Bi kịch gia đình và đứa con bị “bỏ rơi”
Vào trại giam, 26 tuổi, Trần Phạm Duy mới bắt đầu được học chữ. Những nét chữ dù cong queo, ngượng nghịu, nhưng Duy đã viết được thư về cho mẹ.
Duy vẫn còn nhớ như in lá thư đầu tiên, cậu đã viết: “Con đang phải trả giá cho tội lỗi của mình, chỉ mong sớm được trở về làm ăn báo hiếu cho má. Giờ con lớn rồi, yên phận rồi, sẽ không theo bạn bè phá quấy nữa”. Khi cầm trên tay lá thư của đứa con từng một thời lầm lỡ, mẹ cậu đã khóc vì hạnh phúc, cảm động…
Nghèo hèn, thất học
Đối với Duy, ký ức về tuổi thơ buồn đến nỗi cậu không muốn nhớ nữa, đó chỉ là những mảnh ghép của cảnh bố say rượu, rượt đánh mẹ một cách tàn nhẫn, hay những trận ẩu đả kịch liệt chỉ để tranh giành đồ ăn, cướp giật đồ chơi của đám bạn gần nhà. Duy không được đến trường, cậu theo đám đàn anh đi làm trang trí nội thất.
Phạm nhân Trần Phạm Duy
Bố không nghề nghiệp, chìm ngập trong rượu chè. Những lần không đòi được tiền của vợ để uống rượu, ông ta rượt đánh mẹ con Duy không thương tiếc. Từng đồng tiền mồ hôi nước mắt mẹ chắt chiu được từ những buổi chợ để nuôi sống gia đình đều bị bố vứt vào rượu, Duy thấy xót thương mẹ và hận bố vô cùng.
Khi mẹ Duy sinh thêm một em gái nữa, cuộc sống gia đình càng đói khổ, nhếch nhác. Em lên 4 tuổi, bố Duy mất vì tai biến mạch máu não. Những tưởng cái chết của bố sẽ vĩnh viễn mang theo mọi nỗi khổ hạnh của đời mẹ nhưng cuối cùng chính Duy lại là sự nối dài của những cay đắng ấy.
Duy bỏ làm, cùng đám bạn đầu xanh đầu đỏ bỏ nhà đi “dạt”, kiếm ăn từ những lần trộm cướp vặt. Năm 2002, trong một lần tranh chấp địa bàn hoạt động, Duy và hai thằng bạn cùng nhóm phạm tội cố ý gây thương tích. Hai thằng bạn lĩnh án 12 năm tù, còn Duy bị tuyên phạt 30 tháng tù.
Duy bảo, tại phiên tòa ngày ấy, mẹ cậu khóc riết, căn vặn: “ Sao mẹ khuyên can con không nghe mà lại theo bạn bè chơi bời hư hỏng?”. Không muốn làm mẹ buồn lòng, Duy im lặng không trả lời. Nhưng lúc ấy, Duy đã có suy nghĩ hận đời: “Nếu ba không nghiện ngập, má không mải chạy chợ kiếm tiền cho ba uống rượu, nhà mình không nghèo kiết xác và nếu như con được đi học, thì đâu đến nỗi con phải lao thân vào giang hồ kiếm sống khi còn quá nhỏ như vậy?!”.
Video đang HOT
Trước mặt tôi, Duy bây giờ đã 26 tuổi, trải qua rất nhiều đoạn trường cay đắng, mới hiểu “chuyện con người”. Cậu không còn oán hận số phận nghèo hèn, thất học của mình mà thay vào đó là nỗi ân hận, day dứt vì quá khứ nông nổi, lầm lỡ khiến mẹ đau lòng.
Duy bảo, chẳng ai chọn được bố mẹ, gia đình sang giàu để sinh ra, thế mà em lại nỡ thù hận chính bố mẹ đẻ của mình chỉ vì họ không lo nổi cho em cuộc sống bằng bạn bè. Nếu có kiếp sau, em vẫn xin được làm con của mẹ để có thể chuộc lỗi, báo hiếu cho mẹ.
