Bi kịch gia đình xót xa của “Điều Ba Mẹ Không Kể”: bao nhiêu oán trách, lỗi lầm rồi cũng tìm được đường để quay về
Giống như Về nhà đi con của Việt Nam, Điều ba mẹ không kể tạo ra một hệ thống nhân vật có sứt mẻ, đều phạm sai lầm và có lỗi trong bi kịch chung của gia đình.
*Bài viết tiết lộ nội dung phim
Khi xem bộ phim Hàn Quốc Điều Ba Mẹ Không Kể (Tên gốc: Romang), khán giả có lúc trách móc người cha, rồi lại chán ghét người con trai. Có lúc, họ thương cảm cho cả hai. Còn bà mẹ rất đáng thương, nhưng có lúc cũng đáng sợ. Nhưng đọng lại sau tất cả, chính là cảm giác xót xa vì bi kịch này quá gần gũi với mọi gia đình.
Liệu người cha sai, người con sai, hay người mẹ, người con dâu sai? Câu hỏi đó chẳng bao giờ có lời đáp. Vì gia đình muôn đời vẫn là mối quan hệ giằng xé phức tạp nhất của con người. Gốc rễ của gia đình là yêu thương, nhưng vì đời sống nhiều chung đụng, nên dù là máu mủ ruột rà vẫn nảy sinh không ít hờn ghen, oán hận. Có những nỗi oán hận, người ta giữ trong lòng suốt đời.
Trong gia đình, ai làm khổ ai?
Giống như phim truyền hình Về nhà đi con của Việt Nam, Điều ba mẹ không kể tạo ra một hệ thống nhân vật rất đời: họ đều có sứt mẻ, đều phạm sai lầm, đều có lỗi trong bi kịch chung của gia đình.
Bộ phim kể về một gia đình Hàn Quốc điển hình ngày nay, với đời sống kinh tế khó khăn. Trụ cột kinh tế trong nhà là người ông Ja Nam Bong (“ông ngoại quốc dân” Lee Soon Jae) đã ở tuổi gần đất xa trời, cộng với cô con dâu Kim Jung Hee ( Bae Hae Sun). Người con trai Jin Soo ( Jo Han Chul) có bằng tiến sĩ nhưng thất nghiệp còn bà mẹ già Lee Mae Ja (Jung Young Sook) cả đời làm nội trợ. Niềm vui tuổi già của bà là cô cháu gái bé bỏng, dễ thương.
Niềm an ủi của Mea Ja khi về già chính là cô cháu nội bé bỏng, đáng yêu.
Cả gia đình năm người sống chung trong một căn hộ hai phòng ngủ chật chội, cũ kỹ nhưng rất sạch sẽ do bàn tay chăm sóc của người bà. Thế nhưng, ngay từ những cảnh đầu tiên của phim, người xem lờ mờ nhận ra những bất ổn trong gia đình này khi ông Nam Bong liên tục quát tháo, gắt gỏng với vợ vì những đòi hỏi nhỏ nhặt. Còn Jin Soo có vẻ rất sợ cha mình và không dám ra bếp ăn cơm khi ông ở nhà.
Một đứa con thất nghiệp (tức thất bại?) và một người cha vô tâm? Đứa con đáng thương vì bị coi là kẻ vô dụng, kém cỏi? Người cha đáng thương vì già nua vẫn phải chạy xe taxi mỗi ngày, một mình nuôi 3, 4 miệng ăn? Một người mẹ cam chịu cả đời vì chồng con? Một người con dâu áp lực vì ngày đi làm kiếm tiền, tối về thấy chồng nằm khểnh vô dụng, cô muốn chuyển ra ở riêng nhưng chồng nhất quyết đòi sống chung với bố mẹ trong căn nhà chật chội, hay to tiếng cãi vã?
Dấu hỏi đặt sau những câu trên có nghĩa là: ai trong số đó là người khổ sở nhất, chịu nhiều thiệt thòi nhất? Có lẽ không có câu trả lời chính xác. Vì chuyện gia đình là như vậy, tất cả chúng ta đều gây áp lực lên nhau. Mỗi người đều phải chịu đựng thiệt thòi riêng. Ba thế hệ của nhà họ Jo buộc phải chung sống vì kinh tế khó khăn, người ở tuổi sung sức thì thất nghiệp, người già cỗi thì vẫn phải lao động. Họ dường như không có lối thoát.
