Bi kịch của lòng tin vào chồng
Giờ thì Huyền giơ cả ly rượu lên tu ừng ực. Huyền chua chát: “ Sao tao phải sống như vậy chứ? Sao tao phải cung phụng chồng, chiều chuộng chồng,… để rồi chính tao bị phản bội?…”.
Năm nay họp lớp kỷ niệm 15 năm ngày ra trường, đông đủ cả, chỉ thiếu duy nhất cái Huyền. Hồi học cấp III, Huyền là lớp phó học tập, cán bộ Đoàn, thuộc thành phần “cốt cán” của lớp nên sự thiếu vắng của nó ai nấy đều thắc mắc. Người nọ hỏi người kia, gọi điện theo số di động thì tổng đài thông báo “thuê bao quý khách đang gọi hiện không liên lạc được”, gọi số cố định thì không ai nghe máy.
Vắng Huyền, bọn con gái trong lớp xúm xít bàn luận lý do vì sao Huyền không đến. Đứa đoán, vì chồng nó ghen nên không cho vợ đi họp lớp. Người ngờ vực, Huyền giờ giàu có, thuộc hàng mệnh phụ phu nhân nên không muốn giao tiếp với đám bạn bình dân nữa. Cái Thủy kín đáo ghé sát tai tôi: “Tan họp lớp, tao và mày đi gặp nó. Tối qua nó gọi cho tao. V ợ chồng nó không được êm ấm nên nó không muốn đến chỗ đông người”.
Hồi học phổ thông, tôi, Thủy và Huyền thân nhau như bộ 3 xe – pháo – mã. Nhưng rồi ra trường, mỗi đứa một nơi. Đến tuổi lấy chồng, sinh con, đứa nào cũng tối mặt tối mũi với việc nhà, việc cơ quan, họa hoằn lắm người nọ mới hỏi thăm cuộc sống của người kia. Hồi học đại học, Huyền cũng học ở Hà Nội, nhưng sau khi tốt nghiệp, nó không trụ lại thành phố như vài đứa trong lớp, trong đó có tôi mà về tỉnh công tác cho gần gia đình. Rồi Huyền lấy một anh con nhà quan chức, bản thân chồng nó cũng có vị thế trong một Sở của tỉnh. Cuộc sống gia đình Huyền thuộc hàng vương giả trong tỉnh.
3 năm qua tôi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài nên không liên lạc gì với Huyền. Nó là đứa thông minh, sống chân thành, lại lấy chồng thành đạt nên tôi luôn tin cuộc sống của nó hạnh phúc. Cách đây 5 năm, hồi lớp tôi, đứa nào có chiếc xe máy tay ga đã là oách lắm thì Huyền đã có ô tô riêng. Họp lớp lần đó, lúc Huyền yểu điệu bước xuống từ chiếc xe hơi bóng loáng, bọn con gái không khỏi ghen tỵ, và đám con trai nhìn mà phát thèm.
Video đang HOT
Vậy mà lần này kết thúc buổi họp lớp, Thủy đưa tôi đến một quán bar, Tại đây, Huyền đã ngồi đợi sẵn. Tôi không thể nào nhận ra người ngồi trước mặt chúng tôi lại có thể là cái Huyền đài các, cao sang ngày nào. Nó gầy rộc, da xạm đen, mắt thâm quầng, trũng sâu. Huyền giờ không còn đi ô tô mà đi xe máy. Thủy gọi 3 ly sinh tố hoa quả cho 3 đứa. Tức thì Huyền đính chính với người phục vụ: “Cho chị một whisky 18″. Tôi trợn mắt kinh ngạc. Nó cười, chả ra vui, chả ra buồn: “Mày ăn cơm tây bao năm mà vẫn không biết uống rượu à? Tao giờ không rượu, cũng như chúng mày nấu canh mà không cho bột ngọt ấy”. Tôi trân trân nhìn Huyền, linh cảm thấy điều chẳng lành.
Nhân viên phục vụ mang rượu đến bàn và định giúp Huyền khui rượu nhưng nó ra hiệu để tự mình làm nấy. Huyền lặng lẽ rót những giọt rượu sóng sánh vào chiếc ly trước mặt. Vẻ rất chuyên nghiệp, nó đưa chiếc ly để ngang tầm mắt, dùng tay xoay nhẹ một vòng để những giọt rượu láng vòng quanh thành ly rồi mới từ từ đưa lên miệng. Nó nhấp từng ngụm, trầm ngâm. Uống ly thứ nhất. Rồi ly thứ hai. Đến ly thứ ba thì nó bật khóc, thổn thức như một đứa trẻ. “Tao ước một cuộc sống thanh bình, ít tiền, nhiều tiếng cười như chúng mày”. 3 năm rồi không gặp, nhìn Huyền khóc, tôi lúng túng chẳng biết nên nói gì để động viên nó. Thôi thì cứ để Huyền được khóc cho nhẹ lòng.