Mang “nợ” cuộc đời
Để có được những suy nghĩ rút ruột rút gan như thế, Duy đã phải thêm một lần trả giá. Sau khi mãn hạn 30 tháng tù không lâu, Duy lại gây án giết người, cướp tài sản và bị tòa án tuyên phạt tù chung thân.
Vào trại giam Duy vẫn quen thói “băng đảng”, cùng 5 phạm nhân khác liên tục gây rối nên bị chuyển từ một trại giam của tỉnh Phú Yên ra trại giam Hoàng Tiến, tỉnh Hải Dương. Hơn một năm từ ngày chuyển trại, Duy không một lần được mẹ thăm nuôi vì quá xa xôi, cách trở. Nhưng cũng nhờ thế mà đứa con lầm lỡ như cậu mới lại biết thương mẹ hơn. Duy giờ đây đang quyết tâm cải tạo để được sớm trở về làm lại cuộc đời, báo hiếu cho mẹ.
Như muốn quên đi những tháng ngày “oanh liệt” của mình, Duy kể với tôi chuyện cậu gây án trong một buổi nhậu. Nạn nhân là người có mâu thuẫn với “đại ca” của Duy. Vì những ân oán chưa được giải quyết, trong bữa nhậu hôm đó, tình cờ gặp lại người này, đôi bên đã xảy ra cãi vã, xô xát. Và để ghi điểm với “đại ca”, Duy đã dùng dao tước đoạt tính mạng của đối thủ.
Nhưng sau đó, khi tôi hỏi đến tội danh cướp tài sản, Duy mới nói, cậu từng coi việc cướp bóc của người khác là một cái nghề, là lẽ sinh tồn cho mình. Giờ hiểu ra, cậu lại cảm thấy xấu hổ, chỉ mong muốn tội lỗi ấy, con người trong quá khứ ấy không phải là mình. Nhưng tôi cho rằng, chẳng ai có thể chối bỏ những sai lầm từng phạm phải trong quá khứ, chỉ có thể đối diện với những sai lầm ấy để sống tốt đẹp, đúng đắn ở quãng đời còn lại.
Duy kể, lần đó, phát hiện “con mồi” trên đoạn đường vắng vẻ, Duy cùng đám bạn khống chế để cướp. “Không ngờ anh ta hô hoán quá trời, sợ bị phát hiện, em đã thọc dao vào người anh ta dẫn đến hậu quả tử vong…”. Sống giang hồ đã quen, những việc chém giết cậu không biết gớm tay. Nhưng hơn 5 năm sống trong trại, có nhiều thời gian nghĩ lại quãng đời đã qua, cậu mới thấy mình mang “nợ” cuộc đời.
Nếu trước kia Duy luôn tự hào về những việc mình làm thì giờ đây cậu buộc phải nhìn lại, thật vô nghĩa khi ỷ mạnh ức hiếp kẻ yếu, kiếm miếng ăn trên mồ hôi nước mắt, thậm chí là máu của những người lương thiện. Một đứa bé mất cha, một người vợ mất chồng… nỗi đau ấy chưa bao giờ thôi ám ảnh đối với Duy.
Theo Bee.net.vn
Ngày càng nhiều án mạng từ bi kịch gia đình
Mấy ngày qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ án đau lòng có nguyên nhân từ bi kịch gia đình. Không chỉ các cặp vợ chồng trẻ nông nổi, ngay cả người lớn tuổi cũng nhẫn tâm ra tay sát hại bạn đời chỉ vì ghen tuông hay một phút nóng giận. Sau mỗi vụ án tình là sự tan vỡ của một gia đình, người chết kẻ vào tù, con cái bơ vơ. Những đứa trẻ sẽ lớn lên trong vòng tay bao bọc, dạy dỗ của ai? Hay với sự mặc cảm của bản thân, gia đình cùng với thiếu giáo dục từ cha mẹ chúng sẽ trượt dài, sa ngã vào con đường phạm pháp(!?)
Chiều 16-11, theo thông tin từ Công an xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) cô giáo Nhuyễn Thị B.T. (ngụ địa phương, giáo viên chủ nhiệm lớp 2 trường tiểu học Thạnh Đông 3) đã bị chồng dùng búa chém vào người nhiều nhát khiến cô tử vong tại chỗ.