Đổ lỗi cho nhau, nhưng rồi gạt đi và sống tiếp
Trong các bi kịch gia đình như của nhà họ Jo, không ai không có lỗi nhưng cũng không ai phải chịu tất cả lỗi lầm. Vấn đề là, những đứa con thường sống lâu hơn để nhung nhớ và hối hận. Ba mẹ già rồi cũng sẽ yếu dần, suy kiệt sức khoẻ và trí lực. Cái chết tìm đến cũng là điều tự nhiên và đẹp đẽ, đôi khi là sự giải thoát. Nhưng những đứa con vẫn còn “sót” lại trên đời. Đó là lý do nếu còn cơ hội đối xử tốt với nhau, thì hãy làm.
Trong Điều Ba Mẹ Không Kể, bệnh mất trí nhớ của người bà Mae Ja là một bước ngoặt trong chuỗi ngày thiếu thốn, nhàm chán của gia đình Jo. Ban đầu, ông Nam Bong vẫn rất vô tâm, ông nói “Bệnh thì phẫu thuật là hết chứ gì”. Về sau, khi đã tỉnh ngộ, ông nói một câu khác hẳn: “Không phải cái gì cũ, hỏng là cứ bỏ đi được đâu” (nói về cái xe taxi, nhưng khác nào nói về con người).
Hơn nữa, bệnh tình bà Mae Ja không phải là thứ bệnh cắt bỏ là xong. Đó là bệnh tâm trí, do cả đời bà sống trong cam chịu đè nén, từ cách đối xử của chồng và nỗi đau mất con. Khi bệnh đến, bà chìm trong ký ức về Jin Sook, cô con gái qua đời khi còn nhỏ. Bà để lộ một nỗi oán hận: bà luôn đổ lỗi cho chồng vì không đưa con đi bệnh viện khi nó đau ốm.
Khán giả những tưởng bà Mae Ja đúng khi đổ lỗi cho chồng. Nhưng khi phim điểm lại dòng hồi tưởng, người ta nhận ra ông Nam Bong cũng có nỗi khổ riêng. Vì muốn tu chí làm ăn, nuôi vợ con nên ông mua chiếc xe taxi. Quá vui vẻ và hào hứng, ông đi nhậu cùng nhóm bạn thân để ăn mừng. Không ngờ, đó lại là đêm Jin Sook qua đời.
Bà Mea Ja luôn đổ lỗi cho chồng vì cái chết của con gái.
Khi ký ức của ông Nam Bong được lật mở, hoá ra ông cũng tự đổ lỗi cho mình. Điều đó được tiết lộ khi ông mắc bệnh mất trí nhớ ngắn hạn, điên cuồng đập nát chiếc taxi vì nghĩ rằng vì nó mà ông mất con gái.
Chuyện gia đình không phải một vở kịch sắp đặt, có vai thiện vai ác rõ ràng. Đôi khi, sau một bi kịch, tâm trí người ta có thể trở nên vô cùng hỗn độn. Sau khi đổ lỗi cho chính mình hoặc đổ lỗi cho nhau, người ta chỉ còn cách gạt đi và sống tiếp. Vì đơn giản, họ là một gia đình. Mà đã là gia đình thì sẽ luôn tha thứ, luôn cho nhau một con đường để quay về.
Giận nhau vậy chứ, hai ông bà vẫn chăm sóc cho nhau.
Nỗi hối hận khôn nguôi vì đã xử tệ với cha mẹ
Bao nhiêu khán giả, hầu hết còn trẻ, đã khóc dàn dụa trong buổi công chiếu Điều ba mẹ không kể ở Việt Nam. Một cô gái nói, suốt cả bộ phim, cô rất nhớ và thương ba mẹ mình. Cứ nghĩ đến cảnh ba mẹ rồi sẽ già, yếu và lao đao vì bệnh tật như hai ông bà lão trong phim, cô không kìm được nước mắt.
“Càng xem, tôi càng nhớ đến những lỗi lầm mình đã gây ra với cha mẹ, tôi vô cùng hối hận”, một chàng trai chia sẻ, nước mắt giàn giụa sau buổi chiếu.
Người con trai tuy đã lớn nhưng vẫn chỉ biết dựa vào cha mẹ.