“Mày và Quân không thể cứu vãn được nữa sao?” – Thủy mở đầu câu chuyện.
“Tao lấy Quân không vì nhà cao cửa rộng. Cũng không vì Quân là con quan chức. Vì yêu Quân, tao đã từ bỏ mọi thứ thuộc về tao: Công việc, nỗ lực phấn đấu, các mối quan hệ xã hội, và thậm chí là cả sở thích cá nhân… Rốt cuộc, tao càng vì Quân thì Quân càng cho mình cái quyền được áp đặt, ra lệnh và quản lý mọi hành động, suy nghĩ của tao. Đã đến lúc, tao cần sống cho mình. Ngoài tuổi băm rồi còn gì. Ngoảnh đi ngoảnh lại, thời gian vèo trôi, chả mấy mà sang đầu bốn”… Vừa nói, nước mắt Huyền lã chã rơi.
Ngừng đoạn, Huyền tiếp: “Tao tránh mặt mẹ tao vì không muốn bà đau lòng. Nhưng có lẽ, tao sẽ sớm nói cho bà biết mọi chuyện. Tao đã thuê được nhà mới, cũng liên hệ được chỗ học mới cho bọn trẻ. Mọi việc trong gia đình bên chồng, tao đã thu xếp ổn thỏa, không gây điều tiếng hay có gì tranh chấp đến tài sản, con cái. Các cụ đều là người có học nên xử sự mọi việc có văn hóa, đại lượng.
Thực lòng, tao đã rất yêu và có lẽ vẫn còn yêu Quân. Tao không thể tưởng tượng được cuộc sống sau này sẽ ra sao. Nhưng nếu bảo tao bỏ qua mọi chuyện để lại tiếp tục tay ấp má kề với chồng thì không thể. Khi phát hiện ra Quân mua nhà cho tình nhân ở, có con riêng, tao đã vô cùng căm thù chồng. Nhưng khi ngọn lửa hờn ghen lắng xuống, nhớ lại tất cả những gì tao đã sống vì chồng, vì con, hy sinh cho gia đình, tao thấy thật vô nghĩa. Tao tuyệt vọng. Và giờ là lúc tao cần phải quyết định cuộc sống cho mình.
Sai lầm của tao là đã quá tin tưởng chồng, sống phụ thuộc vào chồng. Chúng mày biết khi tao hỏi anh ấy lý do ngoại tình, Quân đã nói rằng: “Anh yên tâm vì đã có vợ và không thể cưỡng lại được cảm xúc mới. Anh biết mình đã sai nhưng anh không thể dừng lại”.
Giờ thì Huyền giơ cả ly rượu lên tu ừng ực. Huyền chua chát: “Sao tao phải sống như vậy chứ? Sao tao phải cung phụng chồng, chiều chuộng chồng, không dám giao du với bạn bè vì sợ chồng ghen, để rồi chính tao bị phản bội? Tao ngẫm rồi, muốn hy sinh cho người khác, phải biết sống cho bản thân nữa! Tao không còn căm thù chồng, vì dẫu sao anh ấy cũng là bố của các con tao. Ở tuổi này, tao không muốn lại mang đơn đi xin việc. Vì thế tao đã có hướng mở công ty kinh doanh. Chúng mày yên tâm, tao sẽ ổn mà”… Huyền lại uống.
Nhìn nó say mèm, tôi xót xa định giằng lại ly rượu. Thủy ngăn: “Chúng mình đừng cản. Cứ để nó say. Và cứ để nó tự quyết định cuộc sống của nó”.
Theo STT
Yêu nhầm... em họ của mình
"Thằng Quân nó là em họ mày đấy, không thể yêu nhau được đâu con ạ. Ông ngoại mày với bà ngoại nó là hai anh em ruột. Không ai người ta cho chúng mày lấy nhau đâu..."
Em vượt cả quãng đường dài gần 200km để về quê dự đám cưới cô bạn thân trong tâm trạng cực kỳ vui vẻ. Ngày hôm nay không nhiều nắng, nhưng bầu trời thì vẫn cứ trong xanh, thăm thẳm và cao tít, giống như chỉ để trêu ngươi những cặp mắt của thế gian. Nhìn thấy đấy, nhưng sao cứ xa vời vợi, cũng giống như anh.
Đám cưới rộn ràng và vui vẻ lắm, cho đến tận lúc họ nhà trai đến rước dâu. Em sững sờ đến lặng cả người đi khi gặp lại anh trong đoàn người theo sau chú rể. Anh bây giờ nhìn đĩnh đạc và rắn rỏi, khác hẳn với những nét thư sinh của ngày xưa. Đã 4 năm rồi không gặp, vậy mà lòng em vẫn quặn lại khi nhìn thấy dáng anh.
Anh không còn xưng hô "anh - em" như ngày xưa mình vẫn gọi, mà cũng chẳng phải là "chị - em" giống như đáng lẽ ra là phải thế. Vậy nên câu chuyện gượng gạo của chúng mình diễn ra chưa đến mười phút rồi cả hai đều tự kiếm cớ rút lui. Có lẽ khoảng thời gian bốn năm là chưa đủ để chúng ta vượt qua được những nỗi mặc cảm từ sâu thẳm trái tim.