Đồng nghiệp của cô T. kể lại trong nỗi kinh hoàng : Vào đầu giờ buổi chiều 15 -11, khi các bác sĩ của trạm xá xã đang tổ chức chích ngừa cho các em học sinh tại trường thì bất ngờ thấy cô T. vừa chạy vừa kêu cứu. Người rượt đuổi là ông Trần Quốc Thạnh (chồng cô T.) với cây búa lăm lăm trên tay. Chứng kiến cảnh trên, mọi người vội lao đến can ngăn nhưng không kịp, ông Thạnh như con thú say mồi, dùng búa xuống tay liên tiếp khiến cô T. ngã khuỵu và tử vong ngay sau đó.
Sau khi gây án, ông Thạnh móc chai thuốc trừ sâu giấu sẵn trong người uống tự tử. Nhưng mọi người đã can ngăn, đưa ông Thạnh đi cấp cứu, hiện vẫn đang điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh.
Hàng xóm của cô T. cho biết, ông Thạnh là người chồng vũ phu, thương xuyên đánh đập vợ con. Trước đây ông đã đi tù vì tội chém vợ gây thương tích nặng. Sau khi ra tù, hai vợ chồng vẫn thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.
Gia đình tan vỡ, không ít đứa trẻ bị đẩy ra đường
Trước đó, ngày 13-11, CA huyện Vị Xuyên, Hà Giang đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Đỗ Thị Thơ (SN 1976, ngụ thôn Nà Diềm, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên) về hành vi giết người.
Theo điều tra ban đầu, khoảng 11 giờ 30 ngày 10-11, lợi dụng lúc chồng là anh Phạm Văn Lai (SN 1974) sơ hở, Thơ dùng dây siết cổ chồng cho tới khi tắt thở. Giấu xác anh Lai đến 2 giờ sáng 11-11, Thơ dùng xe máy chở nạn nhân vứt xuống Sông Lô (tại cầu Km 21 thuộc thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên) để phi tang, tuy nhiên vụ việc bị CA phát hiện, bắt giữ.
Nguyên nhân dẫn đến hành động trên, theo Thơ là do anh Lai thường xuyên uống rượu bê tha, vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn cãi cọ, đánh nhau liên miên đến mức người vợ không thể chịu nổi đòn roi của chồng nên ra tay sát hại như một sự giải thoát cho mình.
Mới đây, Lúc 11 giờ ngày 13-11, tại nhà trọ thuộc KP Thạnh Lợi, P.An Thạnh, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, Võ Văn Út (SN 1987, quê tỉnh An Giang, tạm trú tại địa chỉ trên) đã dùng dao đâm một nhát vào ngực vợ là chị Châu Thị Phương Linh (SN 1990) khiến nạn nhân chết tại chỗ.
Sau một ngày trốn chạy, Út đã bị bắt. Tại cơ quan công an, Út khai do vợ luôn căn nhằn về việc kiếm được ít tiền, không đủ nuôi vợ con (Út làm công nhân, lương tháng 3 triệu đồng). Trưa 13-11, khi đi làm về, Út lại nghe vợ ca thán, sau đó vợ bỏ đi với một thanh niên. Út chạy ra lôi vào, hai bên giằng co, qúa uất ức, Út chộp dao để trong phòng đâm vợ tử vong.
Trẻ em nên được trưởng thành trong một gia đình êm ấm và nuôi nấng, dạy dỗ với cả tình yêu thương của ba mẹ
Nhiều vụ mâu thuẫn gia đình, mặc dù chưa dẫn đến án mạng nhưng đã khiến dư luận bất bình. Vào 17 giờ ngày 12-11, tại ấp Ông Hiếu, xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, do mâu thuẫn gia đình, bà Nguyễn Thị Miếng (SN 1963) và con trai là Phạm Văn Thật (SN 1990) dùng dây trói chồng là ông Phạm Văn Ngạn (SN 1958) vào cột nhà, sau đó lấy túi ni lông bịt miệng và dùng xung điện châm vào người nhiều lần nhưng nạn nhân may mắn thoát chết, vùng chạy kêu cứu. Nhận được tin báo, Công an huyện Thạnh Hóa đã đến hiện trường, điều tra nguyên nhân để có biện pháp xử lý.
