanh nghiệp này còn bỏ qua nhiều quy định, làm mưa làm gió ở vùng vàng đen, gây bất bình trong dư luận.
Vì quản lý lỏng lẻo, khai trường của VMD luôn đông người đến nhặt than
Khai trường hỗn độn
Mỏ than Uông Thượng, Đồng Vông có diện tích hơn 1.000 ha, vốn nằm trong khai trường quản lý của Công ty than Uông Bí (TUB) và là nơi được xác định có nguồn than tốt nhất vùng mỏ Quảng Ninh. Năm 1994, TUB ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty PT.Vietmindo Energitama (VMD) - doanh nghiệp 100% vốn Indonesia.
Theo hợp đồng hợp tác kinh doanh tháng 4/1994 thì mỗi năm VMD được phép khai thác, tiêu thụ và xuất khẩu 500.000 tấn than sạch, trong thời hạn 30 năm. Hầu hết máy móc, thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc khai thác than của VMD là thuê phương tiện của các doanh nghiệp Việt Nam. Công ty VMD đã ký hợp đồng với 3 đơn vị để bốc xúc đất đá và vận chuyển than. Nhưng vì năng lực, thiết bị máy móc, phương tiện không đáp ứng được yêu cầu sản xuất, 3 đơn vị này lại ký hợp đồng thuê một số doanh nghiệp tư nhân khác đưa phương tiện, máy móc vào khai trường để bốc xúc vận chuyển than, đất đá.
Theo Công an TP. Uông Bí (Quảng Ninh), do các đơn vị trực tiếp nhận bốc xúc, vận chuyển cho VMD ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài tỉnh nên số lao động đến khai trường làm việc được tuyển dụng sơ sài, có cả những đối tượng đã có tiền án, tiền sự nghiện hút.
Trong khai trường của VMD hàng ngày có khoảng 400 - 600 người dân từ nhiều nơi đến khu vực giáp bãi thải dựng hàng trăm lán trại để vào bãi thải của VMD mót và trộm cắp than. Cũng do công tác quản lý của VMD buông lỏng nên một số công nhân, bảo vệ của công ty này đã thông đồng với lái xe, lái máy xúc của các đơn vị vận chuyển bốc xúc tuồn than ra ngoài. Nhiều đối tượng lưu manh thấy lái xe trộm cắp than đổ ra bãi thải bán, đã tìm cách lọt vào khai trường VMD dùng vũ khí, súng tự chế đe doạ, uy hiếp người dân rồi thu gom than trái phép.
Đại tá Nguyễn Quang Thành, trưởng CATP. Uông Bí cho biết, tình hình an ninh trật tự tại khai trường, ranh giới mỏ thuộc VMD quản lý vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng khai thác, vận chuyển than trái phép và nạn tổ chức thu gom, trộm cắp, đánh chém để cướp than tại đây có chiều hướng gia tăng, gây khó khăn cho công tác đảm bảo ANTT.
Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, CATP Uông Bí đã phát hiện, xử lý 15 vụ phạm pháp hình sự tại khai trường VMD. Điển hình là việc khởi tố vụ trộm cắp gần 50 tấn than Triệt phá 26 lò khai thác than trái phép. Đặc biệt là trong một lần kiểm tra lán trại tại khu vực này, CA đã phát hiện thu giữ 19 khẩu súng các loại, 6 bộ áo giáp, 109 viên đạn các loại cùng nhiều dao, kiếm các loại, bắt khẩn cấp và triệu tập 22 đối tượng, triệt phá 86 lán trại, giải toả 5 điểm thu gom than trái phép
Mặc dù tình hình ANTT tại đây có diễn biến phức tạp cả về tính chất và quy mô, cơ quan chức năng của tỉnh và TUB đã có nhiều văn bản yêu cầu VMD tăng cường công tác bảo vệ tài sản, tài nguyên môi trường, ranh giới mỏ nhưng công ty này coi như không biết.
Liệu có nhập lại than của chính mình?
Theo CA tỉnh Quảng Ninh, bản hợp đồng hợp tác kinh doanh tháng 4/1994 giữa TUB và VMD có những điều khoản nêu rõ trách nhiệm của Công ty Vietmindo phải chịu trách nhiệm chính sự ô nhiễm môi trường cũng như tình hình mất ANTT xảy ra trong khai trường ranh giới mỏ, gây ảnh hưởng xấu đến các địa bàn xung quanh. Tuy nhiên, công ty này đã bỏ qua những cam kết của mình, liên tiếp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam cũng như các vấn đề liên quan đến ANTT.