Nhân vật khiến anh đồng cảm nhất trong Điều Ba Mẹ Không Kể chính là anh con trai Jin Soo, người luôn cảm thấy mình thất bại và vô dụng, luôn oán trách cha vì quá khắc nghiệt, để rồi cuối cùng ân hận vì không quan tâm đến cha mẹ. Khán giả khóc nhiều nhất với cảnh Jin Soo cùng vợ con quay lại ngôi nhà, phát hiện ra bố mẹ đều bị mất trí nhớ, anh mếu máo khóc và gọi cảnh sát.
Con cái oán trách cha mẹ, đó là điều có thật. Không phải gia đình nào cũng có hành trình êm đẹp, không áp lực độc hại hay kỳ vọng nặng nề. Chúng ta vẫn đang bực bội, hục hặc, to tiếng, oán trách, rồi quay lưng bỏ nhau đi. Nhưng hãy nhớ, cuối cùng, những điều này cũng trở thành nỗi hối hận khôn nguôi.
Không phải mọi áp lực hay kỳ vọng cha mẹ đặt lên con cái mình đều đúng. Có những nỗi kỳ vọng như nuốt chửng một con người. Nhưng nếu có thể, hãy sống sao cho bớt hối hận khi phải lìa xa.
Điều Ba Mẹ Chưa Kể hiện đang công chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Theo Helino
Điều ba mẹ không kể - Romang: Thời gian sẽ chẳng chờ đợi một lời xin lỗi
Xúc động nhưng không đau buồn, Điều ba mẹ không kể chắc hẳn sẽ là bộ phim chữa lành vết thương đáng xem mùa hè năm nay.
Điều ba mẹ không kể không phải là một bộ phim gia đình màu hồng. Tác phẩm đan xen khéo léo nhiều tầng ý nghĩa xoay quanh tình yêu, tình bạn, những cao trào bất ngờ được xoa dịu bằng các con sóng dịu êm. Vì vậy, khi theo dõi bộ phim này, khán giả dường như đang ngồi trên một chuyến tàu lượn cảm xúc, khi phẫn nộ, khi xót xa, khi rơi lệ và thậm chí có lúc phải bật cười. Thông điệp quý giá về lời xin lỗi được biên kịch gửi gắm vào nhiều phân cảnh trong phim, khiến chúng đọng lại rất lâu, rất lâu trong tim người xem dù đã rời khỏi rạp.
'Điều ba mẹ không kể' - Romang: Thời gian sẽ chẳng chờ đợi một lời xin lỗi
Romang - tựa tiếng Hàn của Điều ba mẹ không kể - có nghĩa là ước mơ to lớn trong cuộc đời mỗi con người. Cặp vợ chồng lớn tuổi Cho Nam Bong ( Lee Soon Jae) và Lee Mae Ja ( Jung Young Sook) đến nay đã chung sống 45 năm. Ở điểm khởi hành của cuộc hành trình cả đời này, họ từng có một ước mơ tương đồng. Nhưng những thử thách trong cuộc sống phần nào đã khiến người ta quên đi mục tiêu vĩ đại đó mà chỉ chú ý đến giá trị vật chất trước mắt. Ai là người đã đổi thay, ai là người đã kiên trì theo đuổi đích đến ấy?
Cho Nam Bong là một nam tài xế taxi đã già nhưng vẫn kiên trì kiếm thêm thu nhập trên chiếc xe đã quá cũ kĩ. Dẫu luôn cư xử niềm nở với bạn bè, ông là một người chồng, một người cha tồi. Hết la mắng vợ, ông lại la mắng con trong tình trạng say xỉn. Quá đáng hơn, suýt chút nữa thì ông đã làm đau đứa cháu gái duy nhất của mình. Song, mọi người trong gia đình không ai có đủ tiếng nói để thay đổi sự nóng tính của ông.
"Bà đừng đi trước. Tôi xin lỗi"
Mọi thứ có lẽ sẽ vẫn vận hành như cũ cho đến khi...căn bệnh tắt mạch máu não nguy hiểm ập đến với với người vợ Mae Ja. Biến chứng của căn bệnh này chính là người bệnh sẽ dần mất đi trí nhớ hiện tại. Họ sẽ thường xuyên quấy rối và cư xử bất thường hơn. Sau nhiều lần cố đề cập với chồng nhưng bất thành, Mae Ja cố gắng giấu đi bệnh tình của mình cho đến khi tất cả các thành viên trong gia đình liên tục bắt gặp hành vi kỳ lạ của bà.