Ngày đó gia đình anh từ trong Nam chuyển về quê sinh sống. Nhà anh cách nhà em tới 2km đường bộ, nhưng vì học chung trường nên chúng mình thường xuyên gặp nhau, và rồi yêu nhau. Tình yêu học trò ngây ngô và khờ dại, nhưng có lẽ chính vì thế nó lại trở thành những kỷ niệm không dễ để quên, nhất là đối với cả anh và em, vì đó đều là mối tình đầu.
Chúng mình yêu nhau, cùng bảo ban nhau học tập, cố gắng phấn đấu vì tương lai hai đứa. Năm em đỗ vào đại học thì anh cũng đang là chàng sinh viên năm thứ hai. Em hân hoan đưa anh về nhà ra mắt, với mong muốn để bố mẹ yên tâm hơn khi biết ở trên trên trường, em đã có một chỗ dựa vững chắc và tin cậy là anh.
Nhưng có ai ngờ đâu, đó lại là cuộc gặp gỡ định mệnh của chúng mình. Lúc anh về rồi, mẹ gọi em vào trong phòng và tuyên bố: hai đứa mình nhất định phải cắt đứt quan hệ yêu đương. Mẹ bảo, thà đau một lần rồi thôi, còn hơn nếu cứ kéo dài thì sau này thế nào cũng sẽ phải hối hận: "Thằng Quân nó là em họ mày đấy, không thể yêu nhau được đâu con ạ. Ông ngoại mày với bà ngoại nó là hai anh em ruột. Không ai người ta cho chúng mày lấy nhau đâu. Từ trước tới giờ mày chỉ cắm đầu vào học, còn bố mẹ lại chỉ mải lo làm ăn, không dạy dỗ và bảo ban về quan hệ họ hàng cho đến nơi đến chốn nên mới để xảy ra chuyện này, bố mẹ có lỗi. Nhưng bây giờ mẹ biết rồi thì mẹ nhất quyết không đồng ý đâu. Chia tay đi con ạ".
Ngỡ ngàng, em ngây người ra, cố định thần lại, chỉ hy vọng mình đang ở trong một giấc mơ. Em trống rỗng, không biết nên làm điều gì cho phải. Những ngày sau đó, em quyết định nghe theo lời mẹ, chia tay với anh. Nhưng tình yêu đâu phải là thứ có thể dễ dàng sai khiến. Mình cứ xa nhau, rồi lại quay lại vì không thể sống thiếu được nhau.
Khi quay lại, dường như ở cả hai đứa đều xuất hiện một ranh giới, to lớn lắm, mà lại vô hình. Khi người ta lo lắng về một vấn đề gì cực kỳ quan trọng thì thường hay nổi nóng. Em và anh cũng không nằm ngoài quy luật đó. Mình cứ nói chuyện, hay gặp một lúc là lại cãi vã, hoặc giận dỗi nhau, mặc dù cả hai đều rất yêu nhau, và những sự giận hờn đó chỉ là vì đang lo sợ về ngày mai không xa.
Dằn vặt, đau khổ như thế trong vòng hơn một năm thì anh quyết định chính thức chia tay. Anh bảo rằng sẽ đến một vùng đất mới, tập sống một cuộc sống mới, để quên đi những ký ức về em. Và rồi anh đi du học theo chương trình tài trợ của một công ty liên doanh với nước ngoài. Còn mình em ở lại, vô hồn.
Từ ngày đó chúng mình không gặp nhau, cũng chẳng còn liên lạc. Em có thử yêu thêm hai lần nữa, nhưng rồi mọi chuyện cũng chẳng đi tới đâu, vì trong trái tim em, chưa người nào có thể thế chỗ được anh.
Hôm nay, gặp lại anh trong đám cưới, em cũng chẳng biết nên vui hay nên buồn. Bao kỷ niệm ngày ấy lại ùa về. Nhói đau... Dẫu biết rằng em sẽ phải quên anh, nhưng sao khó quá. Có lẽ chỉ đến khi nào tận mắt nhìn thấy anh cưới vợ, sinh con, sống một cuộc sống vui vẻ thì lúc đó em mới yên lòng. Cầu chúc cho trái tim em bình yên, cho ngày xưa của em được hạnh phúc!
Theo STT
Cái dại khi dùng vợ bẫy tình đàn ông Gã nóng mặt, cố kìm mình, nhón gót nhẹ nhàng tiến về phía cửa. Tiếng rên rỉ từ phía phòng ngủ dội vào tai gã nhức nhối. Mắt hằn lên lồng lộn, gã xông vào phòng. Gã nghĩ ngấm nghĩ ngầm thế nào rồi tức tối hất văng cái bát cơm đang ăn dở vào xó bếp, một tiếng "choang" rất to làm...