Ngày 15-11, Công an tỉnh Hậu Giang đã khởi tố vụ án để điều tra hành vi của Phạm Thị Trinh ép con trai uống thuốc sâu dẫn đến tử vong. Kết quả xác minh bước đầu, anh Lê Văn Diệu (ngụ huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) và vợ Phạm Thị Trinh lấy nhau đã hơn 10 năm, hai người có một con trai năm tuổi, Trinh đang mang bầu đứa thứ hai.
Khoảng tháng 7-2011, anh Diệu bắt quả tang vợ hẹn hò với một thanh niên nên nghi ngờ bào thai Trinh đang mang không phải con của mình. Sáng 3-11, người chồng lại chất vấn vợ về việc này và cãi vã xảy ra. Bực tức, anh Diệu bỏ về nhà cha mẹ ruột. Ít phút sau Trinh và con trai lớn cũng đón xe đến đây. Hai vợ chồng tiếp tục to tiếng, Trinh đề nghị li dị, chia tài sản rồi cùng con ra về.
Một lúc sau, anh Diệu nhận được điện thoại của người nhà thông báo, mẹ con Trinh đã uống thuốc trừ sâu tự tử. Sau bốn ngày cấp cứu tại bệnh viện, cháu bé đã tử vong, riêng Trinh thoát chết.
Trước đó, ngày 14-11, Công an quận Lê Chân (Hải Phòng) cũng đã khởi tố một vụ án ghen, bắt tạm giam Cao Anh Tú (54 tuổi) về hành vi cố ý gây thương tích.
Do nghi ngờ vợ là chị Hoàng Tú Oanh (36 tuổi) không chung thủy, nên Tú yêu cầu đưa hai con chung đi xét nghiệm ADN nhưng chị Oanh không đồng ý. Vì việc này mà người chồng tức tối rắp tâm hại vợ. Rạng sáng 13-11, trong lúc vợ đang ngủ, Tú dùng kéo đâm nhiều nhát vào người, tưởng chị Oanh đã chết, Tú nhảy từ lan can tầng hai nhà mình xuống đất tự tử, nhưng chỉ bị gẫy xương sườn và xây xát ngoài da.
Có thể nói, chưa bao giờ sự gắn kết trong gia đình lại trở nên lỏng lẻo như hiện nay. Trước sức ép của cuộc sống hiện đại với rất nhiều lo toan, căng thẳng cùng những cám dỗ vật chất khiến tình nghĩa phu thê ngày càng rẻ rúng, thậm chí sẵn sàng đem đi đánh đổi lấy tiền bạc. Cuộc sống thực dụng cùng lối sống buông thả, sự ích kỷ cá nhân xuất hiện ngày càng nhiều. Đó là những tác động lớn dẫn đến sự rạn vỡ ngày càng nhiều trong các gia đình, là mầm mống của bạo lực.
Điều đáng lo lắng nhất là một bộ phận không nhỏ giới trẻ, thậm chí được học hành, giáo dục đàng hoàng cũng có cách nhìn rất lệch lạc về gia đình. Họ yêu đương, cưới hỏi rất dễ dãi và dĩ nhiên cũng nhanh chóng ra tòa li dị. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ trong các gia đình trẻ ngày càng nhiều. Và lệ lụy là con cái họ không có đủ tình thương và sự chăm sóc, dạy dỗ chu đáo của cả cha và mẹ. Rất dễ dẫn đến sự lệch lạc trong phát triển tâm lý. Và lẽ đương nhiên con đường trở thành một người bình thường, hữu ích đối với những đứa trẻ này rất nhiều chông gai.
Theo CATP
Cưới 'chạy tuổi' Về nhà chồng gần tháng mà Hảo vẫn chưa cho chồng động vào người mình vì sợ. May thay chồng Hảo cũng là người tế nhị nên hiểu và thông cảm cho cô. Dần dần anh cũng "thuần phục" được Hảo. Năm nay được tuổi Cả nhà Hảo rôm rả đi tìm chàng rể cho con gái. Xem bói, hết thầy nọ đến...