Sở dĩ VMD tự tung tự tác hoạt động, biến mỏ than trữ lượng lớn, quý giá nhất của Việt Nam thành lãnh địa riêng cho mình, theo đánh giá của CA tỉnh Quảng Ninh, là do lãnh đạo VMD thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ tài sản, tài nguyên khai trường ranh giới mỏ quản lý. Nhận thức về công tác bảo vệ của lãnh đạo VMD rấtoái oăm khi cho rằng công tác bảo vệ tài sản, tài nguyên môi trường, ranh giới mỏ và giải quyết các vụ việc liên quan đến ANTT tại địa bàn là việc của công an và chính quyền địa phương, nên không quan tâm, ngăn chặn, xử lý các vụ việc xảy ra?!
Theo tài liệu của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, bản hợp đồng tháng 4/1994 không thể hiện quyền của TUB trong mọi hoạt động hợp tác. VMD là người điều hành toàn bộ hoạt động khai thác, sản xuất kinh doanh. TUB hầu như không được phép can thiệp, kể cả việc kiểm tra thông thường. Tỷ lệ ăn chia là quá thấp (TUB chỉ được hưởng 10% tổng số than thương phẩm do Vietmindo sản xuất trong năm đó). Trong khi đó phía Indonesia không chuyển nhượng được những tiến bộ gì về khoa học kỹ thuật, cung cách quản lý cho Công ty than Uông Bí vì phía Indonesia thuê và sử dụng ngay các nhà thầu là công tư nhân và nửa tư nhân của Việt Nam. K
hông chỉ biến mỏ than quý giá này là lãnh địa của riêng mình, Vietmindo còn tự tung tự tác khai thác bừa bãi, vượt quá quy định của hợp đồng. Mỗi năm Vietmindo chỉ được phép khai thác 500.000 tấn than thương phẩm, nhưng thực tế nhiều năm qua, mỗi năm công ty này đã khai thác từ 750.000 đến hơn 800.000 tấn. Chính vì sự bất lợi này mà các công ty than của Việt Nam dù có đủ năng lực để quản lý và khai thác đành ngậm ngùi nhìn mỏ vàng đen bị khai thác bừa bãi.
Chúng tôi đem thắc mắc này tới TUB thì được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lịch sử để lại. Việc TUB ký hợp đồng với VMD chỉ là trên danh nghĩa, còn thực chất là do Bộ Công nghiệp thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước trực tiếp phê duyệt. TUB đã nhiều lần đề nghị VMD đàm phán lại hợp đồng VMD chưa đồng ý.
Một lãnh đạo CA tỉnh Quảng Ninh: "Hoạt động bất chấp pháp luật Việt Nam của VMD không chỉ gây bức xúc với đơn vị hợp tức, người dân địa phương mà là rất nhiều cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp địa phương. Để sớm ổn định tình hình ANTT trong khu vực, CA tỉnh yêu cầu VMD chấm dứt ngay hợp đồng với các nhà thầu phụ. VMD phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật Việt Nam về bảo vệ ANTT, tài sản, tài nguyên, khai trường, ranh giới mỏ của công ty Chịu sự kiểm tra giám sát về ANTT, tài nguyên, ranh giới mỏ trước các cơ quan ban ngành địa phương, TUB và Tập đoàn khoáng sản Việt Nam Hai bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh xem xét, thay đổi, bổ sung hợp đồng càng sớm càng tốt".
Điều hết sức nực cười rằng Indonesia đã từng xuất khẩu than cho Việt Nam và thời gian gần đây, sau khi gây ra hàng loạt những rắc rối tại địa bàn khai thác, VMD liên tục lập dự án, làm công văn đề nghị gia hạn khai thác than và tăng số lượng lên tới 1 - 2 triệu tấn/năm. Nếu được cơ quan cấp trên đồng ý thì mỏ vàng này tiếp tục làm giàu cho một anh bạn thiếu ý thức. Còn TUB, tức là chúng ta phải chịu cay đắng, thiệt thòi trong nhiều năm nữa và ngậm ngùi nhập lại than của chính mình với giá cắt cổ?!
Không chỉ bị xử phạt về bảo vệ môi trường (tới gần 300 triệu đồng), gây mất an ninh trật tự, Công ty Vietmindo từng phải hầu toà vì bị kiện là đối tượng nợ không trả, thiệt hại không bồi thường. Hiện, vụ việc vẫn đang được các cơ quan pháp luật Việt Nam xem xét.
Theo NDT
Quảng Ninh: Bắt 6 đối tượng đào trộm than trong đêm Cơ quan CSĐT Công an TP Hạ Long - Quảng Ninh đang tạm giữ hình sự 6 "than tặc" bị bắt quả tang đang đào trộm than trong đêm tối tại khu vực tổ 21 khu 3, phường Hà Khánh - TP Hạ Long. Theo thông tin từ cơ quan công an, tối 20/12, Công an TP Hạ Long phối hợp với Công...