Hàng loạt những lời nói gây tổn thương như " Đi chết đi" hay " Tôi chẳng quan tâm" khiến trái tim khán giả hẫng lại. Cả một đời cố gắng vì chồng, vì con, người phụ nữ trong gia đình xứng đáng bị đối xử tệ bạc như thế? Còn gì đau lòng hơn chính chồng đã quyết định đưa vợ vào viện dưỡng lão?
Ông Nam Bong đưa bà Mae Ja đến viện dưỡng lão
Thế nhưng, Nam Bong sớm nhận ra sự quan trọng của vợ trong cuộc sống thường ngày của mình. Chẳng còn ai làm món cơm mà ông thích, chẳng ai chuẩn bị từ quần áo, đến đôi tất, đến đôi giày cho ông nữa cả. Ông đã hối hận, đã mong muốn được chuộc lỗi cho một biến cố rất lớn đã từng xảy ra trong cuộc đời hai vợ chồng mà đến bây giờ vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai. Có những khoảnh khắc trong bộ phim mà Nam Bong và Mae Ja đã quay ngược về những ngày mới yêu của họ: nhẹ nhàng và tràn đầy hạnh phúc.
Nhiều khán giả hy vọng vào một "happy ending" cho đôi vợ chồng già
Nam Bong từng khẳng định: " Trước giờ bà đã thấy tôi xin lỗi ai chưa?". Toàn bộ khán giả, và có lẽ cả người phụ nữ ấy nữa, đã không khỏi xúc động khi cuối cùng ông cũng đã thốt lên một câu xin lỗi. Một lời nói đủ để chữa lành vết thương cho những năm tháng đã qua, và họ cùng nắm tay nhau để tạo nên kỷ niệm đẹp nhất trong những ngày cuối cùng...
"Con xin lỗi"
Điều ba mẹ không kể không chỉ là một bộ phim về tình yêu, mà còn khắc hoạ rõ nét mỗi quan hệ giữa cha-con và mẹ-con trong mỗi gia đình. Jisoo là một người đàn ông trưởng thành đang thất nghiệp. Trong khi người cha khó tính luôn quát nạt, cằn nhằn thì mẹ luôn đối xử với anh rất nhẹ nhàng, không hề lớn tiếng dù chỉ một lần, thậm chí còn bênh vực cho anh.
Tuy nhiên, khi sức khoẻ của cả cha và mẹ đều suy sút, anh lại nôn nóng được dọn ra ở riêng thay vì ở bên cạnh chăm sóc cha mẹ. Trong thâm tâm của mình, anh luôn trách móc ba vì cho rằng ba đã không làm tròn trách nhiệm là một người chồng trong gia đình. Dù ông Nam Bong đôi khi khó tính, nhưng ông vẫn làm việc từ sáng đến khuya, chỉ để mẹ con anh được đầy đủ. Dù tuổi đã già, ông vẫn phải bươn chải để nuôi gia đình vì đứa con trai thất nghiệp.
Xét cho cùng, dù không giàu có, gia đình ông Nam Bong cũng rất đầy đủ và ấm áp
Ở đoạn cuối cùng của tác phẩm này, dù thời gian đã chẳng đợi kịp anh nói câu xin lỗi...Nhưng khán giả biết rằng đôi vợ chồng Nam Bong và Mae Ja sẽ chẳng bao giờ trách móc anh cả vì...có những điều ba mẹ không kể.
Đây không phải là một bộ phim quá hoành tráng, quá rầm rộ, ngược lại, người xem có lẽ sẽ tìm được một chốn bình yên trong tâm hồn, trong cuộc sống sau khi thưởng thức tác phẩm này. Mỗi người trong chúng ta đều sẽ có những lúc phải "chạy đua với thời gian" để nói một lời xin lỗi tử tế. Hy vọng rằng bạn, và tôi, và mọi người sẽ luôn trân quý tình cảm gia đình.
Trailer phim
Điều ba mẹ không kể khởi chiếu ngày 26.7.2019 trên toàn quốc.
Theo saostar
REVIEW: Điều Ba Mẹ Không Kể (Romang) Điều Ba Mẹ Không Kể (Romang) xoay quanh đôi vợ chồng già bị mắc bệnh mất trí nhớ và dành những giây phút cuối đời bên nhau, yêu thương nhau một cách trọn vẹn. Sau loạt phim điện ảnh về tình cảm nam thanh nữ tú hay phản ánh các vấn đề xã hội, Hàn Quốc vừa mang đến một làn gió mới...