Bi kịch của những đứa trẻ không được thừa nhận ở Hong Kong
Không có giấy khai sinh hoặc chứng minh thư, những đứa trẻ này không được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục cơ bản. Chúng thường bị bố mẹ giấu đi, không cho đến trường hoặc thậm chí bị những người xung quanh xua đuổi vì sợ các em mang mầm bệnh do không được tiêm chủng vắc-xin.
Nhiều trẻ em đang phải chịu cảnh không được thừa nhận khi không được nhập tịch vào Hong Kong và phải sống chui lủi trong thành phố vì là con của những người nhập cư bất hợp pháp, lao động hết hạn lưu trú hay có bố mẹ là tội phạm, tâm thần…
Siu Yau-wai, một cậu bé 12 tuổi mủm mĩm, sống giữa thành phố phồn hoa Hong Kong nhưng chưa từng được đi học. Không phải vì nhà em quá nghèo hay có vấn đề về sức khỏe mà đơn giản chỉ vì em không có giấy khai sinh và bị xếp vào những người cư trú bất hợp pháp trong thành phố này.
Bà Chow Siu-shuen, bà ngoại của Yau-wai cho hay, cậu bé được sinh ra ở Trung Quốc đại lục. Từ khi sinh ra, bé đã bị bố mẹ xem là một điềm xấu vì mẹ bé bị chẩn đoán bị ung thư vú còn cha thì bị mất một cánh tay khi trong một tai nạn lao động. Do vậy, họ bỏ rơi Yau-wai chỉ ít ngay sau khi sinh ra và bỏ trốn biệt tích.
Năm Yau-wai 3 tuổi, bà ngoại em họ Chow, nhập cư vào Hong Kong làm thuê đã tìm mọi cách đón cậu bé về chăm sóc. Sử dụng tên giả, bà Chow xin cho Yau-wai được một giấy lưu trú ngắn hạn.
Video đang HOT
Siu Yau-wai và bà ngoại Chow Siu-shue.
Đa số thời gian ấu thơ của Yau-wai đều ở trong căn hộ nhỏ với người bà 67 tuổi và ông ngoại 80 tuổi ở khu Kwun Tong, Hong Kong. Em chỉ được ra ngoài chơi vào những ngày thứ Bảy do sợ bị nhiều người bắt gặp. Chỉ cần một chuyến thanh tra của cơ quan dân số hoặc nhà ở là đủ để trục xuất Yau-wai về Trung Quốc, bà Chow cho hay.
Và vì không có giấy khai sinh nên Yau-wai không thể đến trường, em được bà dạy học ở nhà. Bà Chow mua rất nhiều sách cho cháu trai để giữ cậu ở trong nhà cả ngày trong khi bà đi làm nhân viên sòng bài với mức lương hơn 600 USD một tháng. Tuy vậy, bà đã nghỉ việc từ năm 2012 và hiện giờ 3 người đang sống dựa vào trợ cấp tuổi già.
Dù rất thích đọc sách nhưng Yau-wai chỉ có thể đến thư viện vào buổi tối để tránh bị soi mói. Em không được mượn sách mang về nhà vì không có chứng minh thư. Cậu bé cũng không thể đến bệnh viện khi ốm vì lý do tương tự.
“Khi nó bị ốm hay sốt, tôi đành phải cho nó uống những loại trà thảo dược. Thi thoảng thì tôi đưa Yau-wai tới các phòng khám đông y, ở đó họ không yêu cầu chứng minh thư”, bà Chow chia sẻ.
Ước mơ của Yau-wai (áo đen ngoài cùng bên phải) là được đến trường như bao đứa trẻ khác. Trong ảnh là lần đầu tiên cậu bé được đến thăm một lớp học.
Những trường hợp như Yau-wai không phải hiếm gặp ở Hong Kong. Trước đó, một thiếu nữ 14 tuổi đã tự sát hồi tháng 4 năm nay vì bản thân không phải là một cư dân của Hong Kong, không có chứng minh thư hay các giấy tờ pháp lý. Vụ việc đã gióng lên hồi chuông về tình cảnh của những đứa trẻ đang sống nhưng lại như không tồn tại ở Hong Kong.
Cục An ninh Hong Kong cho biết, kể từ năm 1997 đến nay, có 71 trường hợp trẻ sinh ra tại đây mà không có giấy khai sinh được ghi nhận. Tuy nhiên, cục này cũng cho biết, đây chỉ là con số được theo dõi và ghi nhận thông qua Bộ Di trú, trong thực tế, con số này có thể lớn hơn rất nhiều.
Ông Billy Wong Wai-yuk thuộc Ủy ban Quyền Trẻ em Hong Kong cho hay, những đứa trẻ không thể chứng sinh thường có bố mẹ là những người lưu trú bất hợp pháp hoặc là con của những ông bố bà mẹ có dính vào tội phạm hình sự, có vấn đề về tâm thần hoặc nghiện ma túy.
Ông Wong cũng nhận định: “Trẻ em không thể lựa chọn nơi mình sinh ra và những trường hợp như Yau-wai, chúng ta – những người lớn cần phải hành động để các em không bị tổn thương vì những điều này. Chính phủ cần phải sử dụng các nguồn lực để đảm bảo các quyền lợi cơ bản mà các em đáng được hưởng”.
Ông Kay McArdle, giám đốc của tổ chức PathFinder, một tổ chức chuyên về quyền trẻ em cho hay: “Sự can thiệp của luật pháp với những đứa trẻ bị bỏ rơi như trên còn nhiều thiếu sót. Đang có những đứa trẻ bị quên lãng ở Hong Kong, chúng sống trong bóng tối, bị tước đoạt hết mọi quyền lợi và không thể đi đâu vì không có chứng minh thư “.
Cậu bé Yau-wai bị gửi trả về Trung Quốc đại lục và có thể sẽ bị đưa vào trại trẻ mồ côi.
Mặc dù vậy, khi những trường hợp như Yau-wai được đưa ra ánh sáng lại làm dấy lên làn sóng tranh cãi dữ dội trong dư luận Hong Kong. Người thì ủng hộ, thúc giục chính phủ nhanh chóng cấp giấy chứng minh thư và chứng sinh cho những đứa trẻ này, người lại phản đối vì quan ngại vấn đề nhập cư tại Hong Kong sẽ càng trở nên phức tạp.
Trước đó, trong một bài báo trên trang Southest China Morning Post, Yau-wai tiết lộ, ước mơ của cậu bé là được đến trường đi học và sau này sẽ là một kế toán.
“Cháu rất thích tính toán, cháu muốn đi học để sau này có thể chăm sóc được ông bà”. Tuy nhiên, ước mơ tưởng chừng giản dị đó của Yau-wai sẽ còn rất gian nan khi em đã chính thức bị gửi về Trung Quốc.
Bà ngoại của cậu bé nói trong nước mắt: “Có lẽ tôi sẽ phải gửi Yau-wai vào trại trẻ mồ côi, nếu không để nó đi, chúng tôi cũng không biết làm gì trong tình cảnh này”.
Theo Danviet